Đối
với phóng sự, đến nay vẫn còn tồn tồn tại nhiều quan niệm khác nhau. Trong quá
khứ, nó vẫn được coi là một loại tản văn có tính tự sự và được xếp vào tản văn.
Những năm gần đây, có người cho rằng, phóng sự có những đặc điểm không giống với
bất kì thể loại văn học nào, nên xem nó là một thể loại văn học độc lập. Còn có
người chủ trương nhập phóng sự vào văn học ghi chép sự thực việc thực. Có lẽ
nên coi phóng sự là một thể loại văn học trung gian điển hình.
Tiểu
thuyết là sản phẩm của sự phát triển báo chí thời cận đại, tên của nó được người
Đức chính thức xác lập sau đại chiến thế giới lần thứ nhất. Đương thời, dưới ảnh
hưởng của cách mạng tháng 10 Nga, nhân dân Đức mở ra cao trào cách mạng, gặt
hái được thành công oanh liệt, để thỏa mãn yêu cầu của quần chúng nhân dân, một
số kí giả tiến bộ đã dùng phương thức cụ thể tường tận hơn tin tức để phản ánh
những sự kiện này, sáng tạo ra thể loại văn học báo cáo tin tức, và gọi nó là
“phóng sự”. Mao Thuẫn vào năm 1937 đã chỉ ra: “phóng sự là dạng thức văn học đặc
thù được sinh ra trong một thời đại bão táp, nhiều biến đổi của chúng ta. Quần
chúng độc giả yêu cầu được biết ngay những biến động trong cuộc sống ngày hôm
qua, tác giả phải nhanh chóng phân tích những hiện tượng phát sinh mới nhất
trong xã hội ( những sự kiện mới này không khác nhau là mấy) để mang đến cho độc
giả xem, sách báo phải có cảm nhận thời đại tinh tế, nhạy cảm. Đây đều là căn
nguyên ra đời và phát triển của “phóng sự”(Mao Thuẫn, Về phóng sự, xem Lí luận tản
văn hiện đại Trung Quốc, Nxb Nhân dân Quảng Tây, 1984. tr 313). Phóng sự vừa
ra đời dựa trên cái tình thế thời đại là cần ghi chép chân thực, làm phong phú
tinh thần thời đại để trở nên nổi tiếng thế giới, trước sau đã sáng tạo ra những
tác phẩm nổi tiếng như: “Trên đất Mĩ
của M.Gorki, Mười ngày rung chuyển thế giới của J.Rit, Viết dưới giá treo cổ của Iu.Liu.Xphuxich, Bao thân công của Hạ Diễn, Ngục
trung kí thực của Phương Chí Mẫn…
Đặc
trưng nổi bật của phóng sự là vừa có tính thông tin tin tức lại vừa có đặc điểm
văn học, là tác phẩm dung hòa giữa tính thông tin thời sự và tính văn học, tin
tức và văn học đều nằm ở trung gian. Nhìn từ góc độ văn học, phóng sự là thể loại
trung gian của văn học. Gọi là “báo cáo”, phóng sự tất yếu biểu hiện người thật,
việc thật trong cuộc sống hiện thực, chú trọng báo cáo ngay lập tức sự kiện và
thời gian có thực khiến cho nó có tính thời sự và tính chân thực. Gọi là văn học,
tất yếu phóng sự phải vận dụng thủ pháp văn học, có đầy đủ các yếu tố nghệ thuật
kể chuyện, các yếu tố như: khắc họa nhân vật, miêu tả hoàn cảnh, tô đậm không
khí… tất yếu phải được điển hình hóa. Vì thế, tính thời sự, tính chân thực, tính văn học cấu thành nên đặc trưng cơ bản
của phóng sự.
Tính thời sự chỉ phóng sự có chức năng
phản ánh nhanh chóng và kịp thời cuộc sống hiện thực, có tính hiệu quả trong thời
gian có hạn và tính chính luận. Tác giả phóng sự thường là người tự mình đến hiện
trường, trực tiếp quan sát lấy tin, sau khi nắm được tài liệu rồi mới sáng tác,
sáu yếu tố của phóng sự đều phải đầy đủ là: thời gian, địa điểm, sự kiện, nhân
vật, nguyên nhân, kết quả …. Những yếu tố này không những phong phú không khí
thời đại mà còn nóng hổi cảm giác hiện trường khiến cho phóng sự, trong khi đạt
được tính hiện thực cũng đạt được tính chân thực. Phóng sự còn biểu hiện quan
niệm thời gian rất mãnh liệt. Những vấn đề như con người mới, sự kiện mới, hiện
tượng mới, các tầng vấn đề mới trong cuộc sống xã hội, nếu nung đúc thành tiểu
thuyết, văn học kịch thì phải mất một khoảng thời gian tương đối dài, duy chỉ
phóng sự mới có thể làm được nhanh chóng kịp thời. Tính chính luận là chỉ phóng sự có khuynh hướng chính trị tương đối
rõ ràng, có sắc thái tình cảm, có sự phán đoán giá trị xã hội với những yêu
ghét phân minh. Tác gia phóng sự là người đi đầu của thời đại, lắng nghe mạch đập
của cuộc sống, nắm bắt tổng thể cuộc sống, nhìn rõ bản chất cuộc sống, trong
khi lấy đề tài, cấu tứ đã thể hiện phán đoán đúng sai, khuynh hướng giá trị,
bình giá tư tưởng, thậm chí trực tiếp phát biểu nghị luận, nói ra những điều đã
thấy, biểu thị quan điểm chính trị và khuynh hướng tư tưởng của bản thân.
Tính
chân thực là đặc trưng nổi bật nhất của phóng sự. Tính chân thực của phóng sự
là chỉ những nhân vật, sự kiện, hiện tượng, vấn đề do tác phẩm viết ra đều có
thực, chân thực; tác giả nghiêm khắc dựa theo bản thân sự thật cuộc sống để viết
ra, không hư cấu, không giả thiết, không bịa đặt. Phóng sự cứ trình bày những sự kiện trọng đại
trước mắt và nhân vật có ý nghĩa điển hình cho đến những hiện tượng có ý nghĩa
phổ biến, đây đều là những thứ tồn tại trong cuộc sống hiện thực, có thời gian,
địa điểm chính xác, nhân vật có tên họ, nghề nghiệp, đơn vị (có khi lộ ra trong
những suy xét, có khi ẩn đi) có biểu hiện nguyên nhân và kết quả cụ thể. Nếu
như thiếu sự chân thực của hiện thực, phóng sự sẽ không còn là phóng sự nữa.
Sinh mệnh của phóng sự nằm ở tính chân thực.
Phóng
sự có thể hay không có thể hư cấu nghệ thuật. Trong giới lí luận văn học, tồn tại
nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Một loại ý kiến cho rằng phóng sự không
thể xa rời tưởng tượng và hư cấu ở một mức độ nhất định, có thể cần vận dụng
phương pháp điển hình hóa. Sở dĩ tồn tại ý kiến trên vì phóng sự trong quá trình
ra đời và phát triển của mình có hai loại: một loại lấy người thực việc thực
làm đối tượng miêu tả, hoàn toàn không dùng hư cấu, chỉ miêu tả làm nổi bật sự
kiện hoặc nhân vật trong cuộc sống giàu ý nghĩa xã hội, hơn nữa, đặc biệt coi
trọng việc căn cứ vào sự thực của sự kiện, nhân vật miêu tả, không những yêu cầu
tính chân thực thời đại, chân thực cuộc sống mà còn yêu cầu tính chân thực, chuẩn
xác của điều kiện xã hội và điều kiện thời gian. Một loại khác cũng lấy cuộc sống
hiện thực làm cơ sở, nhưng trong quá trình viết, tác giả đã tiến hành gia công
nghệ thuật thích hợp đối với sự thực, thậm chí, trên cơ sở những điều nghe thấy,
nhìn thấy tiến hành thêm bớt ở mức độ hợp lí, hư cấu, tưởng tượng thêm đối với
sự không đầy đủ của một số hiện thực nào đó. Sự tồn tại của loại tác phẩm phóng
sự này khiến cho một số người chủ trương phóng sự có thể hư cấu và điển hình
hóa. Có người cho rằng, nếu phân loại kĩ càng hơn một chút có thể xếp cả hai loại
trên vào loại hình thứ nhất, và tính điển hình hóa của phóng sự chủ yếu là do lựa
chọn và bình giá chính xác mà ra, không phải do tưởng tượng hư cấu, cũng không
phải do tổng hợp hoặc phóng đại mà thành. Tính khái quát của nó thường biểu hiện
ở việc lựa chọn, chỉnh lí tất yếu đối với hiện thực, không thể thoát li hiện thực
mà hư cấu, nâng cao.
Tính
văn học là điều kiện không thể thiếu của phóng sự. Tính văn học chỉ việc vận dụng
các thủ pháp văn học để tiến hành lựa chọn, tuyển lựa tài liệu, xây dựng hình
tượng nhân vật dưới tiền đề người thực việc thực, làm nổi bật bức tranh xã hội,
tạo nên sự gợi cảm nghệ thuật. Qixi – nhà phóng sự Tiệp Khắc xuất sắc- đã chỉ
ra: “Điều cơ bản của phóng sự là viết thật nhanh những tài liệu có thực, chỉ cần
như vậy cũng có thể đạt đến cảnh giới của một tác phẩm độc lập” (E.E.Qixi
Bàn về phóng sự, Lun tu she, 1953, tr4). Mao Thuẫn cho rằng: “Phóng sự và
thời sự tin tức khác nhau, vì phóng sự tất yếu cần phải hình tượng hóa trọn vẹn,
tất yếu phải miêu tả hoàn cảnh phát sinh sự kiện và không gian cuộc sống của
nhân vật. Một tác phẩm phóng sự hay tất yếu phải có đầy đủ điều kiện dựa trên
phương diện nghệ thuật mà tiểu thuyết có – như: khắc họa nhân vật, miêu tả hoàn
cảnh, xây dựng bầu không khí” (Mao Thuẫn: Về
phóng sự, xem: Lí luận tản văn hiện đại
Trung Quốc, Nxb Nhân dân Quảng Tây, 1984, tr312). Tác giả phóng sự cứ lấy
con mắt thẩm mĩ của nhà văn để tuyển lựa đề tài, xử lí đề tài, dụng tâm sáng tạo
ý cảnh nghệ thuật đẹp, tận lực làm hiện lên hương vị văn học, đồng thời còn vận
dụng nhiều loại thủ pháp biểu hiện văn học khiến phóng sự vừa có sắc thái chính
trị rõ ràng, vừa có thể viết ra một cách cụ thể những cảm nhận thực về hiện trường,
ngôn ngữ sinh động, tính trữ tình và tính lí luận đều cao.
Tiểu
thuyết kí thực là một loại của văn học ghi chép sự thật, cũng là một thể loại
văn học trung gian. Dựa theo sự giải thích của cuốn Bách khoa toàn thư về văn học giản yếu Nga, văn học kí thực (còn gọi
là văn học có tính văn hiến, hoặc văn học có tính ghi chép) là một loại “văn
xuôi nghệ thuật có tính sử liệu học thuật”, nó phản ánh tường tận, chi tiết cái
đương thời, tái hiện toàn bộ hoặc bộ phận sự thật lịch sử trên cơ sở tư liệu
văn hiến. Nhưng văn học kí thực không phải là kể lại một cách đơn thuần lịch sử
hoặc hiện thực, mà là sử dụng tổng hợp nghệ thuật và thủ pháp khái quát, phản
ánh chân thực cao độ diện mạo cụ thể của cuộc sống và chân dung sinh động cuộc
sống, diện mạo tâm lí của nhân vật lịch sử. Đồng thời, so với tiểu thuyết, tưởng
tượng của tác giả trong văn học kí thực chịu một giới hạn nghiêm ngặt. Thủ pháp
chủ yếu của sáng tác văn học kí thực là chọn lọc, tổng hợp, đối sánh, phân
tích, dùng hình thức văn học tái hiện một cách đầy triết lí, trong sự thực lịch
sử, văn hiến, tất nhiên, trong đó, không thể thiếu nguyên tắc điển hình hóa. Đối
tượng phản ánh của văn học kí thực không thống nhất, bản thân nó lại có nhiều
hình thức, trong đó có tiểu thuyết kí thực.
Tên
gọi của tiểu thuyết kí thực cũng không thống nhất, có nhiều cách gọi, như: tiểu
thuyết phóng sự, tiểu thuyết tin tức, phản tiểu thuyết, phi tiểu thuyết, tiểu
thuyết không hư cấu…. Trong lịch sử, tiểu thuyết được coi là “văn học hư cấu”
có tính tự sự, “văn học hình tượng”, tác giả thông qua hư cấu, tưởng tượng nghệ
thuật để toàn bộ hoặc bộ phận thế giới tiểu thuyết của người sáng tạo và thế giới
kinh nghiệm của độc giả tương thông, trùng hợp, khiến độc giả tin là thật, mà sự
thật được kể lại không nhất thiết phải là sự việc có thật, nó là sự thăng hoa,
tổng hợp, khái quát từ sự thực cuộc sống. Trên ý nghĩa truyền thống này, tiểu
thuyết kí thực và bản chất của tiểu thuyết khác nhau ở tính kí thực(ghi chép sự
thật), nó là sản phẩm của sự kết hợp giữa ghi chép sự thực và tiểu thuyết, mà
ghi chép sự thực lại có sự liên quan tới phóng sự và tin tức. Có thể nói, tiểu
thuyết kí thực được tạo thành do sự kết hợp của phóng sự, truyện kí và tiểu
thuyết. Những năm 60 của thế kỉ 20, ở nước Mĩ xuất hiện Trường phái tân tân văn chủ nghĩa lấy biểu hiện hiện thực xã hội
làm chủ. Đây là một trường phái cho rằng nguyên tắc ba W truyền thống của giới
tin tức thời sự là When, Where, What đã không còn phù hợp với yêu cầu mới, do
đó, ngoài ba W ra còn phải thêm một W nữa, đó là “Why”, dựa vào sự giúp đỡ của
độc giả để giải thích, nắm bắt tình thế của sự kiện thời sự. Một số tác giả như
Norman
Mailer… lấy thủ pháp trần thuật của tiểu thuyết để thể hiện thời sự, trong sáng
tác đã tiến hành pha trộn nội dung và thủ pháp văn học như tình tiết câu chuyện,
hình tượng nhân vật, miêu tả bối cảnh, hoạt động tâm lí.., có khi còn vận dụng
kĩ xảo điện ảnh, kịch, âm nhạc, hội họa…tạo nên một loại tiểu thuyết riêng biệt.
Đây là một thể loại văn học xuất hiện sớm ở Âu Mĩ và Liên xô cũ, Nhật Bản…,
cũng ảnh hưởng đến Trung Quốc, khiến Trung Quốc cũng xuất hiện tiểu thuyết kí
thực. Trên phương diện lịch sử, Trung Quốc sớm có truyền thống tiểu thuyết kí
thực. Lấy đề tài thời sự làm khuynh hướng chủ yếu, tiểu thuyết Trung Quốc giai
đoạn từ trước cho đến thời Minh Thanh và tiểu thuyết thời sự cuối thời Minh
Thanh chính là sản phẩm của sự chuyển biến từ nhãn quan gia đình sang xã hội và
cuộc sống hiện thực của các nhà văn….Truyền thống này đã được tiếp tục ở thời cận
đại và thời Ngũ Tứ, khiến cho văn học Trung Quốc thời sau duy trì được quan hệ
gần gũi với xã hội
Đặc trưng
nổi bật của tiểu thuyết kí thực chính là tính trung gian. Có nhà nghiên cứu đã
chỉ ra: “Hình thức thể loại tiểu thuyết kí thực, trên thực tế thuộc về văn học
trung gian, nói một cách chính xác hơn là “tiểu thuyết trung gian”. Nó kết hợp
nhiều nhân tố như: phóng sự tin tức, tự bạch nội tâm, ghi chép văn tự, ghi chép
văn hiến, điều tra xã hội, luận giải chú thích triết học, câu chuyện truyền kì,
những chuyện ít người biết, những chính sử ít người nghe, chân tướng của những
điều thầm kín, bàn luận về những chuyện hằng ngày, tìm hiểu chuyện cổ tích…,
dung nạp rất nhiều nội dung khoa học khác như triết học, xã hội học, văn hóa học,…nhân
loại học, tâm lí học, kinh tế học, lịch sử học”(Tô Băng Tiểu thuyết kí thực: Ý nghĩa của việc thể nghiệm cách tân thể loại.
xem Bình luận tiểu thuyết. 1987, tr3).
Trên
phương diện nội dụng, tiểu thuyết kí thực lấy sự thật cuộc sống làm yếu tố. Sự
thật cuộc sống, trong đó, hoặc là tin tức thời sự, như Yến Triệu bi ca của Tưởng Tử Long, Trường kính đầu 5.19 của Lưu Tâm Vũ; hoặc là tin tức cũ, như Kị nhật của Hình Trác, Chặng đường kì lạ của Nữ sĩ Gilbert Newton Lewis tại Trung Quốc của Lạc Hân. Nội dung như vậy của “tân văn” hoặc “cựu văn”, biến
thành yếu tố căn bản của tiểu thuyết, khiến cho nhân vật, tình tiết trên phương
diện yếu tố truyền thống xuất hiện sự thay đổi rất lớn, chức năng ghi chép hiện
lên rõ ràng và dễ thấy. Chức năng ghi chép sự thật của tiểu thuyết kí thực biểu
hiện ở việc xử lí nghệ thuật thích đáng đối với sự thật cuộc sống, khiến cho sự
thật không thể hoài nghi đó xuất hiện trước mắt độc giả dựa trên cái bản chất.
Vì thế, nó thường không có tình tiết quan hệ theo logic nhân quả chặt chẽ như
tiểu thuyết truyền thống, cũng không phải là tiểu thuyết đã nhạt hóa ba yếu tố
đó. Tiểu thuyết kí chú trọng yếu tố thời sự, sự chân thực, tường tận của tài liệu
và sự phân tích, thẩm bình, giải thích, cho nên nó thường chọn nhân vật thời sự,
sự kiện thời sự, sự thực lịch sử. Nếu chọn sự thực cuộc sống tản mạn, vụn vặn,
bé nhỏ làm đề tài thì điều mà nó chú trọng lại là những gì giống như sự chất
phác, hoặc bản chất của cuộc sống. Sự việc được ghi chép cụ thể tuần tự, nhân vật
được miêu tả, tình tiết triển khai, hoàn cảnh, bầu không khí, sự khái quát làm
cho tiểu thuyết kí thực khác tiểu thuyết truyền thống, có thể nói, nó đã trở
thành một thể loại độc lập trong đời sống văn học.
Trên
phương diện thủ pháp nghệ thuật, tiểu thuyết kí thực có chủ trương loại bỏ, làm
giảm yếu tố hư cấu, lấy việc ghi lại sự thật làm phương tiện nghệ thuật. Những
điều nó miêu tả tuy là con người và sự kiện xác thực, nhưng nó tránh được những
phiền phức của phóng sự khi lấy danh tính thật trong cuộc sống, cái nó chú trọng
là dùng hình thức và thủ pháp kĩ thuật của tiểu thuyết, thậm chí trong sáng tạo
hình tượng nhân vật, kịch tính của cục diện cũng đều được tiểu thuyết hóa. Nó
đã có thể tìm được hứng thú của độc giả từ trong cung điện nghệ thuật của tiểu
thuyết, lại cũng có thể tạo được ma lực của sự chân thực cuộc sống. Nó cũng viết
về nhân vật và trạng thái tâm lí nhân vật, chỉ có điều là những nhân vật và trạng
thái tâm lí nhân vật mà nó viết không phải do hư cấu, sáng tạo, mà là loại trừ
hư cấu cấu nghệ thuật để cho nhân vật và trạng thái tâm lí nhân vật có được sự
hiển hiện chân thực.
Tiểu
thuyết kí thực có hình thái kết cấu khác với tiểu thuyết truyền thống và một số
tiểu thuyết tâm lí đương đại. Nếu tiểu thuyết truyền thống lấy tình tiết làm sợi
dây liên kết, tiểu thuyết tâm lí thường lấy tâm lí nhân vật làm sợi dây kết cấu
thì tiểu thuyết kí thực dựa trên sự thực cuộc sống để triển khai tạo một hình
thái kết cấu có trật tự gọi là “phóng khoáng có trật tự”, có nghĩa là nhà văn
có thể lấy sự thật cuộc sống vốn không có trật tự để tổ chức lại khiến nó lộ ra
trật tự nội tại. Đây là một loại hình thái kết cấu siêu việt, kết cấu có đầu có
cuối, trước sau chiếu ứng. Tương quan nhân quả của kết cấu sự kiện cũng siêu việt,
kết cấu tùy hứng mang đậm tính chủ quan, nhảy nhót không ngừng, bức xạ đa
phương của kết cấu tâm lí, nó có thể làm cho bản thân hiện thực xuất hiện một
cách chất phác. Tiểu thuyết kí thực có thể có hình thức kết cấu tuyến tính,
hình thức kết cấu móc xích, hình thức kết cấu tổ hợp, hình thức kết cấu của tản
văn, hình thức kết cấu phân tích… tất cả đều có sự linh hoạt tương đối lớn.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét