Quảng Tây và Việt Nam núi sông liền kề. Trong thời gian dài đấu tranh gian khổ giành độc lập của nhân dân Việt Nam, Quảng Tây từng là một căn địa của cách mạng Việt Nam. Những năm 30, 40 của thế kỉ 20, chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều nhà cách mạng Việt Nam thường hoạt động tại Quảng Tây. Thơ chép tay Nhật kí trong tù của chủ tịch Hồ Chí Minh được viết trong khoảng thời gian từ năm 1942 đến năm 1943, khi ông bị phái phản động Quốc dân Đảng giam tại các nhà ngục tỉnh Quảng Tây. Tính đến 10 tháng 9 năm nay (1983) là vừa tròn 40 năm ngày chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Tây được trả lại tự do. Chúng tôi đọc lại thơ chép tay Nhật kí trong tù của ông, tiếp thu được nhiều bài học giáo dục sâu sắc, kích thích chúng tôi hoài niệm vô hạn và sùng kính đối với lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, người bạn tốt của nhân dân Trung Quốc.
Hạ tuần tháng 8 năm 1942, chủ tịch Hồ Chí Minh rời Pắc Bó - căn cứ địa cách mạng Việt Bắc, vào Trung Quốc qua biên giới Thanh Tây . Mục đích của ông đến Trung Quốc lần này là đến Trùng Khánh hội kiến với đoàn đại biểu Cộng sản Trung Quốc do Chu Ân Lai đứng đầu. 25 tháng 8, chủ tịch Hồ Chí Minh đến Ba Mông huyện Thanh Tây, ở nhà của người nông dân Dư Vĩ Tam. Đây là điểm dừng chân tại Quảng Tây của các nhà cách mạng Việt Nam thời kì đó. Hồ Chí Minh vốn chỉ định ở lại một đêm, sáng sớm ngày thứ hai sẽ lên đường. Nhưng ngày thứ hai lại là ngày tết trung nguyên âm lịch của Trung Quốc (14-7), anh em Quảng Tây nhất định muốn chủ tịch Hồ Chí Minh ăn tết xong mới đi. Chủ tịch Hồ Chí Minh bèn ở lại Ba Mông thêm một ngày nữa, ngày 27-8, người nông dân Thanh Tây tên là Dương Thọ (còn có một tên khác là Dương Thắng Cường) hộ tống chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường. Đi đến thôn Túc Vinh của huyện Đức Bảo thì bị bảo an địa phương quốc dân Đảng bắt giam. Ngày 28 bị giải về huyện thành Thanh Tây, bị phái phản động Quốc dân Đảng giam ngục. Không lâu sau, chủ tịch Hồ Chí Minh lại từ Thanh Tây qua Nam Ninh, Liễu Châu… đến Quế Lâm, cuối cùng lại bị giải từ Quế Lâm về Liễu Châu, giam trong ngục của bộ trưởng quan tư lệnh chiến khu 4. Cứ như vậy, chủ tịch Hồ Chí Minh bị phái phản động Quốc dân Đảng luân chuyển giam giữ, “giải qua 33 huyện của Quảng Tây, ở trong 48 phòng giam”, mãi đến 10-9-1943 mới được trả lại tự do. Trong ngục, chủ tịch Hồ Chí Minh dùng chữ Hán viết 100 bài[2], chép trên giấy bản, cuối cùng đóng thành một bản nhỏ. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trên bìa 4 chữ “Ngục trung nhật kí”. Năm 1960, Nxb Văn học Nhân dân nước tôi đã xuất bản thơ trong tù của chủ tịch Hồ Chí Minh, cuốn sách mang tên “ Ngục trung nhật kí thi sao” (Nhật kí trong tù Thơ chép tay )
Ngay đầu cuốn Ngục trung nhật kí thi sao là bài thơ ngũ tuyệt:
“Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần càng phải cao”[3]
Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy tên bài thơ này là Khai quyển, đây là sự lựa chọn hoàn toàn xác đáng. Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy thân thể bị giam cầm, nhưng không lúc nào quên đại nghiệp cách mạng. Ông ý thức được rằng một người cách mạng muốn đảm đương được trọng trách cách mạng, nhất định phải có ý chí kiên cường, phải có dũng khí coi thường mọi khó khăn. Có tinh thần cách mạng này thì sẽ có thể vượt qua được các loại thử thách gian khổ, đưa sự nghiệp cách mạng tới thắng lợi. “Muốn nên sự nghiệp lớn, tinh thần càng phải cao”, đây là câu thơ chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để cổ vũ bản thân, trên thực tế cũng là như vậy. Trong hơn một năm bị giam trong ngục, chủ tịch Hồ Chí Minh ở đâu cũng thể hiện tinh thần cách mạng như thế. Trong một trăm bài thơ phản ánh cuộc sống trong ngục này, mỗi bài cũng đều thẩm thấu tinh thần cách mạng đó.
Trung Quốc cũ, nhà ngục của phái phản động Quốc dân Đảng là nơi của tội ác và sự đen tối, nhà ngục các nơi ở Quảng Tây cũng không ngoại lệ. Các thói xấu và điều kiện vật chất cực kì tồi tệ khiến con người không thể nào chịu nổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu bị giam cầm, đã liên tục phải chịu đựng những đày đọa thống khổ. Ăn không được, thân bị trói, chân bị cùm, chịu rét, ngủ trên hố xí, bị muỗi, rận rệp đốt, mệt mỏi vì bị áp giải trên đường… Chủ tịch Hồ Chí Minh mất tự do, tình cảnh vô cùng khó khăn.
Nhưng đối với một nhà cách mạng, những khó khăn này thấm tháp gì? Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi 21 tuổi đã rời xa Tổ quốc, trải qua cuộc sống đấu tranh gian khổ ở nước ngoài 30 năm. Trong thời gian này ông đã tiếp thu chủ nghĩa Mác Lê nin, sáng lập ra Đảng cộng sản Việt Nam, lãnh đạo đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam, cũng trải qua vô số lần gặp khó khăn tai họa. Khó khăn đã tôi luyện chủ tịch Hồ Chí Minh trở nên vô cùng kiên cường. Lần bị giam cầm này chẳng qua cũng chỉ là một cửa ải khó khăn mà ông gặp trong quá trình đấu tranh cách mạng trường kì mà thôi. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng coi nó là cơ hội để rèn luyện ý chí cách mạng, trong một bài thơ khác, ông viết: “Nếu không có cảnh đông tàn, Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân…”.
Phương pháp biện chứng của cách mạng chính là như vậy. Tuy mùa đông có thể khiến vạn vật bị tàn héo, nhưng một khi mùa đông qua đi, mùa xuân đến, vạn vật lại tràn dầy sức sống. Sự đày đọa tuy khiến cơ thể con người đau đớn, nhưng chính nó lại rèn luyện ý chí tinh thần con người. Đây là triết lí sâu sắc mà chủ tịch Hồ Chí Minh lĩnh hội được trong thực tiễn đấu tranh cách mạng. Triết lí này, trong hai bài thơ khác của chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thể hiện rất rõ ràng:“Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công”(Nghe tiếng giã gạo); Đi đường mới biết gian lao/ Núi cao rồi lại núi cao trập trùng/ Núi cao lên đến tận cùng/ Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”(Đi đường)
Dùng giã gạo và đăng sơn đi đường để ẩn dụ cho sự khó khăn mà chúng ta phải gặp phải, thật là sinh động, hình tượng! Trong câu chữ bình dị này đã bao hàm đạo lí cách mạng vô cùng sâu sắc! Cuộc sống hiện thực lẽ nào không phải chính là như vậy sao? Gạo sau khi được giã liền biến thành gạo trắng tinh; con người khi vượt qua qua những khó khăn trở ngại sẽ đến một vùng trời tráng lệ mênh mông . Điều này có thể biểu thị một cách hình tượng con người sau khi trải qua những rèn luyện của khó khăn diện thế giới tinh thần có bước nhảy vọt.
Sau khi người cách mạng tiếp thu chủ nghĩa Mác lê nin, nắm được quy luật phát triển của lịch sử, có thể nhìn xa trông rộng, trong bóng tối nhìn thấy ánh sáng, trong khó khăn nhìn thấy hi vọng, đối với sự nghiệp cách mạng bất kì lúc nào đều tràn đầy niềm tin chiến thắng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là đại biểu kiệt xuất trong vô số những nhà cách mạng. Đây là bài thơ có tên là Buổi sớm:
“Đầu tường sớm sớm vầng dương mọc/ Chiếu cửa nhà lao, cửa vẫn cài/Trong ngục giờ đây còn tối mịt/Ánh hồng trước mặt đã bừng soi”.
Bạn xem, khi chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn trong ngục, trải qua bao nhiêu thống khổ, ông đã tin tưởng ánh sáng và tự do nhất định sẽ đến.
Chính vì do chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn cách ứng xử đúng đắn với khó khăn, có thể trong bóng tối nhìn thấy ánh sáng, trong khó khăn nhìn thấy hi vọng, vì thế, trong hơn một năm sống trong ngục, ông luôn tràn đầy tinh thần lạc quan cao độ. Tinh thần lạc quan cách mạng này thể thiện rõ trong các câu thơ của ông, trong cách ông hài hước, như Xem việc mình bị trói bằng dây thừng giống như quan võ đeo tua đai (Trói); coi việc bị áp giải trên đường giống như đi ngao du sơn thủy; coi việc có thể nghe thấy ở gần truyền đến tiếng đóng cửa ngục gióng như viện mĩ thuật(Đêm); coi đám lĩnh canh giữ ngục giống như vệ sĩ của riêng mình (Pha trò). Do lập chí thành chiến sĩ cách mạng đấu tranh cho sự nghiệp chủ nghĩa cộng sản, không để ý đến được mất an nguy của bản thân, coi thường cái chết nên khi ông gặp khó khăn, tai họa, ông vẫn có thể ung dung tự tại, lạc quan. Trong một bài thơ có tiêu đề là Quá trưa, chủ tịch Hồ Chí Minh thậm chí đem bản thân mình ví với “khách tiên” tự do tự tại. Hai giờ ngục mở thông hơi/Tù nhân ngẩng mặt ngắm trời tự do/Tự do tiên khách trên trời/ Biết chăng trong ngục có người khách tiên?
Tất nhiên, trên trời không có cái gì gọi là thần tiên. Còn “tiên nhân” trong ngục chính là hình tượng nhà cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là nhà cách mạng của giai cấp vô sản, hợp nhất tư tưởng, tình cảm với sự nghiệp cách mạng. Vì thế, cho dù ông phải chịu bao nhiêu gian khổ vẫn luôn cảm thấy bản thân là “khách tiên” tự do tự tại, tất cả đều là rất siêu thoát.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sống trong ngục nhưng tràn đầy tinh thần lạc quan. Tuy vậy, cũng có lúc ông cũng lộ ra vẻ bi phẫn thống khổ. Đó là lúc ông nhớ đến tổ quốc đang chịu nạn. Thơ chép tay trong ngục của ông thể hiện tình cảm nồng hậu của bản thân đối với tổ quốc. Bốn câu sau của bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Đêm thu viết: “Nghìn dặm bâng khuâng hồn nước cũ/Muôn tơ vương vấn mộng sầu nay;
Ở tù năm trọn thân vô tội/ Hòa lệ thành thơ tả nỗi này”
Nhà thơ rơi lệ. Nhà cách mạng có lúc cũng rơi lệ, đây là điều không có gì lạ. Lãnh đạo cách mạng cũng là người, là con người có tình cảm, có xương thịt. Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải rơi lệ vì bị đày ải thống khổ, mà vì tổ quốc đang chịu biết bao đau khổ. Tổ quốc của chủ tịch Hồ Chí Minh đã bị thực dân Pháp thống trị mấy chục năm rồi. Tháng 6 năm 1940, giặc Nhật lại xâm nhập vào Việt Nam, đây là thập niên đen tối nhất trong lịch sử Việt Nam. Mắt nhìn tổ quốc thân yêu bị bị đế quốc giày xéo mà bản thân vẫn bị giam trong ngục nơi đất khách, làm sao không khiến người ta cảm thấy bi phẫn?! Làm sao không khiến người ta phải khóc đau khổ! Sự bi phẫn tích tụ trong nội tâm cộng thêm những đày đọa phải chịu đựng trong nhà ngục khiến chủ tịch Hồ Chí Minh lâm bệnh. Câu thơ viết trong khi ông bị bệnh như sau:
“Ngoại cảm" trời Hoa cơn nóng lạnh/ "Nội thương" đất Việt cảnh lầm than/Ở tù mắc bệnh càng cay đắng/Đáng khóc mà ta cứ hát tràn!”(Ốm nặng)
Trong tù mà lâm bệnh nặng là điều vô cùng thống khổ, nhưng khiến chủ tịch Hồ Chí Minh cảm thấy thống khổ chủ yếu vẫn không phải vì sự đau đớn của cơ thể bản thân mà là vì sự lầm than của tổ quốc giang sơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự đã làm được điều mà cổ nhân từng nói: “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”. Từ hai bài thơ trên, chúng ta có thể thấy tình cảm của chủ tịch Hồ Chí Minh đối với tổ quốc là vô cùng sâu sắc, mãnh liệt.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ lúc nào cũng nhớ về Tổ quốc đang lâm nguy, ông cũng ngày đêm nhớ đến chiến hữu đang trong đấu tranh gian khổ.
“Ngày đi bạn tiễn đến bên sông/Hẹn bạn về khi lúa đỏ đồng/Nay gặt đã xong, cày đã khắp/Quê người, tôi vẫn chốn lao lung”(Nhớ bạn)
Bài thơ này, bất luận trên phương diện nghệ thuật hay trên phương diện tư tưởng đều rất thành công. Ý cảnh tươi mới, tình cảm chân thành, khiến người đọc không thể không vỗ tay khen ngợi. Khi chủ tịch Hồ Chí Minh bị giam trong ngục, đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam đang ở giai đoạn quan trọng. Tháng 5 năm 1941, trung ương Đảng Việt Nam mở 8 cuộc hội nghị, sau đó thành lập lên “mặt trận Việt Minh”, đây là tổ chức chiến đấu thống nhất kháng Nhật, Pháp, hiệu triệu đồng bào các giới đoàn kết lại, phát động khởi nghĩa vũ trang, giành độc lập dân tộc. Để thuận lợi hơn cho việc đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi, chủ tịch Hồ Chí Minh được trung ương Đảng ủy thác đến Trung Quốc cùng Đảng cộng sản Trung Quốc bàn kế hoạch phản đế cứu quốc. Các chiến hữu vô cùng chờ mong chủ tịch Hồ Chí Minh có thể sớm quay trở về Việt Nam, lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành thắng lợi cuối cùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhưng chủ tịch Hồ Chí Minh vừa đến Trung Quốc liền bị phái phản động Quốc dân Đảng bắt giam, trở thành “tù nhân” mất đi tự do, điều này làm sao không khiến trái tim đau đớn đây?! Chủ tịch Hồ Chí Minh hận một nỗi không mọc thêm đôi cách ngay lập tức bay khỏi ngục tù, trở về bên chiến hữu thân yêu.
Thể hiện tình cảm hoài niệm chiến hữu của chủ tịch Hồ Chí Minh còn có một bài thơ mang tên Mới ra tù tập leo núi: “Núi ấp ôm mây mây ấp núi/ Lòng sông gương sáng bụi không mờ/ Bồi hồi dạo bước Tây phong lĩnh/ Trông lại trời nam nhớ bạn xưa”
Đây cũng là một bài thơ ý cảnh mới mẻ ưu mĩ. Bài thơ này là một bài thơ khác ngoài 100 bài thơ trong ngục của chủ tịch Hồ Chí Minh, nó là tác phẩm sau khi chủ tịch Hồ Chí Minh ra tù, cho nên được liệt vào cuối cùng trong Ngục trung nhật kí thi sao. Tháng 9 năm 1943, chủ tịch Hồ Chí Minh ở Liễu Châu được trả lại tự do, nhưng vẫn chưa lập tức trở về Việt Nam được. Lúc đó ở Liễu Châu, có các nhân sĩ thuộc nhiều tầng lớp, họ thành lập lên “Việt Nam cách mạng đồng minh hội”. Để đoàn kết và giành được đại đa số trong đó, làm cho mặt trận thống nhất phản đế lớn mạnh, chủ tịch Hồ Chí Minh tạm thời ở lại Liễu Châu, tiến hành hoạt động cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh trải qua hơn một năm sống cuộc sống không phải của con người, khi vừa ra ngục, cơ thể vô cùng suy nhược. Để có thể hồi phục thể lực nhanh nhất, đón nhận đấu tranh gian khó hơn, chủ tịch Hồ Chí Minh tăng cường rèn luyện thể lực. Ông thường luyện tập leo núi, và xuống sông Liễu Giang bơi lội. Bài thơ trên được viết sau khi chủ tịch Hồ Chí Minh lên núi cao, đối diện với trời đất hùng vĩ, hoài niệm chiến hữu ở phương xa. Tuy nhiên, đây lại không phải đơn giản chỉ là một bài thơ lên núi nhớ bạn. Trong bài thơ còn thể hiện tinh thần cách mạng cao cả hào hùng, chủ tịch Hồ Chí Minh có được tự do, quyết tâm cùng với chiến hữu đón nhận cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam. “Núi ấp ôm mây mây ấp núi” tượng trưng cho đấu tranh cách mạng rầm rộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chờ đợi trong tương lai không xa, ông có thể trở về Tổ quốc thân yêu, cùng chiến hữu đi trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thân bị lao tù, không chỉ quan tâm Tổ quốc nhân dân mình, mà còn quan tâm Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc. Thơ trong ngục của ông, có không ít đề tài về phương diện này. Những bài thơ này, ngôn ngữ giản dị như buột miệng nói ra, nhưng lại kí thác sự cảm thông vô hạn đối với nhân dân Trung Quốc và sự nghiệp cách mạng Trung Quốc. Năm 1942, Quảng Tây đại hạn. Chủ tịch Hồ Chí Minh bị áp giải qua vùng đồng ruộng khô hanh xơ xác, sự đồng cảm với nhân dân Quảng Tây tự nhiên trỗi dậy, vì thế đọc ra câu thơ: Vùng đây tuy rộng, đất khô cằn/Vì thế nhân dân kiệm lại cần/Nghe nói xuân nay trời đại hạn/Mười phần thu hoạch chỉ đôi phần (Long An – Đồng Chính). Trên đường bị áp giải, chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhìn thấy những người công nhân làm đường mồ hôi như mưa khẩn trương lao động, sự sùng kính và cảm thông của ông lại trỗi dậy, thốt ra câu thơ: “Dãi gió, dầm mưa chẳng nghỉ ngơi/Phu đường vất vả lắm ai ơi!/Ngựa xe, hành khách thường qua lại/Biết cảm ơn anh được mấy người ?” (Phu làm đường). Đầu những năm 40, kháng chiến của Trung Quốc bước vào giai đoạn giằng co. Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng quan tâm đến cuộc kháng chiến của Trung Quốc. Trong một bài thơ ông viết:
“Trung Hoa kháng chiến sáu năm chầy/Oanh liệt, vang lừng khắp đó đây/Đến lúc phản công nên cố gắng/Mặc dầu thắng lợi nắm trong tay”(Ngày 11-11 ).
Ở đây, chủ tịch Hồ Chí Minh ca ngợi cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc với tình cảm vô cùng sâu sắc. Ông tin tưởng, kháng chiến của Trung Quốc tất yếu sẽ chuyển từ giai đoạn giằng co sang giai đoạn phản công, và giành được thắng lợi cuối cùng.
Từ thời niên thiếu chủ tịch Hồ Chí Minh được giáo dục Hán học, ông quen thuộc với thể thơ cổ Trung Quốc, biết sáng tác theo thể thơ cổ Trung Quốc nhưng lại không tự cho mình là nhà thơ. Đối với viết thơ, chủ tịch Hồ Chí Minh có một kiến giải độc đáo. Trong bài “Cảm tưởng khi đọc Thiên gia thi” ông viết:
“Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp/ Mây gió trăng hoa tuyết núi sông/ Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”
Quan niệm và chủ trương về thơ của ông xuyên suốt tập Nhật kí trong tù. Đọc hết 100 bài thơ của chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta không thấy bài nào miêu tả mây gió trăng hoa. Thơ trong tù của chủ tịch Hồ Chí Minh rõ ràng thể hiện một chữ “thép”. Đây chính là “thép” tinh thần, tức là tinh thần cách mạng. Cũng chính dựa vào tinh thần cách mạng này, chủ tịch Hồ Chí Minh vượt qua thử thách của đủ các loại gian khổ khó khăn; cũng chính dựa vào tinh thần cách mạng này, chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân Việt Nam lật đổ sự thống trị của thực dân Pháp, giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Đỗ Văn Hiểu dịch từ tiếng Trung
Nguồn: Đông Nam Á tung hoành, số 3 năm 1983
đăng trên Văn nghệ Trẻ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét