Trần Đình Sử
1. Bước ngoạt diễn ngôn và sự đổi thay quan niệm vê bản thể luận.
“Diễn ngôn” là thuật ngữ mới của lí luận phương Tây, có tính liên ngành, đa nghĩa, và đang đóng vai trò nổi bật hiện nay trong ngữ học và khoa học nhân văn.
Ở học thuật phương Tây diễn ngôn trước hết là khái niệm của ngữ học. Khoa ngữ học đã trải qua ba hệ hình: phát sinh học (lịch sử, tiến hóa), phân loại học (điều tra, kiểm kê hoặc cấu trúc hệ thống), chức năng-giao tiếp luận. Hệ hình thứ ba tạo ra “bước ngoặt ngữ học” (the Linguistic Turn) được manh nha từ nhiều nhà triết học, được đề xuất từ các năm 1964, 1967 bởi Bergman (Áo), Richard Rorty (Mĩ). Hệ hình ngữ học bao trùm triết học, khoa học nhân văn, kéo theo sự phát triển của chủ nghĩa cấu trúc, kí hiệu học, tự sự học, hậu cấu trúc, giải cấu trúc, làm thay đổi diện mạo các khoa học nhân văn hiện đại. Thực chất của bước ngoặt đó là phân biệt nghiên cứu các sự thực và nghiên cứu ngôn ngữ biểu đạt chúng, từ các sự thật chuyển vào nghiên cứu cấu trúc, ý nghĩa của ngôn ngữ, qua đó tư duy lại về cách hiểu của con người với tư cách chủ thể, và nhận thức lại cách nhận thức chân lí, khắc phục các ý thức siêu hình. Trong cuộc chuyển hướng này ngôn ngữ đã được bản thể hóa, là phương thức tồn tại của con người, không còn giản đơn là phương tiện biểu đạt nữa. Với Husserl ngôn ngữ là nền tảng của tính liên chủ thể của thế giới sống. Với Heidegger ngôn ngữ là ngôi nhà của tồn tại, con người là một tồn tại mang tính ngôn ngữ. Với Gadamer sự dung hợp tầm nhìn nảy sinh trong sự hiểu là thành tựu của ngôn ngữ. Với Foucault diễn ngôn cùng với các tập quán và thực tiễn xã hội đã tạo ra các sản phẩm như tính dục, điên…dẫn đến quan niệm hiện thực, lịch sử như là sản phẩm của diễn ngôn, chứ không phải ngược lại, hiện thực là nguyên nhân của diễn ngôn. Dĩ nhiên Foucault không phủ nhận thực tại khách quan, nhưng thực tại ấy chỉ sau khi được tái tạo thành diễn ngôn mới trở thành ý thức con người, đến lượt mình, con người lại hành xử với thế giới như nội dung diễn ngôn, mà không như thực tại vốn có. Do vậy, phát hiện của ông mở ra một không gian mới cho nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học nhân văn. Đến “bước ngoặt diễn ngôn” (discursive turn
)được đề xuất bởi các nhà ngữ học Harré, Flick năm 1995
[1], diễn ngôn đang trở thành cơ sở phương pháp luận của các khoa học nhân văn. Trước đây từ nguyên lí phản ánh luận người ta chỉ thấy quan hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội theo quan hệ nhân quả, mà chưa thấy vai trò trung giới của kí hiệu, ngôn ngữ, diễn ngôn. Lí luận Mác xít nhấn mạnh đến thực tiễn kinh tế xã hội, đấu tranh giai cấp, nhưng chưa tính đến thực tiễn văn hóa, giao tiếp. Diễn ngôn giống với các con số. Con số không tồn tại trong thực tại, nhưng do con người tạo ra và xây dựng nên cả một thế giới toán học phản ánh các quy luật của thế giới mà ta có thể nhận ra bằng các chữ số, chỉ số.
[2] Từ ngữ và cú pháp cũng không tồn tại sẵn trong thực tại, nó do con người tạo ra, nhưng từ hoạt động giao tiếp diễn ngôn đã tạo ra một không gian riêng cho tư duy con người.
Kết quả của bước ngoặt diễn ngôn là ngôn ngữ, diễn ngôn trở thành nhân vật chính của hoạt động xã hội, nhân văn và khoa học nhân văn, là nơi phát sinh các tư tưởng, là giới hạn của đời sống tinh thần mà con người không thể vượt qua: không có một tư tưởng nào về thế giới có thể lửng lơ bên ngoài ngôn ngữ. Nếu trước đây người ta hiểu khoa học xã hội là khoa học về xã hội và tâm lí, thì nay đó là các khoa học lấy diễn ngôn làm đối tượng và diễn ngôn học làm nền tảng phương pháp luận
[3]. Nhà ngữ học Nga Macarov đã xác lập cơ sở bản thể luận mới trên cơ sở diễn ngôn như sau.
Bảng so sánh hai bản thể luận
Bản thể luận | Giới hạn hóa | Bản chất | Các quan hệ |
Cơ học (Newton) | Không gian và thời gian | Vật thể và sự kiện | Quyết định luận nhân quả |
Diễn ngôn | Các thông báo của con người, các thế giới xã hội | Các hành vi lời nói, diễn ngôn | Sự phụ thuộcxác suất, các quy tắc và chuân mực đối thoại |
Theo sơ đồ này những gì trước đây hình dung là khách thể vật thể thì nay được xem như các thông báo, các hành vi nói và các quy tắc nói năng tạo nên. Diễn ngôn trở thành không gian con người, không gian xã hội, tâm lí, tức là trường giao tiếp xã hội (Harré). Sơ đồ trên cho thấy, bản thể luận Newton chưa tính dến vai trò của diễn ngôn, trong khi nó chỉ là sản phẩm của một loại diễn ngôn. Không gian, thời gian, sự kiện, vật thể đều do các thông báo, mô tả, quyết định luận nhân quả cũng là một loại quy tắc diễn ngôn. Thế giới khách quan vẫn tồn tại ngoài con người, là đối tượng của nhận thức, nhưng chúng chỉ được biết đến thông qua diễn ngôn.
Từ đó có thể nhận thức diễn ngôn trong mấy bình diện sau đây.
Một là, nếu trước đây theo quan điểm của Saussure
[4], ngôn ngữ được nghiên cứu “trong bản thân nó, vì chính nó”, người ta chỉ nghiên cứu câu, từ ngữ, thì trong thực tiễn giao tiếp người ta phải sử dụng các đoạn lời, văn bản lớn hơn câu, do đó ngôn ngữ đã trở thành diễn ngôn. Diễn ngôn không chỉ phụ thuộc vào các quy tắc của ngôn ngữ, mà còn phụ thuộc các quy tắc, chuẩn mực, cấm đoán ngoài ngôn ngữ. Các quy tắc ngoài ngôn ngữ do các nhân tố ý thức hệ, tri thức và quyền lực quy định. Do vậy diễn ngôn là một hiện tượng văn hóa, xã hội, ý thức hệ. Điều này thống nhất với quan niệm mác xít về tính giai cấp, tính thượng tầng kieend trức của mọi hình thái ý thức.
Thứ hai, diễn ngôn theo cách hiểu trên không còn chỉ là phương tiện biểu đạt, giao tiếp, mà còn là phương thức tồn tại của con người. Con người tồn tại trong diễn ngôn, tư duy về bản thân và thế giới qua diễn ngôn, liên kết quan hệ với nhau bằng diễn ngôn, hoạt động theo chỉ dẫn của diễn ngôn. Diễn ngôn tạo ra thế giới hiện thực, tạo ra nhân loại, dân tộc tạo ra cái tôi và các quan hệ nhân sinh của con người. Diễn ngôn là thế giới của các thường thức mà con người cần để tồn tại. Nó là phương thức đào tạo, tập nhiễm, hun đúc con người và đồng thời cũng là ngục tù giam hãm con người. Với ý nghĩa đó diễn ngôn là phương diện của bản thể luận. Diễn ngôn hàng ngày của mọi người, trên các phương tiện thông tin đại chúng là diễn ngôn hợp pháp, hợp thức. Nói khác đi bị coi là thiếu giáo dục, hoặc không bình thường.
Thứ ba, do đó mọi sáng tạo ngôn từ đều là sáng tạo diễn ngôn: diễn ngôn chính trị, diễn ngôn triết học, diễn ngôn khoa học, diễn ngôn lịch sử, diễn ngôn đạo đức, diễn ngôn kinh tế, diễn ngôn quân sự, diễn ngôn y học, diễn ngôn văn học, diễn ngôn phê bình…Chúng hợp thành một phổ hệ diễn ngôn đa dạng, liên kết nhau của nhân loại, trong đó mối loại hình diễn ngôn có quy tắc, chuẩn mực riêng, thực hiện các chức năng riêng.
Thứ tư, với ý nghĩa đó, nghiên cứu diễn ngôn không còn đơn giản là khám phá một công cụ giao tiếp mà đã là đối tượng của khoa học xã hội và nhân văn, của nghiên cứu văn hóa. Diễn ngôn là một thực tại đã biết. Nghiên cứu diễn ngôn là nghiên cứu các cơ chế xã hội, tâm lí, quyền lực, ý thức hệ, lịch sử, văn hóa chìm ẩn đằng sau diễn ngôn.
Thứ năm, Nghiên cứu diễn ngôn bắt buộc phải xuyên qua văn bản, vì diễn ngôn thể hiện trong văn bản, văn bản là điều kiện tồn tại của diễn ngôn, nhưng không đồng nhất với nghiên cứu văn bản, bởi vì mục đích nghiên cứu diễn ngôn là phát hiện cái xã hội, hệ thống tri thức, hệ thống quyền lực như là siêu ngôn ngữ của diễn ngôn. Diễn ngôn là yếu tố siêu văn bản. Nghiên cứu diễn ngôn cũng không phải là nghiên cứu chủ đề, đề tài bởi đó là đối tượng của diễn ngôn. Nghiên cứu diễn ngôn cũng không phải chỉ đi tìm tác giả, chủ đích tác giả theo quan niệm truyền thống, bởi vì diễn ngôn là sản phẩm của liên chủ thể.
Ý nghĩa của bước ngoặt diễn ngôn này trước hết là ở chỗ, nó vượt qua sự đối lập nhị nguyên chủ thể và khách thể của tri thức luận.
2. Khái niệm diễn ngôn văn học hay văn học như một diễn ngôn
Bản chất văn học là diễn ngôn về dời sống. Là một loại diễn ngôn, văn học mang tính chất chung của diễn ngôn nói chung, nhưng có nét đặc thù. Cái chung đó là diễn ngôn văn học mang tính ý thức hệ; là phương thức tồn tồn tại của con người, kiến tạo nên bản thân hiện thực; có quy tắc, cơ chế, chức năng riêng; nghiên cứu diễn ngôn văn học là nghiên cứu con người, xã hội, văn hóa. Vói tính chất của diễn ngôn ta có thể khẳng định rằng nghệ thuật nào cũng mang tính ý thức hệ, cái gọi là “nghệ thuật thuần túy” hay “nghệ thuật vị nghệ thuật” chỉ là những diễn ngôn, là câu chuyện không có thật. Tính đặc thù của diễn ngôn văn học là một vấn đề phức tạp. Đã có nhiều công trình lí luận văn học khẳng dịnh đặc trưng của diễn ngôn văn học, như “tính văn học”, “tính hư cấu”, các biện pháp tu từ”, “hình tượng”, nhưng theo các ông J. Culler, Tz. Todorov, T. Eagleton, A. Campagnon
[5] thì đặc trưng ấy rất mong manh, bởi vì người ta tìm thấy tính văn học trong các văn bản phi văn học, tìm thấy hình tượng phụ nữ trong các hồ sơ bệnh án tâm thần của S. Freud, tìm thấy hư cấu trong lịch sử, thi ca. Thêm nữa, khái niệm “văn học” ở chấu Âu (litterature người Nhật dịch là văn học, Trung Quốc và Việt Nam dùng theo khoảng hơn một trăm năm nay
[6]) mới có trong khoảng hai trăm năm trở lại, trong khi văn học đã có hàng nghìn năm, mà trong thời cổ đại và trung đại giữa văn học nghệ thuật với các văn học khác chưa có sự phân biệt rạch ròi. Vì thế, đặc trưng diễn ngôn văn học xét từ nội hàm dến ngoại diên chỉ là câu chuyện tương đối. Văn học la tập hợp những tác phẩm được coi là văn học. Theo J. Culler thì nên hiểu tác phẩm văn hoc như là một diễn ngôn, có đặc điểm là nếu thoát li ngữ cảnh thì tự nó sẽ trở thành ngữ cảnh, và tuy không có đặc trưng, nhưng nó có các
thuộc tính có giá trị phân biệt trên nét lớn. Ông nêu ra năm thuộc tính như :1. Ngôn ngữ nổi bật do sử dụng các thủ pháp lạ hóa, các phép tu từ; 2. Ngôn ngữ sử dụng tổng hợp mọi thuộc tính, mọi quan hệ từ ngữ âm đến chữ viết để tạo nên hiệu quả; 3. Văn học là hư cấu. 4. Văn học là đối tượng thẩm mĩ; 5. Văn học là một kiến tạo văn bản tự nó khúc xạ, tự nó tạo nghĩa. Các thuộc tính nói trên đã được nghiên cứu rất nhiều từ nhiều góc độ. Ví dụ tính nổi bật đã được các trường phái hình thức Nga, trường phái phê bình mới Anh, Mĩ, trường phái ngữ học Praha nghiên cứu kĩ lưỡng. Thuộc tính thẩm mĩ cũng như tính hư cấu, thuộc tính tự sinh nghĩa đã được nghiên cứu từ nhiều phương diện. Tuy nhiên các nghiên cứu trên vẫn thiên về tiếp cận tĩnh tại, chưa tính đến tính hoạt động thực tiễn lịch sử của diễn ngôn.
Từ câu chuyện đặc thù diễn ngôn văn học chúng ta hiểu thêm, lí luận văn học, phê bình văn học cũng đều là các diễn ngôn về văn học. Nó cũng do tri thức, ý thức hệ và quyền lực quy định. Tính lịch sử là nội dung khoa học của chúng.
Khái niệm
thực tiễn diễn ngôn có thể được hiểu từ khái niệm tu từ học cổ đại của Aristote. Thông thường người ta hiểu tu từ là cách nói cho hay, cho đẹp, có người gọi là “mĩ từ pháp”, như một thứ phụ gia, nhưng hiểu thể là không đúng, thực chất tu từ khác hẳn. Câu đầu tiên trong
Tu từ học của Aristote là “Tu từ học là vật đối ứng của thuật biện luận (dialectic)”, nó dạy cho con người biết thuyết phục người khác trong mọi trường hợp, như trách cứ, lên án kẻ khác, biện hộ cho mình, đề cao lẽ phải, chân lí. Chân lí đây không phải là sự thật mà là tính chất thuyết phục, hợp lí của ý kiến, có khả năng mang đến lợi ích hay thiệt hại cho quốc gia, thành bang, hay từng cá nhân. Như vậy có một lẽ phải, chân lí tồn tại trong các diễn ngôn. Aristote nói: Các sự vật chân thực và chính nghĩa vốn phải thắng các sự vật tà ác, giả dối, nếu do biện luận bất lực mà bị thua thì các vị cao minh có thể dùng tu từ học để khẳng định chính nghĩa. Ông phân loại các diễn thuyết, phân tích các biện pháp chứng minh (bằng các sự thật có sẵn, bằng niềm tin, bằng tình cảm, bằng logic), ông nói đến tâm lí, tính cách người nghe, nói đến kĩ xảo biện luận và vận dụng từ ngữ. Ở đây nổi lên vấn đề chiến lược chiến thuật thuyết phục cùng các biện pháp đánh vào lòng người để giành phần thắng. Khái niệm thực tiễn diễn ngôn của Foucault “discursive practice” cũng có nghĩa là thực tiến suy luận, diễn giải, cũng có nghĩa là các sự kiện nói trong thực tế. “Sự kiện đời sống của diễn ngôn, tức là bản chất đích thực của nó, bao giờ cũng phát triển trên đường biên của hai ý thức, hai chủ thể.”
[7]Nhưng không phải diễn ngôn của tác giả như tu từ học cổ điển mà là diễn ngôn của liên chủ thể tạo thành niềm tin xã hội. Chính các loại trực giác, suy luận tạo cho ta quan niệm về thế giới và sự thật, mà đó là thực chất của tu từ học. Ta có thể nói, thực tiễn diễn ngôn là thực tiễn tu từ học. Tz. Todorov trong bài
Kí hiệu học văn học xác nhận đặc trưng văn học là tu từ học, tức là những điều mà nhà ngữ học không nghiên cứu
[8].
Tu từ học hay diễn ngôn văn học khác với tu từ học diễn thuyết của Aristote ở chỗ nó thuyết phục người đọc tin vào cái thế giới sáng tạo hư cấu của nhà văn. Thế giới nghệ thuật tự nó là một sự thật diễn ngôn, không phụ thuộc vào sự thật bên ngoài diễn ngôn. Từ tin đến yêu, cảm, thể nghiệm. Có khi không tin mà vẫn chấp nhận, đón nhận một cách thích thú. Diễn thuyết có sự hiện diện của tác giả và người nghe, trong diễn ngôn (văn bản) văn học hai yếu tố đó văng mặt trực tiếp. Theo phân tich của nhà ngữ văn Nga B. O. Korman, trong mối phát ngôn thực tế đều hiện diện ba yếu tố: tác giả lời nói, chủ thể lời nói, ý thức lời nói, thì trong văn học yếu tố tác giả vắng mặt, chỉ hiện diện hệ thống chủ thể (người kể chuyện, nhân vật trữ tình, nhân vật hành động) và các ý thức xã hội
[9]. Tác giả “im lặng” (Macherey), chỉ hiện diện gián tiếp qua tác giả hàm ẩn, mặt nạ hay hình tượng tác giả.
[10] So với quan niệm của Foucault diễn ngôn ứng với thế giới đã biết, nhưng diễn ngôn văn học là sự đột phá của vô thức xã hội tạo thành diễn ngôn mới. Cái gọi là độc đáo trong văn học chính là vượt qua một giới hạn, tạo thành sự kiện tinh thần. Culler kháy lại với Eagleton, người chỉ khẳng định bản chất ý thức hệ của văn học, rằng trong văn học có những yếu tố bất kham làm thay đổi, lật đổ ý thức hệ xã hội. Tất nhiên, đó là một ý thức hệ khác lật đổ ý thức hệ cũ. Nó đối thoại một cách âm thầm, dai dẳng và đến khi nào đó ý thức cũ sẽ biến đổi. Có thể nói bên cạnh các văn học minh họa ý thức hệ xã hội, có diễn ngôn văn học thường xuyên đối thoại với diễn ngôn xã hội.
3. Những vấn đề mới của nghiên cứu văn học
3.1. Từ tính chân thật nhận thức chuyển sang tính chân thực diễn ngôn
Trước ta thường nói văn học phản ánh cái hiện thực ở bên ngoài nó. Hiện thực trong văn học chỉ là cái được biểu đạt, không phải đối tượng của phản ánh. Với lí thuyết diễn ngôn ta hiểu thêm, diễn ngôn văn học kiến tạo hiện thực. Văn học là diễn ngôn về hiện thực, thể hiện quan niệm về hiện thực. Do đó tính chân thực của văn học theo cái nghĩa phù hợp với thực tế bên ngoài cũng chỉ là một thứ diễn ngôn, một huyền thoại, không tự chứng minh được. Tính chân thực đây là tính chân thực của tu từ, nghĩa là tính hợp lí, hợp pháp, hợp tình hợp cảnh, hợp logichs có khả năng thuyết phục tức khác người tiếp nhận. Trong văn học dĩ nhiên dù dưới hình thức nào cũng có hình bóng của các hiện tượng hiện thực và nhà văn tạo dựng hình bóng đó để làm nên tính thuyết phục, và để bày tỏ thái độ đối với hiện thực đó. Các hiện tượng làm liên tưởng đến hiện thực ấy chỉ là một phần của tính chân thực của văn học. Vì sao vây? Đó là cái hiện thực ngoài con nguời xuất hiện với tư cách là một văn bản, mà mọi biểu hiện của nó đã trở thành hệ thống kí hiệu đối với mỗi nền văn hóa. Văn hoc phản ánh hiện thực tức là phản ánh bằng ngôn ngữ của hiện thực. Cái tính chân thực mà ta nói chỉ là tính chân thực của ngôn ngữ hiện thực. Còn nội dung phản ánh là ý nghĩa của hiện thực mà con người lĩnh hội được. Sai lầm trước đây là đập nhập ngôn ngữ của hiện thức với bản thân hiện thực, coi ngôn ngữ hiện thực (kí hiệu hiện thực, hiện thực kí hiệu hóa trong không gian văn hóa) là đối tượng phản ánh. Đó là dung tục. Tính chân thực còn có thể xét ở phương điện chủ thể, nói thật hay nói dối, tình cảm trong thơ văn thật hay giả. J. Culler còn xét tính chân thực ở phía người đọc. Sự trần thuật miêu tả phù hợp, có sức thuyết phục với cảm nhận của người đọc được xem là chân thực. Trong sách Thi pháp học cấu trúc ông nghiên cứu tu từ tiểu thuyết, phân biệt năm bình diện của tính chân thục.
a. Tính chân thật của chất liệu. Nếu văn bản sử dụng các sự thật, quan điểm mà ai cũng biết thì người đọc sẽ tin là thực. Đó là diễn ngôn không cần chứng minh. Ai cũng biết con người có thân thể, biết suy nghĩ, có tình cảm , biết yêu, ghét, vui đùa, chim biết bay, cá biết lội…Các chuyện đó không gây hoài nghi. Sự thật lịch sử trong tiểu thuyết lịch sử chỉ là tính chân thạt của chất liệu, không phải nội dung của tiểu thuyểt.
b. Tính chân thực về văn hóa. Sử dụng các chất liệu về phong tục, tập quán, tôn giáo, lễ hội, ca hát…cũng tạo nên tính chân thực.
c. Tính chân thực của thể loại. Mỗi thể loại văn học có kiểu chân thực của nó. Tính chân hật của sử thi khác tính chân thật của tiểu thuyết hiệp sĩ, tính chân thật của tiểu thuyết lãng mạn khác với tiểu thuyết hiện thực và chủ nghĩa hiện đại.
d. Tính chân thực của sự kiện. Đây là bổ sung của bình diện ba, khi nhà văn dùng nhật kí, hình thức thư tín, dùng ngôi thứ nhất để kể chuyện…cốt để che tính hư cấu.
e. Tính chân thực của sự bóp méo, mỉa mai. Thủ pháp này cốt xé bỏ bộ mặt trịnh trọng, nghiêm trang, càng khiến cho người đọc cảm thấy chân thực.
Quan niệm của Culler chính là điều mà tôi vừa nói ở trên. Tính chân thực là chiến lược thuyết phục người đọc của văn học, là hiệu quả của tổ chức diễn ngôn trong khi người đọc tin rằng văn học phản ánh hiện thực như thật..
[11] Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa chỉ là sự vận dụng chiến lược trần thuật của chủ nghĩa hiện thực để tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, tất nhiên cộng thêm với tìm tòi nghệ thuật thuyên truyền. Khái niệm phương pháp sáng tác chỉ là các giói hạn của ý thức hệ thuần túy.
Nhưng khi con người biết rằng văn học là hư cấu, không thật người ta sử dụng chiến lược diễn ngôn khác. Đó là công khai sự phi lí trong miêu tả nghệ thuật. Nhà nghiên cứu G. Langoski (Hoa Kỳ) liệt kê các đặc điểm của chủ nghĩa siêu thực được biểu hiện trong tiểu thuyết Mỹ Latinh như sau: 1. Tinh thần nổi loạn chống lại những quy tắc của tiểu thuyết truyền thống; 2. Sự tìm kiếm cái kỳ diệu do việc đi sâu vào lĩnh vực của cái vô thức; 3. Tính ẩn dụ nổi bật và tính hình tượng đi kèm theo sự rối rắm về cú pháp; 4. Sự sùng bái tính phi lý và hài hước cay độc, tính
biểu tượng, tính phi logic; 5.Lối tự sự biến hiện thực thành phi hiện thực; 6. Những thủ pháp tu từ đặc biệt, như hồi cố, lối dựng cảnh của điện ảnh…; 7. Việc sử dụng thời gian phi tuyến…
[12]
3.2. Từ thi pháp học chuyển sang tu từ học hiện đại.
Từ thời cổ đại người ta phân biệt thi pháp học với tu từ học.
Thi pháp học nghiên cứu kiến tạo của tác phẩm nghệ thuật,
tu từ học nghiên cứu kiến tạo tác phẩm phi nghệ thuật
[13]. Nhưng cả hai lĩnh vực đều là kiến tạo ngôn từ, kiến tạo diễn ngôn, cho nên từ trong bản chất chúng đã có liên hệ sâu sắc. Mặc dù áp lực truyền thống vẫn duy trì hai bộ môn khoa học ấy cho đến đầu thế kỉ XX, nhưng trong thực tế thi pháp học và tu từ học và phong cách học vẫn thâm nhập vào nhau. M. Poliakov đã nhận xét đặc điểm nổi bật của thi pháp học thế kỉ XX là sự sáp nhập của phong cách học vào thi pháp học
[14]. Xét trong thực tế ta sẽ thấy quá trình đó đã diến ra như thế nào.
Thi pháp học lịch sử của A. Veselovski có ba chương, thì hai chương nghiên cứu các phạm ttrù của tu từ học: song hành và tính ngữ nghệ thuật. Các nhà hình thức Nga từ Shklovski, Aykhenbaum, Girmunski, V. Vinogradov trong các công trình thi pháp học đều xem nghệ thuật như là thủ pháp, là lạ hóa, thì phần lớn các thủ pháp lạ hóa ấy là phép tu từ. Các nhà phê bình mới Anh Mĩ nghiên cứu văn bản văn học, đối tượng của họ cũng là các phép tu từ, như Irony, ẩn dụ, các thủ pháp tạo tính đa nghĩa, trương lực của từ ngữ. Họ là những người đầu tiên dùng thuật ngữ diễn ngôn thơ, diễn ngôn văn xuôi. Chủ nghĩa cấu trúc với lí thuyết tự sự học nghiên cứu các yếu tố của diễn ngôn trần thuật. Trong cuốn
Các khái niệm cơ bản của thi pháp học (1946) của Emil Staiger (Thuỵ sĩ) tác giả lại nghiên cứu phong cách của các loại hình tự sự, trữ tình, kịch, như là các kiểu diễn ngôn. Nhan đề thi pháp, mà ruột là phong cách. Đủ thấy phong cách là nội dung của thi pháp. Khi G. Genette đặt tên sách về tự sự học của mình là
Figures (I, II, III ) là ông đã có ý thức làm sống dậy tu từ học cổ đại. Với tinh thần mới. M. Bakhtin nghiên cứu thi pháp Dostoievski chủ yếu là nghiên cứu cấu trúc diễn ngôn đối thoại trong tiểu thuyết của nhà văn với nhiều hình thức phong phú cả ở bình diện lịch sử lẫn bình diện kiến tạo, tức là nghiên cứu tu từ của tiểu thuyết phức điệu.
Phong cách học có một lịch sử ngắn ngủi và phong phú. Ngắn ngủi vì nó xuất hiện từ thế kỉ XIX mà đến nhứng năm 50, với các công trình
Triết học của tu từ học của A. Richards (1950),
Vấn đề thể loại lời nói của M.Bakhtin (1952),
Tu từ học và triết học (1952),
Tu từ học mới (1958) của Chaim Perelman
[15]nó gần như đã bị cáo chung. Mặc dù phong cách học văn học vẫn phát triển mạnh mẽ, có nhiều tên tuổi nổi tiếng như Giraud, Riffater, Leo Spitze, Burau, cho đến năm 1969 trong số đặc biệt của tạp chí
Langue Francaise M. Arrivé mới tuyên bố phong cách học đang đi đến tiêu vong
[16]. Mặc dù sau đó vẫn còn có các công trình phong cách học tiếp tục, song buổi hoàng hôn của nó đã định. Sở dĩ thế là vì khái niệm phong cách chưa xác định, các nhà phong cách học mãi đi tìm sự khác biệt, sự lệch chuẩn, sự lựa chọn, nhưng phải chăng các cái ấy chính là phong cách? Một nội hàm như thế là quá hẹp so với nội hàm cuỷa tu từ học, và như thế thì không đủ để giải thích bản sắc độc đáo của phong cách. Thay thế vào đó, theo V. Tiupa, “một tu từ học mới như là khoa học mới về các sự kiện và quá trình giao tiếp trỗi dậy trên đống đổ nát của tu từ học cổ điển”
[17]. Nhà khoa học Nga này xem thi pháp học là bộ phận của Tân tu từ học (Newrhetoric), bởi vì tu từ học diễn ngôn là bao quát nhất, còn thi pháp học chỉ giới hạn trong ngôn từ nghệ thuật
[18]. Theo chúng tôi, diễn ngôn học đã lật ngược quan hệ giữa thi pháp học và tu từ học truyền thống. Các nguyên tắc của thi pháp học được nhìn từ phía tu từ học mới: các phép lạ hóa, kết cấu truyện kể, điểm nhìn, thời gian, không gian nghệ thuật, hình tượng con người, tu từ học thân thể. Thi pháp học tu từ học vẫn là thi pháp học, không đồng nhất với tu từ học nói chung, bởi nó là bộ môn tập trung nghiên cứu văn học nghệ thuật, song nghiên cứu từ góc độ diễn ngôn.
Thi pháp học của chúng tôi, mặc dù hơn ba mươi năm trước chưa có ý thức rõ rệt, song đã đi theo hướng thi pháp học diễn ngôn, tất cả các nghiên cứu đều dựa vào sự kiện ngôn ngữ và tính quan niệm của hình thưc diễn ngôn. Trong các công trình của tôi khi tôi nói về không gian trong Truyện Kiều thì đó là diễn ngôn không gian ở Truyện Kiều. Khi tôi nói về thời gian trong thơ Thiền thì đó chính là diễn ngôn thời gian trong thơ thiền, còn nói về con người trong thơ Tố Hữu thì thực tế, tôi đã nói về diễn ngôn con người trong thơ Tố Hữu. Có thể nói tôi đã nghiên cứu diễn ngôn từ góc độ thi pháp học trong tất cả các công trình của mình.
3.4. Thể loại văn học như là hệ thống các diễn ngôn văn học
Thê loại văn học trong các giáo trình lí luận văn học thường được miêu tả như là các quy phạm bất biến, không đúng với thực tế luôn luôn biến đổi của diễn ngôn. Từ góc độ diễn ngôn thể loại văn học được gọi là văn loại hay loại văn, nghĩa là trước hết là các kiến tạo diễn ngôn khác nhau, mà văn học chỉ là tên gọi tập hợp của vô vàn loại văn khác nhau ấy. Thể loại bắt nguồn từ các thể loại lời nói
[19], bắt đầu từ chưa quy phạm đến chỗ quy phạm hóa, rồi từ quy phạm hóa phá vỡ các quy phạm, kiến tạo lại. Vì thế thể loại là nơi giao thoa giữa lịch sử xã hội và lịch sử ngôn ngữ. Không có chữ quốc ngữ thì không có các thể loại văn xuôi và thơ mới. Thể loại là sự phân hóa về hình thái học ngôn ngữ, văn vần, văn xuôi. Thơ văn cũng có nhiều thể thức và không cố định. Các quy tắc đảm bảo sự sinh sản của các diễn ngôn thể loại, nhưng cũng trói buộc nó. Trong lịch sử các loại văn tục dần được quy phạm hóa, còn các thể loại cao cả dần dần bị đào thải. Ví du tiểu thuyết vốn là tục được phát triển, còn phú, bi ca vốn tao nhã, trang nghiêm trói buộc sức sống nhà văn mà dần dần bị đào thải. Bản thân cái gọi là tục hay nhã cũng chỉ là một kiểu diễn ngôn. Có loại chỉ sông trong thời của nó, sang thời khác thì không có sức sống, ngược lại có loại có tính trường tồn, nhất là các loại gần với thực tại nhân sinh. Thể loại luôn được kiến tạo và luôn bị phá vỡ, kiến tạo lại. Đồng thới các thể loại là giao nhau, tạp giao kết thành tính liên thể loại.
3.3. Lịch sử văn học như là quá trình đổi thay hình thái điễn ngôn
Văn học là diễn ngôn, từ quan điểm này có thể nhận thấy lịch sử văn học là quá trình thay thế các hình thái diễn ngôn. Văn học trung đại, theo quan điểm của nhà nghiên cứu Nga, là nghệ thuật sử dụng các từ có sẵn. Các nhà thơ Việt Nam từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, đến Nguyễn Khuyến, dù tài năng bậc thầy, vẫn nằm trong giới hạn văn học sáng tạo bằng các từ, các công thức có sẵn. Tất nhiên mức độ tài năng, cá tính có thể đem lại các sắc thái khác biệt, nhưng tính chất chung là không thay đổi. Giai đoạn này ứng với văn học truyền thống phương Tây. Phải đến thế kỉ XVIII, khi ý thức cá nhân trỗi dậy, đổi thay ý thức chân lí, xuất hiện hình thái diễn ngôn thẩm mĩ lấy cá tính làm trung tâm mới xuất hiện hình thái tu từ mới. Nhà văn lúc này mới đi tim ngôn từ mới phù hợp với cảm xúc mới và sáng tạo nên các dòng văn học lãng mạn, cảm thương, chủ nhĩa hiện thực, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa hiện đại. Văn học Việt Nam từ những năm 30 – 1945 ứng với giai đoạn này.
Bước sang giai đoạn văn học cách mạng, hiện thực xã hội chủ nghĩa, từ năm 1945 cho đến 1986 văn học Việt Nam lấy tuyên truyền, giáo dục làm mục đích, sáng tác theo các chỉ dẫn phép tắc nghiêm ngặt, hạn chế tự do sáng tạo, nhà văn lại sáng tác theo những công thức định sẵn, trên thực tế là trở lại với hình thái tu từ có sẵn như thời trước hình thái thẩm mĩ tự do
[20]. Đó là lí do vì sao sáng tác rập khuôn, nhiều khuôn sáo, công thức, ít đa dạng, thiếu sinh khí. Đây là giai đoạn văn học mà diễn ngôn nhà văn bị soi xét kĩ lưỡng nhất. Chỉ một biểu hiện nhỏ như trong tập truyện ngắn
Sương tan của nhà văn Hoàng Tiến cũng bị chỉ trích là “đồi trụy”.
Nguyễn Minh Châu cựa quậy đổi thay diễn ngôn, nhưng phải đến sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Hồ Anh Thái văn học Việt Nam mới tạo ra một diễn ngôn khác với diễn ngôn chính thống một thời.
Còn có thể nói đến các trào lưu văn học như là các hình thái diễn ngôn trong lịch sử văn học.
Tóm lại khái niệm điễn ngôn văn học, hay văn học như là diễn ngôn đem lại một cái nhìn mới, bước ngoặt mới đối với lí luận văn học nói chung và lịch sử, phê bình văn học nói riêng. Từ đây lí luận văn học sẽ là một diễn ngôn khác về văn học so với các bộ lí luận văn học đã có. Trong bài này do điều kiện thời gian hạn chế chúng tôi chưa thể viết kĩ, chỉ phác qua mấy khía cạnh để tham khảo. Mong có dịp đi sâu hơn vào từng vấn đề.
Hà Nội, ngày 8 tháng năm 2013, chỉnh lại, 3 – 2014.
[1] Theo Makarov.
Nguyên lí lí thuyết diễn ngôn, M., 2006.
[2] M. Makarov, Tài liệu đã dẫn, mục 1.1.1. Bước ngoặt diễn ngôn và bản thể luận mới.
[3] M. Makarov, Tài liệu đã dẫn.
[4] Ngày nay nhiều nhà ngữ học cho rằng tư tưởng Saussure rộng hơn học thuyết Saussure được lưu hành, có người quan tâm một dạng nghiên cứu khác của Saussure là
Ngôn ngữ học lời nói.
[5] Xem các sách của các tác giả này:
Bàn về khái niệm văn học của Todorrov,
Dẫn luận rất ngắn về lí luận văn học của Culler,
Bản mệnh của lí thuyết của A. Compagnon,
Chủ nghĩa mác và phê bình văn học của T. Eagleton.
[6] Xem bài
Từ Hán việt gốc Nhật trong tiếng Việt của Trần Đình Sử.
[7] M. Bakhtin.
Mĩ học sáng tạo diễn ngôn, nxb. Nghệ thuật, M., 1979, tr.. 285.
[8] In trong cuốn
Kí hiệu học, nxb. Khoa học, M., 1983.
[9] Korman B. O.
Phân tích thơ ca Necrasov, M., 1972.
[10] Xem các công trình của các tác giả W. Booth , V. V. Vinogradov., M. M. Bakhtin.
[11] J. Culler.
Thi pháp học cấu trúc, nxb. Khoa học xã hội, Bắc Kinh, 1991.
[12] Theo Nguyễn Văn Dân.
Ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại đối với văn học thế giới vào Việt Nam, Văn học nước ngoài, số 8 – 2012
[13] Tomashevski.
Lí luận văn học. Thi pháp học. viết năm 1925, in lại 2003.
[14] Poliakov M.
Cái giá của sự tiên tri và nổi loạn. M., 1975.
[15] Trích theo tài liệu của V. Tiupa.
[16] Lịch sử các thi pháp học, chương Phong cách học. Bản dịch trung văn tập 2.
[17] V. Tiupa.
Phân tích văn bản nghệ thuật,
Phân tích diễn ngôn. Academia, M., 2000, tr. 273. Quan niệm của Tiupa hơi sớm, không phù hợp thực tế.
[18] V. Tiupa.
Trần thuật học như là phân tích học diễn ngôn tự sự, Tver, 2001.
[19] M. Bakhtin.
Các thể loại lời nói.
Mĩ học sáng tạo ngôn từ (diễn ngôn), M., nxb. Nghệ thuật, 1979.
[20] Phần này tham khảo sách
Quá trình văn học trong ngữ cảnh văn hóa lịch sử của E. Chernoivanenco, viết năm 1996. ở Ucraina.
http://trandinhsu.wordpress.com/2014/04/08/buoc-ngoat-dien-ngon-va-su-doi-thay-he-hinh-nghien-cuu-van-hoc/
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét