Chương trình hay nhưng khó
Tuy không nhiều nhưng những áng văn thơ Trung Quốc đưa vào trích giảng ở nhà trường phổ thông lúc đó có tác dụng rất tốt, để lại ấn tượng sâu sắc cho học sinh (HS), nhất là giúp cho HS liên hệ, so sánh với thơ văn Việt Nam học trong chương trình. Ví dụ học bài thơ dân gian trongKinh thi là Phạt đàn và Thạc thử, HS có thể hiểu thêm phần ca dao chống phong kiến của Việt Nam. Học AQ chính truyện, một truyện ngắn tiêu biểu của Lỗ Tấn, HS có thể liên hệ so sánh những nét tương đồng với truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao…Trước đây, trong chương trình môn văn ở trường phổ thông có phần văn học Trung Quốc: Đưa vào trích giảng ở phổ thông cơ sở (cấp 1, 2) là một số truyện dân gian quen thuộc như Nữ Oa đội đá vá trời, Cây bút thần Mã Lương; ở phổ thông trung học (cấp 3) là Kinh thi - một tập thơ cổ đầu tiên ra đời cách đây hơn 2.500 năm - trích giảng hai bài thơ dân gian, đó là bài Phạt đàn (Chặt gỗ đàn) và Thạc thử (Con chuột xù)…
1. Hiện nay, trong chương trình môn văn ở trường phổ thông, phần văn học Trung Quốc được chú ý hơn, khối lượng nhiều hơn. Thơ văn Trung Quốc đưa vào trích giảng trong nhà trường chọn lựa có hệ thống, đầy đủ và tiêu biểu. Ở THCS, các em HS được học một số bài thơ về chủ đề hiện thực và nhân đạo của Đỗ Phủ. Đó là bài Thạch Hào lại và Mao ốc vi thu phong sở phá ca (Bài ca gió thu tốc nhà). Hai bài thơ này chẳng những có giá trị về nội dung mà còn có giá trị nghệ thuật. Về thơ lãng mạn của Lý Bạch, HS THCS học ba bài, đó là bài Hành lộ nan (Đường đi khó) và hai bài thơ tả cảnh thiên nhiên: Vọng Lư sơn bộc bố (Ngắm thác núi Lư) vàTĩnh dạ tư (Suy nghĩ trong đêm thanh tĩnh).
Tuy nhiên, ở đây chúng tôi muốn đề cập nhiều hơn về phần văn học Trung Quốc ở sách giáo khoa văn học THPT. Cụ thể, các em HS lại được tiếp tục học một số bài thơ Đường tiêu biểu của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị và Thôi Hiệu. Về Đỗ Phủ, các em được tiếp xúc với hai bài thơ trữ tình, giàu cảm xúc rất nổi tiếng của ông, đó là bài Thu hứng (Hứng thu) và Đăng cao (Lên cao). Về Lý Bạch, các em được học bài thơ nói về tình bạn, đó là bài Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng (Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng). Nếu ở THCS, bàiHoàng Hạc lâu nổi tiếng của Thôi Hiệu chỉ ở phần đọc thêm thì ở chương trình THPT, bài thơ này được học kỹ. Bài Hoàng Hạc lâu là một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật xuất sắc nhất trong số thơ luật đời Đường như lời nhận xét của Nghiêm Vũ, nhà lý luận văn học đời Tống. Bài Hoàng Hạc lâu rất có giá trị về mặt nội dung và nghệ thuật. Các nhà thơ của ta xưa nay ai cũng thích và thuộc lòng bài thơ này. Học bài thơ Hoàng Hạc lâu, HS có thể hiểu thêm những nét phong cách tiêu biểu của thơ Đường là niêm, luật, đối, ý, cảnh, “ý tại ngôn ngoại”…
Trường hận ca và Tỳ bà hành là hai trường thi có giá trị nhất của Bạch Cư Dị.
Ở THPT, HS được học kỹ một đoạn của bài Tỳ bà hành. Đó là đoạn tả tiếng đàn của người kỹ nữ đánh đàn cho Bạch Cư Dị nghe ở trên bến Tầm Dương trong đêm có cuộc gặp gỡ tình cờ giữa nhà thơ, người bạn và người kỹ nữ. Đây là đoạn thơ miêu tả hay và lắng đọng tình cảm của tác giả thông qua việc miêu tả tiếng đàn tài nghệ của người kỹ nữ. Qua học đoạn thơ này, HS có thể liên hệ với đoạn thơ Thúy Kiều đánh đàn cho Kim Trọng trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Đoạn thơ dịch mà HS tiếp xúc là của Phan Huy Vịnh chứ không phải của Phan Huy Thực. Qua bản dịch các em có thể thấy được giá trị biểu cảm, giàu nhạc điệu của tiếng Việt thế kỷ 18.
Ngoài thơ ở bậc THPT, HS còn được học trích đoạn tác phẩm Tam quốc chí diễn nghĩa của La Quán Trung. Đoạn văn trích này cũng nhẹ nhàng nhưng nội dung rất sâu sắc và kịch tính cao. Văn tả cảnh độc đáo của La Quán Trung thể hiện khá rõ trong đoạn văn này. Về phần đọc thêm, HS được đọc bài Đạo sĩ núi Lao trích trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh. Ở lớp 11, chủ yếu HS học Lỗ Tấn với 3 truyện ngắn tiêu biểu là AQ chính truyện, Cố hương và Thuốc…
2. Trên đây chúng tôi điểm lại phần văn học Trung Quốc ở sách giáo khoa văn học, chủ yếu là ở THPT. Có thể khẳng định chương trình như vậy là tốt, khoa học, với những tác giả và tác phẩm văn học Trung Quốc tiêu biểu. Phần được là ở chỗ đó.
Tuy nhiên, là người theo dõi việc giảng dạy, học tập ở trường phổ thông và ĐH về môn này, nhận xét đầu tiên của chúng tôi là chương trình hay nhưng khó và có thể nói là không phù hợp với trình độ HS của chúng ta hiện nay. Học thơ Đường, tiểu thuyết Minh - Thanh và Lỗ Tấn đối với HS Việt Nam ở lứa tuổi 15-16 là không thực tế. Các em không hiểu gì về lịch sử, văn học, niên đại, thời đại, tác giả, tác phẩm, nhân danh, địa danh, đề tài, điển cố, điển tích trong văn học Trung Quốc. Đó là chưa kể các em phải học qua bản dịch, nhất là đối với thơ Đường. Khi soạn, các soạn giả về thơ Đường cẩn thận, chu đáo ngay cả phần phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ. Có thể nói các phần ấy HS chưa lĩnh hội được bao nhiêu. Các bài thơ, đoạn văn được trích giảng tuy hay nhưng khó, vì sự thâm thúy, hàm súc của văn chương Trung Hoa. Chẳng những đối với người học mà người dạy cũng khó vì vốn Hán văn hạn chế. Khi giảng dạy thơ Đường - Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị và Thôi Hiệu - giáo viên rơi vào tình trạng “bất cập”, “bất thấu” và HS thì “không đến”, “không hiểu” sự tinh túy, sâu xa, hàm súc của thơ văn cổ điển Trung Quốc. Theo chúng tôi, phần tóm tắt, chú thích vẫn còn dài, chưa gọn, chưa đơn giản. Phần câu hỏi cũng “nặng” đối với HS...
PGS. Hồ Sĩ Hiệp
Khi giảng dạy thơ Đường - Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị và Thôi Hiệu - giáo viên rơi vào tình trạng “bất cập”, “bất thấu” và HS thì “không đến”, “không hiểu” sự tinh túy, sâu xa, hàm súc của thơ văn cổ điển Trung Quốc.
|
http://www.giaoduc.edu.vn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét