Lời người dịch: Bài viết được in trên Tạp chí Zhongwai jiaoliu năm 2003, đến nay đã ngót 10 năm nhưng có lẽ vẫn là một góc nhìn hữu lí về điện ảnh Trung Quốc để chúng ta tham khảo. Ở đây người dịch bỏ qua một số chi tiết không cần thiết nhưng vẫn cố gắng giữ nguyên bản ý của tác giả và cũng xin lưu ý lại một lần nữa rằng: Đây là bài viết của một người Trung Quốc, in trên tạp chí của Trung Quốc, nói về những khó khăn của điện ảnh Trung Quốc, và tất cả thông tin và lập luận của tác giả dừng lại ở thời điểm năm 2003.
1. Kịch bản ít, đạo diễn không có “bột” để gột nên “hồ”
Đạo diễn Trương Nghệ Mưu thường than thở: “Tôi phải bơi trong một đống tiểu thuyết tìm trên báo, tạp chí hay các sách mới xuất bản, mong tìm một cái gì có thể chuyển thể thành phim mà không được”. Đạo diễn Phùng Tiểu Ninh thường bị “trách” là không chuyên tâm vì anh là đạo diễn nhưng phải tự viết kịch bản. Có người trong ngành điện ảnh (xin được giấu tên) đã nói: “Người giỏi không viết kịch bản, họ không muốn phụ thuộc người khác nên muốn làm đạo diễn; vì thế những người có kiến thức về kịch bản, viết được những kịch bản có giá trị ngày càng hiếm”. Qua so sánh sẽ thể thấy ở Mĩ - một cường quốc điện ảnh - có một đội ngũ biên kịch chuyên nghiệp, số người sống bằng nghề biên kịch rất đông, mỗi năm có rất nhiều học sinh tốt nghiệp các trường biên kịch. Chỉ cần các đạo diễn đăng tin uảng cáo là nhận được vô số kịch bản gửi tới, ngoài ra mỗi năm còn có hơn 300 đầu sách hay được lựa chọn để chuyển thể. Thậm chí nhiều đạo diễn còn thuê người đọc hàng đống tiểu thuyết mà không sợ làm thế là tốn công đãi cát tìm vàng. Có công ty đã không ngại bỏ ra 2 triệu USD để mua bản quyền cuốn tiểu thuyết Sông Xen mà nếu tiểu thuyết này xuất bản tác giả chỉ được 195 USD tiền nhuận bút. Điều đó là do quy luật điều tiết của thị trường. Thường thì người biên kịch sẽ được nhận 5% tổng chi phí của bộ phim. Nếu làm một bộ phim hết 5 triệu USD thì nhà biên kịch sẽ được nhận 250.000 USD. Thế nhưng ở Trung Quốc lại khác hẳn. Rất nhiều nhà biên kịch đã bôi bác những vấn đề nhỏ thành phim dài tập để vừa nhàn vừa có nhiều nhuận bút. “Nếu có chế độ đãi ngộ thỏa đáng sẽ có người làm tốt công việc của mình”, điều này có vẻ vẫn chưa trở thành phương châm đối với khâu sáng tác kịch bản. Trung tâm kịch bản phim thuộc Tổng cục phim trung ương Trung Quốc đã ban hành “Quy định về chế độ khuyến khích người viết kịch bản”, theo đó thu nhập của người viết kịch bản sẽ là: “Nhuận bút cơ bản + Tiền thưởng dành cho kịch bản hay”. Như vậy, sau khi nhận được từ 6 vạn - 8 vạn Nhân dân tệ (NDT) nhuận bút cơ bản tác giả còn có thể nhận thêm khoảng 7 vạn NDT tiền thưởng nếu kịch bản đó được các chuyên gia lí luận phê bình điện ảnh đánh giá là kịch bản xuất sắc. Để khắc phục tình trạng thiếu kịch bản, trong thời gian tới Tổng cục phim trung ương Trung Quốc sẽ tăng thêm chi phí cho công tác định hướng và sáng tác kịch bản. Ngoài ra còn có một loại hợp đồng dành cho kịch bản theo nguyên tắc giám định: “Lãi cùng hưởng, lỗ cùng chịu”, người biên kịch sẽ nhận nhuận bút phần trăm theo doanh số thu được sau khi bán vé. Cách làm này có thể khích lệ những người có tài năng và tâm huyết viết ra những kịch bản có chất lượng cao.
2. Kinh phí quay phim lấy ở đâu?
Nguồn kinh phí quay phim là vấn đề làm đau đầu hầu hết các đạo diễn Trung Quốc. Ngoài những đạo diễn có năng lực thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước như Trần Khải Ca, Trương Nghệ Mưu, Phùng Tiểu Cương..., các đạo diễn khác đều khổ sở vì thiếu vốn. Để làm một bộ phim ở Trung Quốc trung bình hết khoảng 4 - 5 triệu NDT, và như đạo diễn Phùng Tiểu Cương cho hay thì riêng kinh phí đầu tư cho quay một bộ phim của Trung Quốc cũng chỉ bằng 2% so với kinh phí quay một bộ phim của Mĩ. Điện ảnh thực sự rất cần kinh phí nhưng lại luôn thiếu kinh phí, đó là một sự thật. Những xưởng phim muốn tự thu chi đều thiếu vốn trong khi đó mọi người lại coi đầu tư vào điện ảnh là một việc làm mạo hiểm. Qua nhận định của một số giới chức, điện ảnh Trung Quốc muốn tồn tại và cạnh tranh thì phải thực hiện theo hai cách: Mua đứt hoặc ăn chia. Nhà làm phim có thể phát hành theo phương thức “ăn chia” với các trung tâm chiếu phim, thường là nhận được 1/3 số tiền thu từ bán vé, nhưng không ai dám chắc là phim sẽ phát hành xuôi chèo mát mái. Trên thực tế, một bộ phim làm hết 5 triệu NDT khi phát hành phải thu được 15 triệu NDT nhà làm phim mới có thể tạm gọi là “hòa vốn”. Để mở rộng sự phát triển của điện ảnh, Tổng cục phìm trung ương Trung Quốc cho phép các xưởng phim tư nhân độc lập làm phim sau khi được cơ quan hữu quan phê chuẩn mà không cần nhờ bất kì một xưởng phim trung ương nào đứng tên như trước kia. Rất nhiều công ty đã hưởng lợi từ chính sách này như Công ty TNHH đầu tư điện ảnh anh em Hoa Nghị từng quay một bộ phim do Cát Ưu thủ vai chính và một số phim khác... Cùng với sự đổi thay và thích ứng không ngừng tiến tới hoàn thiện chính sách dành cho điện ảnh, ngày càng có nhiều xưởng phim tư nhân khẳng định được vị thế và tên tuổi của mình trong làng giải trí.
3. Kịch bản sửa đi sửa lại hay “vấn nạn cầu toàn”
Đạo diễn Hồ An - người từng quay phim Tây Dương Kính đã nói: “Người đạo diễn làm phim cũng chính là làm văn. Từ khi bắt đầu chọn kịch bản cho đến khi phân cảnh, phân vai, viết phần trình bày của đạo diễn cho tới khi viết quảng cáo cho phim, tất cả đều là làm văn. Người viết kịch bản là “học sinh”, trong khi đó chúng ta có quá nhiều “giám khảo”, các vị giám khảo lại quá khó tính”. Trên thế giới, có lẽ không ở đâu mà đạo diễn và người biên kịch lại vất vả như ở Trung Quốc trong khâu chỉnh sửa kịch bản. Kịch bản bị sửa đi sửa lại nên phim quay xong lại phải quay lại hết cảnh nọ đến cảnh kia. Việc chỉnh sửa, quay lại này tiêu tốn rất nhiều kinh phí và sức lực của nhà làm phim, có khi ngang việc sản xuất một bộ phim mới, trong khi đó hiệu quả chẳng khi nào toàn mĩ như mong muốn. Điện ảnh Trung Quốc ở vào tình trạng mà việc chỉnh sửa kịch bản giống như đánh cờ vây “càng nghĩ càng thêm bí” nếu không muốn nói là “chữa lợn lành thành lợn què”. Quan niệm “văn mình, vợ người” nếu có đúng thật thì nên để tác giả thể hiện tài năng qua kịch bản. Tình trạng này không phải do người viết kịch bản hay người quay phim kém mà chủ yếu là do người chỉnh sửa làm hỏng kịch bản, làm hỏng phim. Trong xã hội hiện nay, ai cũng có quyền “góp ý” cho việc chỉnh sửa kịch bản nhưng tác giả kịch bản phải có quyền bảo vệ ý kiến cũng như ý tưởng nghệ thuật của mình. Điều duy nhất cần làm là việc “đánh giá” phim phải được công khai hóa để người xem biết được một bộ phim sở dĩ bị coi là “kém” vì nó “kém” ở chỗ nào và ngược lại. Nhìn từ góc độ khác, nếu coi điện ảnh là một dạng nghề nghiệp thực sự, một dạng hàng hóa thực sự thì nó phải có những thước đo riêng, quy trình thao tác riêng và những yêu cầu kĩ thuật riêng cũng như những thuộc tính và đặc điểm riêng... của mình. Đó là điều mà những người làm điện ảnh chuyên nghiệp ở Trung Quốc phải nghĩ tới.
4. Giá vé xem phim: Người thu nhập thấp không thể kham nổi
Có thể nói giá vé cao đã ảnh hưởng xấu đến nền điện ảnh: Làm khổ người xem và lỡ kế hoạch của nhiều nhà làm phim. Cho đến nay thời kì chỉ tốn 0,5 NDT để mua một vé xem phim trong kí ức tuổi thơ của những người trung niên đã không còn nữa. Nhìn qua các rạp lớn ta sẽ thấy giá vé ở đây thực sự khiến đa số người lao động có thu nhập trung bình phát hoảng: Giá vé ở Rạp chiếu phim quốc tế Hoa Tinh là 100 NDT, ở Rạp Tân Đông An và Rạp Đại Hoa là 30 - 60 NDT, ở Rạp Thanh niên là 25 - 40 NDT. Trong khi ấy phim Titanic khi công chiếu tại Mĩ giá vé chỉ khoảng 60 - 80 NDT. Tính bình quân giá vé tại các rạp là 40 NDT mà giá trứng gà trên thị trường là 3,4 - 4,2 NDT/Kg, như vậy phải đổi khoảng 10Kg trứng gà mới mua được một vé xem phim, điều này quá sức tưởng tượng của đại đa số người dân. Có một người trong ngành điện ảnh đã nói: “Trong thế kỉ XXI, điện ảnh phải là một hình thức giải trí có tính hưởng thụ và chi phí cao. Vào một rạp chiếu phim “5 sao” ngồi ghế ngả, uống sinh tố... xem những bộ phim nổi tiếng đương nhiên là mốt thuộc về khả năng của những người giàu ở thành phố”. Quan niệm như thế cũng có lí nếu nhìn từ góc độ thương mại nhưng nếu xét từ thuộc tính của nghệ thuật điện ảnh thì rõ ràng quan điểm này không thể đứng vững. Xét cho cùng, điện ảnh là nghệ thuật của đại chúng, không có công chúng thì điện ảnh sẽ không thể tồn tại. Nhà làm phim luôn tìm tòi và hướng tới thị hiếu của công chúng nhưng tại sao người phát hành phim lại bỏ qua, gạt số đông công chúng ra ngoài cửa rạp? Đã có người nghĩ tới phương án thiết kế các rạp chiếu phim hạng trung tại các cụm dân cư ở những khu đô thị, khi đó giá vé sẽ không quá cao. Việc làm này sẽ góp phần làm hạ giá vé ở các rạp lớn nhưng quan trọng là thị trường giải trí ở Trung Quốc có thực sự cần loại hình rạp loại hình trung đó không thì lại cần được khảo sát một cách khoa học trên quy mô rộng.
Những khó khăn nói trên của điện ảnh Trung Quốc là một hiện thực. Cái khó nằm ở chính điểm xuất phát huy hoàng và quá nhiều thành tựu của điện ảnh Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc đang tập trung tài năng và mạnh dạn tận dụng những thời cơ, vận hội để đưa nền điện ảnh của mình phát triển lên một tầm cao mới.
(Nguồn dịch: Tạp chí Zhongwai jiaoliu, 2003)
Người dịch: Phạm Văn Hưng -
Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV,
ĐHQGHN
Last Updated on Wednesday, 06 April 2011 15:00
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét