Chức năng mĩ học
của tầng ngôn từ chủ yếu là tryền đạt thông tin thẩm mĩ, tạo hình và biểu hiện
phong cách ngôn ngữ riêng biệt.
Ngôn
ngữ là phương tiện truyền đạt thông tin. Ngôn ngữ của những văn bản khác nhau sẽ
truyền đạt thông tin khác nhau, cái mà ngôn ngữ văn bản văn học truyền đạt là
thông tin thẩm mĩ, so với các văn bản khác, văn bản văn học càng thêm hoàn mĩ,
viên mãn do phải vận dụng nhiều phương thức tu từ để sự truyền đạt. Phương thức
tu từ truyền đạt thông tin thẩm mĩ hết sức đa dạng, nhưng đều xoay quanh nguyên
tắc cơ bản nhất: đáp ứng yêu cầu về sự độc đáo, mới mẻ của phương thức truyền đạt,
“có thể nói những điều người khác không biết, đụng đến những điều người khác
không đụng đến được”. Chỉ có như vậy mới có thể đem đến cho người đọc cảm thụ
thẩm mĩ tươi mới. Nhưng ngôn ngữ trong quá trình sử dụng lâu dài, giống như tiền
giấy bị cũ đi trong quá trình lưu thông, thường hình thành “tính máy móc”, tức
là ngôn ngữ miêu tả sự vật làm chúng ta quen thuộc, nhưng lại làm mất đi cảm nhận
tươi mới, thậm chí dẫn đến “nhìn” mà không “thấy”. Vì thế các nhà hình thức chủ
nghĩa Nga đề xuất thủ pháp lạ hóa nhằm tăng cường độ khó và thời gian cảm thụ,
kêu gọi mọi người quay lại cảm thụ cuộc sống, khiến đá trở thành đá khác”(Tuyển tập lí luận chủ nghĩa hình thức Nga. Tam
liên thư điếm xuất bản, 1989, tr6). Như Lev Tolstoy đã không dùng danh từ chỉ sự vật để gọi tên sự
vật mà lại miêu tả như là lần đầu tiên nhìn thấy sự vật đó, giống như sự tình mới
nảy sinh. Ngôn ngữ sai lệch, cản trở, bất chấp quy phạm ngữ pháp thông thường của
thơ ca cũng là sự vận dụng thủ pháp lạ hóa. Từ thời kì mới đến nay, một số tác
giả cũng vận dụng thủ pháp biểu đạt mới lạ đối với sự cảm nhận của người đọc. Mở
đầu cuốn Âm thanh mùa xuân của Vương
Mông có cách miêu tả rất khác thường: “Mặt đất rầm một tiếng, đêm đen liền đến
ngay. Một ánh hoàng hôn vụt qua, vầng trăng vuông vức xuất hiện trên tường đối
diện”. Màn đêm đến vốn là vô thanh vô tín, lặng lẽ thâm nhập, ở đây lại là màn
đêm có âm thanh, có tiếng động; vầng trăng vốn tròn trịa, ở đây lại thành vuông
vức, hơn nữa, nó không treo trên trời mà lại xuất hiện trên tường. Sự miêu tả
này không còn nghi ngờ gì nữa đã đem đến cho người đọc cảm nhận mới lạ, tuy
nhiên, nó lại rất hợp với sự truyền đạt cái hay trong cảm nhận tâm lí của nhân
vật, tâm lí như tỉnh như mơ của người ngồi trong tiếng ầm ầm của xe lửa trong
cái thùng xe kín mít. Cái quý giá của nghệ thuật nằm ở sự sáng tạo độc đáo. Đối
với nghệ thuật ngôn từ, tính độc đáo trong sáng tác chỉ có thể vận dụng sự vay
mượn ngôn ngữ một cách tự nhiên mới có thể thể hiện ra được, mà lạ hóa chính là
thủ pháp quan trọng để tạo ra cái mới.
Tính tạo hình là
một chức năng quan trọng của tầng ngôn từ. Sự truyền đạt ẩn ý thẩm mĩ của tầng
ngôn từ trong văn bản được thể hiện thông qua việc sáng tạo tầng hình tượng văn
học, tức là “lập tượng để tận ý”. Nhưng chỉ dùng ngôn ngữ miêu tả mới có thể
làm hiện lên từng bộ phận nhỏ của hình tượng, mới mong đạt được vẻ giống như thật
của hội họa, đây lại không phải là sở trường của ngôn ngữ văn học. Như cách nói
của Thái Tân: “hiệu quả mà hình tượng nghệ thuật có khả năng tạo ra nhất là có
thể mang đến khoảnh khắc hoạt động tự do của tưởng tượng”(Thái Tân: The laocoon. Nxb Văn học nhân dân, 1979, tr18). Vì vậy, tính tạo hình của ngôn ngữ văn học chủ yếu biểu
hiện thông qua việc phát huy trí tưởng tượng thẩm mĩ của độc giả, giúp người đọc
kiến tạo được ý tượng thẩm mĩ. Trong Iliat Homeros không trực tiếp viết về vẻ đẹp của Hellen, chỉ viết về
sự kiện sau khi kết thúc chiến tranh 10 năm, dưới sự dẫn dắt của người con gái
này, khi Hellen xuất hiện trong sự tán dương của các trưởng lão, thông qua ám
thị về hiệu quả do cái đẹp tạo ra kích thích tưởng tượng thẩm mĩ của độc giả, từ
đó mà hoàn thành việc sáng tạo hình tượng. Trường hợp này cũng thường thấy
trong văn học Trung Quốc. Như hình tượng người phụ nữ tương tư trong Kinh thi chỉ dùng bốn chữ “đầu như phi
phùng” để miêu tả những đặc trưng điển hình của nhân vật đó, và để hoàn thành
chỉnh thể hình tượng này thì phải dựa vào tưởng tượng mang tính sáng tạo của
người đọc. Lí Bạch cũng dùng ngôn ngữ mơ hồ như vậy: “Vân tưởng y thường hoa tưởng dung”(mây ngỡ xiêm ý, hoa ngỡ mặt người),
Bạch Cư Dị dùng “Hồi mâu nhất tiếu bách
mi sinh, Lục quan phấn đại vô nhan sắc” (Một cười khêu gợi trăm mê luyến/Xóa mất
hồng nhan ở sáu cung) để miêu tả hình tượng Dương Quý Phi cũng là giải
thích và dựa vào tưởng tượng mang tính sáng tạo của độc giả. Lev.Tonstoi nói:
Muốn “miêu tả bản thân một con người là không thể, nhưng lại có thể miêu tả được
ấn tượng mà anh ta mang lại cho chúng ta”( Lev.Tonstoi: Bàn về sáng tác. Nxb Li Giang, 1982,tr140). Sự giống nhau này là do
cảm nhận thẩm mĩ mang sắc thái chủ quan có khả năng rất lớn trong việc kích
thích tình cảm và tưởng tượng của độc giả, thức dậy kinh nghiệm trong kho kí ức
của họ. Và cùng với sự tưởng tượng bay bổng của độc giả, tương quan giữa hư và
thực, hình tượng thẩm mĩ lưu động bất định mới có thể tạo nên rõ ràng, sinh động
trước mắt anh ta cái hiện tại. Nội hàm thẩm mĩ của hình tượng văn học cũng nhờ
sự tưởng tượng phong phú của độc giả mới có được sự mở rộng và đào sâu. Chính tại
tầng ý nghĩa này, có thể nói hình tượng văn học mang hình tượng bên trong tâm hồn,
do tác giả và độc giả cùng sáng tạo.
Nhìn
một cách tổng quát, chức năng thẩm mĩ của tầng ngôn từ trong nét riêng biệt của
nó khác với sự hiển thị của phong cách ngôn từ. Phong cách ngôn từ là tổng hợp
đặc điểm riêng biệt trong việc sử dụng ngôn ngữ của nhà văn. Ngôn ngữ toàn dân
sau khi được mỗi người sử dụng trở thành ngôn ngữ mang tính cá nhân với nhiều
nét đặc sắc, tức là trở thành ngôn từ. F.Sausure cho rằng: “Trong ngôn từ không
có cái gì mang tính tập thể; sự biểu hiện của nó là cá nhân và tạm thời. Ở đây,
chỉ có cho phép tổng hòa của những tình huống đặc thù”( F.Sausure: Giáo trình ngôn ngữ học đại cương.Thương
vụ ấn thư quán xuất bản, 1980, tr42). Một nhà văn có cá tính sáng tạo độc đáo lại
càng chú trọng tính sáng tạo riêng biệt của ngôn từ, truy tìm cá tính hóa, thể
hiện khá rõ phong cách ngôn từ trong tác phẩm. Ví như, cùng là văn bản Uymua
nhưng ngôn ngữ của Lỗ Tấn thì sắc nhọn thâm sâu tinh tế, như bạt núi róc xương,
một kim châm thấy ngay máu, vừa nhìn đã thấy phong cách của nhà văn lớn; ngôn
ngữ của Lão Xá thì hiền hòa, ấm áp, mang phong vị phương ngôn Bắc Kinh; chất
uymua của Tiền Trung Thư thể hiện phong thái của một học giả, dẫn kinh trích điển,
ẩn ý sâu sắc, không để lộ sự châm biếm, để người đọc tự tìm ra; Uymua của Triệu
Thụ Lí hoàn toàn xuất phát từ cái nhìn và cách nói của nông dân, ngôn ngữ vừa
sáng rõ, vừa được khẩu ngữ hóa, thể hiện ra một phong cách đại chúng hóa. Trong
các tác gia đương đại, cũng là nhà văn nữ, cũng có sự tinh tế đặc sắc, ngòi bút
mang tính trữ tình, nhưng trong hành văn của Hoàng Tôn Anh có hào khí rõ ràng,
mạnh mẽ, trong ngòi bút của Trương Cát lại mang một nỗi u sầu man mác, nhẹ
nhàng, ảm đạm. Chính do phong cách ngôn ngữ khác nhau mà mỗi tác phẩm, tác giả có được ý nghĩa và sự
tồn tại tự thân.
Tóm lại, kết
hợp sự truyền đạt tầng ngôn ngữ, chức năng biểu hiện phong cách và tạo hình đã
sáng tạo ra hệ thống hình tượng rõ ràng tươi mới mang đậm cá tính. Độc giả
trong khi cảm nhận vẻ đẹp ngôn từ bất giác đạt được hình tượng mà quên ngôn ngữ,
do đó đã thâm nhập vào tầng thứ hai của văn bản, tức là tầng hiện tượng cấu
thành của hình tượng nghệ thuật.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét