Trần Quỳnh Hương
Sơ lược lịch sử văn học so sánh (VHSS) ở Trung Quốc và thành tựu qua từng thời kì
Đối với Trung Quốc, văn học so sánh không phải là một lĩnh vực quá mới mẻ. Ở đây chúng tôi tạm thời không đề cập tới các vấn đề so sánh, tiếp nhận hay ảnh hưởng lẫn nhau giữa các nền văn học của các dân tộc trong biên giới Trung Quốc thời cổ đại; chúng tôi cũng không bàn tới quan hệ giữa tư tưởng văn hóa Ấn Độ và văn học Trung Quốc từ thời Ngụy Tấn đến thời hiện đại, mặc dù hồi đó mối quan hệ, giao lưu giữa văn hóa Trung Quốc và văn hóa Ấn Độ là khá phát triển, trong giai đoạn này cũng xuất hiện một vài công trình để lại dấu ấn manh nha về nghiên cứu, tìm hiểu nguồn gốc, ảnh hưởng qua lại giữa văn hóa, văn học Trung Quốc và Ấn Độ, tuy nhiên dấu ấn đó là khá mờ nhạt và không dễ phát hiện, chính vì vậy xuất phát điểm của chúng tôi bắt đầu từ thời hiện đại.
Khởi nguồn của văn học so sánh ở Trung Quốc được đánh dấu bằng hai tác phẩm mang tính chất của nghiên cứu so sánh: Nietzsche và Schopenhauer (1904) và Nghiên Cứu Hồng Lâu Mộng (1904) của Vương Quốc Duy. Đến năm 1907, công trình nghiên cứu Sức hấp dẫn của dòng thơ Mara(1) và Văn hóa thiên chí luận (文化偏至论) của Lỗ Tấn đã thực sự là hai công trình nghiên cứu văn học so sánh điển hình. Hai công trình của Mao Thuẫn ra đời năm 1919 và 1920 là Tolstoy và nước Nga hiện nay vàBàn về văn học Nga cận đại cũng tiến hành nghiên cứu so sánh văn học Đông Âu và Tây Âu.
Giai đoạn 1920 -1950
Văn học so sánh với tư cách là một ngành khoa học hiện đại xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối những năm 20, đầu năm 30 của thế kỉ XX. Từ năm 1929 đến năm 1931, Ivar Armstrong Richards – chủ nhiệm khoa văn học Anh của Trường Đại học Cambrige đã tham gia giảng dạy tại trường Đại học Thanh Hoa và mở hai môn học mới là “Văn học so sánh” và “Văn hóa so sánh”. Giảng viên của Trường Đại học Thanh Hoa hồi đó là P.D. Jemeson đã căn cứ vào nội dung bài giảng của Richards viết thành cuốn Văn học so sánh. Cuốn sách này chủ yếu nghiên cứu so sánh văn học ba nước Anh, Pháp và Đức. Hồi đó các môn học của khoa Văn, Trường Đại học Thanh Hoa được chia thành hai nhóm: chuyên đề văn học và phân tích tác giả, “văn học so sánh” là một nội dung quan trọng được giảng dạy trong chuyên đề văn học. Ngoài môn “So sánh thơ ca Trung Quốc và phương Tây” của Ngô Mật, “Văn học thời kì văn nghệ phục hưng” của R.Winter, “Nghiên cứu các câu chuyện Ấn Độ trong văn học Trung Quốc” của Trần Dần Khác, còn có các môn như “Bối cảnh Tây Dương trong văn học cận đại Trung Quốc”, “Thuật phiên dịch”(2). Trường Đại học Thanh Hoa đã đào tạo được một nhóm các học giả am hiểu văn học Trung Quốc và văn học phương Tây như Tiền Chung Thư, Quý Tiện Lâm, Lí Kiện Ngô và Dương Nghiệp Trị. Sau đó không lâu, Phổ Đông Hoa và Đới Vọng Thư đã lần lượt dịch hai công trình Lịch sử văn học so sánh của Frederic Loliee (1931) và Bàn về văn học so sánhcủa Paul Van Tiegham (1934) sang tiếng Trung. Đây là lần đầu tiên, Trung Quốc dịch hai cuốn sách giới thiệu về lịch sử, lí luận và phương pháp luận của văn học so sánh.
Về thành quả nghiên cứu, trong giai đoạn này, thành quả nghiên cứu của văn học so sánh Trung Quốc chủ yếu tập trung trên ba lĩnh vực: nghiên cứu quan hệ văn học Trung Quốc – Ấn Độ, nghiên cứu quan hệ văn học Trung Quốc – Nga Xô và nghiên cứu quan hệ văn học Trung Quốc – phương Tây. Trong lĩnh vực nghiên cứu so sánh văn học Trung Quốc – Ấn Độ, có ba học giả nổi tiếng là Hồ Thích, Trần Dần Khác và Quý Tiện Lâm. Công trình Khảo chứng Tây Du Kí (1921-1923) của Hồ Thích đã chứng minh được tác phẩm Tây du kí có nguồn gốc từ Ấn Độ, từ đó ông đã đưa ra kết luận là văn học Ấn Độ có ảnh hưởng mạnh mẽ tới văn học Trung Quốc.
Trong lĩnh vực nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học Trung Quốc và Nga Xô, công trình nghiên cứu Văn học Trung Quốc và Nga (1920) của Chu Tác Nhân đã đề cập tới rất nhiều vấn đề. Chu Tác Nhân đã không tiến hành so sánh cụ thể các tác gia của hai nước mà chỉ ra những điểm tương đồng trong bối cảnh xã hội của hai nước Nga và Trung Quốc đầu thế kỉ XX. Nền văn học của các quốc gia có bối cảnh xã hội như vậy, chắc chắn sẽ mang tính chính trị và mang tính hình thái ý thức(3).
Công tác nghiên cứu quan hệ văn học Trung Quốc và Nga Xô của Trung Quốc được đẩy mạnh vào những năm 40, 50 của thế kỉ XX. Trong đó có loạt bài nghiên cứu của Qua Bảo Quyền về ảnh hưởng của các tác phẩm, tác gia văn học Nga ở Trung Quốc, nghiên cứu Lỗ Tấn và văn học Nga của Hàn Trường Kinh và Phùng Tuyết Phong, rồi còn có cả công trình nghiên cứu ảnh hưởng của văn học Liên Xô ở Trung Quốc của Diệp Thủy Phu. Thời kì này, do Trung Quốc chịu ảnh hưởng nhiều về chính trị của Liên Xô nên mối quan hệ giữa hai nền văn học của hai nước đã được khẳng định và được các học giả Trung Quốc tập trung nghiên cứu kỹ.
Trong lĩnh vực nghiên cứu quan hệ văn học Trung Quốc – phương Tây, các học giả Trung Quốc cũng đã đạt được một số thành quả quan trọng. Năm 1934, cuốn Thi và Chân (诗与真) của Lương Tông Đại đã được xuất bản. Với sự am hiểu sâu sắc của mình về văn học cổ điển Trung Quốc, tác giả đã nghiên cứu so sánh văn học Trung Quốc với văn học phương Tây. Năm 1936, Trần Thuyên đã xuất bản cuốnNghiên cứu văn học Trung Quốc và văn học Đức, công trình này đã trình bày một cách đầy đủ quá trình truyền bá, ảnh hưởng của tiểu thuyết, thơ ca, kịch Trung Quốc ở Đức. Trong lĩnh vực nghiên cứu quan hệ văn học Trung Quốc – phương Tây, công trình được đánh giá cao nhất là công trình nghiên cứu ảnh hưởng của văn hóa tư tưởng Trung Quốc đối với văn hóa Anh, đó là nghiên cứu của Trần Thụ Di, Phương Trùng và Phạm Tồn Trung về hình ảnh Trung Quốc trong văn học Anh thế kỉ XVII, XVIII.
Trong giai đoạn từ những năm 20 đến những năm 50, ngoài các công trình nghiên cứu riêng rẽ quan hệ văn học Trung Quốc với một nền văn học dân tộc khác ra, các thành tựu nghiên cứu của văn học so sánh Trung Quốc còn xuất hiện ở các công trình nghiên cứu tổng hợp. Mặc dù vào những năm 40 Trung Quốc đã xảy ra chiến tranh, nhưng rất nhiều học giả vẫn thấy được tầm quan trọng của việc giao lưu văn hóa. Họ đã làm rất nhiều việc để nghiên cứu sự giao lưu và ảnh hưởng qua lại giữa các nền văn học dân tộc, từ đó tìm ra quy luật chung của văn học và các hình thức biểu hiện của chúng. Ở đây người đầu tiên phải nhắc tới là Văn Nhất Đa. Văn Nhất Đa đã lấy các bài thơ như Chu Tụng, Đại Nhã của Trung Quốc và một số bài thơ cổ nhất trong Rigveda(4) của Ấn Độ, một số bài thơ Hebrew cổ nhất trong Cựu ước, trong sử thi Illiade và sử thi Odyssée của Hi Lạp làm đại diện để phân tích quá trình phát triển của các nền văn hóa ra đời vào thời điểm gần nhau và nghiên cứu quá trình tiếp xúc, giao lưu, ảnh hưởng qua lại giữa chúng. Rồi cả Tâm lí học văn nghệ, Thi luận của Chu Quang Tiềm, Đàm nghị lục của Tiền Chung Thư cũng đều là các công trình có giá trị trong lĩnh vực nghiên cứu văn học so sánh ở Trung Quốc những năm 40. Xét từ góc độ văn học so sánh, Tâm lí học văn nghệ, Thi luận có đặc điểm chung là tìm tòi một số quy luật chung, vừa có thể vận dụng vào các hiện tượng văn nghệ phương Tây, đồng thời cũng có thể áp dụng cho các hiện tượng văn nghệ Trung Quốc; có lúc tác giả lại dùng các lí luận được tổng kết từ các hiện tượng văn học phương Tây để làm sáng tỏ các hiện tượng văn học Trung Quốc và ngược lại. Trong Đàm nghị lục, Tiền Chung Thư cũng đã sử dụng phương pháp nghiên cứu văn học so sánh xuyên văn hóa. Giống như Chu Quang Tiềm, khi bàn về một quy luật nào đó, Tiền Chung Thư thường lấy các ví dụ thực tế của văn học Trung Quốc và phương Tây để chứng minh tính rộng khắp và tính phổ biến của quy luật đó.
Giai đoạn 1950 – 1970
Sau công trình nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học Trung Quốc và Ấn Độ của Quý Tiện Lâm và công trình nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học Trung Quốc và văn học Anh của Phạm Tồn Trung, đến những năm 50, Trung Quốc hầu như không còn xuất hiện những thành quả đáng chú ý trong lĩnh vực nghiên cứu văn học so sánh nữa. Từ năm 60 đến năm 70, công tác nghiên cứu văn học so sánh ở Trung Quốc đã bị chững lại. Sở dĩ có tình trạng này là do các nguyên nhân về chính trị, văn học nước ngoài bị coi là văn hóa của giai cấp tư sản nên đã bị phê phán, bài xích một cách nặng nề, do vậy, văn học so sánh với tư cách là ngành khoa học nghiên cứu mối quan hệ văn học Trung Quốc và phương Tây cũng không còn mang ý nghĩa tích cực nữa.
Giai đoạn cuối 1970 đến thập niên 1990
Thời kì phục hưng của văn học so sánh Trung Quốc được đánh dấu bằng công trình nghiên cứu có giá trị Quản chùy thiên (管锥篇) của Tiền Chung Thư. Quản chùy thiên được viết trong mười năm bạo loạn của cuộc cách mạng văn hóa (1966-1976) và xuất bản vào tháng 8 năm 1979. Quản chùy thiên đã thể hiện một cách phong phú, toàn diện đặc điểm của văn học so sánh “là một bộ môn khoa học liên ngành rộng nhất, mở nhất”, “không thể quy vào bất kì một ngành khoa học hoặc hệ thống nghiên cứu văn học nào”. Toàn bộ công trình gồm 5 tập, 1558 trang, 781 điều, xoay quanh mười loại thư tịch cổ như Chu Dịch chính nghĩa, Thái Bình quảng kí, Mao thi chính nghĩa…, trích dẫn một nghìn mấy trăm trước tác của hơn tám trăm học giả nước ngoài, kết hợp với hơn ba nghìn tác gia Trung Quốc và nước ngoài, tác giả đã trình bày những suy nghĩ độc đáo của mình sau khi đọc thư tịch cổ, từ đó đưa ra những ý kiến đầy tính sáng tạo của mình đối với văn học và văn hóa. Xuất phát điểm cơ bản của Tiền Chung Thư khi viết công trình này, ông tin rằng “mối liên hệchặt chẽ giữa các ngành khoa học xã hội nhân văn không những có thể vượt qua được ranh giới quốc gia mµ cßn xuyªn suèt, ¨n s©u vµo c¸c ngµnh khoa häc kh¸c”(5), nhưng điều này không có nghĩa là có thể dùng một “hệ thống” nào đó do con người tạo ra để áp đặt cho thế giới khách quan không chịu bất kì sự ràng buộc nào của hệ thống nhân tạo đó. Ông chỉ ra rằng, trong lịch sử “những thứ có giá trị mà toàn bộ hệ thống lí luận để lại thường chỉ là những tư tưởng vụn vặt không hoàn chỉnh”. Đương nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc nói mối liên hệ giữa các sự vật không có tính quy luật mà hoàn toàn ngược lại, Tiền Chung Thư cho rằng việc tìm tòi, phát hiện ra quy luật của “mầm lúa ẩn mình trong hạt lúa, khi nảy mầm sẽ trải khắp núi sông”(6) mới thực sự là niềm đam mê khi làm công tác nghiên cứu học thuật. Cống hiến vĩ đại của Quản chùy thiên là tổng hợp cổ kim, quan sát thế giới, từ những thứ bé nhỏ như “mầm lúa” đã phát hiện ra các hiện tượng văn học đa dạng, phong phú, đồng thời tổng kết được những quy luật chung hết sức quan trọng của văn học, đó cũng là sự phá vỡ những ranh giới về thời gian, vị trí địa lí, ngành khoa học, ngôn ngữ, đả thông toàn bộ lĩnh vực văn học, từ đó tìm tòi, phát hiện ra “thi tâm” và “văn tâm” chung. Quản Chùy Thiên không những tìm tòi, khám phá ra “thi tâm” và “văn tâm” chung – tức bản chất và quy luật chung của văn học Trung Quốc và phương Tây, mà còn mở ra con đường phát triển cho văn học so sánh Trung Quốc ở các phương diện như nghiên cứu ảnh hưởng, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu dịch thuật…
Kế sau Quản chùy thiên, năm công trình nghiên cứu quan trọng của năm giáo sư trường đại học Bắc Kinh về văn học so sánh đã lần lượt được ra đời: Mĩ học tản bộcủa Tông Bạch Hoa (1981) đã có những thành tựu nổi bật trong việc nghiên cứu so sánh các ngành khoa học liên ngành như mĩ học, thi, họa, kịch…; Lịch sử quan hệ văn hóa Trung Quốc-Ấn Độ (1982) của Quý Tiện Lâm đã tiến hành nghiên cứu sâu mối quan hệ của hai nền văn học Trung Quốc – Ấn Độ và có những kiến giải độc đáo đối với nghiên cứu ảnh hưởng. Tâm lí học bi kịch (1983) của Chu Quang Tiềm đã đi sâu vào nghiên cứu, tìm tòi điểm khác biệt giữa lí luận bi kịch của phương Tây và quan niệm về bi kịch của phương Đông; Tuyển tập các bài nghiên cứu văn hóa so sánh (1984) của Kim Khắc Mục đã tập trung nghiên cứu so sánh hai tác phẩm Thi kinh của Trung Quốc và Rigveda của Ấn Độ, đồng thời ông còn bàn tới vấn đề ứng dụng “kí hiệu học”, “chú giải học” ở Trung Quốc, từ đó mở ra lĩnh vực mới cho nghiên cứu văn học so sánh Trung Quốc; Công Ngọc Tập (1984) của Dương Chu Hàn lấy văn học Trung Quốc làm hệ tham chiếu để tiến hành giải thích lại các tác phẩm của các tác gia Âu Mĩ như Shakespeare, Milton, Eliot… Ngoài năm công trình nói trên, Tuyển tập các bài nghiên cứu về ngôn ngữ văn học Anh (1979) của giáo sư Phạm Tồn Trung, Trường Đại học Nam Kinh và Văn tâm điêu long sáng tác luận(1979) của Vương Nguyên Hóa – Viện Khoa học xã hội Thượng Hải cũng đã đóng góp những cống hiến to lớn cho sự phục hưng của ngành văn học so sánh ở Trung Quốc.
Trên cơ sở của những thành tựu đã đạt được, ngày 11 tháng 10 năm 1985, đại hội thành lập Hội Văn học so sánh Trung Quốc và cuộc hội thảo lần đầu tiên về văn học so sánh được tổ chức tại Thâm Quyến. Buổi đại hội do 35 trường đại học và các cơ quan nghiên cứu liên kết đứng ra tổ chức, số đại biểu tham dự đại hội là 130 người, trong đó số học giả trẻ chiếm tới hơn một nửa. Hơn 100 học viên tham gia lớp học văn học so sánh của trường Đại học Thâm Quyến và Đại học Bắc Kinh cũng tham dự đại hội. Chủ tịch Hội Văn học so sánh quốc tế Fokkema, Douwe, nguyên Chủ tịch Hội Văn học so sánh Mĩ Atlee, giáo sư trường Đại học Paris số 4 – cái nôi của văn học so sánh Pháp, nguyên Tổng thư kí Hội Văn học so sánh quốc tế Chevrel. Yves, giáo sư Frederic Jemeson trường Đại học Duke và 14 học giả văn học so sánh khác đến từ các nước trên thế giới đã tham gia đại hội và đọc các bài tham luận. Tổng số có 103 bài tham luận, các chủ đề thảo luận được chia thành sáu nhóm: “phương pháp luận của văn học so sánh “, “văn học so sánh và văn học hiện đại Trung Quốc”, “thi học so sánh và mĩ học”, “văn học so sánh phương Đông”, “nghiên cứu so sánh thần thoại Trung Quốc – phương Tây”, “văn học tổng thể và nghiên cứu liên ngành”. Đại hội đã nhất trí với ý kiến của học giả Tiền Chung Thư: “các học giả tham gia thảo luận có thể “hòa nhi bất đồng“(7), không nhất thiết phải đồng thanh nhất trí, từ đồng thanh” rất dễ trở thành từ đồng nghĩa hoặc là cách nói giảm nói tránh của từ “đơn điệu””(8). Các học giả tham gia hội thảo đã sôi nổi phát biểu các ý kiến của mình nhưng không nhất thiết phải đi đến một kết luận thống nhất.
Đại hội đã bầu giáo sư Dương Chu Hàn Trường Đại học Bắc Kinh làm Chủ tịch Hội Văn học so sánh Trung Quốc. Đại hội lần này đã thể hiện được tầm nhìn có tính chiến lược, đó là một đại hội hướng tới thế giới, hướng về tương lai, dự báo cho sự phục hưng và một tương lai ngời sáng của văn học so sánh ở Trung Quốc. Cũng trong năm 1985, giáo sư Dương Chu Hàn đã dẫn đầu đoàn học giả văn học so sánh Trung Quốc tham gia cuộc họp của Hiệp hội văn học so sánh quốc tế và ông đã được bầu làm phó chủ tịch Hiệp hội văn học so sánh quốc tế. Từ đó đến nay, chủ tịch hội văn học so sánh Trung Quốc luôn đảm nhiệm chức vụ phó chủ tịch Hiệp hội văn học so sánh quốc tế. Hiện nay, chủ tịch Hội văn học so sánh Trung Quốc là giáo sư Nhạc Đại Vân Trường Đại học Bắc Kinh, đồng thời bà cũng là phó chủ tịch Hiệp hội văn học so sánh quốc tế.
Trong buổi họp thường niên của Hội Văn học so sánh Quốc tế tổ chức tại Paris năm 1985, học giả nổi tiếng người Pháp, giáo sư R.Rene Etiemble đã phát biểu bài diễn thuyết của mình trước hội nghị với chủ đề Sự phục hưng của văn học so sánh ở Trung Quốc. Với con mắt nhạy bén, giáo sư R. Rene Etiemble đã đánh giá và nhận định về xu thế phát triển của văn học thế giới và cho rằng, mặc dù văn học so sánh Trung Quốc mới khởi bộ nhưng tràn đầy sức sống, văn học so sánh Trung Quốc đang từng bước hòa nhập với thế giới và sẽ “bổ khuyết cho sự đứt gãy “địa tầng” của nền văn học thế giới do những nghiên cứu dành cho văn học phương Đông còn quá ít ỏi gây ra”(9). Tiếp đó, R. Rene Etiemble tổng kết và nhận định rằng, nghiên cứu ảnh hưởng là giai đoạn phát triển đầu tiên của văn học so sánh, những thành tựu của văn học so sánh ở giai đoạn này tập trung ở Pháp – châu Âu, giai đoạn phát triển thứ hai của văn học so sánh là giai đoạn lấy nghiên cứu song song làm trung tâm, thành tựu chủ yếu tập trung ở Mĩ, giai đoạn thứ ba lấy nghiên cứu xuyên văn hóa phương Đông và phương Tây làm trung tâm, thành tựu rất có khả năng sẽ tập trung ở Trung Quốc.
R. Rene Etiemble là học giả văn học so sánh nổi tiếng của Pháp, những đánh giá của ông chắc chắn không phải là những lời nói bông đùa vô căn cứ bởi kể từ sau năm 1979 – năm mốc đánh dấu sự phục hưng của văn học so sánh Trung Quốc, văn học so sánh Trung Quốc đã đạt được những thành tựu khiến giới văn học so sánh thế giới phải kính nể.
Quả đúng như vậy, ở giai đoạn đầu của thời kì phục hưng, các học giả Trung Quốc đã tập trung dịch và giới thiệu một loạt các công trình nghiên cứu quan trọng về lí luận văn học so sánh. Trong giai đoạn này, hầu như tất cả các trước tác nổi tiếng của phương Tây trong lĩnh vực văn học so sánh đều được dịch sang tiếng Trung. Trong đó, một số công trình gây ảnh hưởng lớn như Văn học so sánh của Marius-Francois Guyard và Văn học so sánh và lí luận văn học của Ulrich Weisstein (1987),Dẫn luận văn học so sánh Văn học của Francois Jost (1988), Thế nào là văn học so sánhcủa Piero Brunel, Claude Pichois và Andre Rousseau (1989), Từ truyền thống tới hiện đại – tiểu thuyết Trung Quốc trong thời kì chuyển giao thế kỉ của Milena Dolezelava-Velingerova (1991), Thi học so sánh của Earl Miner (1998). Ngoài ra trong thời gian này, Trung Quốc còn chú trọng dịch tuyển tập các bài nghiên cứu, trong đó có công trình Tên gọi và thực chất của văn học so sánh, Nguy cơ của văn học so sánh của René Wellek, Định nghĩa và chức năng của văn học so sánh, Trường phái văn học so sánh Pháp và trường phái văn học so sánh Mĩ của Henry Remak.
Có thể nói, việc dịch và giới thiệu các công trình nghiên cứu lí luận văn học so sánh quan trọng đã thúc đẩy văn học so sánh Trung Quốc phát triển. Thông qua việc dịch và giới thiệu, các học giả văn học so sánh Trung Quốc đã tiếp thu, học hỏi được nhiều thành quả nghiên cứu của nước ngoài. Đến cuối những năm 90, lại có một loạt các công trình nghiên cứu về văn học so sánh được ra mắt độc giả. Đến giai đoạn này, các học giả Trung Quốc đã dựa trên cơ sở của những thành quả nghiên cứu thực tiễn và viết được một số công trình lí luận có lập trường riêng của mình như Giới thiệu văn học so sánh (Lư Khang Hoa, Tôn Cảnh Nghiêu), Nguyên lí văn học so sánh (Nhạc Đại Vân), Giáo trình văn học so sánh Trung Quốc – phương Tây(Nhạc Đại Vân chủ biên), Khái quát văn học so sánh (Trần Bội, Lưu Tượng Ngu), Văn học so sánh (Trần Tụy, Tôn Cảnh Nghiêu, Tạ Thiên Chấn chủ biên cùng 22 học giả của Trung Quốc tham gia biên soạn), Giáo trình văn học so sánh tân biên (Trương Thiết Phu chủ biên)… Trong đó công trình Nguyên lí văn học so sánh tân biên (Nhạc Đại Vân chủ biên) có nhiều quan điểm mới, phù hợp với xu hướng phát triển của văn học so sánh thời kì mới.
Một số vấn đề nghiên cứu chủ yếu của văn học so sánh Trung Quốc vài năm gần đây
Như trên đã nói, năm 1979 là mốc son lịch sử đánh dấu thời kì phục hưng của văn học so sánh Trung Quốc, tính đến nay đã được hơn hai mươi năm. Bắt đầu từ những bước đi đầu tiên, trải qua thời kì tìm tòi, học hỏi, tiếp thu, giờ đây văn học so sánh Trung Quốc đã đạt được những thành tựu nhất định, dù là trong công tác xây dựng bộ môn hay nghiên cứu học thuật đều bắt đầu đi vào quỹ đạo phát triển đúng hướng của mình. Hiện nay toàn Trung Quốc đã có hơn 120 trường đại học, cao đẳng giảng dạy bộ môn văn học so sánh, hơn 20 trường đại học có chuyên ngành văn học so sánh hoặc tuyển sinh học viên cao học chuyên ngành văn học so sánh, trường Đại học Bắc Kinh và một số trường đại học khác được đào tạo nghiên cứu sinh tiến sĩ về văn học so sánh. Năm 1998, Bộ giáo dục Trung Quốc quyết định đưa “văn học so sánh và văn học thế giới” vào danh mục các môn học chủ yếu của khoa Văn các trường đại học và cho phép một số các trường đại học như Đại học Tứ Xuyên, Đại học Tô Châu, Đại học Phúc Đán, Đại học sư phạm Bắc Kinh, Đại học Nam Kinh, Đại học Sơn Đông tuyển nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành văn học so sánh. Những chủ trương này đã khiến đội ngũ những nhà nghiên cứu làm công tác nghiên cứu văn học so sánh ở Trung Quốc ngày càng lớn mạnh – lên tới hơn 1000 người, trong đó bao gồm cả các học giả cao tuổi, trung tuổi và trẻ tuổi.
Sau hơn hai mươi năm phục hưng, văn học so sánh ở Trung Quốc đã có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, trong đó một nguyên nhân quan trọng là ngay từ đầu Trung Quốc đã coi trọng vai trò của công tác xây dựng chuyên ngành và giảng dạy văn học so sánh. “Giảng dạy là công việc tiên phong mở đường cho văn học so sánh ở Trung Quốc có điều kiện phát triển, còn công tác xây dựng chuyên ngành giúp Trung Quốc ít phải đi đường vòng. Có được công tác giảng dạy và xây dựng chuyên ngành, văn học so sánh mới có thể xây dựng được cho mình đội ngũ những người làm công tác học thuật và nền tảng học thuật; có được công tác giảng dạy và xây dựng chuyên ngành, văn học so sánh mới liên tục có được nguồn sinh lực mới; có được công tác giảng dạy và xây dựng chuyên ngành, văn học so sánh của Trung Quốc mới có cơ hội để bước tới sự phát triển mới”(10). Tóm lại, giảng dạy và xây dựng cơ sở lí luận cho ngành là khâu quan trọng giúp văn học Trung Quốc phát triển và hội nhập được với văn học so sánh thế giới.
Kể từ năm 1979 cho đến nay, văn học so sánh ở Trung Quốc đã có bước phát triển mạnh mẽ, đã có hàng trăm công trình nghiên cứu và hàng nghìn các bài nghiên cứu được đăng tải và xuất bản. Ngoài ra, tại các buổi hội thảo quốc tế, các học giả Trung Quốc đã có những cuộc đối thoại bình đẳng với các học giả của nước ngoài, phát biểu những ý kiến sáng tạo độc đáo riêng của mình, thu hút được sự quan tâm của nhiều học giả nước ngoài. Một điều đáng chú ý là Trung Quốc không những quan tâm đến vấn đề hội nhập quốc tế, chú trọng tìm hiểu động thái phát triển của văn học so sánh quốc tế mà còn đặc biệt chú ý tới các vấn đề mới mẻ nảy sinh trong ngữ cảnh đặc biệt ở Trung Quốc. Chẳng hạn như mối quan hệ giữa văn học, văn hóa của các dân tộc ở Trung Quốc, sự giải thích qua lại giữa văn luận cổ điển Trung Quốc và văn luận đương đại phương Tây; có các công trình nghiên cứu lí luận mối quan hệ giữa văn học Trung Quốc và văn học nước ngoài rồi cả so sánh thi học, dịch thuật học, nghiên cứu xuyên văn hóa, ngoài ra còn có một số nhánh ngành nghiên cứu mới như hình tượng học(11), nhân loại học văn học(12)… Ngoài ra, các địa phương cũng coi trọng phát huy các ưu thế nghiên cứu của mình, ví dụ Bắc Kinh coi trọng nghiên cứu thi học so sánh, nghiên cứu liên ngành, nghiên cứu quan hệ văn học quốc tế và văn hóa; Thượng Hải, Hồ Nam chú trọng nghiên cứu dịch thuật và lí luận xuyên văn hóa; thế mạnh của Quảng Đông lại là nghiên cứu so sánh văn nghệ học và văn học hải ngoại; Tứ Xuyên lại tập trung nghiên cứu văn luận Trung Quốc và văn luận phương Đông, Quý Châu lại có thế mạnh về nghiên cứu văn học và văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc…(13). Khái quát chung tình hình nghiên cứu văn học so sánh ở Trung Quốc những năm gần đây sẽ thấy nổi cộm lên ba vấn đề lớn mà các học giả đang tập trung bàn luận: một là vấn đề xây dựng trường phái văn học so sánh Trung Quốc, hai là vấn đề phá bỏ “châu Âu trung tâm luận”, ba là vấn đề chuyển hướng từ nghiên cứu văn học so sánh sang nghiên cứu văn hóa so sánh.
1. Về vấn đề xây dựng Trường phái Trung Quốc
Sự phát triển của văn học so sánh ở Trung Quốc khiến trường phái Pháp với “nghiên cứu ảnh hưởng” và trường phái Mĩ với “nghiên cứu song song” làm nền tảng, đã bộc lộ một số hạn chế nhất định. Nghiên cứu ảnh hưởng của trường phái Pháp nghiêng về thực chứng luận, chú trọng khảo chứng thực tế lịch sử văn học nhưng lại bỏ qua việc đánh giá các giá trị văn học; chú trọng đến tính khoa học của việc so sánh – tức phải có những chứng cứ rõ ràng nhưng lại coi nhẹ việc khảo sát “tính văn học” của tác phẩm; việc so sánh chỉ giới hạn trong các tác gia và các tác phẩm văn học của hai đất nước có quá trình tiếp xúc và ảnh hưởng lẫn nhau – tức các mối liên hệ thực tồn tại khách quan trong thực tế. Phương pháp nghiên cứu này chỉ thích hợp cho văn học so sánh ở giai đoạn manh nha, còn khi nghiên cứu liên ngành phát triển, khi văn học so sánh nằm trong vòng vây của các bộ môn khoa học phát triển như văn học, ngôn ngữ học, triết học, tâm lí học… thì phương pháp nghiên cứu ảnh hưởng sẽ có nguy cơ tụt hậu với thời đại. Còn nghiên cứu song song của trường phái Mĩ cũng bộc lộ ra những điểm yếu của mình: quá nhấn mạnh các “giá trị mĩ học” của văn học, coi “tính văn học” của tác phẩm là tiêu chuẩn tuyệt đối, gạt bỏ mọi thứ không thể nghiên cứu bằng phương pháp phân tích so sánh mĩ học ra khỏi phạm vi nghiên cứu… Nhưng trên thực tế, rất nhiều các tác phẩm văn học kinh điển lại chỉ có một bộ phận được hoàn thành trong phạm vi mĩ học, còn phần lớn chúng đều chịu sự ảnh hưởng của các nhân tố bên ngoài như chính trị xã hội, lịch sử văn hóa… và có những đặc trưng phi văn học. Nếu chỉ đơn thuần dùng phương pháp nghiên cứu song song để so sánh thì sẽ phải loại bỏ rất nhiều tác phẩm kinh điển ra khỏi phạm vi của văn học. Ngoài ra, những năm 60 của thế kỉ XX, sau khi Phê bình mới Anh Mĩ và Chủ nghĩa hình thức Nga bị đẩy lùi vị trí, chủ nghĩa cấu trúc, tự sự học, kí hiệu học phát triển thì văn học so sánh lại càng chú trọng kết hợp giữa tính văn học với các ngành khoa học nhân văn như ngôn ngữ học, triết học, lịch sử, tâm lí học… Chính vì vậy, khi nghiên cứu song song phát triển đến giai đoạn liên ngành thì đối tượng nghiên cứu của nó đã bị mở rộng ra quá mức khiến cho đối tượng và trọng tâm nghiên cứu của văn học so sánh trở nên mơ hồ, không rõ ràng. Chính những hạn chế này của nghiên cứu ảnh hưởng của trường phái Pháp và nghiên cứu song song của trường phái Mĩ đã thúc đẩy các học giả Trung Quốc tích cực tìm tòi, nghiên cứu vấn đề xây dựng trường phái Trung Quốc.
Những năm 70 của thế kỉ XX, một số học giả nghiên cứu văn học so sánh ở Đài Loan, Hồng Kông đã đưa ra chủ trương xây dựng trường phái Trung Quốc. Ai là người đầu tiên đưa ra chủ trương xây dựng “Trường phái Trung Quốc” hiện vẫn còn nhiều tranh cãi, một trong những người được coi là người đề ra chủ trương này là học giả người Mĩ Lí Đạt Tam (John.Deeney – người từng tham gia giảng dạy ở Đài Loan). Trong bài viết Văn học so sánh trường phái Trung Quốc đăng trên tạp chíVăn học Trung ngoại số tháng 10 năm 1977, Lí Đạt Tam chủ trương vận dụng tinh thần chiết trung của phương Đông, kết hợp với phương pháp nghiên cứu của hai trường phái Pháp và Mĩ, đi theo con đường “trung dung”- đó chính là “nghiên cứu ứng dụng”(14) (阐发研究). Lí Đạt Tam cho rằng “trường phái Trung Quốc” chính là “trường phái trung dung”. Ngay từ đầu những năm 80 – khi văn học so sánh bước vào giai đoạn phục hưng ở Đại Lục, các học giả tiền bối như Quý Tiện Lâm, Dương Chu Hàm, Giả Trực Phương, Chu Vi đều nhấn mạnh: văn học so sánh Trung Quốc nên tìm ra một con đường nghiên cứu riêng cho mình, phù hợp với tình hình riêng của Trung Quốc. Ngay sau đó vấn đề xây dựng trường phái văn học so sánh Trung Quốc đã trở thành điểm nóng của giới văn học so sánh Trung Quốc. Các bài nghiên cứu thảo luận về vấn đề này tập trung vào ba khía cạnh: một là có cần thiết đưa ra “trường phái Trung Quốc” hay không? Hai là “trường phái Trung Quốc” nên có những đặc điểm gì, phương pháp luận, ý nghĩa của nó là gì? Ba là, có thể nói nghiên cứu xuyên văn hóa là một đặc trưng lí luận cơ bản của trường phái Trung Quốc hay không?
Hai giáo sư Cổ Thiên Hồng, Trần Tuệ Hoa ủng hộ chủ trương sáng lập “trường phái Trung Quốc”, họ cho rằng vận dụng các kiến thức lí luận và phương pháp luận của văn học phương Tây để nghiên cứu văn học Trung Quốc chính là đặc sắc của “trường phái Trung Quốc”. Các giáo sư Tôn Cảnh Nghiêu, Diệp Thư Hiến, Lưu Hiến Bưu, Mạnh Khánh Khu, Đỗ Vệ lại cho rằng không những chỉ biết dùng “đá của núi người” mà chính bản thân Trung Quốc cũng phải có “đá của núi mình”, trên cơ sở của việc kết hợp, trao đổi giữa các phương pháp lí luận của Trung Quốc và phương Tây, từ đó sáng tạo ra một trường phái Trung Quốc. Năm 1995, giáo sư Tào Thuận Khánh đã phát biểu một loạt các bài nghiên cứu như Một số nghiên cứu bước đầu về đặc trưng lí luận cơ bản và phương pháp luận của văn học so sánh trường phái Trung Quốc để trình bày sơ bộ về phương pháp luận và đặc trưng lí luận cơ bản của “trường phái Trung Quốc”. Ông cho rằng, đặc trưng lí luận cơ bản của văn học so sánh “trường phái Trung Quốc” là “nghiên cứu xuyên văn hóa”, đó chính là sự “tìm tòi, nghiên cứu sự va đập, ảnh hưởng lẫn nhau của văn học Trung Quốc và phương Tây đặt trong hai bối cảnh văn hóa hoàn toàn khác nhau, trên cơ sở đó tìm kiếm sự đối thoại và giao lưu xuyên văn hóa, tìm kiếm sự bổ sung cho nhau, hiểu biết lẫn nhau giữa văn học, văn luận Trung Quốc và phương Tây. Trên cơ sở của việc nghiên cứu những nét đặc sắc của các dân tộc và tìm ra những quy luật chung, tiến tới việc thấu hiểu lẫn nhau và tiến hành xây dựng lại các quan niệm về văn học”(15).
Rõ ràng, chúng ta thấy xuất phát điểm của chủ trương này rất có ý nghĩa và mang các giá trị thực tế, nó thể hiện tinh thần mạnh dạn của các học giả Trung Quốc. Tuy nhiên, trước quan điểm đầy thách thức này, một số nhà nghiên cứu văn học so sánh quyền uy của Trung Quốc lại tỏ ra khá thận trọng, họ cho rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định mọi thứ. Điển hình là giáo sư Từ Chí Tiếu – giáo sư Trường Đại học Phúc Đán – Thượng Hải cho rằng: “chúng ta (Trung Quốc) nên hiểu một cách thực sự cầu thị rằng, một trường phái học thuật ra đời không phải là tự mình cổ xúy mà ra, càng không thể tự khép kín mình, nó được hình thành một cách tự nhiên trong quá trình nghiên cứu khoa học thực tiễn và được giới khoa học công nhận. Chính vì vậy, chúng ta phải có một nhận thức tỉnh táo và đúng đắn, nếu không sẽ dễ bị người khác hiểu lầm, thậm chí còn gây ra những hậu quả trái ngược hoàn toàn với mong muốn. Chúng ta phải hiểu rằng, nghiên cứu văn học là một chuyện, hình thành trường phái văn học so sánh lại là một chuyện hoàn toàn khác”(16). Một số các chuyên gia hàng đầu khác về văn học so sánh của Trung Quốc như giáo sư Nhạc Đại Vân, giáo sư Tạ Thiên Chấn, giáo sư Lưu Tượng Ngu và giáo sư Mạnh Hoa cũng không nhiệt tình với việc đưa ra chủ trương xây dựng “trường phái Trung Quốc”. Các giáo sư này cho rằng, trường phái không thể tự khép kín mình, không thể chỉ vì thích lập trường phái mà cố tạo ra trường phái, điều quan trọng là phải đạt được những thành quả nghiên cứu khoa học thực tế, từ đó sẽ chứng tỏ được tiếng nói quyền uy của mình, khẳng định được vị trí của mình trong giới văn học so sánh quốc tế. Ngoài ra, hai giáo sư Địch Kì Thông, Lưu Ba cũng cho rằng, sự ra đời của một trường phái đánh dấu một bộ môn khoa học đã phát triển đến giai đoạn chín muồi, nó phải có một cơ sở lí luận vững chắc, đó chính là phương pháp luận và thành quả nghiên cứu. Trong khi hiện tại văn học so sánh Trung Quốc vẫn còn đang nằm ở giai đoạn đầu của quá trình nghiên cứu, Trung Quốc nên coi trọng xây dựng lí luận cơ bản, tập trung, nghiên cứu văn hóa Trung Quốc và nước ngoài, không nên vội vàng, nóng vội, điều này không có lợi cho sự phát triển của bất cứ một ngành khoa học nào. Tuy vậy, mặc dù tỏ ra khá thận trọng trước vấn đề này nhưng các giáo sư này đều tán thành và đề xướng văn học so sánh Trung Quốc nên tạo ra những nét đặc sắc riêng, phong cách riêng cho mình.
2. Vấn đề phá bỏ “Châu Âu Trung tâm luận”(17)
Hơn 100 năm qua, việc nghiên cứu mối quan hệ giữa các nền văn học của các quốc gia (hoặc các dân tộc) luôn là một nội dung quan trọng của nghiên cứu văn học so sánh. Và ở Trung Quốc cũng không có ngoại lệ. Kể từ khi văn học so sánh Trung Quốc phục hưng đến nay, các học giả Trung Quốc chủ yếu xuất phát từ góc độ ảnh hưởng để nghiên cứu – tức nghiên cứu ảnh hưởng chiếm một số lượng lớn. Tuy nhiên, như trên đã trình bày, trường phái Pháp quá bó hẹp trong các mối liên hệ thực tế đồng thời lại coi nhẹ giá trị văn học của tác phẩm, không tiến hành nghiên cứu mĩ học. Không chỉ có vậy, nghiên cứu ảnh hưởng của trường phái Pháp lại chỉ giới hạn trong phạm vi kho tàng văn hóa và văn học châu Âu, thường chỉ chú trọng nghiên cứu, thảo luận ảnh hưởng của văn học Pháp tới văn học các nước, chính vì thế bản thân nó đã bộc lộ nhiều nguy cơ cũng như một số quan niệm bó hẹp về chủ nghĩa dân tộc “châu Âu trung tâm luận”, chủ nghĩa quốc gia…
Trước tình hình này, những năm cuối của thập kỉ 90, một số học giả Trung Quốc đã đưa ra một vấn đề thuộc phạm trù tiếp nhận mĩ học, tức nghiên cứu ảnh hưởng không chỉ là sự truyền bá, ảnh hưởng của “người cung cấp”(18) (còn gọi người phát) đối với người tiếp nhận (còn gọi người thu), hoặc ta gọi đó là sự tiếp nhận một cách bị động của người tiếp nhận mà còn là sự lựa chọn, tiếp nhận chủ động của người tiếp nhận. Sự chủ động này về mặt ý nghĩa nào đó thể hiện sự năng động của người tiếp nhận, đây là mô hình thể hiện tính tích cực chủ động trong quá trình ảnh hưởng, tiếp nhận văn học. Việc đưa ra quan điểm này thể hiện một sự mạnh dạn, một bước đột phá của các học giả Trung Quốc đối với phương thức nghiên cứu ảnh hưởng truyền thống trong văn học so sánh từ bấy lâu nay. Nó giúp cho các học giả đứng trên một góc độ toàn diện hơn để hiểu sâu hơn ý nghĩa phương pháp luận của văn học so sánh, từ đó có thể mở rộng nội hàm và phạm vi của nghiên cứu ảnh hưởng. Ngoài ra, mục đích của việc chỉ ra những khiếm khuyết nghiên cứu ảnh hưởng của giới nghiên cứu văn học so sánh Trung Quốc là muốn chống lại “châu Âu trung tâm luận”. Các học giả nghiên cứu văn học so sánh của Trung Quốc không thỏa mãn với những kiến thức lí luận mà hai trường phái tiên phong Pháp và Mĩ đã xây dựng nên mà muốn dựa trên cơ sở đó để xây dựng nên một hệ thống lí luận khoa học hơn, hợp lí hơn, giương cao ngọn cờ văn học so sánh phương Đông nói chung và Trung Quốc nói riêng, giúp cho trung tâm của văn học so sánh chuyển từ châu Âu sang phương Đông, đồng thời đề xướng nghiên cứu xuyên văn hóa để giúp văn hóa và văn học phương Đông có một vị trí bình đẳng với văn học phương Tây, đôi bên cùng đứng trên một mặt bằng để đối thoại, giao lưu, học hỏi lẫn nhau.
3. Từ văn học so sánh chuyển hướng sang văn hóa so sánh
Học giả người Anh nổi tiếng Susan Bassnett trong công trình Dẫn luận văn học so sánh (1993) đã chỉ ra một hiện tượng khá thú vị: bắt đầu từ cuối thập kỉ 70, điểm chú ý của giới nghiên cứu văn học so sánh phương Tây bắt đầu chuyển hướng sang lí luận văn học và nghiên cứu văn hóa, còn đối với văn học so sánh thì lại mất dần đi sự hứng thú. Hứng thú của nghiên cứu sinh các trường đại học dành cho văn học so sánh cũng đã ngày càng giảm đi, văn học so sánh dường như đã mất đi hào khí của những năm 50, 60. Và Bassnett cho rằng, về một ý nghĩa nào đó có thể nói, văn học so sánh đã cận kề với “cái chết”(19), thay vào đó là nghiên cứu văn hóa và nghiên cứu dịch thuật. Tuy nhiên, ở các nước phi phương Tây thì tình hình lại hoàn toàn ngược lại. Trong khi văn học so sánh ở các nước Âu Mĩ đang có chiều hướng đi xuống thì “văn học so sánh bắt đầu phát triển ở các nước khác trên thế giới. Môn văn học so sánh mới mẻ đang bắt đầu được giảng dạy ở Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Á khác”(20). Kết luận của Bassnett tuy hơi gây bất ngờ nhưng đã phản ánh đúng tình hình thực tế ở Trung Quốc. Bắt đầu từ cuối những năm 70, nghiên cứu văn học so sánh ở Trung Quốc bắt đầu phát triển mạnh mẽ, khi nói đến giai đoạn này, các học giả Trung Quốc thường hay dùng từ “phục hưng”. Đồng thời, về cơ bản rất nhiều các học giả Trung Quốc đã phủ nhận cái gọi là “tiêu vong luận” của Văn học so sánh(21). Về vấn đề này, quan điểm của giáo sư người Mỹ René Wellek – chuyên gia hàng đầu về Văn học so sánh của Mỹ được các học giả Trung Quốc ủng hộ. Trong công trình Nguy cơ của văn học so sánh, René Wellek đã nhấn mạnh nghiên cứu văn học so sánh phải tuân thủ theo những nguyên tắc chung của nghiên cứu văn học, điều đó có nghĩa là, chỉ khi nào coi tác phẩm văn học là một tác phẩm nghệ thuật hoặc là đối tượng thẩm mĩ đa tầng thì mới có thể thúc đẩy ngành văn học so sánh phát triển. René Wellek nói: “nếu như nghiên cứu văn học không quyết tâm coi văn học là một ngành khác với các hoạt động và sản phẩm khác của nhân loại thì xét từ góc độ phương pháp luận mà nói sẽ không có được sự tiến bộ. Chính vì vậy chúng ta bắt buộc phải đối mặt với vấn đề “tính văn học”, tức bản chất của văn học nghệ thuật – vấn đề mĩ học”(22). Lí luận của René Wellek đã cung cấp cho văn học so sánh căn cứ lí luận chính đáng, căn cứ lí luận này chính là “tính văn học” – giá trị phổ biến của nhân loại.
Xu hướng chuyển từ nghiên cứu văn học so sánh sang nghiên cứu văn hóa so sánh trên thế giới đặc biệt được rộ lên ở đầu những năm 90. Năm 1993, trong bài phát biểu Văn học so sánh trong thời kì chuyển giao thế kỉ, chủ tịch hội văn học so sánh Mĩ Bernheimer đã đưa ra quan điểm “văn học so sánh nên phát triển theo hướng nghiên cứu văn hóa”. Đại hội lần thứ 14 của Hiệp hội văn học so sánh quốc tế họp ở Canada với chủ đề Văn học trong nền văn hóa đa nguyên và xã hội đa ngôn ngữ, Đại hội lần thứ 15 của Hiệp hội văn học so sánh quốc tế họp ở Hà Lan với chủ đề Văn học – kí ức của văn hóa. Đặc biệt là trong đại hội lần thứ 14, nguy cơ văn học so sánh bị văn hóa so sánh nhấn chìm được các học giả đưa ra bàn luận sôi nổi.
Đối với Trung Quốc, xu hướng chuyển từ văn học so sánh sang văn hóa so sánh đang ngày càng rõ rệt. Giới văn học so sánh trong Trung Quốc đã và đang coi văn hóa so sánh là điểm nóng và phong trào này đang ngày càng có xu hướng nóng lên. Các học giả Trung Quốc rất chú trọng công tác nghiên cứu văn hóa. Họ cho rằng nghiên cứu văn học so sánh phải lấy nghiên cứu văn hóa làm trung tâm, tuy nhiên nó phải là nghiên cứu văn hóa liên ngành. Hay nói một cách khác, các học giả Trung Quốc đều cho rằng, nghiên cứu văn học so sánh và văn hóa so sánh sẽ không thể tách rời nhau, công tác nghiên cứu văn học so sánh của Trung Quốc đương đại đang chuyển dịch trọng tâm sang văn hóa so sánh. Những năm 1995, 1996, Trung Quốc đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo quốc tế có liên quan tới mối liên hệ cũng như khoảng cách giữa văn hóa và văn học. Các học giả đã tập trung thảo luận vấn đề nghiên cứu văn hóa so sánh rốt cục là sự đào sâu đối với nghiên cứu văn học so sánh hay là sự xóa bỏ bản chất đặc trưng của nghiên cứu văn học so sánh. Khuynh hướng chung cho rằng “sở dĩ văn học so sánh chuyển hướng sang văn hóa so sánh là do tính chất độc đáo liên ngành, xuyên văn hóa của văn học so sánh quyết định. Đây là xu thế phát triển tất yếu của văn học so sánh bởi có rất nhiều các hiện tượng văn học chỉ được giải thích một cách sâu sắc, toàn diện khi đặt chúng trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa rộng lớn”(23). Tuy nhiên, vấn đề được các học giả Trung Quốc quan tâm bàn luận là nghiên cứu văn học so sánh lấy văn học làm trung tâm hay lấy văn hóa làm trung tâm? Giáo sư Nhạc Đại Vân là người hết sức quan tâm tới vấn đề này. Trong các bài nghiên cứu của mình vài năm gần đây, bà đã không phủ nhận tính chất nghiên cứu văn học của văn học so sánh. Bà chỉ ra rằng, “văn học so sánh đầu tiên phải là nghiên cứu văn học, đồng thời lại phải là nghiên cứu văn học xuyên văn hóa hoặc nghiên cứu văn học liên ngành”(24). Hay như giáo sư Tạ Thiên Chấn cũng đã nhấn mạnh: “bản thân văn học so sánh cũng là một kiểu nghiên cứu văn hóa, nó là một bộ phận của nghiên cứu văn hóa. Tuy nhiên xét cho cùng, nghiên cứu văn học so sánh vẫn là một kiểu nghiên cứu văn học, xuất phát điểm và kết thúc điểm của nó vẫn phải là văn học. Văn học so sánh không thể tách rời việc phân tích và giải thích tác phẩm, tác gia, không thể tách rời công tác phê bình, phân tích hay nghiên cứu, thảo luận các hiện tượng văn học”(25), “nghiên cứu liên ngành, nghiên cứu xuyên văn hóa không thể xóa mờ tính chất là một bộ môn nghiên cứu văn học của văn học so sánh”(26). Hoặc như giáo sư Lưu Tượng Ngu cũng đã khẳng định rằng: “văn học so sánh bắt buộc phải giữ vững lập trường nghiên cứu văn học của mình. Nghiên cứu văn học so sánh đương nhiên là phải vượt qua những giới hạn văn học dân tộc, giới hạn văn hóa, cũng có thể phải vượt qua những giới hạn về ngành, tuy nhiên bất kể là vươn xa đến đâu thì văn học so sánh vẫn phải lấy văn học làm trung tâm, lấy văn học làm bản vị”, “trong văn học so sánh, nghiên cứu văn hóa không phải là không quan trọng mà nó chỉ có thể là sự bổ sung và làm bối cảnh cho nghiên cứu văn học, chỉ có thể đứng ở vị trí thứ yếu mà thôi”(27).
Từ những tranh luận của giới nghiên cứu văn học so sánh Trung Quốc về mối quan hệ giữa văn học so sánh và văn hóa so sánh chúng ta có thể thấy, đại đa số các học giả vẫn giữ quan điểm văn học so sánh vẫn là “văn học” so sánh chứ không phải “văn hóa” so sánh. Nghiên cứu văn hóa sẽ không nhấn chìm nghiên cứu văn học mà sẽ góp phần mở rộng tầm nhìn, giúp cho ngành nghiên cứu văn học so sánh rộng hơn, mở hơn, đầy sức sống hơn và đứng vững hơn trong tình hình đầy biến động của thời kì mới. Nói một cách khác nên hiểu việc văn học so sánh ngày càng tiến sát về văn hóa so sánh là bước ngoặt chuyển hóa mới chứ không phải là nguy cơ mà văn học so sánh phải đối mặt.
Trên đây chúng tôi xin giới thiệu một vài nét khái quát về lịch sử văn học so sánh và một số vấn đề nghiên cứu khá nổi cộm được các nhà nghiên cứu văn học so sánh Trung Quốc tập trung thảo luận trong vài năm qua. Ngoài một số vấn đề được nêu ở trên cũng còn một vài các vấn đề khác cũng được giới học thuật khá quan tâm như xoay quanh việc xây dựng cơ sở lí luận cho văn học so sánh, nghiên cứu thi học so sánh hay những vấn đề còn tồn tại trong công tác giảng dạy môn văn học so sánh ở Trung Quốc hiện nay… Do khuôn khổ của bài viết có hạn nên chúng tôi chỉ xin tạm giới thiệu một vài vấn đề tiêu biểu1
________________
([1]) Sức hấp dẫn của dòng thơ Marat (摩罗诗力说) là tác phẩm nghiên cứu thi học Lỗ Tấn viết năm 1907. Khái niệm”摩罗” được Lỗ Tấn sử dụng ở đây chính là chỉ trường phái thơ lãng mạn- trong đó có thi nhân người Anh Byron là đại diện, bao gồm cả chủ nghĩa thơ ca lãng mạn châu Âu, đại diện có các nhà thơ nổi tiếng như Shelley của Anh, Puskin, Lermontov của Nga, Mickiewicz, Slowacki và Krasinski của Ba Lan, Petofi của Hunggary. Lỗ Tấn đã ca ngợi nhóm nhà thơ thuộc trường phái lãng mạn này, cho rằng họ có một sức mạnh cổ vũ con người phấn chấn, suy nghĩ, ngôn ngữ của họ rất sâu sắc, lời thơ của họ là những âm thanh hùng tráng, vĩ đại nhất.
(2) Xem Lịch sử Trường Đại học Thanh Hoa, Nxb. Trung Hoa thư cục, 1981, tr.167.
(3) Tài liệu nghiên cứu văn học so sánh Trung Quốc, (Trung tâm nghiên cứu văn học so sánh trường Đại học Bắc Kinh biên soạn), Nxb. Đại học Bắc Kinh, 1989, tr. 5-8.
(4) Tập thơ cổ nhất hiện còn của Ấn Độ, được biên soạn vào khoảng năm 1500 năm trước CN, tổng cộng thu thập 1028 bài, trong đó có 11 bài được coi là phụ lục.Rigveda được viết bằng ngôn ngữ cổ hơn so với các ngôn ngữ sử dụng trong các tư liệu cổ khác của Ấn Độ. Thời gian sáng tác và thời gian biên soạn cụ thể hiện chưa rõ.
(5), (6) Tiền Chung Thư: Thi khả dĩ oán, Nxb. Cổ tịch Thượng Hải, 1985, tr.133.
(7) Câu chuyện “Hòa nhi bất đồng” bắt nguồn từ Tả Truyện. Trong Hán ngữ cổ đại, “hòa” là một động từ, biểu thị điều hòa, phối hợp những con người và sự vật khác nhau và để cho giữa chúng có sự cân bằng hài hòa. Tinh thần cơ bản của “hòa” là điều hòa những cái “bất đồng” để đạt tới sự hòa hợp mới, thống nhất mới, sinh ra sự vật mới, sự vật này lại tạo nên sự bất đồng mới với sự vật khác.
(8) Tiền Chung Thư: Bài phát biểu trong buổi hội thảo về văn học so sánh giữa Mĩ và Trung Quốc, Niên giám văn học so sánh Trung Quốc năm 1986, Nxb. Đại học Bắc Kinh, 1987, tr.365.
(9), (10) Rene Etiemble: Sự phục hưng của văn học so sánh ở Trung Quốc. (Bản dịch tiếng Trung của Mạnh Hoa), Kỉ yếu văn học so sánh Trung Quốc, số 1-1989, tr.123.
(11) Hình tượng học (hay hình ảnh học) là một lĩnh vực nghiên cứu của văn học so sánh, đối tượng nghiên cứu là hình ảnh quốc gia khác, dân tộc khác được thể hiện như thế nào trong các tác phẩm văn học của một quốc gia hay một dân tộc nào đó, chẳng hạn như “hình ảnh người phương Tây trong các tác phẩm văn học cuối đời Thanh”, “hình ảnh nước Mĩ trong tác phẩm văn học Nhật Bản sau chiến tranh”.
(12) Từ Chí Tiếu: Văn học so sánh Trung Quốc thời kì cuối thế kỉ XX, Học san Trung Châu, số 3-2001, tr.101.
(13) Nhạc Đại Vân, Trần Đôn: Hướng tới thế kỉ mới – văn học so sánh Trung Quốc phục hưng 20 năm, Tạp chí Văn học so sánh, số 1-1999, tr.2.
(14) “Nghiên cứu ứng dụng” (阐发研究) là phương pháp nghiên cứu do các học giả Trung Quốc đề ra và có thể coi nó là một nhánh của nghiên cứu song song. Nội dung của phương pháp nghiên cứu này là vận dụng lí luận văn học phương Tây để phân tích, nghiên cứu các tác phẩm văn học Trung Quốc. Theo Từ điển tiếng Hán hiện đại và Từ điển Hán – Việt thì “阐发” có nghĩa là “trình bày và phát huy”. Ở đây chúng tôi tạm dịch là “nghiên cứu ứng dụng”, có thể chưa thực sự chuẩn xác.
(15) Tào Thuận Khánh: Sơ bộ bàn về hệ thống phương pháp luận và đặc trưng lí luận cơ bản của trường phái văn học so sánh Trung Quốc, Tạp chí Văn học so sánh Trung Quốc, số 1-1995, tr.9,19-40.
(16) Từ Chí Tiếu: Văn học so sánh Trung Quốc thời kì cuối thế kỉ XX, Học san Trung Châu, số 2-2001, tr.102.
(17) “Châu Âu trung tâm luận”: người châu Âu cho rằng văn hóa châu Âu là nền văn hóa ưu việt, văn minh nhất, ở đó có những hành vi, phương thức tư duy phù hợp nhất, khoa học nhất, vì thế nên phổ cập ra toàn thế giới. Trong lĩnh vực văn học so sánh thì tư tưởng “châu Âu trung tâm luận” lại càng rõ rệt.
(18) Các khái niệm “người cung cấp” (émetteur) (còn gọi “người phát”), “người truyền bá” (transmeteur) (còn gọi “người môi giới” (intermédiaire)), “người tiếp nhận” (récepteur) (còn gọi “người thu”) và mối quan hệ giữa họ được đề cập trong cuốn Văn học so sánh của Paul Van Tieghem (1871-1948) – người sáng lập trường phái văn học so sánh Pháp. Xem thêm Nhạc Đại Vân: Giáo trình văn học so sánh đại cương, Nxb. Đại học Bắc Kinh, tr.30.
- Lưu Văn Bổng (chủ biên): Văn học so sánh lí luận và ứng dụng, Nxb. Khoa học xã hội, H, 2001, tr. 244.
(19) Susan Bassnett: Comparative Literature: A Critical Introduction, Oxford: Black well, 1993, P.47, xem Chu Tiểu Nghi-Đồng Khánh Sinh: Sự phát triển của văn học so sánh ở Trung Quốc và chức năng hình thái ý thức của nó, Tạp chí Bình luận văn học nước ngoài, số 4-2001, tr.112.
(20) Chu Tiểu Nghi-Đồng Khánh Sinh: Sự phát triển của văn học so sánh ở Trung Quốc và chức năng hình thái ý thức của nó, Tạp chí Bình luận văn học nước ngoài, số 4-2001, tr.113.
(21) Những tranh luận về sự “tiêu vong” của văn học so sánh ở Trung Quốc được trình bày khái quát trong Nghiên cứu văn học so sánh và dịch thuật, tác giả Tạ Thiên Chấn, Nxb. Nghiệp Cường – Đài Bắc, 1994, tr.20-22.
(22) René Wellek: Nguy cơ của văn học so sánh, xem René Wellek Khái niệm của phê bình, Trương Kim Ngôn dịch, Nxb. Học viện mĩ thuật Trung Quốc, 1999, tr.277-278.
(23) Tạ Thiên Chấn: Từ văn học so sánh đến văn hóa so sánh – những suy nghĩ về xu thế phát triển của nghiên cứu văn học so sánh quốc tế đương đại, Tạp chí Văn học so sánh Trung Quốc, số 3- 1996.
(24) Nhạc Đại Vân: Tính quốc tế và tính dân tộc của Văn học so sánh, Tạp chí Văn học so sánh Trung Quốc, số 4-1996, tr.47-49.
(25) Tạ Thiên Chấn: Từ văn học so sánh đến văn hóa so sánh – những suy nghĩ về xu thế phát triển của nghiên cứu văn học so sánh quốc tế đương đại, Tạp chí Văn học so sánh Trung Quốc, số 3-1996, tr.10-13.
(26) Tạ Thiên Chấn: Trước những tranh luận của giới văn học so sánh phương Tây, Tạp chí Mặt trận khoa học xã hội, số 1-1997, tr.145.
(27) Lưu Tượng Ngu: Nguy cơ và thách thức của văn học so sánh.Tạp chí Mặt trận khoa học xã hội, số 1-1997, tr.150.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học số 10-2006
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét