1. Sự phức tạp của khái niệm và những khó khăn trong chuyển ngữ
Trong cuốn
Discourse, tác giả Sara Mills cho rằng diễn ngôn là thuật ngữ “có phạm vi nghĩa khả hữu rộng nhất so với bất cứ thuật ngữ nào khác thuộc lí luận văn học và văn hóa”
[1].
Theo tác giả Diệp Quang Ban trong cuốn
Giao tiếp diễn ngôn và cấu tạo văn bản, nhà ngôn ngữ học người Bỉ E.Buysen là người đầu tiên sử dụng discourse như một khái niệm chuyên môn trong tác phẩm
Hoạt động nói năng và văn bản (1943)
[2]. Từ những năm sáu mươi của thế kỉ XX, nghiên cứu diễn ngôn (hay còn gọi là phân tích diễn ngôn) trở thành một trào lưu khoa học phát triển rầm rộ ở châu Âu và diễn ngôn trở thành một khái niệm trung tâm, được lưu hành rộng rãi trong khoa học xã hội và nhân văn.
Sau thời kì thống trị của cấu trúc luận, nó lại xuất hiện với những hàm nghĩa mới trong các công trình nghiên cứu hậu cấu trúc và giải cấu trúc của M.Foucault, J.Derrida, R.Barthes… Ngày nay, diễn ngôn trở thành một thuật ngữ quan trọng trong các công trình nghiên cứu của các trường phái Phân tích diễn ngôn phê phán, chủ nghĩa Hậu hiện đại, chủ nghĩa Thuộc địa và Hậu thuộc địa, Lý luận nữ quyền, chủ nghĩa Tân duy sử… Trải qua quá trình phát triển lâu dài, diễn ngôn liên tục được sử dụng trong những bối cảnh mới và được bồi đắp thêm những nét nghĩa mới. Điều này khiến cho nghĩa gốc của nó trở nên nhòe mờ, những nét nghĩa khái quát bị che khuất, và các nét nghĩa thứ sinh lại đan bện chồng chéo, khó phân tách.
Mặt khác, diễn ngôn lại có một phạm vi phủ sóng rất rộng, rộng đến nỗi, Marie Christine trong
Encyclopedia Contemporary Literary Theory đã cho rằng, nó đi ngang qua ranh giới của các lĩnh vực và bởi vậy tham gia vào một sự tái tổ chức tri thức nói chung đang diễn ra trong khoa học xã hội và nhân văn ngày nay
[3]. Nó được sử dụng trong ngôn ngữ học, nghiên cứu văn học, nghiên cứu văn hóa, xã hội học… Tuy nhiên, trong mỗi bối cảnh khác nhau này, nó lại hiển thị những nét nghĩa khác nhau. Thậm chí trong cùng một bối cảnh, người ta cũng có thể tìm thấy những cách dùng khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Theo Sara Mills, có thể nhận ra rất nhiều cách quan niệm khác nhau về diễn ngôn trong ngôn ngữ học, và ngay trong trước tác của M.Foucault, cũng có thể phát hiện ra ít nhất là ba cách định nghĩa về diễn ngôn: diễn ngôn như là tập hợp các nhận định nói chung, diễn ngôn như là những nhận định được cá thể hóa, diễn ngôn như một thực tiễn tạo nên vô số các nhận định
[4]. Sự phân hóa phức tạp về nghĩa của thuật ngữ khi xuất hiện trong những khung lý thuyết khác nhau đã dẫn đến sự chồng chéo của các tầng nghĩa, tạo nên một ma trận đầy thách thức đối với nhà nghiên cứu khi muốn tìm hiểu và phân tách nét nghĩa nào đã được kích hoạt trong mỗi tình huống cụ thể.
Một khó khăn khác đối với giới học giả Việt Nam là sự bất đồng trong chuyển dịch thuật ngữ discourse ra tiếng Việt. Có thể thấy sự hỗn tạp và mâu thuẫn này qua bảng tóm tắt sau đây:
Tên tác giả/ dịch giả | Tên tài liệu | Địa chỉ | Cách chuyển dịch thuật ngữ discourse |
George Yule | Dụng học (một số dẫn luận nghiên cứu ngôn ngữ | Nxb ĐHQGHN Hà Nội, 2003 | Diễn ngôn |
Mak Halliday(Hoàng Văn Vân dịch) | Dẫn luận ngữ pháp chức năng | Nxb ĐHQGHN | Ngôn bản |
Diệp Quang Ban | Giao tiếp, diễn ngôn và cấu tạo văn bản | Nxb Giáo dục, 2009 | Diễn ngôn |
Roland Barthes(Tôn Quang Cường dịch) | Nhập môn phân tích cấu trúc truyện kể- Sự đỏng đảnh của phương pháp | Nxb Văn hóa thông tin- Tạp chí văn hóa- nghệ thuật, Hà Nội, 2004 | Ngôn bản |
Những bất đồng trong chuyển ngữ nêu trên, một mặt xuất phát từ bản chất phức tạp, đa nghĩa của thuật ngữ, mặt khác, cho thấy sự lúng túng của giới học giả Việt Nam khi tiếp xúc với những thuật ngữ mang tính chất lý luận của nước ngoài, khi nền tảng kiến thức và tư duy lý luận trong các ngành khoa học xã hội Việt Nam vẫn còn có những khoảng cách nhất định với thế giới.
Thêm vào đó, trong những năm gần đây, nhờ việc dịch thuật và giới thiệu các lý thuyết văn học, văn hóa và ngôn ngữ nước ngoài, đặc biệt là các lý thuyết hậu hiện đại vào Việt Nam, thuật ngữ diễn ngôn dần trở nên quen thuộc với các nhà nghiên cứu. Nó được sử dụng một cách phổ biến đến mức tùy tiện và không cần chú thích, thậm chí sính dùng diễn ngôn đã trở thành một thứ mốt thời thượng đối với một số học giả trẻ. Thực tiễn này đã gióng lên một lời cảnh báo về tình trạng thiếu khoa học của nền học thuật trong nước khi “nhập khẩu” thuật ngữ diễn ngôn nói riêng và các lý thuyết nước ngoài nói chung, đồng thời đặt ra một yêu cầu cấp thiết: cần có một công trình khoa học giới thuyết một cách nghiêm túc và tỉ mỉ nguồn gốc, sự phát triển cũng như nội hàm khái niệm này.
Tham khảo một số công trình tổng thuật có uy tín về discourse, chúng tôi nhận thấy, khó có thể tóm bắt, dồn nén toàn bộ các nét nghĩa phồn tạp, chồng chéo của thuật ngữ vào một phán quyết duy nhất hay một lược đồ đơn giản, bởi diễn ngôn, giống như một thực thể sống động, không những đã tỏa cành đâm rễ vào muôn ngàn các lĩnh vực học thuật khác nhau, mà vẫn còn đang vận động và không ngừng sản sinh thêm những nét nghĩa mới. Con đường thông minh nhất khi tiếp cận thuật ngữ này là đặt nó vào những bối cảnh sử dụng khác nhau, từ đó nghiên cứu xem trong mỗi bối cảnh, nét nghĩa nào đã được khai triển, sáng tạo thêm. Đó là cách thức tiếp cận của tác giả Sara Mills trong công trình có ý nghĩa như một cuốn cẩm nang cho các nhà nghiên cứu diễn ngôn, cũng như của Marie Christine trong khi diễn giải mục từ Discourse trong cuốn Encyclopedia Contemporary Literary Theory- một cuốn từ điển bách khoa về các lý thuyết văn học đương đại.
2. Ba cách tiếp cận khái niệm diễn ngôn
Trong luận án của mình, chúng tôi cố gắng nắm bắt những dòng mạch chính trong nghiên cứu diễn ngôn của thế kỉ XX, phác thảo ba cách tiếp cận chủ yếu, đồng thời giới thiệu những tư tưởng gia và những quan điểm lý thuyết có ảnh hưởng lớn nhất trong nghiên cứu diễn ngôn. Nếu quá trình phát triển của thuật ngữ giống như sự lan tỏa và giao thoa của những vòng tròn đồng tâm thì ta có thể nhận thấy ba tâm điểm- nơi xuất phát của các khuynh hướng nghiên cứu diễn ngôn khác nhau. Đồng thời, trong quá trình lan tỏa từ ba trung tâm này, các lý thuyết diễn ngôn giao cắt, trùm lấp, xâm lấn vào địa hạt của nhau, khiến cho biên giới của chúng không còn rõ ràng. Qua ba vòng tròn này, chúng ta cũng có thể quan sát thấy ngọn nguồn sự phát triển và phân nhánh phức tạp của thuật ngữ, cũng như sự tương tác, kế thừa, phủ định, sáng tạo giữa các khuynh hướng, và đặc biệt là những bước chuyển trong tư duy lý thuyết của ngành khoa học xã hội và nhân văn thế kỉ XX.
1. Hướng tiếp cận ngôn ngữ học
Nền tảng của hướng tiếp cận ngôn ngữ học về diễn ngôn là những luận điểm của F.de Saussure trong
Giáo trình ngôn ngữ học đại cương. Sự ra đời của cuốn giáo trình này đã đánh dấu một bước ngoặt trong nghiên cứu ngôn ngữ: chuyển từ nghiên cứu sự biến đổi của ngôn ngữ qua các thế hệ sang nghiên cứu bản chất của ngôn ngữ như một hệ thống tĩnh tại, khép kín. Trong công trình này, Saussure phân biệt ngôn ngữ và lời nói. Ngôn ngữ là một hệ thống, một kết cấu tinh thần trừu tượng, khái quát trong khi lời nói là sự vận dụng ngôn ngữ trong những hoàn cảnh cụ thể, bởi các cá nhân cụ thể. Ngôn ngữ là bản thể xã hội, thuộc về cộng đồng trong khi lời nói thuộc về cá nhân. Ngôn ngữ là những cấu trúc tiên nghiệm và bất biến trong khi lời nói là bình diện sinh thành. Ông chỉ ra đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học là ngôn ngữ, sản phẩm của xã hội kết đọng lại trong óc mỗi người chứ không phải là lời nói
[5].
Sự đối lập lời nói/ ngôn ngữ trong quan điểm của Saussure đã làm nền tảng cho sự phân biệt giữa discourse (diễn ngôn) và text (văn bản). Văn bản (text) là cấu trúc ngôn ngữ mang tính chất tĩnh, còn diễn ngôn (discourse) là cấu trúc lời nói mang tính động. David Crystal cho rằng:
“Phân tích diễn ngôn tập trung vào cấu trúc của ngôn ngữ nói xuất hiện một cách tự nhiên trong các diễn ngôn như lời đàm thoại, phỏng vấn, bình luận và lời nói. Phân tích văn bản tập trung vào các cấu trúc của ngôn ngữ viết, trong các văn bản như tiểu luận, thông báo, biển chỉ đường và các chương sách”
[6].
Michael Stubbs (1983) phân biệt: “một văn bản có thể được viết ra, trong khi một diễn ngôn có thể được nói ra, một văn bản có thể được tương tác trong khi một diễn ngôn thì không tương tác”
[7].
Trên cơ sở sự đối lập giữa văn bản và diễn ngôn, vào những năm 1960, ngôn ngữ học đã rẽ sang hai hướng: một hướng đi sâu nghiên cứu cấu trúc nội tại của các văn bản như một hệ thống chỉnh thể, khép kín và biệt lập, và hướng còn lại, chuyên nghiên cứu cấu trúc diễn ngôn trong mối quan hệ với ngữ cảnh phát ngôn, nhân vật phát ngôn… Cả hai khuynh hướng này đều được hình thành trong bối cảnh sự phát triển và cực thịnh của chủ nghĩa cấu trúc, vì thế chúng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của trào lưu lý thuyết này. Tuy nhiên, trong các công trình nghiên cứu thuộc hai khuynh hướng này, không phải lúc nào diễn ngôn và văn bản cũng được phân biệt một cách rạch ròi.
Vào những năm 1960, ngôn ngữ học của Saussure và chủ nghĩa cấu trúc của Bloomfield đã phát triển đến giai đoạn cực thịnh. Lúc này, người ta cảm thấy sự chật chội và hạn hẹp của ngôn ngữ học lấy câu làm đơn vị lớn nhất và đề xuất nghiên cứu đơn vị ngôn ngữ lớn hơn câu. Từ đây, nghiên cứu văn bản trở thành một khuynh hướng nghiên cứu phát triển hết sức rầm rộ. Văn bản được coi như sự nối dài của câu và người ta dùng những công cụ phân tích cấu trúc câu để phân tích văn bản.
Trong cuốn Nhập môn phân tích cấu trúc truyện kể, Roland Barthes có tham vọng khái quát sự đa dạng, muôn hình vạn trạng của các thể loại tự sự của các nền văn hoá, các lớp người, các nhóm xã hội vào một số mô hình nhất định. Giống như Saussure trước hiện tượng nhiều dạng của hoạt động lời nói, ông chỉ ra nguyên tắc để phân loại và cơ sở để mô tả chúng là “hệ thống ẩn của các đơn vị cơ sở và qui tắc liên kết chúng lại’.
R.Barthes cho rằng: “Bất cứ văn bản tự sự nào cũng đều được xây dựng theo một mô hình câu mặc dù nó không phải là một tổng thể của các câu, bất cứ một truyện nào cũng là một câu lớn, và câu kể chính là sự tỉnh lược của một truyện nhỏ. Trong văn bản tự sự có thể tìm thấy sự hiện diện của các phạm trù cơ bản như thời, dạng, thể, ngôi. Hơn nữa, ngay cả các chủ thể lẫn cụm chủ vị trong văn bản tự sự cũng đều tuân thủ các qui tắc cấu tạo câu”
[8]. Chính vì quan niệm như thế mà ông đã dùng những thao tác phân tích câu để phân tích văn bản, và lược qui cấu trúc của văn bản vào những đơn vị ngữ pháp của câu.
Năm 1968, trong Ngữ pháp truyện kể, Todorov cho rằng, mặc dù số lượng của truyện kể là vô hạn, song cách đưa ra truyện kể và lí giải truyện kể của người đọc ở mọi nơi, mọi thời đại đều có những điểm tương đồng. Vì thế, có thể khái quát vô vàn những truyện kể khác nhau vào một số mô hình nhất định mà ông gọi là “ngữ pháp của truyện kể”. Ông phân chia thành phần cấu tạo của truyện kể thành hai lớp: lớp tính từ (hay còn gọi là lớp tĩnh tại) miêu tả các hoạt động cùng kiểu lặp lại nhiều lần, lớp động từ (hay còn gọi là lớp chuyển tiếp) chuyển từ việc miêu tả trạng thái tĩnh này sang trạng thái tĩnh khác. Và dùng thao tác phân tích câu, ông chỉ ra ba kiểu quan hệ của truyện kể: quan hệ thời gian, quan hệ logic, quan hệ không gian.
Todorov không quan tâm đến việc phân tích các văn bản văn học cụ thể, mà theo ông, mỗi tác phẩm văn học là sự hiện thực hóa của một cấu trúc lớn hơn, mỗi văn bản văn học là một ví dụ, là chất liệu để nghiên cứu thuộc tính chung, trừu tượng của văn học. Trên cơ sở đó, việc phân tích văn bản văn học bao gồm phân tích các phương diện:
phương diện ngữ nghĩa (được phát triển thành hai nhóm: nhóm các yếu tố cùng hiện diện trong một văn bản và nhóm các yếu tố vắng mặt);
những kiểu ghi của ngôn ngữ (được phân chia thành các phạm trù: tính cụ thể/ trừu tượng của lời nói, những hình thái tu từ như tính hình tượng và hoa mĩ của văn bản;
tính đơn trị văn bản không gợi lên ở người đọc những liên hệ với những phương thức diễn ngôn đã có trước đó; tính chủ quan/ khách quan
); phương diện từ (gồm có dạng nói về mức độ tồn tại của các sự kiện được miêu tả trong văn bản và thời tức là quan hệ giữa hai trục thời gian: trục vốn có của văn bản tác phẩm và trục thời gian của sự kiện, nhân vật hư cấu trong một thế giới vốn được tổ chức phức tạp hơn nhiều, và cuối cùng là cách nhìn mà từ nó các sự kiện được tri giác);
phương diện cú pháp (các cấu trúc văn bản như sự tổ chức thời gian, tổ chức không gian)
[9].
Trong
Diễn ngôn tự sự (Narrative discourse), trên cơ sở phân biệt
discourse và
story, G.Gennette cho rằng diễn ngôn tự sự là cách thức trình bày một câu chuyện. Tác giả đã phân chia diễn ngôn tự sự thành các phạm trù ngữ pháp như: thời, thức, và giọng. Trong đó, thời và thức nằm ở cấp độ mối quan hệ giữa câu chuyện và diễn ngôn tự sự, giọng chỉ ra mối quan hệ giữa hoạt động kể và diễn ngôn tự sự, giữa hoạt động kể và câu chuyện. Gennette đã dùng những phạm trù ngữ pháp này để phân tích cấu trúc tự sự của
Đi tìm thời gian đã mất của M.Proust.
[10]
Cũng trong giai đoạn này, khái niệm diễn ngôn bắt đầu được sử dụng rộng rãi và đặc biệt trở thành một khái niệm trung tâm trong trường phái Phân tích diễn ngôn (hay còn gọi là nghiên cứu diễn ngôn), một hướng nghiên cứu có phạm vi và ảnh hưởng rất rộng rãi, bao trùm rất nhiều lĩnh vực như ngôn ngữ học, xã hội học, tâm lí xã hội học, nghiên cứu văn học…
Theo tác giả Diệp Quang Ban, “trong cách hiểu ngắn gọn nhất, Phân tích diễn ngôn là một cách tiếp cận phương pháp luận đối với việc phân tích ngôn ngữ bên trên bậc câu, gồm các tiêu chuẩn như tính kết nối, hiện tượng hồi chiếu… Hiểu một cách cụ thể hơn thì Phân tích diễn ngôn là đường hướng tiếp cận tài liệu ngôn ngữ nói và viết bậc trên câu (diễn ngôn/văn bản) từ tính đa diện hiện thực của nó, bao gồm các mặt ngôn từ và ngữ cảnh tình huống, với các mặt hữu quan thể hiện trong khái niệm ngôn vực mà nội dung hết sức phong phú đa dạng”
[11].
Nếu như ngữ pháp văn bản chuyên nghiên cứu văn bản một cách biệt lập, hoàn toàn tách rời khỏi ngữ cảnh thì phân tích diễn ngôn nhằm làm nổi bật mối quan hệ chặt chẽ giữa kết cấu ngôn từ bên trong văn bản với những yếu tố ngoài văn bản (hay còn gọi là ngôn vực). Các yếu tố này bao gồm trường (field) (hoàn cảnh bao quanh diễn ngôn), thức (mode) (vai trò của ngôn ngữ trong tình huống), không khí chung (tennor) (các vai xã hội trong giao tiếp).
Trong giai đoạn này, chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi ngôn ngữ học Saussure và chủ nghĩa cấu trúc, các nhà nghiên cứu văn học và ngôn ngữ tập trung vào khám phá cấu trúc tĩnh tại, bất biến của các diễn ngôn và văn bản. Tư tưởng này đã loại trừ tất cả thuộc tính ngẫu nhiên, cá thể của lời nói, chỉ chú ý đến phương diện ổn định, bất biến của ngôn ngữ như một bản thể xã hội. Và đối tượng hướng tới của các nhà nghiên cứu không phải là những văn bản/diễn ngôn cụ thể, mà họ chỉ coi đó là chất liệu, thông qua việc phân tích các văn bản/ diễn ngôn cụ thể như Câu chuyện mười ngày, Đi tìm thời gian đã mất, họ cố gắng chỉ ra những cấu trúc khái quát, những thuộc tính bản chất của văn học nói chung. Mỗi nhà nghiên cứu đều cố gắng tìm ra một mô hình phi thời gian cho các văn bản, theo những cách thức khác nhau.
Như vậy là, dưới cái nhìn của các nhà cấu trúc, tất cả các hành động của con người và các cơ cấu tổ chức của xã hội đều liên quan đến ngôn ngữ, và có thể được tìm hiểu như một hệ thống gồm các yếu tố có quan hệ chặt chẽ với nhau. Mỗi yếu tố trong hệ thống chỉ có ý nghĩa khi nó được đặt trong một cấu trúc tổng thể. Nói cách khác, các cấu trúc tổng thể sẽ qui định ý nghĩa và chức năng của những yếu tố cấu thành nên nó. Và diễn ngôn cũng là một cấu trúc khép kín, nội tại, được cấu thành từ những yếu tố bất biến là các phạm trù ngữ pháp như thời, thức, thể, giọng, ngôi… Cách tiếp cận này đã khiến cho nhà nghiên cứu, khi phân tích diễn ngôn, đặc biệt chú trọng đến phương diện cấu trúc và nỗ lực tìm kiếm những mô hình ngôn ngữ mang tính chất tĩnh- cái cơ chế ẩn tàng của tổ chức ngôn từ trong văn bản cũng như diễn ngôn.
2. Hướng tiếp cận phong cách học
Có thể coi M.Bakhtin là người khởi nguồn cho một truyền thống mới trong nghiên cứu diễn ngôn. Tư tưởng về diễn ngôn của Bakhtin có vai trò như một bản lề, hay một cầu nối bắc từ quan niệm về diễn ngôn của ngôn ngữ học cấu trúc sang quan niệm diễn ngôn của các trường phái lí luận hậu hiện đại. Trong các trước tác của Bakhtin, ta có thể thấy sự đối thoại và phủ định đối với rất nhiều những quan điểm về ngôn ngữ học được lưu hành phổ biến trong thời đại của ông, đặc biệt là những quan điểm ngôn ngữ được triển khai trên cơ sở tư tưởng của Saussure. Song mặt khác, cũng có thể nhận ra sự tương đồng trong tư tưởng của ông với những quan điểm lý thuyết quan trọng nhất của các trào lưu văn hóa- văn học hậu hiện đại.
Tiểu luận “
Vấn đề các thể loại lời nói” viết vào quãng những năm 1952-1953
[12] là công trình nghiên cứu thể hiện tập trung nhất quan điểm của Bakhtin về diễn ngôn, đồng thời có vai trò như một ngọn nến soi đường, giúp người đọc sáng tỏ rất nhiều những công trình nghiên cứu trước đó, cũng như ngọn nguồn sản sinh ra các mô hình lý thuyết độc đáo của ông.
Nếu như hướng tiếp cận ngôn ngữ học về diễn ngôn được hình thành trên cơ sở ngôn ngữ học Saussure thì hướng tiếp cận phong cách học về diễn ngôn lại được phát triển dựa trên nền tảng đối lập với những quan điểm của Saussure về ngôn ngữ. Trong tiểu luận Vấn đề các thể loại lời nói, Bakhtin đã có ý đối thoại với ngôn ngữ học và phong cách học đương thời được nuôi dưỡng bởi ngôn ngữ học Saussure.
Trước hết, Bakhtin phê phán ngôn ngữ học hàn lâm chỉ tập trung nghiên cứu phương diện cấu trúc của ngôn ngữ mà không chú ý đến bình diện sinh thành của ngôn ngữ, tức là ngôn ngữ trong đời sống, trong giao tiếp. Ông đề xuất một lĩnh vực nghiên cứu mới mà ông gọi là siêu ngôn ngữ, một ngành khoa học chuyên nghiên cứu “đời sống của lời nói”, “dòng chảy ngôn từ”, nói cách khác là ngôn ngữ như một thực thể đa dạng, sống động, mang tính lịch sử chứ không phải là ngôn ngữ như một hệ thống khép kín và trừu tượng.
Diễn ngôn (hay lời nói) (discourse), bởi vậy, là khái niệm trung tâm trong quan điểm của Bakhtin về ngôn ngữ. Ông cho rằng, diễn ngôn là ngôn ngữ trong chỉnh thể sống động, cụ thể, là ngôn ngữ trong sử dụng, trong bối cảnh xã hội, của những giọng xã hội mâu thuẫn và đa tầng. Diễn ngôn là lãnh thổ chung của người nói và người nghe, khu vực tiếp xúc giữa ta và người
[13]. Diễn ngôn là mảnh đất giao cắt, hội tụ, tranh biện của những tư tưởng, quan niệm khác nhau về thế giới. Bởi thế, Bakhtin nhấn mạnh, đối thoại là bản chất của diễn ngôn. Mỗi người nói không phải là người nói đầu tiên, mà đều là người trả lời, là người đối thoại với hàng ngàn những người nói trước đó. Người nghe không phải là người lắng nghe một cách thụ động mà là người chủ động hồi đáp. Mỗi đối tượng của phát ngôn đều đã từng được bàn bạc, soi sáng, đánh giá nhiều lần, theo những cách khác nhau, hay nói cách khác, “các quan điểm, thế giới quan, các xu hướng khác nhau giao cắt, tán đồng, đối địch với nhau ngay trên đối tượng ấy”. Mỗi phát ngôn chỉ là một mắt xích, một khâu của một mạch các phát ngôn khác. Lời nói của chúng ta, vì thế, “được hình thành và phát triển trong sự tác động qua lại, thường xuyên, liên tục với những phát ngôn của các cá nhân khác”
[14]. Lời nói của chúng ta “đầy ắp những từ ngữ lạ, với mức độ xa lạ hay thuần thục, mức độ hấp thu và đào thải khác nhau”
[15].
Luận điểm của Bakhtin về bản chất đối thoại của diễn ngôn (lời nói) là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các công trình nghiên cứu của ông. Nhiều học giả cho rằng, mô hình đối thoại mà Bakhtin hướng tới trong cuộc đời mình ngầm thể hiện sự chống đối quyết liệt của ông đối với một thiết chế toàn trị, một quyền lực độc tôn và ý chí hướng tới một thể chế dân chủ, nơi mọi lời nói đều được lắng nghe, trao đáp đúng với bản chất tự nhiên của nó.
Song, để nghiên cứu diễn ngôn- ngôn ngữ trong thực tiễn sử dụng đầy biến hóa, không thể dựa trên đơn vị ngữ âm, từ vựng và câu như ngữ pháp học truyền thống. Bakhtin cho rằng, phát ngôn là đơn vị giao tiếp của lời nói. Và ông nhấn mạnh “phát ngôn là vấn đề đầu mối của mọi chuyện trọng yếu”
[16]. Bởi “Bản thân lời nói chỉ có thể tồn tại trong thực tế dưới hình thức những phát ngôn cụ thể của những người nói riêng lẻ, những chủ thể của lời nói ấy”. Mặt khác, phát ngôn thể hiện bản chất sống động của ngôn ngữ trong thực tiễn sử dụng: “Đúng là ngôn ngữ nhập vào đời sống thông qua những phát ngôn cụ thể, thông qua những phát ngôn cụ thể như thế, bản thân đời sống nhập vào ngôn ngữ”
[17].
Trong thực tế, các phát ngôn thường cố kết với nhau và được tổ chức trong những hình thức ổn định mà ông gọi là các thể loại lời nói. Thể loại lời nói là những loại hình phát ngôn tương đối bền vững, được sản sinh ra trong một phạm vi sử dụng ngôn ngữ cụ thể, là một chỉnh thể bao gồm ba bình diện: nội dung chủ đề, phong cách và tổ chức kết cấu.
Bằng phạm trù thể loại lời nói, Bakhtin đã thể hiện sự phê phán của ông đối với phong cách học truyền thống và đề xuất, muốn nghiên cứu phong cách ngôn ngữ hay phong cách cá nhân, không thể không đi sâu tìm hiểu các thể loại lời nói. Bởi “thực chất phong cách ngôn ngữ hay phong cách chức năng chẳng phải là gì khác, mà chính là phong cách thể loại ở những lĩnh vực nào đó trong hoạt động giao tiếp của con người”
[18]. Và mọi “thay đổi lịch sử của các phong cách ngôn ngữ đều gắn với sự thay đổi của các thể loại lời nói”. Chỉ qua sự biến đổi của các thể loại lời nói, ta mới có thể thấy sự vận động của dòng chảy ngôn từ, hay nói cách khác, sinh mệnh lịch sử của ngôn ngữ. Có thể coi tư tưởng của Bakhtin về các thể loại lời nói là một hướng tiếp cận phong cách học về diễn ngôn, bởi nó nghiên cứu các phong cách ngôn ngữ thông qua các thể loại lời nói. Song đồng thời,
Vấn đề các thể loại lời nói của Bakhtin cũng đánh dấu một bước ngoặt trong phong cách học bởi ông không nghiên cứu phong cách ngôn ngữ như một thực thể tĩnh tại, ổn định và hữu hạn, mà nhấn mạnh đến sự đa dạng vô hạn và biến đổi không ngừng của các phong cách ngôn ngữ, các thể loại lời nói trong thực tiễn và trong lịch sử.
Bakhtin nhấn mạnh “tính đa dạng tột độ” của các thể loại lời nói. Ông phân biệt các thể loại lời nói đơn giản (thứ nhất) và các thể loại lời nói phức tạp (thứ sinh) và cho rằng các thể loại lời nói phức tạp như tiểu thuyết, kịch, chính luận, khoa học… “ra đời trong điều kiện văn hóa phức tạp hơn”, trong quá trình phát triển, “chúng hấp thụ và nhào nặn các thể rất khác nhau của loại lời nói thứ nhất”, và khi đã trở thành thể loại lời nói thứ hai, chúng“đánh mất mối quan hệ với thực tại hiện thực”. Quan điểm này của Bakhtin có lẽ, đã manh nha một tư tưởng chống mimesis (phản qui chiếu)- một trào lưu tư tưởng mà theo Antonie Compagnon, sẽ được phát triển mạnh mẽ trong các lý thuyết thế kỉ XX
[19].
Bakhtin cho rằng, thể loại lời nói là cái có trước, có vai trò chi phối và tổ chức lời nói của chúng ta, thấm vào tư duy của chúng ta, được bật ra một cách vô thức khi chúng ta giao tiếp. Vai trò của nó thậm chí quan trọng đến nỗi, nếu không có các thể loại lời nói và nếu ta không làm chủ được chúng, thì dù ta có đầy ắp một kho từ vựng và làu thông các qui tắc sử dụng ngôn ngữ đi chăng nữa, chúng ta cũng không thể cất lời, không thể giao tiếp. “Chúng ta sở hữu cả một kho tàng thể loại lời nói vô cùng phong phú. Trong thực tế, chúng ta sử dụng kho thể loại ấy đầy tự tin và khéo léo, nhưng về mặt lý thuyết, có thể chúng ta hoàn toàn chẳng hay biết gì về sự tồn tại của chúng. Ngay cả trong những cuộc trò chuyện hoàn toàn tự do, chẳng có gì gò bó, chúng ta vẫn cứ khuôn lời nói của mình theo những hình thức thể loại nào đó, có khi rất rập khuôn và sáo mòn, có khi mềm mại, uyển chuyển và sáng tạo hơn”
[20]. “Các thể loại lời nói tổ chức lời nói của chúng ta cũng gần giống như chúng tổ chức các hình thức ngữ pháp của nó”
[21]. Quan điểm này của Bakhtin khiến chúng ta liên tưởng đến những mệnh đề nổi tiếng trong lý thuyết hậu hiện đại, những tuyên bố về quyền lực, về sự trói buộc của ngôn từ đối với tư duy và giao tiếp của con người, sự biến mất của chủ thể, của diện mạo người trong mạng lưới chằng chịt của các diễn ngôn, được phát biểu trong các trước tác của M.Foucault, của R.Barthes…
Thể loại lời nói còn là cái kho lưu trữ các dữ liệu đời sống, là hơi thở của các thời đại, và vì thế, qua nó, chúng ta có thể thấy bức tranh sinh động của mỗi thời khắc lịch sử. “Ở mỗi thời đại, trong mỗi nhóm xã hội, trong từng phạm vi nhỏ bé của gia đình, thân hữu, đồng chí, đồng đội, nơi con người sinh sống và trưởng thành, bao giờ cũng có những phát ngôn, những tác phẩm nghệ thuật, khoa học, chính luận có uy tín rất cao giọng, được người ta dựa vào, viện dẫn, trích dẫn, bắt chước, làm theo. Ở mỗi thời đại, trong tất cả các lĩnh vực hoạt động và đời sống, bao giờ cũng có những truyền thống nào đó được thực hiện và gìn giữ trong bộ lễ phục ngôn từ… Bao giờ cũng có những tư tưởng chủ đạo của các bậc chúa tể trí tuệ ở một thời đại nào đó, những khẩu hiệu, những nhiệm vụ cơ bản nào đó được thể hiện bằng ngôn từ”
[22]. Những tư tưởng này của Bakhtin có ảnh hưởng rất lớn đến các khuynh hướng lí thuyết sau này, và về sau sẽ được triển khai bởi người có thể coi là các môn đệ của ông như Julia Kristeva, trong các khái niệm “liên văn bản”, “liên chủ thể”.
Thể loại lời nói là bảo tàng của mỗi thời đại, chính vì thế nó mang tính lịch sử. Mỗi thời đại, mỗi cộng đồng, mỗi phạm vi sử dụng đều có thể loại lời nói riêng của nó. Và khi thời đại thay đổi, thì các thể loại lời nói cũng thay đổi theo. Chính vì thế, qua thể loại lời nói, người ta không chỉ thấy sự vận động của ngôn ngữ trong lịch sử, mà còn có thể thấy sự biến đổi của những bức tranh đời sống qua các thời đại khác nhau.
Như vậy, nếu phát ngôn mang đậm sắc thái cá nhân, thể hiện phong cách của các chủ thể phát ngôn khác nhau, thì thể loại lời nói đại diện cho phong cách ngôn ngữ của mỗi thời đại, mang tính chất cộng đồng, xã hội, là cái có trước, chi phối phát ngôn của các cá nhân. Mối liên hệ giữa phát ngôn như là đơn vị lời nói của các cá thể và thể loại lời nói như là cái kho lưu giữ các phát ngôn của cộng đồng, thời đại cũng cho thấy bản chất đối thoại của diễn ngôn/ lời nói. Qua mối quan hệ tác động giữa hai yếu tố này, Bakhtin nhấn mạnh tính chủ thể của diễn ngôn, song ông cũng cho thấy quyền lực của ngôn từ đối với tư duy và giao tiếp của con người- đó là một thứ quyền lực trong suốt, vô hình, ẩn sâu trong vô thức cộng đồng và len lỏi vào từng ngõ ngách mỗi phát ngôn cụ thể của con người.
Như vậy, nếu giáo trình ngôn ngữ học của Saussure đánh dấu một sự thay đổi hệ trọng trong ngôn ngữ: chuyển từ nghiên cứu sự biến chuyển của ngôn ngữ trong lịch sử sang nghiên cứu ngôn ngữ như một hệ thống tĩnh tại, biệt lập và khép kín, thì với một quan niệm mới diễn ngôn, Bakhtin đã đưa ngôn ngữ học rẽ sang một bước ngoặt mới: chuyển từ nghiên cứu ngôn ngữ như một thực thể tĩnh tại, khép kín và biệt lập sang nghiên cứu ngôn ngữ trong giao tiếp, trong thực tiễn đời sống đa dạng và sinh động. Nếu Saussure nhấn mạnh đến tính cấu trúc của ngôn ngữ thì Bakhtin đặc biệt quan tâm đến tính đối thoại của lời nói. Nếu các lý thuyết văn học được triển khai trên nền tảng ngôn ngữ học cấu trúc có xu hướng đồng qui các văn bản/ diễn ngôn vào những mẫu số chung thì lý thuyết văn học của Bakhtin nhằm chỉ ra sự phức tạp, đa diện và biến đổi không ngừng của các văn bản/ diễn ngôn trong lịch sử. Quan niệm về tính lịch sử, tính xã hội này của diễn ngôn sau này sẽ gặp gỡ, hay cũng có thể nói, sẽ đặt nền tảng cho một sự chuyển hướng cực kì quan trọng trong tư duy lý thuyết thế kỉ XX: trào lưu giải cấu trúc.
3. Hướng tiếp cận xã hội học
Trung tâm điểm của hướng tiếp cận thứ ba này là những quan niệm về diễn ngôn của M.Foucault, người được coi là ông tổ của các lý thuyết hậu hiện đại và có ảnh hưởng lớn nhất đến nghiên cứu diễn ngôn từ sau những năm 1960. Trước tác của ông bao trùm lên rất nhiều lĩnh vực trong khoa học xã hội và nhân văn, đề cập đến những chủ đề khác biệt nhau như chứng điên và văn minh, kỉ luật và hình phạt, tính dục… đến nỗi khó có thể xác quyết ông là một nhà lịch sử, nhà văn hóa học, nhà triết học, chính trị học hay xã hội học. Những vấn đề mà ông đặt ra cũng như cách thức tư duy của ông đã làm xô lệch đường phân giới giữa các ngành khoa học, và làm điểm tựa cho sự phát triển của nhiều ngành khoa học mới. Khái niệm diễn ngôn tuy không được giới thuyết một cách hệ thống trong một công trình lý thuyết cụ thể nào của ông, song lại là một mắt xích, một chìa khóa quan trọng đến mức nếu không hiểu khái niệm này, thì người đọc khó có thể tiếp cận toàn bộ các trước tác khổng lồ với những tư tưởng khá dị biệt của ông. Tuy nhiên, bởi không thể tiếp cận toàn bộ các công trình nghiên cứu phức tạp của Foucault, nên chúng tôi chủ yếu tóm lược và diễn giải những luận điểm chính trong quan niệm của ông về diễn ngôn dựa trên những tổng thuật có uy tín, và tiểu luận Trật tự diễn ngôn- một tiểu luận tập trung rất nhiều những tư tưởng quan trọng của Foucault về thuật ngữ này.
Theo Sara Mills trong
Discourse, có thể thấy ba cách định nghĩa khác nhau về diễn ngôn trong các trước tác của Foucault. Thứ nhất, diễn ngôn được coi là tất cả các nhận định nói chung, đó là tất cả các phát ngôn hoặc văn bản có nghĩa và có một hiệu lực nào đó trong thế giới thực. Thứ hai, diễn ngôn là một nhóm các diễn ngôn cụ thể, được qui ước theo một cách thức nào đó và có một mạch lạc hoặc một hiệu lực nói chung, “được nhóm lại với nhau bởi một áp lực mang tính thiết chế nào đó, bởi sự tương tự giữa xuất xứ và bối cảnh hay bởi chúng cùng hành động theo một cách gần giống nhau”
[23]. Ví dụ, diễn ngôn nữ giới là một nhóm các diễn ngôn có chung một hiệu lực là nhằm phản kháng lại diễn ngôn về phụ nữ của đàn ông, diễn ngôn chủ nghĩa đế quốc là nhóm các diễn ngôn có chung một hiệu lực là áp đặt quyền lực thực dân lên những xứ sở thuộc địa… Thứ ba, diễn ngôn là một thực tiễn sản sinh ra vô số các nhận định và chi phối việc vận hành của chúng
[24].
Quan niệm thứ ba về diễn ngôn là quan niệm có ảnh hưởng lớn nhất đến các nhà nghiên cứu sau này. Ở đây, diễn ngôn không chỉ được coi như “một cái gì tồn tại cố hữu, tự thân và có thể được phân tích một cách cô lập
[25]”, mà là những qui tắc và cấu trúc nhằm tạo ra những phát ngôn và những văn bản cụ thể. Đó là một hệ thống của “những tư tưởng, quan điểm, khái niệm, cách thức tư duy và hành xử, những cái được hình thành trong một bối cảnh xã hội cụ thể
[26]”, có một hiệu lực chung đối với cách suy nghĩ và nói năng của mỗi nhóm người cũng như mỗi cá nhân. Hay nói cách khác, nó là một thứ khung khổ cho phép và giới hạn nhận thức và phát ngôn của chủ thể về thế giới, thậm chí về bản thân. Cách định nghĩa thứ ba này cho thấy bản chất thuộc về các thiết chế, bản chất bị chi phối bởi luật lệ của diễn ngôn, nó cho thấy các diễn ngôn không được tạo ra từ hư không, mà sinh mệnh của nó chịu sự chi phối mạnh mẽ của các thiết chế, và đằng sau nó là bàn tay vô hình của quyền lực. Lời nói và suy nghĩ của con người không phải là sự biểu hiện một cách tự do những tư tưởng cá nhân, mà bị định hình và nhốt chặt vào trong một thứ khuôn khổ có trước. Có thể làm sáng tỏ điều này qua ví dụ sau đây. Diễn ngôn về nữ tính được sản sinh và lưu hành trong thời trung đại Việt Nam là hệ thống tư tưởng, quan niệm, những qui định về hành xử được hình thành trong bối cảnh thiết chế nhà nước phong kiến nam quyền. Bối cảnh thiết chế này đã tạo nên một khung diễn ngôn, trong đó qui định những đặc điểm của tính nữ như là khiêm cung, chịu đựng, phụ thuộc, yếu đuối (công dung ngôn hạnh, tam tòng tứ đức). Khung diễn ngôn này lại chi phối cách tư duy và phát ngôn của con người, khiến cho trong các trước tác thời trung đại, từ văn học, đạo đức, tôn giáo, pháp luật…, trong bất cứ văn bản nào, người ta cũng nhận thấy một công thức miêu tả phụ nữ quen thuộc: ca ngợi những đức tính hi sinh, chịu đựng, phụ thuộc của người phụ nữ (Kiều bán mình chuộc cha được ngợi ca là hiếu, Huyền Trân công chúa bị gả cho vua Chăm pa được tôn vinh là trung…); miêu tả người phụ nữ như một nạn nhân thụ động và bất lực của xã hội (trong
Người con gái Nam Xương, người phụ nữ chỉ có cách tự vẫn để bảo toàn danh tiết, trong lịch sử, đầy rẫy những câu chuyện nói rằng khi nhà vua băng hà, các cung nữ đều bị chôn sống…); miêu tả phụ nữ như một đối tượng tri thức hoàn toàn thụ động, im lặng, hay nói cách khác tiếng nói của họ gần như bị tẩy xóa khỏi toàn bộ nền văn hóa trung đại.
Nếu coi quyền lực và tri thức là hai mối quan tâm lớn nhất của Foucault thì diễn ngôn là một mắt xích không thể thiếu để tìm hiểu hai yếu tố này. Với Foucault, cả tri thức và quyền lực đều chỉ có thể được tạo ra, được hiện thực hóa, được vận hành và phân phối bởi và trong diễn ngôn. “Ở một trình độ căn bản, khi một đứa bé học nói, cùng một lúc, nó nhận được tri thức và những luật lệ căn bản về giáo dục của nó. Ở một trình độ chuyên biệt hóa hơn, tất cả những ngành khoa học nhân văn, ngay lúc mô tả nhân loại thì đồng thời định nghĩa luôn nhân loại, và chúng cùng nhau hoạt động trong những tổ chức như bệnh viện tâm thần, nhà tù, nhà máy, trường học, tòa án, để có những tác động chuyên biệt và hệ trọng lên con người”
[27].
Quyền lực, đối với Foucault, không đơn giản chỉ là sự cưỡng bức, cái ngăn trở sự tự do và ý nguyện của người khác, mà là “điều kiện tạo thành tất cả mọi lời nói”, cái không chỉ cấm người ta nói mà còn cho phép người ta được phát ngôn. Quyền lực cũng không đơn giản chỉ là quyền lực nhà nước, được xác định bằng các quan hệ kinh tế, mà “được phân tán rải rác trong các mối quan hệ xã hội”, có mặt ở khắp mọi nơi, ví như trong các cuộc thăm bệnh của bác sĩ đối với bệnh nhân, cuộc nói chuyện của ông chủ đối với thư kí, trong bài giảng của thầy giáo đối với học sinh… Quyền lực không phải chỉ là sự trấn áp từ bên trên mà còn là sự phản kháng từ bên dưới, điều này được Foucault phát biểu qua mệnh đề nổi tiếng: “ở đâu có quyền lực, ở đó có đấu tranh”
[28]. Quyền lực không phải chỉ hiện hữu bằng pháp luật mà xuyên thấm và điều khiển cách tư duy và hành xử, cách nói năng giao tiếp của con người. Foucault cụ thể hóa sự hiện hữu của quyền lực bằng hình ảnh nhà tù hình tròn, nơi đó, tất cả các phạm nhân đều cảm thấy bị giám sát bởi một con mắt vô hình. Ở bất cứ nơi đâu, lúc nào, ta cũng có thể nhận thấy bàn tay vô hình của quyền lực, cái áp đặt và kiểm soát chủ thể trong từng thời khắc.
Foucault chỉ ra mối quan hệ phức tạp giữa diễn ngôn và quyền lực. Ông nói: “Diễn ngôn có thể vừa là một công cụ, vừa là hệ quả của quyền lực; đồng thời, cũng là một vật cản, một khối chướng ngại vật, một mũi kháng cự và một điểm bắt đầu cho chiến lược đấu tranh. Diễn ngôn làm lan truyền và sản sinh quyền lực, nó củng cố chính nó, nhưng cũng hủy hoại nó và phơi bày nó, làm cho nó yếu đi và khiến nó có thể gây trở ngại cho chính nó”
[29]. Ông nghe thấy trong mỗi diễn ngôn sự va xiết và giao tranh giữa ham muốn và thiết chế. Và ông nhận thấy trong quá trình tạo lập, vận hành của diễn ngôn, sự can thiệp của bàn tay quyền lực: những nguyên tắc loại trừ, sự bình luận thực chất là những cách thức chi phối của quyền lực đối với tư duy và phát ngôn của con người.
Foucault cho rằng tri thức là sản phẩm được tạo ra bởi các diễn ngôn. Và bởi đằng sau diễn ngôn là quyền lực, cho nên, tri thức mà chúng ta có là kết quả của các mâu thuẫn về quyền lực. Và diễn ngôn là chiến trường nơi diễn ra các cuộc giao tranh nhằm giành quyền phát ngôn chân lý, quyền tuyên bố cái gì được coi là tri thức. Toàn bộ tri thức mà chúng ta có, thực chất là kết quả của quá trình chinh phục các đối tượng, dùng quyền lực để áp đặt thước đo chuẩn mực lên đối tượng. Ví dụ, tri thức về các dân tộc thuộc địa có thể nói, được tạo ra trong quá trình xâm lược và nhằm duy trì quyền lực của các đế quốc. Ngày nay, xem lại một số những tài liệu dân tộc học của Pháp về Việt Nam, chúng ta có thể thấy hình ảnh Việt Nam được kiến tạo với những đặc điểm như: một thứ thiên nhiên hoang dã, bí ẩn và thù địch cần được chinh phục và chế ngự, một chủng tộc xấu xí, mông muội, cần được khai hóa văn minh, những phong tục kì quái và lạc hậu cần được cải sửa, một lịch sử với đầy những nghi vấn cần được xác minh… Những cái được coi là tri thức này vừa là kết quả của công cuộc khai thác thuộc địa, vừa là công cụ để duy trì quyền lực của Pháp ở Việt Nam
[30].
Trong công trình tổng thuật về diễn ngôn của mình, Sara Mills đã chỉ ra những cấu trúc nội tại và ngoại tại chi phối việc tạo lập, vận hành các diễn ngôn. Những cấu trúc nội tại cấu thành nên diễn ngôn gồm có: tri thức hệ, nhận định, diễn ngôn/các diễn ngôn, thư khố.
Tri thức hệ, theo diễn giải của Sara Mills, là “tập hợp các cấu trúc diễn ngôn nói chung mà bên trong tập hợp này, một nền văn hóa xác định nên những ý niệm của nó”
[31], “một nền tảng của những tư tưởng mà trên đó, tại một thời điểm cụ thể, một số nhận định này, mà không phải những nhận định khác được coi là tri thức”
[32]. Tri thức hệ “bao hàm tổng cộng các cấu trúc diễn ngôn hình thành như là kết quả từ sự tương tác của nhiều loại diễn ngôn đang lưu hành và được ủy quyền tại một thời điểm xác định”, bao hàm “các phương pháp luận mà một nền văn hóa mặc nhiên dựa vào đó để có thể tư duy về một số chủ đề nhất định”. Những nhận định trên cho thấy, về mặt chức năng, tri thức hệ có vai trò như một thứ khung khổ vừa cho phép con người nhận thức thế giới, vừa giới hạn tư duy con người, đồng thời, nó là một bộ lọc … Foucault đặc biệt nhấn mạnh đến sự đứt gãy tri thức hệ, khiến cho cái được coi là tri thức ở thời điểm này lại không được coi là tri thức ở một thời điểm khác. Sara Mills dẫn ra một ví dụ: một trận bão thời sơ kì được giải thích một cách thần thánh, siêu nhiên, đến thời hiện đại, bão được coi là một hiện tượng tự nhiên. Sự biến đổi của lịch sử tri thức không đơn thuần chỉ là sự biến đổi hướng đến tiến bộ, mà chỉ đơn giản là sự chuyển từ hệ tri thức này sang hệ tri thức khác.
Thứ hai là các nhận định. Foucault cho rằng nhận định có vai trò là đơn vị cấu thành nên diễn ngôn. Nhận định là những phát ngôn có một hiệu lực thiết chế nào đó, được hiệu lực hoá bằng một hình thức quyền uy nào đó. Và hiệu lực thiết chế, quyền uy bên trong, đứng sau nhận định mới chính là cái khiến cho nhận định đó có được chấp nhận hay không.
Thứ ba là các diễn ngôn. Các diễn ngôn là tập hợp các nhận định được phê chuẩn, là nhóm các nhận định có một lực giống nhau được nhóm lại với nhau bởi một áp lực định chế nào đó.
Thứ tư là thư khố. Thư khố là tập hợp các diễn ngôn nhằm giới hạn cái gì được nói, đáng để biết và nhớ. Thư khố là cái kho lưu trữ những từ vựng, cú pháp, công thức biểu đạt, cái vừa giúp cho chủ thể có thể phát ngôn, vừa giới hạn phát ngôn của chủ thể.
Thứ năm là những sự loại trừ bên trong diễn ngôn. Đó là các phương thức loại trừ nhằm giới hạn cái được nói và cái được coi là tri thức. Có nhiều phương thức loại trừ. Thứ nhất là sự cấm đoán, kiêng kị. Thứ hai là vị thế của chủ thể phát ngôn. Chỉ lời nói của người bình thường mới được chấp nhận, còn lời nói của người điên bị gạt ra ngoài lề. Thứ ba là ý chí đoạt sự thật, quyết định cái gì được coi là đúng, cái gì bị coi là sai. Đó là một ý chí áp đặt lên chủ thể nhận thức, bằng một hình thức cảm quan có trước các kinh nghiệm.
Foucault cũng bàn đến các
cấu trúc vận hành diễn ngôn, hay nói cách khác, đó là những cơ chế bên ngoài chi phối diễn ngôn. Đó là các yếu tố:
bình luận, những nghi thức, tác giả. Bình luận khiến cho diễn ngôn được vận hành, lưu thông. Những diễn ngôn không được bình luận thì sẽ đi vào quên lãng. Những nghi thức khống chế số người có thể nói một số kiểu diễn ngôn, ví dụ, ở nhà trường chỉ có thầy giáo mời có quyền phát ngôn về giáo dục, ở toà án chỉ thẩm phán mới có quyền tuyên án. Tác giả không phải là người duyệt nghĩa của văn bản mà là nguyên tắc tổ chức để nhóm các văn bản riêng rẽ vào với nhau
[33].
Tất cả những yếu tố trên là những cấu trúc bên trong tạo lập nên diễn ngôn và những cấu trúc bên ngoài cho phép diễn ngôn nào được tồn tại, được lưu hành. Ẩn đằng sau những cấu trúc này, là một thứ quyền lực vô hình, năng sản, được tập hợp lại xung quanh các thiết chế, có vai trò giám sát, chọn lựa, tổ chức và phân phối toàn bộ các diễn ngôn được lưu hành trong một thời điểm nhất định.
Quan niệm của Foucault về diễn ngôn cho thấy quyền lực của ngôn từ đối với tư duy và giao tiếp của mỗi con người. Việc ai nói, nói cái gì và nói như thế nào bị kiểm soát chặt chẽ bởi những quyền lực ngầm, những luật lệ bên trong và bên ngoài diễn ngôn. Điều này khiến cho chủ thể phát ngôn không còn là những chủ thể tự do biểu lộ những ý kiến cá nhân, mà bị hạn chế và trói buộc trong một khung diễn ngôn có trước. Các cấu trúc diễn ngôn cho phép người này được nói và buộc người kia phải im tiếng. Nó giới hạn tư duy của chủ thể, khiến cho anh ta chỉ có thể nhìn thấy phương diện này chứ không phải là phương diện khác của khách thể. Đồng thời, nó còn là một cái kho hữu hạn những hình thức biểu đạt, khiến anh ta chỉ có thể nói bằng cách này mà không thể nói bằng cách khác, chỉ có thể sử dụng một bộ lễ phục ngôn từ, theo như cách nói của Bakhtin.
Có thể nhận thấy, trong các công trình nghiên cứu của mình, Foucault ít quan tâm đến cấu trúc ngôn từ bên trong của các diễn ngôn mà chủ yếu đi sâu tìm hiểu những yếu tố chi phối việc kiến tạo và vận hành các diễn ngôn: tri thức hệ, quyền lực… Văn học không phải là đối tượng nghiên cứu của ông, mà chỉ là một trong những dữ liệu để qua đó, ông khảo sát sự biến đổi và thay thế lẫn nhau của những tri thức hệ, của các mối quan hệ quyền lực. Văn học đồng tồn tại trong một mạng lưới các diễn ngôn nhân chủng học, đạo đức, tôn giáo, triết học… Quan niệm về diễn ngôn của Foucault đã tạo ra một bước ngoặt trong tư duy lý thuyết thế kỉ XX: từ đây, người ta không nghiên cứu văn học như một thực thể biệt lập, mà có xu hướng đặt nó trong mối liên hệ với những loại hình diễn ngôn khác như chính trị, đạo đức, tôn giáo, người ta không nghiên cứu văn bản và những hình thức tổ chức ngôn từ của nó mà cố gắng tìm hiểu những cơ chế tạo lập và chi phối các văn bản ngôn từ- yếu tố nằm ẩn sâu, đằng sau các văn bản. Hướng nghiên cứu này thường được gọi là hướng nghiên cứu văn hóa (culture study), một đường hướng nghiên cứu thịnh hành từ sau những năm 1960 trở lại đây trong các trào lưu lý thuyết như chủ nghĩa thực dân- hậu thực dân, lí luận nữ quyền, thuyết Tân duy sử, thuyết Lệch pha…
Các trước tác của Foucault đã vạch ra bản chất quyền lực nằm ẩn sâu dưới những lớp áo khoác khoa học, tri thức, văn minh và cho thấy tri thức hay diễn ngôn chẳng qua chỉ là những sản phẩm cũng như công cụ để thực thi quyền lực. Chúng làm dấy lên một tinh thần hoài nghi đối với những thứ xưa nay vẫn được thừa nhận là bẩm sinh, căn tính, tất nhiên như tính dục, bệnh điên, sự bất thường… Và bởi thế chúng khuyến khích và chỉ đường cho những lực lượng thiểu số, ngoại vi như phụ nữ, những dân tộc thuộc địa, kẻ đồng tính luyến ái, người da màu…, những lực lượng đã đánh mất quyền phát ngôn, có thể giành quyền lên tiếng và giải cấu trúc những tri thức đã áp đặt quyền uy lên tư duy và hành xử của con người. Đó là lí do tại sao mà lý thuyết diễn ngôn của Foucault đã được tiếp thu và vận dụng như một vũ khí sắc bén trong các lý thuyết Nữ quyền luận, Chủ nghĩa thực dân- hậu thực dân, Thuyết lệch pha…
Tiểu kết: Ba cách tiếp cận ngôn ngữ học, phong cách học và xã hội học này đã cung cấp ba cách định nghĩa khác nhau về diễn ngôn: diễn ngôn như là cấu trúc của ngôn ngữ/lời nói, diễn ngôn như là lời nói- tư tưởng hệ, và diễn ngôn như là công cụ để kiến tạo tri thức và thực hành quyền lực. Ba quan niệm này nảy sinh trên nền tảng những cách cắt nghĩa khác nhau về bản chất, vai trò của ngôn ngữ. Nếu ngôn ngữ học được phát triển trên nền tảng tư tưởng Saussaure nhấn mạnh đến tính chất hệ thống, khép kín, tĩnh tại của diễn ngôn thì các nhà tư tưởng như M.Bakhtin, M.Foucault lại khẳng định tính chất sinh thành, đa dạng, năng sản của diễn ngôn. Nếu Bakhtin đặc biệt chú ý đến tính liên chủ thể của diễn ngôn thì Foucault đề cập đến tính phi chủ thể của diễn ngôn, sự biến mất của chủ thể người trong mê cung của các diễn ngôn. Ba quan điểm tiếp cận này đều có sức lan tỏa và ảnh hưởng rất lớn đến gần như toàn bộ lý thuyết văn học và ngôn ngữ trong thế kỉ XX.
Những khái quát của chúng tôi chỉ nhằm mục đích phác thảo những hướng tiếp cận cơ bản về khái niệm này. Trên thực tế, trong quá trình phát triển, các lý thuyết diễn ngôn có xu hướng đan bện vào nhau, tạo nên những vùng giao thoa, những khu vực chung. Từ giữa những năm 1990, trong nghiên cứu diễn ngôn xuất hiện một nhánh mới: Phân tích diễn ngôn phê phán (Critical discourse analysis) do Fairclough đề xướng. Thực chất, hướng nghiên cứu này được triển khai trên cơ sở sự kết hợp quan niệm về diễn ngôn của Bakhtin và Foucault, chủ trương nghiên cứu diễn ngôn dựa trên ba chiều thước đo: văn bản, thực tế của diễn ngôn, thực tế văn hóa xã hội. Sự kết hợp này khiến cho con đường đi của khái niệm trở nên phức tạp và cho thấy nghiên cứu diễn ngôn vẫn đang là một tiến trình vận động, hứa hẹn nhiều những nhánh rẽ bất ngờ.
Qua ba hướng tiếp cận diễn ngôn nói trên, ta có thể thấy quá trình phát triển và nội hàm phức tạp của thuật ngữ, cũng như nền tảng tư tưởng cho sự phân hóa phức tạp của khái niệm diễn ngôn. Đồng thời, chúng ta cũng có thể quan sát những bước chuyển trong tư duy của lý luận văn học nói riêng và khoa học xã hội nhân văn nói chung: chuyển từ nghiên cứu nội văn bản sang nghiên cứu các yếu tố ngoài văn bản, chuyển từ nghiên cứu cấu trúc sang nghiên cứu giải cấu trúc, từ nghiên cứu văn học như một lĩnh vực biệt lập và khép kín sang nghiên cứu văn học như một diễn ngôn đồng tồn tại trong một mạng lưới chằng chịt các diễn ngôn khác…
[1] Sara Mills,
Discourse
[2] Diệp Quang Ban
, Giao tiếp, Diễn ngôn và cấu tạo văn bản
[3] Marie Christine,
Encyclopedia Contemporary Literary Theory, University of Toronto Press, Toronto Buffalo London, 1993, Mục từ
Discourse, trang 536
[4] Sara Mills,
Discourse, Routledge, London and New York, 1997, Introduction
[5] Saussure, Giáo trình ngôn ngữ học đại cương
[6] Dẫn theo Sara Mills, Discourse, dd, Introduction
[8] R.Barthes, Nhập môn phân tích cấu trúc truyện kể, Sự đỏng đảnh của phương pháp, nxb Văn hóa thông tin- Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, trang 371.
[10] G.Genette,
Narrative discourse, Cornell University Press, 1988
[11] Diệp Quang Ban, Giao tiếp, diễn ngôn và cấu tạo văn bản, nxb Giáo dục 2009, trang 158.
[12] Theo Lã Nguyên,
Vấn đề các thể loại lời nói
[14] M.Bakhtin, Vấn đề các thể loại lời nói, Lã Nguyên dịch
[15] M.Bakhtin, Vấn đề các thể loại lời nói,
[16] M.Bakhtin, Vấn đề thể loại lời nói,
[17] M.Bakhtin, Vấn đề thể loại lời nói
[18]
[19] Antonie Compagnon,
Bản mệnh của lý thuyết, nxb Đại học Sư phạm 2006
[20] M.Bakhtin, Vấn đề các thể loại lời nói
[21] M.Bakhtin, Vấn đề các thể loại lời nói
[22] M. Bakhtin, Vấn đề các thể loại lời nói
[23] Sara Mills, Diễn ngôn, Cấu trúc diễn ngôn, Diễn ngôn, các diễn ngôn
[24] Sara Mills, Diễn ngôn, Dẫn nhập,
[25] Sara Mills, Diễn ngôn,
[26] Sara Mills, Diễn ngôn, Dẫn nhập,
[27] Lydia Alix Fillingham- Moshe Susser, Nhập môn Foucault, nxb Trẻ, 2006, trang 12.
[28] Sara Mills, Diễn ngôn và tư tưởng hệ, trang
[29] Sara Mills, Diễn ngôn và tư tưởng hệ
[30] Xem phần dịch thuật của dịch giả Ngô Bắc tại trang Gio o.com
[31] Sara Mills, Diễn ngôn, Các cấu trúc diễn ngôn
[32] Sara Mills, Diễn ngôn, Các cấu trúc diễn ngôn
[33] M.Foucault, Order of discourse,
Nguồn: http://nguvan.hnue.edu.vn/
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét