Cũng giống như các nghiên cứu sinh ngành hóa khác tại Mỹ, anh Nick Chapman không xa lạ gì với áp lực từ việc làm luận án. Từ trước khi bước chân vào con đường học thuật, đó là điều họ đã phải chuẩn bị tâm lý. Thế nhưng không ai học được chữ ngờ.
Năm thứ 3 của chương trình tiến sỹ (PhD) 4 năm tại Mỹ, vào một khoảng thời gian ngắn ngủi ngồi trong ô tô nóng nực, bỗng nhiên anh cảm thấy mình muốn phát điên lên, anh cảm thấy không thể chịu được nữa, anh lao ra khỏi ô tô chạy thẳng đến phòng bác sỹ trường và la hét rằng anh đang bị tấn công.
Các bác sỹ vây lấy anh, cố gắng khuyên giải cho anh bình tĩnh. Thế rồi anh cũng đỡ cáu giận hơn. Có thêm vài lần khác anh phải tìm đến bác sỹ tâm lý. Nhưng rồi mọi chuyện rồi cũng đi vào quỹ đạo của nó, anh Chapman giờ cũng hoàn thành xong chương trình tiến sỹ nhưng với anh, ác mộng của nó vẫn mới chỉ như ngày hôm qua.
Nhắc đến lần lao vào phòng bác sỹ, anh kể lại, tối ngày trước đó, giáo sư của anh đã từ chối viết thư giới thiệu anh cho chương trình Post Doc cũng như học bổng nghiên cứu. Đồng thời giữa giáo sư và anh cũng có nhiều mâu thuẫn. Chính vì vậy lúc đó anh cảm tưởng như thần kinh mình không thể chịu được. Và Chapman không phải trường hợp duy nhất.
Nghiên cứu năm 2015 của đại học University of California Berkeley cho thấy một nửa nghiên cứu sinh PhD tại Mỹ bị trầm cảm. 10% trong tổng số nghiên cứu sinh từng cố gắng tự tử. Mỗi năm có hàng chục vụ tự tử và việc tự tử thường quá rồi người ta đã trở nên rất quen.
Theo giáo sư Saji Motorhide tốt nghiệp đại học University of Chicago và giáo sư Naoko Kumagai tốt nghiệp từ New York University, nếu như trong chương trình thạc sỹ nghiên cứu mỗi tuần sinh viên phải đọc khoảng 300-400 trang sách thì với chương trình tiến sỹ, riêng khối lượng đọc mỗi tuần lên đến 2000 trang sách.
Tại sao nghiên cứu sinh phải đọc nhiều thế? Nguyên tắc của làm luận án tiến sỹ là phải tìm ra cái gì mà người ta chưa khai thác, chưa viết đến hoặc người ta đã làm đến rồi nhưng vì lý do A,B,C nên nghiên cứu sinh thấy nó chưa đủ sâu, chưa đủ thực tiễn, vì vậy anh ta cần phải làm nghiên cứu về đề tài đó.
Nếu không tự đọc và trang bị cho mình vốn kiến thức cực kỳ sâu rộng về đề tài mình muốn viết, đến buổi gặp gỡ định kỳ với giáo sư hướng dẫn, giáo sư hỏi vài câu thôi là ra ngay kiến thức của mình nông sâu cỡ nào. Và nếu kiến thức chưa đủ sâu thì đơn giản là giáo sư sẽ không xem bất kỳ cái gì mình viết ra.
Giáo sư hướng dẫn mang đến ít niềm vui nhưng rất nhiều nỗi khiếp sợ cho những ai từng học tiến sỹ một cách thực sự ở nước ngoài. Nhiều khi họ bận thật nên gửi báo cáo hàng tháng trời mới trả lời. Nhiều khi họ không hợp tác nữa vì thế mọi nỗ lực liên lạc với họ trở thành con số không. Rồi nhiều khi nửa chừng họ bảo họ bận họ không tiếp tục hướng dẫn được thế là lại phải chuyển giáo sư và gần như mọi thứ bắt đầu lại từ đầu.
Chương trình PhD thường kéo dài 4 năm, thế nhưng theo giáo sư Motorhide, hiếm khi có ai hoàn thành được chương trình trong 4 năm. 10 người theo học tiến sỹ chỉ có 1,2 người học xong trong 4 năm. Đa phần phải mất 5 năm, cá biệt có những trường hợp học 6,7,10 năm. Và 10 người vào, đến khi tốt nghiệp được chỉ còn 6,7 người.
Nhiều trường đại học nằm rất xa trung tâm đô thị lớn nên sinh viên cũng chẳng thể làm gì ngoài việc học, mùa hè đã đành, mùa đông tuyết phủ dầy trắng xóa không đi đâu được, nhiều người bị hóa điên vì tù túng ngột ngạt và học hành căng thẳng.
Làm tiến sỹ nhiều khi cũng đồng nghĩa với cực kỳ khổ ải về thể chất. Ví như có những đề tài nghiên cứu về cộng đồng người nhập cư tại Mỹ, điều đó có nghĩa là sẽ phải tự lái xe đi, tự đi phương tiện công cộng hay bằng cách nào đó tùy mình, đi phỏng vấn hàng chục người nhập cư Mỹ với nhiều sắc tộc khác nhau. Họ sống ở những vùng xa xôi hẻo lánh, an ninh kém, súng đạn nhiều, nghiên cứu sinh PhD vì thế cũng vô cùng vất vả.
Hoặc ví như làm PhD ngành tâm lý học tội phạm là hàng chục lần liên hệ qua lại với các trại giam để xin tiếp xúc với tù nhân. Ngoài ra họ phải đi đến những khu ổ chuột nói chuyện với những người dưới đáy xã hội lúc nào cũng sẵn sàng dùng dao súng để "nói chuyện" nếu mình không biết ứng xử. Tất nhiên theo hai giáo sư biết thì chưa có ai chết vì mấy việc này, nhưng sức ép tâm lý khi phải làm việc với những người như vậy không hề nhỏ.
Không phải chỉ ở Việt Nam mới có chuyện trọng bằng cấp và coi học vấn như một con đường để đổi đời, ở Mỹ cũng có rất nhiều người như vậy. Với trình độ tốt, họ thậm chí vay tiền khắp nơi để đi học tiến sỹ ở các trường tốt. Họ vay từ chính phủ, vay từ họ hàng, vay từ bố mẹ. Áp lực tài chính quá cao cộng với áp lực học hành và khả năng không thể hoàn thành được khóa học tiến sỹ như kỳ vọng khiến nhiều người bị trầm cảm.
Nghiên cứu sinh tiến sỹ ngành sinh thái và môi trường tại đại học University of Toronto, Mississauga, anh Nash Turley, cho biết sau khoảng thời gian dài sống trong ký túc xá cảm thấy quá áp lực, cuối cùng anh đã chuyển ra ngoài sống dù đi đến trường gặp giáo sư rất xa. Và cũng phải đến khi ra ngoài, anh mới nhận ra rằng thực ra trong chương trình tiến sỹ của anh, không riêng anh muốn rời khỏi trường mà rất nhiều người khác cũng chỉ chờ cơ hội để đi.
Anh tự cảm thấy bản thân có vấn đề khi trong đầu anh bắt đầu có những suy nghĩ như tự cầm dao đâm mình hoặc cắt tay mình. Anh cố gắng tìm số của đường dây nóng và liên lạc với bác sỹ. Bác sỹ đã lập tức gọi anh đến gặp. Sau nhiều cuộc nói chuyện anh cảm thấy trấn tĩnh hơn.
Khi học tiến sỹ, nhiều nghiên cứu sinh còn mặc phải triệu chứng “hoàn hảo quá”. Nghiên cứu sinh ngành tâm lý học tại đại học University of New South Wales, cô Yichelle Zhang, cho biết cô đang gặp phải triệu chứng rối loạn khả năng ăn uống. Buổi đêm cô mất ngủ thường xuyên khiến ban ngày cô không thể làm việc được.
Nhưng suy nghĩ luôn làm mọi thứ phải hoàn hảo càng đẩy cô hơn vào vòng luẩn quẩn của việc nghĩ mình không làm mọi thứ hoàn hảo, cố gắng hơn, kiệt sức và không làm được việc, rồi lại đau khổ vì mình đang làm không hoàn hảo.
Cuối cùng, không thể giấu giếm được nữa, cô đành thú thật với nhóm nghiên cứu sinh đang làm việc cùng nhóm với mình rằng cô cảm thấy tâm lý cô không thể tiếp tục được nữa, và mọi người đã thông cảm. Zhang được nghỉ ngơi vài tháng và sau đó cô quay lại tiếp tục chương trình của mình. Cuối cùng Zhang cũng hoàn thành được khóa tiến sỹ.
Ngọc Thanh
Theo Trí Thức Trẻ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét