LÃ NGUYÊN dịch
Có thể nhận ra hai khuynh hướng trong động thái phát triển của ký hiệu học trong vòng mươi lăm năm trở lại đây. Khuynh hướng thứ nhất tập trung vào việc san định những khái niệm nền móng và xác lập các phương thức tạo sinh. Tham vọng mô hình hoá một cách chính xác dẫn tới việc sáng lập bộ môn siêu ký hiệu học: đối tượng nghiên cứu của khoa học này không phải là các văn bản như nó vốn có mà là mô hình các văn bản, là mô hình của các mô hình, v.v… Khuynh hướng thứ hai lại dồn sự quan tâm vào hoạt động ký hiệu học của văn bản thực tế. Với khuynh hướng thứ nhất, nếu sự mâu thuẫn, thiếu hợp lí về phương diện cấu trúc, sự pha trộn các văn bản có kiến tạo khác nhau trong phạm vi tổ chức của một văn bản duy nhất, tính không xác định ngữ nghĩa chỉ là những dấu hiệu ngẫu nhiên, “không hoạt động”, bị loại khỏi siêu cấp độ mô hình hoá văn bản, thì với khuynh hướng thứ hai, chúng lại là những đối tượng được chú ý đặc biệt. Diễn đạt theo hệ thống thuật ngữ của Fecdinand de Saussure, có thể nói, đi theo hướng thứ nhất, nhà nghiên cứu xem xét lời nói như là sự vật chất hoá các luật lệ cấu trúc của ngôn ngữ; theo hướng thứ hai, sự chú ý của nhà nghiên cứu lại nhằm vào các bình diện ký hiệu có sự vênh lệch với cấu trúc ngôn ngữ. Nếu hướng thứ nhất được thực thi trong siêu ký hiệu học, thì hướng thứ hai tất yếu sẽ dẫn tới sự ra đời của môn ký hiệu học văn hoá.
Sự ra đời của ký hiệu học văn hoá – một bộ môn khoa học có nhiệm vụ khảo sát sự tương tác giữa các hệ thống ký hiệu có cấu trúc khác nhau, khám phá sự vênh lệch, không đồng bộ tự bên trong của không gian ký hiệu học, nghiên cứu sự cần thiết phải hiểu biết nhiều ngôn ngữ văn hoá và ký hiệu học – sẽ góp phần quan trọng làm thay đổi các quan niệm ký hiệu học truyền thống. Trước hết, khái niệm văn bản sẽ phải thay đổi về cơ bản. Những định nghĩa khởi thuỷ về văn bản – loại định nghĩa thường nhấn mạnh bản chất thống nhất của ký hiệu, hoặc sự thống nhất không thể chia tách của các chức năng trong một ngữ cảnh văn hoá nhất định, hay những phẩm chất khác nào đấy – đều có ý muốn nói một cách kín đáo hay công khai, rằng văn bản là một phát ngôn trong một ngôn ngữ bất kỳ nào đó. Quan niệm ấy lộ ra ngay sự khiếm khuyết của nó khi phải xem xét khái niệm văn bản trên bình diện ký hiệu học văn hoá. Người ta đã phát hiện ra rằng, một thông báo nào đó để có thể được xem là một “văn bản”, ít nhất, nó phải có hai lần được mã hoá. Chẳng hạn, một thông báo được xem là một “đạo luật” khác với đoạn miêu tả trường hợp phạm tội hình sự nào đó ở chỗ thông báo ấy vừa thuộc ngôn ngữ tự nhiên, vừa thuộc ngôn ngữ pháp luật, bởi lẽ, trong trường hợp thứ nhất, thông báo ấy sẽ sắp xếp một chuỗi ký hiệu có những ý nghĩa khác nhau, còn trong trường hợp thứ hai, đoạn miêu tả lại tổ chức ký hiệu có đôi chút phức tạp với một ý nghĩa duy nhất. Cũng có thể nói như thế về các văn bản thuộc loại “kinh khấn nguyện”(1).
Trong trường hợp này, cũng như nhiều trường hợp khác, quá trình phát triển của tư duy khoa học đã lặp lại lô gic phát triển lịch sử của bản thân đối tượng. Bởi vậy, có thể giả định: về mặt lịch sử, một phát ngôn trong ngôn ngữ tự nhiên lúc đầu là cái khởi nguyên, cái thứ nhất, về sau, nó chuyển vào một định thức có tính điển phạm, được mã hoá bằng một ngôn ngữ thứ hai nào đó, tức là biến thành văn bản. Sự hợp nhất các định thức nào đó vào một văn bản thuộc trình tự thứ hai là giai đoạn diễn ra sau. Khi các văn bản được liên kết lại với nhau trong những ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau, ví như liên kết một định thức bằng lời với một động tác lễ nghi, những trường hợp như thế sẽ làm nảy sinh một ý nghĩa cấu trúc đặc biệt. Văn bản thuộc trình tự thứ hai có được nhờ kết quả ấy sẽ dung nạp trong bản thân nhiều văn bản ngầm được phân bố trên cùng một ngưỡng đẳng cấp bằng những ngôn ngữ khác nhau và không lấn lướt lẫn nhau. Sự xuất hiện của các văn bản thuộc loại “điển lễ”, “nghi thức”, “trò diễn” sẽ dẫn tới việc hợp nhất các kiểu sémeosis[2]khác nhau về nguyên tắc và – kết cục là – dẫn tới sự xuất hiện những vấn đề phức tạp của sự chuyển mã, của tính tương đương, của những chuyển dịch các điểm nhìn, của sự hợp nhất các “giọng” khác nhau trong một chỉnh thể văn bản duy nhất. Về mặt sáng tạo, bước tiếp theo sẽ là sự xuất hiện các văn bản nghệ thuật. Vật liệu đa giọng đỉệu sẽ tìm được sự thống nhất bổ trợ bằng cách tự phỏng thuật trong ngôn ngữ của một nghệ thuật cụ thể. Chẳng hạn, việc biến nghi lễ thành ballet bao giờ cũng kéo theo việc chuyển dịch toàn bộ văn bản ngầm với những cấu trúc khác nhau sang ngôn ngữ vũ đạo. Ngôn ngữ vũ đạo được truyền đạt bằng điệu bộ, động tác, lời nói, tiếng reo hò và bản thân các điệu múa mà trong đó chúng được tăng cường về mặt ký hiệu học. Tính đa cấu trúc được giữ lại, nhưng nó gần như bị gói chặt trong lớp vỏ bọc đa cấu trúc của thông tin trong ngôn ngữ của một nghệ thuật cụ thể. Có thể nhận ra điều đó rất rõ trong đặc trưng thể loại của tiểu thuyết, một thể loại mà vỏ bọc – thông tin bằng ngôn ngữ tự nhiên – che dấu, gói chặt bên trong một cuộc tranh luận cực kỳ phức tạp, đầy mâu thuẫn của những thế giới ký hiệu học hết sức khác nhau. Quá trình phát triển tiếp theo của các văn bản nghệ thuật một mặt nhắm tớí việc nâng cao tính chỉnh thể và sự khép kín nội tại, nhưng mặt khác, lại tăng cường tính đa tạp ký hiệu học ở bên trong, tính mâu thuẫn của tác phẩm, phát triển trong đó những văn bản ngầm tương phản – cấu trúc có xu hướng tự trị, tự túc, tự mãn ngày càng lớn. Sự giao động trong trường “thuần nhất ký hiệu học đa tạp ký hiệu học” đang tạo ra một trong số những sinh đạo của quá trình tiến hoá lịch sử – văn học. Giữa những bình diện quan trọng khác của nó, cần nhấn mạnh sự căng thẳng giữa xu hướng liên kết – biến ngữ cảnh thành văn bản (đang hình thành những văn bản, kiểu như “chuỗi trữ tình”, “sáng tạo toàn bộ cuộc đời như một tác phẩm” v.v…) và xu hướng phân rã – biến văn bản thành ngữ cảnh (tiểu thuyết tách ra thành những truyện vừa, các bộ phận thành những đơn vị thẩm mỹ độc lập). Trong quá trình ấy, quan điểm của người đọc và của tác giả có thể không trùng khớp: nơi mà tác giả nhìn thấy một văn bản toàn vẹn duy nhất, thì người đọc lại có thể xem đó một tập hợp các truyện vừa và tiểu thuyết (hãy so sánh sáng tác của Faulkner) và ngược lại (chẳng hạn, về cơ bản, Nadejdin[3] đã giải thích
Bá tước Nulin[4] như một tác phẩm lãng mạn cực đoan, vì bản trường ca này xuất hiện trong cùng một cuốn sách có in
Vũ hội của Baratynski
[5] và cả 2 trường ca ấy được nhà phê bình tiếp nhận như một văn bản). Lịch sử từng biết những trường hợp về sự tiếp nhận nột tác phẩm nào đó của người đọc chịu sự chi phối bởi danh tiếng của ấn phẩm đã công bố nó, nhưng cũng có những trường hợp, điều đó chẳng có chút ý nghĩa gì với độc giả.
Những mâu thuẫn văn hoá – lịch sử phức tạp có thể làm cho khuynh hướng này hay khuynh hướng khác nổi lên. Nhưng cả hai khuynh hướng ấy vẫn hiện hữu tiềm tàng trong từng văn bản nghệ thuật với sự cạnh tranh căng thẳng phức tạp của chúng.
Sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật là đánh dấu một giai đoạn mới về chất trong việc phức tạp hoá cấu trúc của văn bản. Một văn bản đa tầng và tạp chủng về phương diện ký hiệu học sẽ không còn là một thông tin sơ giản chuyển từ người phát tới người nhận , mà có khả năng gia nhập vào các quan hệ phức tạp với cả ngữ cảnh văn hoá bao bọc quanh nó, lẫn công chúng độc giả. Tìm được khả năng kết tụ thông tin, văn bản chiếm hữu, sở đắc ký ức. Đồng thời, nó có được phẩm chất mà Héraclite gọi là “Lời tự lớn lên”. Ở giai đoạn làm phức tạp hoá cấu trúc ấy, văn bản có được những phẩm chất của một tổ chức trí tuệ: nó không chỉ chuyển tải một thông tin được đưa từ bên ngoài vào đó, mà làm thay đổi thông tin và tạo ra những thông tin mới. Trong những điều kiện ấy, chức năng giao tiếp – xã hội của văn bản sẽ trở nên đặc biệt phức tạp. Có thể khái quát chức năng ấy vào những quá trình như sau.
1. Giao tiếp giữa người phát và người nhận. Văn bản thực hiện chức năng thông báo, chuyển từ người đại diện thông tin tới cử toạ.
2. Giao tiếp giữa cử toạ và truyền thống văn hoá. Văn bản thực hiện chức năng của ký ức văn hoá tập thể. Với tư cách ấy, một mặt nó có được khả năng bổ sung liên tục, mặt khác nó đánh thức một loạt bình diện của thông tin được đưa vào đó và một loạt bình diện khác tạm thời bị lãng quên hay bị quên hoàn toàn.
3. Giao tiếp của người đọc với chính bản thân mình. Văn bản – điều này đặc biệt quan trọng với các văn bản truyền thống, cổ xưa, mang tính cách luật cao độ – khởi động những bình diện nhân cách của cá nhân người tiếp nhận. Trong quá trình giao tiếp này của người nhận thông tin với bản thân mình, văn bản thực hiện vai trò của nhân tố trung gian giúp tái tạo nhân cách của người đọc, làm thay đổi sự tự định hướng cấu trúc của cá nhân và trình độ kết nối giữa nó với các cấu trúc siêu văn hoá.
4. Giao tiếp giữa người đọc với văn bản. Bộc lộ những thuộc tính trí tuệ, văn bản có tổ chức cao không còn là nhân vật trung gian trong hành vi giao tiếp. Nó trở thành người đối thoại bình đẳng có trình độ độc lập cao. Nó có thể hoạt động như một tổ chức trí tuệ độc lập, giữ vai trò tích cực, không lệ thuộc trong đối thoại, cả với tác giả (người gửi), lẫn người đọc (người tiếp nhận). Về mặt này, ẩn dụ thời xưa “đàm đạo với sách” hoá ra có ý nghĩa sâu sắc.
5. Giao tiếp giữa văn bản với ngữ cảnh văn hoá. Ở trường hợp này, văn bản hoạt động trong hành vi giao tiếp không như một thông tin, mà như một chủ thể, một người tham gia có đủ quyền năng – của nguồn cội hay là người tiếp nhận thông tin. Quan hệ giữa văn bản với ngữ cảnh văn hoá có thể có tính cách ẩn dụ khi văn bản được xem là vật thay thế cho toàn bộ ngữ cảnh mà nó có giá trị tương đương trong một tương quan cụ thể, hoặc có tính hoán dụ khi văn bản trình bày ngữ cảnh như một phần nào đó – là cái chỉnh thể[6]Hơn nữa, vì ngữ cảnh văn hóa là hiện tượng phức tạp và không đồng chất, nên một văn bản có thể tham gia vào những quan hệ khác nhau với những cấu trúc tầng bậc khác nhau của nó. Cuối cùng, các văn bản, như những tổ chức có định giới và mang tính ổn định cao, thường có xu hướng chuyển từ ngữ cảnh này sang ngữ cảnh khác, và điều này thường xẩy ra với những tác phẩm nghệ thuật có tuổi thọ gần như trường cửu: khi chuyển qua ngữ cảnh văn hoá khác, chúng hành xử như một người cung cấp thông tin được chuyển sang một hoàn cảnh giao tiếp mới,- chúng kích hoạt trước tiên những bình diện tiềm ẩn trong hệ thống mã khoá của mình. Sự “chuyển mã của chính bản thân” cho phù hợp với hoàn cảnh như thế làm lộ ra sự tương đồng giữa hành vi ký hiệu của cá nhân và văn bản. Bởi vậy, một mặt, vì gần giống như một thế giới văn hoá vĩ mô, văn bản trở thành hiện tượng có ý nghĩa quan trọng hơn chính bản thân và sở đắc những đặc điểm của một mô hình văn hoá, mặt khác, nó có khuynh hướng thực hiện một tư cách độc lập tương tự như một cá nhân tự quyết..
Vấn đề giao tiếp giữa văn bản với siêu văn bản sẽ là trường hợp đặc biệt. Một mặt, văn bản cá biệt này nọ trong quan hệ với ngữ cảnh văn hoá có thể giữ vai trò của một cơ chế miêu tả, mặt khác, đến lượt mình, nó có thể gia nhập vào các quan hệ giải mã và kiến tạo cấu trúc cùng với một số tổ chức siêu ngôn ngữ. Cuối cùng, văn bản này hay văn bản kia có thể thâu nhận vào bản thân cả những yếu tố văn bản lẫn những yếu tố siêu văn bản với tư cách là những cấu trúc ngầm đặc biệt, giống như các tác phẩm của Sterne, “Evgeni Onegin”, các văn bản có tính giễu nhại lãng mạn, hay hàng loạt tác phẩm của thế kỷ XX. Ở trường hợp này, các luồng giao tiếp vận động theo chiều dọc.
Dưới ánh sáng của những gì đã nói, văn bản hiện lên trước mắt chúng ta không phải là sự thực hiện một thông báo bằng một ngôn ngữ nào đó, mà là một kiến tạo phức tạp, lưu giữ những mã khoá đa dạng có khả năng biến hoá các thông tin nhận được và làm nảy sinh những thông tin mới, giống như một máy phát thông tin có các đặc điểm của một nhân cách trí tuệ. Điều này làm thay đổi quan niệm về mối quan hệ giữa người tiêu dùng và văn bản. Thay vì công thức “người tiêu dùng giải mã văn bản”, cần có một công thức chính xác hơn: “người tiêu dùng giao tiếp với văn bản”. Anh ta cùng với văn bản tham gia vào những cuộc giao tiếp. Quá trình giải mã văn bản ngày càng trở nên vô cùng phức tạp, đang mất dần tính chất một lần và hữu hạn để tiến tới hoạt động quen thuộc với chúng ta, hoạt động giao tiếp ký hiệu học giữa con người với một cá nhân tự quyết, độc lập khác./
Lã Nguyên dịch
Nguồn:Лотман Ю. М. – Избранные статьи. Т.I, Таллин, 1992.- стр 129 – 132.
Chú thích:
[1]Có thể có những trường hợp các ý nghĩa của lớp thứ nhất (ngôn ngữ tự nhiên) bị giảm thiểu – ví như lời khấn nguyện, niệm chú, các công thức điển lễ có thể hiện diện trong một thứ ngôn ngữ đã bị bỏ quên hoặc lời nói kì bí. Điều đó không làm thay đổi mà chỉ nhấn mạnh thêm sự tất yếu phải xem văn bản là sự thông báo bằng thứ ngôn ngữ nguyên khởi, ngôn ngữ thứ nhất – xa lạ hoặc kì bí – nào đó. Định nghĩa văn bản được đưa ra từ bình diện ký hiệu học văn hoá, chỉ nhìn qua đã thấy mâu thuẫn với định nghĩa được chấp nhận trong ngôn ngữ học, vì trong định nghĩa ấy, văn bản đúng là có hai lần mã hoá: ở ngôn ngữ tự nhiên và ở thứ siêu ngôn ngữ miêu tả trên bình diện cú pháp của ngôn ngữ tự nhiên ấy. Một thông báo nếu chỉ đáp ứng yêu cầu thứ nhất sẽ không được xem là một văn bản. Chẳng hạn, khi chưa trở thành đối tượng nghiên cứu độc lập của ngôn ngữ học, lời khẩu ngữ chỉ được nhìn nhận như là hình thức “chưa đầy đủ”, “thiếu chuẩn xác” của ngôn ngữ viết, và mặc dầu lời khẩu ngữ là sự thực không thể bác bỏ của ngôn ngữ tự nhiên, người ta vẫn không thể xem nó là văn bản. Có vẻ như trái khuáy, nhưng đúng là cái định nghĩa nổi tiếng của Louis Hjelmslev (Nhà ngôn ngữ học Đan Mạch: 1899-1965.- ND) “văn bản là tất cả những gì có thể được nói bằng tiếng Đan Mạch” hoàn toàn có thể hiểu giống như “văn bản là tất cả những gì có thể viết bằng tiếng Đan Mạch chuẩn mực”. Việc đưa lời khẩu ngữ vào phạm vi của những văn bản ngôn ngữ học đòi hỏi phải tạo ra cái tương ứng mang tính chuyên biệt siêu ngữ . Với ý nghĩa như thế, khái niệm văn bản trong văn cảnh ký hiệu học ngôn ngữ học đối lập với khái niệm sự thật trong ý nghĩa khoa học phổ quát.
[2] Tiếng Nga: “Семиозис”, có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp (“semeiosis”), một thuật ngữ của ký hiệu học. Ch. W. Morris (1901 – 1979) xem “sémeosis” là quá trình kiến tạo ký hiệu gồm 4 yếu tố hợp thành :
đối tượng – người diễn giải – sự diễn giải – phương tiện ký hiệu. Theo ông, “sémeosis” là mọi quá trình mà ở đó có một cái gì hoạt động như một ký hiệu, là mọi quá trình kiến tạo ý nghĩa ký hiệu. Nó là con đường phát triển đơn tuyến nào đó của đối tượng mà ở đây tên gọi của đối tượng làm nẩy sinh các phạm trù ngữ nghĩa (Xem: Morris Ch. W.-
Cơ sở lý luận của Ký hiệu// Ký hiệu học. M., Raduga, 1982, tiếng Nga). Trước Morris, Charles S. Peirce (1839-1914) đã sử dụng khái niệm “sémeosis” để xác định tương quan ba mặt như là đặc điểm bản chất của của một quan hệ ký hiệu sơ đẳng:
“đối tượng – ký hiệu – sự diễn giải”. Theo Peirce, chừng nào chưa được giải thích như một ký hiệu, thì ký hiệu chưa hoạt động như một ký hiệu. Phải được diễn giải thì ký hiệu mới trở thành ký hiệu. Sự “
diễn giải”chính là một ký hiệu mới xuất hiện trong ý thức của người sử dụng ký hiệu, nó là sự phiên dịch, thuyết minh, giới thuyết mối quan hệ ký hiệu/đối tượng trong ký hiệu nối tiếp theo sau (ví như một phản ứng cụ thể của con người trước một ký hiệu được tiếp nhận, hoặc sự giải thích ý nghĩa của từ này nhờ sự hỗ trợ của các từ khác), đó là cái được “sinh ra bởi ký hiệu trong ý thức người diễn giải”.
Diễn giải là ý nghĩ đầu tiên, xuất hiện khi ta tiếp nhận một ký hiệu khả hữu, tiềm tại. Với ý nghĩa như thế, diễn giải là một hình thức thể hiện khác nối kết ký hiệu với một ký hiệu khác, chứ không phải nối kết ký hiệu với đối tượng. Vì mỗi ký hiệu có thể sinh ra một diễn giải, cho nên sự diễn giải là quá trình không có hồi kết. Peirce lý luận: nếu cho rằng có một sự diễn giải sau chót, hết sức phức tạp có thể vắt kiệt nghĩa của một đối tượng cụ thể, thì sự diễn giải ấy chỉ có thể là chính đối tượng hiện lên trong ý thức của chúng ta, chứ không thể là một cái gì khác. Nhưng một đối tượng như thế, cũng hệt như một ký hiệu như thế, – giống như những thứ đồng nhất với nhau về phương diện vật lý,- không thể có, không thể tồn tại. Cho nên, sự diễn giải là bất tận. “Semiosis” là quá trình giải thích ký hiệu đầy năng động, là phương thức hoạt động khả hữu duy nhất của nó. Quan niệm của Peirce về “semiosis” thể hiện bản chất của mối quan hệ giữa ký hiệu và thế giới bên ngoài: đúng là vẫn tồn tại một đối tượng diễn giải, nhưng đối tượng ấy xa vời, không thể tri nhận bằng cảm giác, bởi dường như lúc nào nó cũng “trốn” đằng sau lớp ký hiệu trung gian đầy biến đổi. Cho nên, chỉ có thể nhận thứ đối tượng qua việc nghiên cứu các ký hiệu đã sinh ra nó (Xem: Ch.S. Peirce.-
Cơ sở logic của lý luận ký hiệu. SPb., 2000, tiếng Nga) .Nhìn chung, “Sémeosis” là khái niệm trung tâm của ký hiệu học hiện đại, được sử dụng để chỉ “quá trình giải thích nghĩa”, hoặc sự tạo nghĩa trong quá trình diễn giải. – ND
[3]Nadejdin, Nicolai Ivanovic (1804 – 1856): Nhà hoạt động xã hội, nhà báo, người sáng lập và Chủ bút của nhiều tạp chí, nhà phê bình văn học lớn của Nga.- ND
[4] Trường ca
Bá tước Nulin của A.X. Puskin, sáng tác 1825-1833.- ND
[5] Trường ca
Vũ hội của Evgheny Abramovic Baratynski (1800-1844) sáng tác 1825-1828.-ND
[6] Những tương quan như thế sẽ xuất hiện, ví như, giữa văn bản nghệ thuật và nhan đề của nó. Một mặt, chúng có thể xem xét như hai văn bản độc lập đặt ở hai cấp độ khác nhau trong trật tự “văn bản – siêu văn bản”; mặt khác, chúng có thể xem xét như hai văn bản của một văn bản. Nhan đề có thể có quan hệ với văn bản làm rõ nghĩa cho nó theo nguyên tắc ẩn dụ hoặc hoán dụ. Nó có thể được thực hiện nhờ sự hỗ trợ bởi những từ của ngôn ngữ thứ nhất được chuyển sang cấp bậc của siêu ngôn ngữ, hoặc nhờ sự hỗ trợ bởi những từ của siêu ngôn ngữ v.v… Kết cục là giữa nhan đề và văn bản làm rõ nghĩa cho nó xuất hiện những luồng ngữ nghĩa phức tạp làm nảy sinh một thông tin mới.
Nguồn: http://www.hcmup.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=11864%3Aki-hiu-hc-vn-hoa-va-khai-nim-vn-bn&catid=4188%3Avn--vn-hc&Itemid=7197&lang=zh&site=30
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét