Cùng với Dorothea Lange, Henri Cartier-Bresson, Walker Evans là một tên tuổi không thể không nhắc đến của lịch sử ảnh tư liệu đặc biệt là thời Đại suy thoái của nước Mỹ cũng được coi là một trong những nhiếp ảnh gia nổi tiếng nhất thế kỷ 20. Ông còn là người bạn rượu thân thiết của nhà văn nổi tiếng Ernest Hemingway thời kỳ nhà văn người Mỹ mới đặt chân tới đất nước Cuba để tìm cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết Có và không có.
Đối với những sinh viên ngành nhiếp ảnh và người làm nghề với ống kính máy ảnh trên khắp thế giới, Walker Evans là một cái tên rất quen thuộc. Sinh thời, giống như nhiều đồng nghiệp khác, một mặt vẫn khao khát được sáng tạo, mặt khác phải đối mặt với vấn đề nhãn tiền: cơm áo gạo tiền, Walker Evans đã phải làm thêm những công việc như người lao động bình thường ở khu phố Wall vào ban đêm. Công việc này cho phép ông thanh toán các hóa đơn tiền nhà, thực phẩm và hoàn toàn rảnh rỗi vào ban ngày để có thể lang thang cùng chiếc máy ảnh. Nhiếp ảnh gia người Mỹ đã thừa nhận mình đã ngủ và ăn rất ít để có thể cân bằng giữa kinh tế và đam mê. Dù làm bất cứ việc gì, niềm đam mê cuối cùng của ông vẫn là nhiếp ảnh.
Trẻ em Cuba, 1933
Parque Central II, 1933
Không được đào tạo chuyên môn về nhiếp ảnh, thời thơ ấu, Walker Evans nghịch với một chiếc máy ảnh Kodak trong nhà tắm của gia đình và lần đầu tiên biết tới kỹ thuật nhiếp ảnh qua một số người bạn là họa sĩ. Với ông, nhiếp ảnh là hình thức nghệ thuật dân chủ nhất, bất cứ ai đều có thể sử dụng máy ảnh, ngay cả một đứa trẻ 5 tuổi hay một con tinh tinh. Thật khó có thể tưởng tượng nhiếp ảnh gia nổi tiếng của thể kỷ 20 lại biết về những kỹ thuật nhiếp ảnh đầu tiên từ những người bạn chuyên vẽ tranh nhưng thực tế đó là sự thật. Từ đó, ông đã tự nghiên cứu các họa sĩ cổ điển từ thời kỳ Phục hưng, nghiên cứu nhiếp ảnh cổ điển, liên tục đặt ra những câu hỏi để rồi tự tìm ra câu trả lời.
Là một nhiếp ảnh gia đường phố, Walker Evans rất quan trọng đến yếu tố trung thực của các tác phẩm. Ông luôn có quan điểm tôn trọng sự thật, mặc dù sự thật thời của ông thường dễ gây sốc, đầy rẫy bất công. Dù vậy, Walker Evans luôn tự nhủ không thể làm ngơ với những vấn nạn, sai lầm. Ông đòi hỏi một thái độ nhân đạo, công bằng với công việc của mình. “Nếu chụp một bức ảnh có thể giúp xã hội trở nên tốt đẹp hơn, tôi thực hiện. Nếu cảm thấy bức ảnh vô nghĩa (chỉ chụp cho chính mình), tôi dừng lại”, ông nói.
Allie Mae Burroughs, vợ của một tá điền bông, Hale County, Alabama, mùa hè năm 1936Bên đường, vùng cận Birmingham, Alabama, năm 1936
Bud Fields và gia đình của ông, Hale County, Alabama, mùa hè năm 1936
Yếu tố can đảm và bản năng ở các nhiếp ảnh gia đường phố ngày nay đã được Walker Evans thực hiện từ nhiều năm về trước. Những năm 1930, nhiếp ảnh gia nổi tiếng từng lên tiếng về việc bản thân chỉ muốn sáng tạo những gì có giá trị tiên phong về mặt thẩm mỹ và nghệ thuật. Ông rất biết cách cân bằng giữa bản năng và kế hoạch trên tinh thần vui vẻ, giải phóng và linh hoạt. Walker Evans thường kết hợp hài hòa hình ảnh cảnh quan đô thị và con người trong các bức ảnh của mình. Ông thường nghĩ rằng mình luôn làm một điều gì đó không được chấp nhận và càng nỗ lực để khiến chúng được chấp nhận.
Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, chúng ta bị ám ảnh với độ sắc nét ống kính, độ phân giải cảm biến máy ảnh… nhưng vào thời Walker Evans, ông đã ít quan tâm tới việc trau chuốt các bức ảnh trong phòng tối cũng như các kỹ thuật, thủ thuật làm ảnh. Ông không thích việc lọc màu đến cùng kiệt các bức ảnh tuy nhiên luôn tôn trọng thao tác này của các đồng nghiệp. Ông khuyên các nhiếp ảnh gia trẻ tuổi nên thử nghiệm với các kỹ thuật làm ảnh nhưng không nên lạm dụng và coi đó là mối bận tâm chính của một nhiếp ảnh gia.
Con cái của tá điền Frank Tengle tại Hale County, Alabama, 1936Một nông dân Alabama, năm 1936
Walker Evans nổi tiếng một phần vì trong suốt sự nghiệp, ông chỉ gắn bó với vài chiếc máy ảnh hiệu Leica, Rolleiflex, Polaroid SX-70. Đặc biệt, quãng cuối sự nghiệp, nhiếp ảnh gia nổi tiếng rất gắn bó với chiếc Polaroid, mọi lúc, mọi nơi. Sở dĩ Walker Evans ưa chiếc Polaroid đến vậy là do thiết kế đơn giản, tiện dụng nhưng lại đòi hỏi một kinh nghiệm sâu sắc. Mặc dù từng bị chỉ trích vì chụp ảnh những điều qúa bình thường, thiếu giá trị nghệ thuật nhưng Walker Evans đã không hề nản lòng và nhận lại thành quả là sự công nhận của công chúng, đồng nghiệp sau nhiều thập kỷ sau khi vào nghề.
Sinh thời, một trong những quan điểm gây tranh cãi nhất của Walker Evans là việc ông cho rằng, ảnh màu “thô tục” còn ảnh đen trắng mới thật là cái gốc, là nhiếp ảnh đích thực. Tuy nhiên, một vài năm sau, nhiếp ảnh gia người Mỹ thừa nhận mình bắt đầu thử nghiệm chụp ảnh màu và không hề trốn tránh, đã can đảm thừa nhận sai lầm của mình. Ông cũng thể hiện sự chuyển biến trong nhận thức nhiếp ảnh khi cộng tác với nhà văn văn James Agee cho ra đời cuốn sách Let Us Now Praise Famous Men.
Kẻ nổi loạn lạ lùng của nhiếp ảnh đường phố thế kỷ 20
Walker Evans là một người tiên phong vĩ đại trong nhiếp ảnh không phải vì ông đã tiếp nối một con đường được chấp nhận mà vì ông đã đơn phương đương đầu với thẫm mỹ nghệ thuật đã được định hình, một kẻ nổi loạn lạ lùng khi chụp lại những điều bình thường vào thời điểm không ai nghĩ rằng đó là nghệ thuật.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét