Trên thế giới, văn học so sánh - một phân nhánh của nghiên cứu văn học đã xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở châu Âu (năm 1886 được coi là năm khai sinh ra bộ môn Văn học so sánh). Những nước có phong trào nghiên cứu văn học so sánh phát triển mạnh nhất thời bấy giờ là Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Thụy Sĩ.
Văn học so sánh ở Việt Nam được bắt đầu từ thế kỷ XX.
Trước và sau năm 1945 đến nay, nhiều học giả đã nghiên cứu văn học so sánh (1) nhưng thành tựu thuộc lĩnh vực phương pháp nghiên cứu này mới chỉ dừng lại ở mức độ khiêm tốn nhất định (2). Mặc dù vậy thực tế cho thấy, nếu so với thời kỳ trước đổi mới thì từ sau đổi mới (đặc biệt từ đầu thế kỷ XXI) đến nay tình hình nghiên cứu văn học so sánh ở Việt Nam có sự chuyển biến rõ rệt, ngày càng thu hút sự quan tâm chú ý của các nhà nghiên cứu. Mặc dù chưa nhiều nhưng số công trình nghiên cứu ngày một sâu rộng, có hệ thống hơn đã ra mắt độc giả: Trần Thanh Đạm có Dẫn luận văn học so sánh (1995); Nguyễn Văn Dân có Những vấn đề lý luận của văn học so sánh (1995), Lý luận văn học so sánh (1998), và Nghiên cứu văn học lý luận và ứng dụng (1999); Viện Văn học ra sách Văn học so sánh - Lý luận và ứng dụng (Lưu Văn Bổng chủ biên, 2001); Phương Lựu trong Tìm hiểu lý luận văn học phương Tây hiện đại (1995) và Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX (2001) có chương Văn học so sánh, năm 2002 Phương Lựu cho ra mắt Từ văn học so sánh đến thi học so sánh; Khoa Ngữ văn và Báo chí trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội ra tập sách Văn học so sánh - nghiên cứu và dịch thuật (2003). Chuyên luận Những bình diện chủ yếu của văn học so sánh (2004) của Lưu Văn Bổng; Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội nghị Văn học so sánh (6/2004) và tiếp đó ra tập sách Văn học so sánh nghiên cứu và triển vọng (2005) do Trần Đình Sử, Lã Nhâm Thìn, Lê Lưu Oanh tuyển chọn. Ngoài ra còn phải kể đến ngót hai chục bài nghiên cứu của các tác giả Trương Đăng Dung, Nguyễn Văn Dân, Hoàng Trinh, Lưu Liên, Phương Lựu... công bố rải rác trên Tạp chí văn học trong thời gian từ 1979 đến 1997 (3). Gần đây là việc xuất bản Giáo trình Văn học so sánh của Hồ Á Mẫn do Lê Huy Tiêu dịch (Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2011). Tất cả đã góp phần phổ biến và cung cấp kiến thức xung quanh nội hàm thuật ngữ văn học so sánh, lịch sử và quan niệm lý luận của các trường phái lớn thuộc chuyên ngành nghiên cứu này trên thế giới, từ đó bước đầu thúc đẩy hướng nghiên cứu văn học so sánh ở Việt Nam.
Một số công trình nghiên cứu Văn học so sánh tại Việt Nam
Các nhà nghiên cứu lý luận thời đổi mới đã tiếp cận văn học so sánh trên tinh thần vừa tìm tòi, khám phá những tri thức mới tiếp nhận để bổ sung, xây dựng lý thuyết, vừa kết hợp ứng dụng lý thuyết để lý giải những vấn đề văn học của các dân tộc trên thế giới từ Đông sang Tây, từ cổ điển đến hiện đại.
Hướng đến bổ sung xây dựng làm mới hệ thống lý thuyết, trước hết các nhà nghiên cứu đều khẳng định vai trò quan trọng của bộ môn văn học so sánh trong nghiên cứu văn học ở Việt Nam: “Văn học so sánh là ngành nghiên cứu ra đời nhằm khám phá mối liên hệ văn học giữa các quốc gia hay liên quốc gia, bổ sung quan trọng cho hướng nghiên cứu văn học dân tộc biệt lập từ trước đến nay. Thiếu văn học so sánh chúng ta sẽ chỉ khép cửa đề cao một chiều văn học dân tộc, thiếu hẳn ý thức về vị thế, thân phận, tư cách của văn học dân tộc mình trong cộng đồng văn học nhân loại. Thiếu văn học so sánh chúng ta sẽ thiếu con mắt quốc tế để nhìn nhận mỗi thành tựu và yếu kém của chúng ta. Thiếu văn học so sánh chúng ta mất khả năng đánh giá những tiềm năng sáng tạo tự chủ của văn học dân tộc trước các ngọn triều Âu Á không ngừng xô đến các tộc người trên mảnh đất chữ S” (4).
Nhận thức trên phù hợp với tinh thần chung của nhiều nước trên thế giới trong thời đại toàn cầu hóa, thời đại nhấn mạnh đến giao lưu, hợp tác và hội nhập để phát triển. Như vậy nếu trước đây văn học so sánh chỉ được coi là “một trường phái nghiên cứu văn học theo quan điểm tư sản (…) một trong những phương pháp nghiên cứu hỗ trợ của văn học sử” (5) thì việc lý luận đổi mới xác định lại vị trí, vai trò của văn học so sánh là một bước tiến đáng kể của tư duy lý luận trong việc nhìn ra lợi ích và những đóng góp của văn học so sánh đối với nghiên cứu văn học nói riêng và văn hóa nói chung.
Từ việc xác định rõ tầm quan trọng của một chuyên ngành nghiên cứu mới mẻ ở Việt Nam, ý thức rõ việc cấp bách phải phát triển lý luận văn học so sánh, các nhà nghiên cứu đã nỗ lực tập trung làm sáng tỏ hơn một số vấn đề cơ bản của lý luận văn học so sánh. Đó là các vấn đề: lịch sử hình thành bộ môn văn học so sánh thế giới, thuật ngữ và định nghĩa, đặc trưng của văn học so sánh, mục đích và đối tượng nghiên cứu, phương pháp luận và các phương pháp của văn học so sánh. Bên cạnh đó, lý luận còn hướng đến tìm hiểu các phương diện cụ thể về chủ đề, mô típ, huyền thoại đến thể loại, hình thức nghệ thuật, phong cách trong nghiên cứu so sánh, trào lưu, ảnh hưởng- đối thoại- tiếp nhận, văn học so sánh và nghiên cứu dịch thuật... Từ đó khẳng định: Văn học so sánh là một bộ môn của khoa nghiên cứu văn học và cung cấp những nhận định, khái niệm chung có tính “công cụ” giúp cho người nghiên cứu so sánh hiểu rõ hơn, phân định rạch ròi các khái niệm, tránh nhầm lẫn khi thao tác ứng dụng.
Đáng lưu ý là xuất phát từ việc lĩnh hội tri thức lý luận văn học nước ngoài, các nhà nghiên cứu Việt Nam thời đổi mới đã nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện, bổ sung, đào sâu nhận thức xung quanh lịch sử ra đời, quá trình phát triển, đặc trưng của văn học so sánh. Trên cơ sở đó hướng đếnquan niệm đúng hơn về khái niệm văn học so sánh.
Trước đổi mới, khái niệm văn học so sánh thường bị nhầm lẫn với khái niệm so sánh văn học. Thời đổi mới, lý luận phân định: Ở cấp độ phương pháp, so sánh là một thao tác của tư duy để xác định, đánh giá các hiện tượng văn học trong mối quan hệ giữa chúng với nhau, phương pháp so sánh có thể áp dụng cho tất cả các bộ môn nghiên cứu văn học. Thao tác tư duy này xuất hiện từ thời cổ đại gắn với nền văn hóa cổ của Trung Hoa, Ấn Độ, Hi Lạp, Ai Cập… Khi ấy phương pháp so sánh mới chỉ được áp dụng một cách tự phát, đơn sơ, chưa có cơ sở khoa học. Từ thế kỷ VXIII trở đi, cùng với việc hình thành và phát triển chủ nghĩa tư bản ở phương Tây, sự mở rộng giao lưu văn hóa, kinh tế và tiến bộ của khoa học nói chung của nhân loại đã dẫn đến sự hình thành và phát triển ngày một rộng lớn của văn học so sánh. Ở cấp độ bộ môn, “văn học so sánh là một khoa học có mục đích và đối tượng riêng, cụ thể, nó nghiên cứu các mối quan hệ giữa các nền văn học dân tộc”(6).
Việc phân định trên cho thấy các nhà nghiên cứu lý luận văn học ở Việt Nam thời đổi mới đã nhận thức rõ giữa phương pháp so sánh và văn học so sánh có sự chuyển hóa về cấp độ. Văn học so sánh được hiểu với tư cách là một bộ môn khoa học độc lập tương đối, có mục đích và đối tượng đặc thù, phương pháp luận riêng (7). Phương pháp so sánh và Bộ môn văn học so sánh là hai phạm trù hoàn toàn phân biệt với nhau, không nên đồng nhất hai khái niệm này. Sự phát triển từ phương pháp tới bộ môn là sự phát triển từ cấp phương pháp hệ tới phương pháp luận.
Bàn về hướng và các phương pháp nghiên cứu của văn học so sánh, lý luận đổi mới quan tâm đến hướng nghiên cứu ảnh hưởng và tiếp nhận: “Với lý thuyết tiếp nhận và tiếp biến văn hoá, tiếp nhận đã thành một bình diện lớn của văn học so sánh. Ngày trước, lý luận văn học so sánh chỉ quan tâm con đường ảnh hưởng từ A đến B (người phát và người nhận). Ngày nay văn học so sánh còn tập trung nghiên cứu sự tiếp nhận của B đối với A. Tầm đón nhận của văn học mỗi dân tộc sẽ quy định sự tiếp nhận đó” (8)
Như vậy lý luận đổi mới quan niệm chính sự chủ động tiếp nhận (chứ không phải sự bắt chước giản đơn) là con đường tự làm giàu, tự phát triển của văn học dân tộc. Nhận thức này khắc phục hạn chế của quan niệm trước đây cho rằng nghiên cứu “văn học so sánh chỉ có lợi cho những nước có truyền thống văn học hùng hậu, còn đối với nền văn học nhỏ yếu đi sau, càng so sánh càng lộ ra sự yếu kém, sợ làm mất niềm tin”(9). Các nhà nghiên cứu thừa nhận trong thực tế để phát triển và tiến bộ, lịch sử văn học các dân tộc trên thế giới luôn song hành cùng tiếp nhận. Nếu chỉ nhìn thấy mối quan hệ văn học từ phía ảnh hưởng thì chỉ thấy kết quả ảnh hưởng là những hiện tượng văn họcđồng nhất, nhưng nếu nhìn từ phía chủ thể tiếp nhận thì mới thấy kết quả tiếp nhận là những hiện tượng đa nguyên đa dạng.
Bắt kịp bước đi của thời đại, các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng lưu ý đến những xu hướng mới như xu hướng so sánh mở rộng. Đây là xu hướng phù hợp với tình hình phát triển văn hóa của văn minh nghe - nhìn trong thế giới phát triển hiện đại. Với sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng, biên giới của văn học ngày càng được mở rộng. Văn học không phải chỉ giới hạn ở phương thức diễn đạt thành văn mà nó còn mở rộng sang cả lĩnh vực nghe - nhìn. Do vậy, văn học so sánh thế giới hiện nay đang có xu hướng mở rộng sang lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa.
Bên cạnh những vấn đề trên, các nhà nghiên cứu lý luận đổi mới phát hiện: “Việc nghiên cứu song hành (parallel study) do các nhà học giả Mĩ đề xướng có ý nghĩa trong việc khám phá các quan hệ giá trị thẩm mĩ cộng đồng. Ngôn ngữ và văn hoá các dân tộc trên thế giới là khác nhau, nhưng tư duy, tình cảm, tâm lí, thẩm mĩ lại có nhiều điểm giống nhau thuộc về tính người, khiến cho các nền văn học khác nhau lại có những biểu hiện tương tự” (10).
Phát hiện trên cho thấy lý luận thời đổi mới nhận thức rõ sự khác biệt trong nghiên cứu song hành(loại hình) chính là tính dân tộc. Tính dân tộc có thể được thể hiện trong từng yếu tố nhỏ như tượng trưng, kết cấu cho đến các yếu tố lớn như trào lưu. Nghiên cứu song hành có thể tiến hành từ các mặt chủ đề, nhân vật, cốt truyện, phong cách, thủ pháp, hình ảnh tượng trưng... Như vậy, từ tầm nhìn mới, tư duy lý luận nhận thức nghiên cứu song hành với rất nhiều tính ưu việt thực chất là nghiên cứu loại hình đang mở ra chân trời mới trong văn học so sánh. Nó giúp nhà nghiên cứu khám phá bản sắc dân tộc trong ngữ cảnh văn học thế giới, từ đó khuyến khích các yếu tố dân tộc và tiến bộ tiếp xúc nhau, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy cái tiến bộ mang tính quốc tế hình thành và phát triển, góp phần gia tăng sự giao lưu văn hóa và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.
Ngoài ra, hướng nghiên cứu liên ngành (Interdisciplinary) của văn học so sánh hiện đại - một hướng nghiên cứu đang cần được các nhà lý luận trên thế giới luận giải một cách hệ thống, sâu sắc hơn cũng được lý luận đổi mới quan tâm. Sự đổi mới tư duy lý luận cho rằng không nên nhầm lẫn giữa nghiên cứu liên ngành của văn học so sánh với nghiên cứu liên ngành trong nghiên cứu văn học nói chung. Các hiện tượng lịch sử, khoa học, văn hoá, ý thức hệ… được nghiên cứu trong văn học so sánh trước hết phải là hiện tượng có tính quốc tế.
Xây dựng lý luận của văn học so sánh là một công việc mới mẻ và rất khó khăn ở Việt Nam. Tuy vậy, với “niềm hứng khởi và nghị lực khôn cùng”(11) với tinh thần cầu thị học hỏi, các nhà nghiên cứu lý luận thời đổi mới đã bước đầu tiếp thu lý luận phương Tây để xây dựng hệ thống lý luận văn học so sánh ở Việt Nam, làm sáng tỏ những vấn đề cơ bản, đưa ra những nhận định chung cần thiết có tính công cụ đối với người so sánh văn học. Đây cũng là bước khởi động khắc phục những tình trạng ngộ nhận và quan niệm sai lệch về văn học so sánh, góp phần không nhỏ thúc đẩy văn học so sánh ứng dụng phát triển và đạt được thành tựu đáng khích lệ.
Phương diện văn học so sánh ứng dụng ở thời kỳ đổi mới đã thu hút đông đảo các nhà khoa học thuộc nhiều thế hệ tham gia (12). Các nghiên cứu tập trung khai thác vấn đề từ tổng quát đến cụ thể trên nhiều bình diện khác nhau như các trào lưu, tác phẩm, môtip, cốt truyện, nhân vật, các điểm tương đồng hay dị biệt, ngôn ngữ theo các mối quan hệ trực tiếp, ảnh hưởng của văn học dịch. Văn học so sánh đã giúp các nhà nghiên cứu không chỉ phát hiện thêm nhiều thú vị mà còn có ý nghĩa giúp nhận diện, tìm ra bản chất, giải thích phương hướng phát triển một giai đoạn sáng tác, quy luật phát triển văn học nói chung. Khảo sát các công trình chúng tôi thấy hai mảng nghiên cứu sau được tập trung chú ý nhiều hơn cả:
Thứ nhất, so sánh văn học Việt Nam với văn học phương Tây, chủ yếu là văn học Pháp và văn học Nga-Xô viết. Thứ hai, so sánh văn học Việt Nam với văn học châu Á, tập trung vào văn học Trung Quốc, văn học Đông Nam Á, văn học Ấn Độ, văn học Nhật Bản. Vấn đề đặt ra ở đây là các nhà nghiên cứu Việt Nam đã ứng dụng lý thuyết văn học so sánh để nghiên cứu văn học như thế nào?
Trước hết, đó là những tìm tòi để đề xuất cách ứng dụng nghiên cứu sao cho đạt kết quả tối ưu. Trong bài viết của các tác giả Đỗ Đức Hiểu, Đặng Anh Đào, Vương Trí Nhàn, Trần Đình Sử, Nguyễn Văn Dân, Lưu Văn Bổng, Phương Lựu, Trần Nho Thìn, Nguyễn Đình Chú, Đức Ninh, Nguyễn Thị Bích Hà... người đọc đều có thể thấy tinh thần nhất quán coi lý thuyết văn học so sánh là công cụ hữu hiệu để tìm hiểu những giá trị của nền văn học thế giới. Không có hiện tượng văn học nào giữa các dân tộc mà không thể so sánh, nhưng điều đó không có nghĩa là so sánh tràn lan, tuỳ tiện mà đòi hỏi có mục đích xác lập quan hệ, giải quyết vấn đề đặt ra và có phạm vi xác định thì nghiên cứu mới có kết quả ý nghĩa.
Đối với hướng nghiên cứu tiếp nhận và ảnh hưởng, các nhà nghiên cứu cho rằng cái cấp thiết cần tập trung làm rõ là những ảnh hưởng mà ta tiếp nhận qua mối quan hệ giữa văn học Việt Nam và văn học nước ngoài. Khâu chính của mối giao lưu này là tiếp nhận của chúng ta cho nên “khảo sát ảnh hưởng, xác định đầy đủ cái gì ta tiếp nhận là cách tốt nhất để ta hiểu về ta, và việc đó tuyệt nhiên không dẫn tới hạ thấp văn học dân tộc” (13). Trong hoàn cảnh hiện nay ở nước ta, khi sự hiểu biết về các nền văn học trên thế giới còn nhiều giới hạn, việc xác định rõ công việc cần tiến hành như trên là khoa học và mang lại kết quả thiết thực.
Khảo sát các công trình nghiên cứu về tiếp nhận và ảnh hưởng: Từ văn học so sánh đến thi học so sánh của Phương Lựu (Nxb Văn học- TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản, Hà Nội, 2002); Việt Nam và phương Tây tiếp nhận và giao thoa trong văn học của Đặng Anh Đào (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007); các bài viết của Lê Phong Tuyết, Vũ Đức Phúc, Tất Thắng trong Văn học so sánh,lý luận và ứng dụng (Lưu Văn Bổng (Chủ biên), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội,2001); của Vương Trí Nhàn, Trần Nho Thìn, Trần Ngọc Vương, Phương Lựu, Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Thanh Tùng, Trần Nghĩa, Vũ Anh Tuấn, Chu Văn Sơn... trong Văn học so sánh nghiên cứu và triển vọng (Nhiều tác giả, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2005), chúng tôi nhận thấy nhìn chung các nhà nghiên cứu đã hướng đến những khám phá mới trong quá trình tìm hiểu mối liên quan và ảnh hưởng của các nền văn học dân tộc trên thế giới đối với văn học Việt Nam trên nhiều bình diện. Đó là các bình diện: thi pháp lịch sử, hệ thống chủ đề - đề tài, ngôn ngữ, hệ thống hình tượng trung tâm, hệ thống quan niệm văn học, hệ thống thể loại, dịch thuật… Ở mỗi bình diện lại đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết và các tác giả đã nỗ lực xác định văn học ta chọn tiếp thu cái gì, đã đồng hóa, cấp cho chúng sức sống bản địa, biến chúng thành chất liệu quý báu góp phần phát triển nền văn học dân tộc như thế nào.
Sự thực đã chứng minh ảnh hưởng của văn học Trung Hoa (từ thời trung đại) và văn học Pháp (từ đầu thế kỷ XX) đối với văn học Việt Nam là rất lớn. Để tìm kiếm dấu vết ảnh hưởng các nhà nghiên cứu ưu tiên chú ý đến bối cảnh văn hóa truyền thống, thói quen tư duy và thẩm mỹ của dân tộc. Đây được coi như là nền tảng cho sự tiếp nhận, nền tảng này sẽ quy định cả sự tương đồng cũng như dị biệt của nền văn học nhận ảnh hưởng và nền văn học có ảnh hưởng. Các nhà nghiên cứu cho rằng tiếp nhận và ảnh hưởng giữa văn học Việt Nam và văn học Trung Hoa, văn học Pháp xảy ra trên tất cả các phương diện như môi trường văn học, chủ thể sáng tác, quan niệm về sáng tác và các mối quan hệ của sáng tác đối với đời sống và rõ nhất là trong lĩnh vực thể loại. Chẳng hạn qua việc tìm hiểu những tiểu thuyết Hán Nôm được chuyển ngữ, chuyển thể, cải biên, mô phỏng từ tiểu thuyết cổ Trung Quốc trong Cách tiếp nhận văn học nước ngoài trong tiểu thuyết Hán Nôm Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc (14) Trần Nghĩa đã bước đầu hình dung cách thức tiếp nhận văn học nước ngoài của cha ông trên lĩnh vực tiểu thuyết, tìm kiếm lựa chọn cái hữu ích phù hợp với truyền thống văn hóa, văn học của dân tộc để học tập, thổi hồn cho chúng, biến chúng thành những nhân tố tham gia thúc đẩy phát triển nền văn học dân tộc. Trong Victor Hugo và con người Việt Nam hiện đại (15) Đặng Anh Đào xuất phát từ phương diện lời văn, cốt truyện, xây dựng hình ảnh nhân vật, nghệ thuật barôc… đã chỉ ra những giao thoa giữa tiểu thuyết của Hugo với văn học dân gian và văn học hiện đại Việt Nam. Nghiên cứu góp phần lý giải cội nguồn sức hấp dẫn chủ yếu trong sáng tác của Hugo, góp phần trả lời một cách thú vị và thuyết phục cho câu hỏi vì sao hiện tượng văn học V.Hugo lại được tiếp nhận cởi mở ở Việt Nam. Vũ Tuấn Anh đi sâu nghiên cứu sự chủ động sáng tạo, bản lĩnh tiếp nhận văn chương nước ngoài đầy ý thức của văn hóa - văn học Việt Nam ở phương diện dịch thuật. Trong Văn học nước ngoài trong văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX ông đã đưa ra nhận xét xác đáng: “Nhìn lại đời sống văn học Việt Nam những năm đầu thế kỷ để một lần nữa khẳng định cách thế ứng của bản lĩnh văn hóa Việt Nam trong thực tiễn của quá trình giao lưu và hội nhập: nhận thức và khẳng định mình như một chủ thể văn hóa độc lập, có lịch sử và bản sắc riêng, đó luôn luôn là khởi điểm cho mọi nỗ lực, mọi khát vọng hòa đồng cùng loại” (16).
Nhìn chung, từ khám phá những vấn đề văn học dân tộc đặt trong mối liên hệ giao lưu văn hóa, xã hội với các dân tộc khác, tư duy lý luận thời đổi mới nhận thức sâu rộng hơn về một trong những quy luật phát triển của văn học dân tộc và nguyên tắc quan trọng khi nghiên cứu về tiếp nhận và ảnh hưởng đó là: tìm kiếm, chọn lọc và vay mượn kinh nghiệm từ các dân tộc khác luôn là việc làm được quy định bởi nhu cầu phát triển của bản thân nền văn học dân tộc. Tùy thời điểm lịch sử, các tác gia văn học Việt Nam chỉ lựa chọn những kinh nghiệm cần thiết cho thực tế xã hội và con người.Nghiên cứu tiếp nhận, ảnh hưởng văn học đòi hỏi trước hết phải tìm hiểu cơ chế chi phối nhu cầu nội tại của nền văn học dân tộc.
Bên cạnh nghiên cứu ảnh hưởng và tiếp nhận, lý thuyết nghiên cứu song hành cũng được quan tâm ứng dụng để hướng đến mục tiêu khám phá các quan hệ giá trị thẩm mỹ cộng đồng. Các nhà nghiên cứu Việt Nam đã đặc biệt linh hoạt và sáng tạo ứng dụng nghiên cứu song hành trong nghiên cứuvăn học dân gian. Bởi vì theo các nhà nghiên cứu một trong những đặc trưng của văn học dân gian là những tương đồng có tính loại hình ở hầu khắp các thể loại văn học dân gian và ở khắp các dân tộc. Nguyễn Thị Bích Hà trong nghiên cứu Kiểu truyện Người em trong truyện cổ tích Việt Nam và Châu Âu viết: “Phương pháp so sánh loại hình là phương pháp nghiên cứu dựa trên những nét giống nhau, những nét tương đồng bộ phận hay toàn thể, những tình tiết hay hành động tương tự trong văn học dân gian. Những so sánh nhìn từ góc độ giống nhau của các đối tượng đó sẽ gợi ra một tiếng nói chung, một thông điệp từ quá khứ, làm sáng tỏ thêm những quy luật văn học và có cái nhìn sâu rộng, phong phú về đối tượng, mà khi tách rời các hiện tượng chung ấy thì cái nhìn trở nên rời rạc, manh mún, hoặc sai lệch. Những thể loại, kiểu truyện, môtip, kiểu nhân vật, công thức chung… của văn học dân gian khu vực và nhân loại chính là đối tượng, đơn vị nghiên cứu chủ yếu của văn học dân gian hiện nay chứ không phải là đơn vị tác phẩm, câu, từ, hình ảnh riêng biệt”(17).
Như vậy, đối với nhà nghiên cứu vận dụng lý thuyết văn học so sánh trong nghiên cứu văn học dân gian sẽ tạo nên một chất lượng nghiên cứu tốt nhất. Nhất quán sử dụng phương pháp nghiên cứu loại hình để so sánh về nhân vật, hoàn cảnh thử thách, xử lý hoàn cảnh, kiểu kết thúc truyện, mô hình kết cấu, từ đó tác giả phát hiện những nét tương đồng thú vị và những nét khác biệt ở những câu truyện cổ của các dân tộc. Nghiên cứu cho thấy với những phân tích về cơ sở xã hội văn hóa, về kiểu truyện, sự giống, khác nhau giữa chúng sẽ giúp độc giả hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa, xã hội ở Việt Nam và châu Âu trong thời kỳ sáng tạo truyện cổ tích.
Phương pháp nghiên cứu song hành còn được tiến hành từ các mặt chủ đề, nhân vật, cốt truyện, phong cách, thủ pháp, môtip, hình ảnh tượng trưng... Với những khảo sát bước đầu hệ thống truyện cổ viết về Hòn vọng phu trong văn học dân gian Việt Nam, Hàn Quốc, và các nước khác ở châu Á như Nhật, Trung Quốc, Đinh Thị Khang trong Hình tượng Hòn vọng phu trong truyện cổ Việt Nam và Hàn Quốc (18) và Nguyễn Việt Hùng trong Kiểu truyện Vọng phu ở châu Á và Việt Nam (19) đặc biệt quan tâm đến môtip nhân vật chết và hóa đá. Các tác giả cho rằng môtip này: “Thể hiện sự tương đồng về việc sử dụng ý nghĩa nội dung cũng như giá trị thẩm mỹ. Điều đó phản ánh quan niệm thẩm mỹ của một thời đại”(20). Mặc dù chưa có kết luận dứt khoát về nguồn gốc cụ thể của cốt truyện, quá trình lan tỏa và tiếp nhận giữa các quốc gia nhưng từ những nét chung và những nét riêng của những câu chuyện kể về người phụ nữ thủy chung chờ chồng hóa đá, các nghiên cứu cho thấy các dân tộc đều có chung quan niệm đạo lý làm người, có chung những chuẩn mực về đạo đức, tôn vinh vẻ đẹp phẩm hạnh người phụ nữ ở nhiều dân tộc phương Đông - đó là những nét tương đồng về mặt văn hóa của các dân tộc ở một số nước châu Á. Những nghiên cứu này cũng bước đầu chỉ ra quá trình vận động của kiểu truyện ở mỗi nước đồng thời cũng song hành cùng sự thay đổi của mỗi yếu tố như địa hình, lịch sử, phong tục, nếp cảm, nếp nghĩ của từng nơi - đó là tính dân tộc được biểu hiện qua kiểu truyện này.
Trần Lê Bảo trong so sánh Thần thoại Mặt Trời của Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản (21) đã tìm hiểu cặn kẽ mối liên hệ giữa thần thoại Mặt Trời và cội nguồn văn hóa, mô típ Mặt Trời mọc và lặn. Từ đó “có thể thấy những nét tương đồng và dị biệt về triết học, tôn giáo, khoa học, lịch sử, kinh nghiệm sống và cách ứng xử với tự nhiên, sau đó là với xã hội của các dân cư xa xưa trong mỗi cộng đồng” (22).
Nghiên cứu văn học khu vực Đông Nam Á, các nhà nghiên cứu Việt Nam chú ý đến các cặp phạm trù trong văn học so sánh như: ảnh hưởng - tiếp nhận; dân tộc quốc tế; truyền thống - cách tân; dân gian - thành văn. Trong So sánh văn học các dân tộc ở Đông Nam Á (23) Đức Ninh cho rằng văn học dân gian là ngọn nguồn văn học dân tộc của tất cả các nước Đông Nam Á, văn học các nước Đông Nam Á có sức bản địa hóa cao độ. Dùng phương pháp so sánh loại hình, tổng hợp liên ngành để tìm ra các điểm tương đồng, các điểm khác biệt trong tương quan giữa các nền văn học dân tộc ở Đông Nam Á và tương quan giữa văn học dân tộc Đông Nam Á với văn học phương Đông và phương Tây là những phương pháp mang lại kết quả tối đa. Bên cạnh đó tác giả phát hiện ngoại lệ: mặc dù “cùng chung một ngọn nguồn văn học, một cơ tầng văn hóa, một không gian môi trường văn hóa, nhưng trong quá trình phát triển, văn học các dân tộc Đông Nam Á ít có các quan hệ trực tiếp; đặc biệt văn học Việt Nam không có quan hệ trực tiếp với các nền văn học khác ở Đông Nam Ánhưng lại có nhiều tương đồng với văn học Đông Nam Á” (24). Từ đó đề xuất phương pháp cần phải tiến hành là nghiên cứu “song song, phối hợp văn học Việt Nam và văn học Đông Nam Á trong ngành văn học” (25).
Xuất phát từ đặc trưng riêng biệt của thể loại, của văn học khu vực để xác định phương pháp nghiên cứu hợp lý là đóng góp có giá trị của những nghiên cứu trên. Nó chứng tỏ khi áp dụng lý thuyết văn học so sánh để soi chiếu văn học trên nhiều cấp độ giá trị, các nhà nghiên cứu luôn chủ động, sáng tạo để tìm ra cách giải quyết những vấn đề phức tạp.
Thời kỳ đổi mới với sự tham gia tích cực của nhiều nhà nghiên cứu, lý luận văn học Việt Nam đã bàn bạc khá thấu đáo các vấn đề lý luận văn học so sánh ở trong nước và ngoài nước, giải quyết được những vấn đề cơ bản của lý luận văn học so sánh. Trên cơ sở hệ thống lý thuyết văn học so sánh, các nhà nghiên cứu cải tiến phương pháp nghiên cứu học thuật, bước đầu tiến hành ứng dụng nghiên cứu nhiều vấn đề đặt ra trong văn học, phần nào giúp bạn đọc nhận thức rõ hơn lịch sử văn học nước nhà và các nước khác trên thế giới. Mặc dù hiện nay bức tranh về văn học so sánh ở Việt Nam so với thế giới còn rất nhiều bề bộn, nhiều khoảng trống chưa được lấp đầy, nhiều vấn đề cần tiếp tục hướng đến tầm nhìn mới để hoàn thiện hơn nhưng rõ ràng văn học so sánh là một Bộ môn đã được khẳng định. Nó chứng tỏ sự thắng thế của một nhãn quan khoa học mới: nhìn hiện tượng văn học trong mối quan hệ biện chứng giữa dân tộc và thế giới. Hiểu nhau hơn từ cội nguồn văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng để các dân tộc củng cố tình đoàn kết, hòa bình, hữu nghị trong thời đại toàn cầu hóa. Ngày nay, văn học so sánh - “vị đại sứ lưu động” giàu thiện chí ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng trong việc kết nối giá trị của các nền văn học và văn hóa khác nhau để thúc đẩy sự tiến bộ chung của toàn thể các dân tộc trên thế giới.
C.T.H
Nguồn: vanhocquenha
-----------------------------
(1). Theo Thư mục bài nghiên cứu văn học so sánh ở Việt Nam (Lưu Văn Bổng chủ biên (2001), Văn học so sánh,lý luận và ứng dụng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội) của Lê Phong Tuyết thì từ năm 1920 đến 1995 (chưa thống kê giai đoạn sau 1945 đến 1969) có 61 bài, theo thống kê của các nhà nghiên cứu khác thì: “Ước tính nửa thế kỷ qua có trên dưới 200 bài viết về Văn học so sánh ở nhiều dạng khác nhau” (Nhiều tác giả (2005), Văn học so sánh nghiên cứu và triển vọng, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội,tr.16).
(2). Trần Đình Sử nhận xét: “ Đi sâu vào phương pháp nghiên cứu có thể thấy ngoại trừ một số không nhiều nghiên cứu có mục đích bài bản, phương pháp hẳn hoi, không ít bài chỉ dừng lại ở quan hệ ảnh hưởng bề ngoài, thiếu sự phân tích thấu đáo. Vấn đề tiếp nhận chưa được quan tâm đầy đủ, nghiên cứu song hành, siêu văn học thưa thớt cơ hồ như chưa có, không ít người còn nhầm lẫn so sánh văn học với Văn học so sánh” (Nhiều tác giả (2005), Văn học so sánh nghiên cứu và triển vọng, (Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, tr.12).
(3). Bàn về Chặng đường phát triển lý luận của văn học so sánh Việt Nam Nguyễn Văn Dân coi bài viết của chuyên gia văn học so sánh Hunggari Sz. Lászlo: Văn học so sánh ở Hunggari (1945-1985)đăng trên Tạp chí văn học số 3/1979 như một cái mốc để giới nghiên cứu nước ta chú ý đến “khía cạnh lý luận chung của văn học so sánh, nó mở đầu cho một loạt bài nghiên cứu về lý luận văn học so sánh” (Nguyễn Văn Dân (1998), Lý luận văn học so sánh, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.40). Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của việc tiếp cận lý thuyết nước ngoài đối với sự mở rộng nhận thức lý luận văn học so sánh ở Việt Nam khi mà vào thời điểm gần kết thúc thập kỷ 70 của thế kỷ XX tình hình vẫn không có gì sáng sủa cho vấn đề phát triển lý luận văn học so sánh ở Việt Nam.
(4), (8), (9), (10), (13), (14), (16), (17), (18), (19), (20), (21), (22), (23), (24), (25). Nhiều tác giả (2005), Văn học so sánh nghiên cứu và triển vọng, (Trần Đình Sử, Lã Nhâm Thìn, Lê Lưu Oanh tuyển chọn), Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, tr.8-9, 9, 9, 10, 38, 207-216, 247, 114, 83-90, 91-100, 89, 102-112, 111, 55-58, 57, 58.
(5). Nguyễn Văn Dân (1998), Lý luận văn học so sánh, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.39-40.
(6), (11). Lưu Văn Bổng (Chủ biên) (2001), Văn học so sánh,lý luận và ứng dụng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội (tr.40, 30).
(7). Nguyễn Văn Dân khi nghiên cứu văn học so sánh đã viết: “Văn học so sánh có thể có nhiều mục tiêu, nhưng nó chỉ hai mục đích cơ bản:- xác định tính khái quát của văn học nhân loại, và chứng minh tính đặc thù của các nền văn học dân tộc. Hai mục đích nói trên là sự thể hiện của một cặp phạm trù: Cái quốc tế- cái dân tộc, tương ứng với cặp phạm trù cái chung- cái riêng ở cấp độ triết học”(Lưu Văn Bổng (Chủ biên) (2001), Văn học…sđd, tr.41). Ông cũng đề cập tới “ba đối tượng của văn học so sánh:a/Các mối quan hệ trực tiếp; b/ Các điểm tương đồng ngoài quan hệ trực tiếp; c/ Các điểm khác biệt độc lập” (Lưu Văn Bổng (Chủ biên)… Sđd. tr.44) và hệ phương pháp của văn học so sánh gồm 7 phương pháp cụ thể: a/ Phương pháp thực chứng; b/ Phương pháp loại hình; c/ Phương pháp cấu trúc; d/ Phương pháp ký hiệu học; e/ Phương pháp hệ thống; f/ Phương pháp xã hội học; g/ Phương pháp tâm lý học (Nguyễn Văn Dân (1998), Lý luận văn học so sánh, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.109-129), ngoài ra còn phương pháp nghiên cứu liên ngành là “kết hợp các phương pháp để tìm ra giá trị thẩm mỹ của tác phẩm” (Nguyễn Văn Dân (1998), Lý luận… sđd, tr.149).
(12). Mặc dù thống kê chưa đầy đủ nhưng có thể thấy đã có khoảng trên 100 nghiên cứu lớn nhỏ: Theo thống kê của Lê Phong Tuyết (Lưu Văn Bổng (Chủ biên) (2001), Văn học… sđd, tr.797-799) từ 1986 đến 1998 có 24 bài, theo thống kê của Nguyễn Nghĩa Trọng (Nhiều tác giả (2005), Văn học so sánh… Sđd, tr.19- 20) từ 1999 đến 2003 có 22 bài, trong Văn học so sánh - Lý luận và ứng dụng(Lưu Văn Bổng (Chủ biên) (2001), Văn học… sđd) từ trang 375 - 693 có tập hợp 16 bài, trong Văn học so sánh nghiên cứu và triển vọng (Nhiều tác giả (2005), Văn học so sánh… sđd, từ trang 34 - 425) có tập hợp 38 bài.
(15). Đặng Anh Đào (2007), Việt Nam và phương Tây tiếp nhận và giao thoa trong văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.172- 190.
nguồn: http://vannghequandoi.com.vn/802/news-detail/1125283/phe-binh-van-nghe/van-hoc-so-sanh-o-viet-nam-tu-1986-den-nay.html
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét