LTS: Trong phần 2 cuộc trò chuyện, TS Phan Việt nói về việc các du học sinh tiếp nhận được những gì từ nền giáo dục của các quốc gia tiên tiến và việc họ ứng dụng ra sao ở Việt Nam.
Bài 2: Sau "du học thoát nghèo" là "du học thoát giàu"?
Có phải "cứ Mỹ là tốt"?
Như ở phần trao đổi trước, chị đã nói về động cơ dẫn đến trào lưu “đua” gửi con sang các nước tiên tiến để đi học. Nhưng điều đáng quan tâm là các du học sinh đó rồi sẽ làm được gì sau khi được thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến?
Tâm lý mong muốn con em đi du học để trở thành những công dân quốc tế, đáp ứng được thị trường lao động toàn cầu... là rất thực tế và xác đáng. Nếu xác định mình đi học để có thể cạnh tranh đàng hoàng trên thị trường quốc tế thì quá tốt.
Nhưng như tôi nói, vì nhiều người Việt đi học với một khởi đầu không rõ ràng như trên cho nên cái mà họ đạt được cũng thường mang yếu tố tình cờ hoặc thụ động. Ở các nước khác thì tôi không rõ nhưng ở Mỹ, số người đi học rồi ở lại đi làm được theo mong muốn có ý thức của mình một cách đàng hoàng không nhiều đâu. Đa phần cũng là xoay sở một công việc, rồi cứ làm công ăn lương. Mình chỉn chu, nghiêm túc thì rồi cũng có những thành công nhất định.
Từ Việt Nam nhìn ra thì nhiều khi xã hội hay có một số những suy nghĩ không chính xác về người đang học và sống ở nước ngoài. Ví dụ đánh đồng mức độ uy tín và bằng cấp của các trường nghiên cứu hạng một (R1) với các trường kiểu như cao đẳng cộng đồng.
Hiện bây giờ, tôi vẫn nhìn thấy nhiều trường chất lượng không rõ ràng của Mỹ đến Việt Nam quảng cáo phóng đại về bản thân, khiến học sinh và phụ huynh nhầm lẫn "cứ Mỹ là tốt". Bản thân những người ở nước ngoài về cũng biết tâm lý này của xã hội nên cũng tận dụng nó. Kết quả là việc sính ngoại càng trầm trọng.
TS Phan Việt (thứ 5 từ trái sang) trong lễ ký kết với trường Đại học Quốc gia. Ảnh nhân vật cung cấp |
Vậy dựa trên nền tảng là sản phẩm, kết quả giáo dục để đáp ứng với đòi hỏi của thị trường lao động, thì theo chị, đâu là sức hút của giá trị Mỹ?
Tôi nghĩ cái gốc của vấn đề là nền giáo dục ở Mỹ gắn kết chặt với thị trường lao động và là sự triển khai của một hệ thống giá trị Mỹ trong đó con người được đánh giá rành mạch ở chất lượng công việc của anh, tài năng của anh. Trên mặt bằng chung, ở Mỹ ít có chỗ cho sự chàng màng.
Người Mỹ trọng lương tâm công việc lắm - cái này có nguồn gốc từ cái gọi là Protestant ethics, tức là cái đạo đức Tin Lành. Anh muốn xấu xa bê bết ở đâu thì kệ nhưng trong công việc, nếu anh đã được trả lương để làm thì anh phải làm tử tế, đấy là chuyện nghiễm nhiên, không bàn cãi.
Ở Việt Nam, giáo dục tồn tại độc lập như một cỗ máy tự vận hành vì mục đích khoa cử. Còn gắn kết giữa nó và thị trường lao động rất rời rạc. Gắn kết giữa nó với hệ thống giá trị hiện tại của Việt Nam lại còn rời rạc hơn - rời rạc hơn Mỹ và rời rạc hơn so với xã hội Việt Nam trước đây.
Tôi nói ví dụ chuyện hệ thống giá trị thế này. Nhiều bạn trẻ Việt Nam thường ao ước mình học ít thôi mà điểm vẫn cao, làm nhàn thôi mà lương vẫn cao, làm ít thôi nhưng vẫn thăng tiến. Sinh viên của tôi ở Mỹ nhìn chung không ước như thế. Các em ấy ước được làm việc mình thích và được trả lương công bằng - và đây là cái công bằng chung cho tất cả mọi người chứ các em ấy không muốn mình may mắn hơn người khác, không muốn mình nhàn nhã hơn.
Đừng "bê một cụm Việt Nam sang Mỹ"
Vậy theo quan sát riêng của chị, những điều lớn nhất các sinh viên Việt Nam thu được từ nền giáo dục tiên tiến đó là gì? Giúp ích đến đâu trong phát triển công việc của bản thân họ cũng như đóng góp cho cộng đồng?
Vấn đề này phụ thuộc vào từng cá nhân cụ thể, không có đáp số chung. Họ tìm cái gì sẽ được cái đó.
Như tôi nói, cái mục đích khởi đầu rất quan trọng cho việc bạn đi đến đích nào, có đi đến đích hay không và mất bao lâu để đi đến. Tôi nghĩ là cái động cơ của bạn lúc khởi đầu phải rất trong sáng và trung thực. Nếu nó bắt đầu từ những tính toán căn cơ thì thường rồi cuối cùng cuộc đời bạn cũng sẽ liên tục là những bài toán đối đãi rất đau đầu. Thường là những bạn có mục tiêu rõ ràng cho việc học của mình, có sự độc lập và trong sáng từ trong nước thì các bạn đó có thể có những cuộc lột xác hoàn toàn khi ra nước ngoài.
Còn những bạn đi vì các tính toán khác thì tôi thấy là thường vẫn co cụm trong cộng đồng người Việt với nhau, chẳng khác gì bê một cụm Việt Nam sang Mỹ.
Thành tựu quan trọng nhất của các bạn đó có thể là tấm bằng vì ngay cả một vài nếp sống văn minh và tự lập mà các bạn ấy học được ở Mỹ thì chỉ về nước một thời gian ngắn là mai một hết. Các bạn ấy có thể lại còn bị kẹt trong tình trạng trở lại Việt Nam thì thấy cái gì ở Việt Nam cũng tệ nên khó hòa nhập.
Theo suy nghĩ của riêng tôi, du học sinh thường rơi vào hai nhóm đối tượng: hoặc rất giỏi và nhận được học bổng, hoặc con của gia đình khá giả đi du học tự túc. Cả hai nhóm đều có những điều kiện (để) thành công cao, được mong đợi tạo ra ảnh hưởng tích cực để phát triển cộng đồng. Nhưng không phải ai cũng có thể đạt được thành công khi trở về. Ngoài thái độ học tập mà chị vừa phân tích ở trên, nếu họ không thành công, thì đâu là những cản trở khác?
Nói như vậy cũng không được công bằng lắm. Chúng ta mở cửa từ năm 1986 nhưng thực ra số người đi học nước ngoài rồi trở về Việt Nam làm việc vẫn chỉ là muối bỏ bể trong một đất nước cần xây dựng quá nhiều thứ và có quán tính quá lớn từ quá khứ.
Thế hệ này bắt đầu nhìn ra rằng vấn đề ở Việt Nam là tri thức, là một hệ thống giá trị mới, còn kinh tế thì bây giờ cũng đã ổn rồi, xã hội mình không đến nỗi chết đói nữa.
|
Thế hệ du học trước tôi chủ yếu đi Nga và Đông Âu, trở về với một Việt Nam nghèo. Cái mà họ muốn thay đổi nhất là thoát nghèo. Và bây giờ bạn có thể thấy ảnh hưởng của họ ở nhiều lĩnh vực kinh doanh, bất kể bạn cho rằng ảnh hưởng đó là tốt hay xấu.
Đến thế hệ của tôi bắt đầu đi Mỹ, Anh, Úc... nhưng cũng chỉ bắt đầu thực sự từ 10 năm trở lại đây.
Thế hệ này bắt đầu nhìn ra rằng vấn đề ở Việt Nam là tri thức, là một hệ thống giá trị mới, còn kinh tế thì bây giờ cũng đã ổn rồi, xã hội mình không đến nỗi chết đói nữa.
Nhưng thay đổi các giá trị luôn khó và lâu; sáng tạo ra các giá trị mới càng khó hơn. Mình vừa phải có đủ tích lũy và tri thức để xây dựng nó, phát biểu được nó ra rành mạch, vừa phải sống chính những giá trị đó giữa một biển tác động của thế giới cũ.
Nhưng tôi thấy điều này đang manh nha xuất hiện như những đốm lửa nhỏ rồi.
Tôi lấy ví dụ là Viện Nghiên cứu Toán Cao Cấp mà anh Ngô Bảo Châu và các đồng nghiệp đang thực hiện. Tôi đến đó, thấy các khóa học đều đặn, rất nhiều người ở nước ngoài về dạy ở Viện vào mùa hè như anh Vũ Hà Văn, anh Hà Huy Tài, các anh chị ở Pháp, ở Nhật, vv...
Xã hội có thể cho việc này là nhỏ, nhưng cái họ đang làm có giá trị tích lũy rất tốt. Họ đang chứng minh một thứ và giúp thế hệ sau tin một thứ: cuộc sống vững vàng, tự tại nhờ vào tri thức là rất quan trọng cho con người đương đại. Hoặc tôi thấy những nỗ lực của anh Giáp Văn Dương với Giap School. Hay của nhóm tổ chức liên hoan phim hàng năm YyxineFF; những ca sỹ và người làm nghệ thuật độc lập; các công ty sách độc lập; các hội đọc sách, hội làm cha mẹ....
Rồi tôi gặp các nhóm bạn trẻ cùng nhau thành lập các tổ chức phi chính phủ làm về môi trường, về giáo dục kỹ năng sống, bình đẳng giới, vv... Có quyền tin là đang manh nha những lớp sóng mới trong lòng xã hội Việt Nam. Cái tinh thần của cơn sóng ấy và cái giá trị lõi xuyên suốt những cơn sóng ấy là giống nhau và tích cực.
Cản trở họ thì nhiều, tôi không cần nói ra chắc ai sống ở Việt Nam cũng biết. Cái mà họ cần làm nhất bây giờ chính là hợp tác với nhau.
Tôi thì nghĩ là điều đó thể nào cũng xảy ra; nó chỉ cần thêm thời gian và cần có những nhân tố kết nối. Bản thân mỗi người, mỗi nhóm vào lúc này đều đang tập trung xây dựng nội lực và tìm ra bộ mặt riêng của mình nên chuyện đứng một mình, manh mún là chuyện dễ hiểu.
Xin cảm ơn chị!
Hoàng Hường(Thực hiện)
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/188347/sau--du-hoc-thoat-ngheo--la--du-hoc-thoat-giau--.html
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét