Từ thập niên 90, sáng tác tản văn phát triển mạnh mẽ. Đến
thế kỉ mới, đội ngũ sáng tác tản văn ngày càng đông, thể hiện ở sự tăng lên của
số lượng tác giả và sự hỗn tạp của thân phận người viết. Tập thể nhà văn trong
lĩnh vực này ở thế kỉ mới bao gồm những người viết tản văn nữ đã từng xuất hiện
vô cùng rầm rộ từ những năm 90, như Tư Dư, Hàn Tiểu Huệ, Phùng Thu Tử, Vương
Anh Kì, Chu Bội Hồng, Tố Tố…; các nhà văn chuyển từ sáng tác thơ ca, nghiên cứu
lí luận…chuyển sang sáng tác tản văn, như Vương Mông, Lý Quốc Văn, Trương Khiết,
Giả Bình Ao, Trương Thừa Chí, Vương An Ức, Dư Thu Vũ, Lôi Đạt, Nam Phàm. Tiểu
thuyết gia viết tản văn không phải là điều lạ lẫm, đến thế kỉ mới hầu hết các
tiểu thuyết gia đều xuất bản tuyển tập tản văn của mình. Viết tản văn với một số nhà văn chẳng qua là hoạt động nghiệp
dư, nhưng đối với một số nhà văn khác lại là phương hướng sáng tác chủ yếu, như
Trương Thừa Chí, Lý Tồn Bảo từ giữa thập niên 90 dường như bỏ không viết tiểu
thuyêt, chủ yếu viết tản văn; học giả viết luận văn có ảnh hưởng tương đối lớn
có Chu Kiến Quốc, Chu Học Cần, Lưu Tiểu Phong. Sáng tác tản văn của nhà khoa học
Chiêm Khắc Minh, họa sĩ Ngô Quan Trung, lãnh đạo cấp cao Lương Hằng..cũng có ảnh
hưởng không nhỏ. Gần dây nổi lên một số người viết tản văn trẻ có ý thức tìm
tòi như Nam Phàm, Chu Hiểu Phong, ngoài ra còn có một số người viết mới xuất hiện
trên mạng “tản văn mới” như Triều Dương, Phương Hi, Lưu Xuân, Độc Hóa…Những người viết tản văn nghiệp dư như biên tập phổ
thông, nhà báo, học sinh, tri thức thành thị cũng gia nhập đội ngũ tản văn. Những
năm gần đây, trong tuyển chọn tản văn hàng năm của các tạp chí, tản văn của họ
chiếm tỉ lệ tương đối lớn. Từ góc độ tuổi tác, có thể thấy những người viết tản
văn thế kỉ mới bao gồm nhiều thế hệ, ngoài đông đảo nhà văn trẻ, những nhà văn
lão thành như Lý Tiễn Lâm, Dương Giáng…vẫn nhiệt tình sáng tác, những nhà văn
tuổi ngoài 60 như Tôn Phác, Lâm Cân Lan, Lý Quốc Văn cũng mang lại những đóng
góp lớn, những chủ lực trong sáng tác tản văn đương đại như Sử Thiết Sinh,
Trương Thừa Chí, Hàn Thiếu Công nhuệ khí vẫn không giảm.
Sự hưng thịnh của tản văn thế kỉ mới không tách rời không
gian đăng tải rộng lớn. Trước hết là những tạp chí chuyên đăng tải tản văn, có
8 tạp chí chủ yếu như Tản văn, Tản văn hải
ngoại bản ở Thiên Tân, Mĩ văn ở
Tây An, Tạp chí tuyển chọn tản văn ở
Trịnh Châu, Tản văn Trung Hoa ở Bắc
Kinh…; tiếp nữa là những bản tản văn của các tạp chí văn học, như những chuyên
mục tản văn của tạp chí Thu hoạch, Chung
sơn, Văn học nhân dân…; rồi những phụ san văn học của các tờ báo…Gần đây,
trung tâm đăng tải tản văn càng ngày càng hướng tới phụ san văn nghệ của các tạp
chí loại hình tiêu dùng, đời sống và các tờ báo, rất nhiều nhà văn nổi tiếng mở
chuyên mục tản văn trên các phụ san; báo chí cũng mượn điều đó để tạo nên nhà
văn của những chuyên mục mới, trở thành điểm thu hút của các tờ báo.Internet,
truyền hình cũng có vai trò
nhất định trong việc thúc đẩy sự phồn vinh của tản văn, chẳng hạn như tiết mục
“Tản văn thi ca truyền hình”… Những tiểu phẩm đô thị được đăng trên Internet,
báo thành thị, báo kinh tế, tạp chí hàng tuần đô thị, tạp chí thời thượng trở thành “tản văn truyền thông mới”. Xuất bản tản văn cũng rất hưng thịnh. Tuyển tập
tản văn của những nhà văn hiện đại nổi tiếng như Chu Tác Nhân, Lương Thực Thu,
Lâm Ngữ Đường, Lỗ Tấn, Thẩm Tùng Văn liên tục được tái bản, tản văn của Dư Thu
Vũ, Lưu Đường, Chu Quốc Bình bán khá chạy trong nhiều năm, các loại tản văn,
tùy bút tràn ngập thị trường sách.
Sự phồn vinh của tản văn thế kỉ mới có quan hệ mật thiết với bối
cảnh thời đại, và cũng gắn liền với đặc trưng vốn có của tản
văn. Tản văn khi viết rất linh hoạt, có thể ngắn, có thế dài, hoặc tự sự, hoặc
trữ tình, hoặc du kí hoặc cảm hoài, hoặc bàn thời sự chính trị hoặc bàn chuyện
gia đình, hoặc bàn đạo lí lớn văn hóa hoặc cảm ngộ những việc nhỏ trong cuộc sống.
Những bài văn ngắn, có tính tri thức, hứng thú, tình cảm trên phụ san báo chí đâu
đâu cũng có, trở thành cục nam châm thu hút độc giả. Sự phát triển nhanh của xã
hội đương đại khiến tiết tấu của cuộc sống tăng nhanh, đối với nhà văn, khi
không có thời gian tập trung viết tác phẩm dài, khoảnh khắc rung động, một chút
cảm ngộ là chất liệu tuyệt vời cho tản văn. Những nhà văn thành danh ở thập
niên 80, từ thập niên 90 trở lại đã bước vào trạng thái viết của tuổi trung niên,
tích lũy đời sống phong phú và kinh nghiệm sống đầy đủ, mà tản văn lại rất cần
sự tu dưỡng, học vấn, tình cảm, kinh nghiệm. Đối với rất nhiều học giả, nhà nghệ
thuật, thời gian ngoài nghiên cứu chuyên môn, viết tản văn là phương thức tốt để
họ hồi tưởng, thể hiện chân tình, sự quan tâm đến xã hội.
Về tổng thể, tản văn thế kỉ mới có ba khuynh hướng
đề tài lớn
1. Hoài
cựu và kí ức. Tản văn thường kết hợp chặt chẽ giữa trần thuật sự kiện và bộc
lộ tình cảm, tản văn hay là sự chân thành, sinh động, triết lí, là yêu cầu rất
cao đối với tri thức tu dưỡng và nhân cách của người viết. Kí ức và ấn tượng là tác phẩm hồi ức về cha mẹ của Sử Thiết Sinh,
cuộc sống thời trẻ của cha mẹ, tình yêu của cha mẹ đối với nhà văn trở thành kí
ức không thể nào quên của tác giả. Thẩm
Tùng Văn ngày thường của Hoàng Vĩnh Ngọc đã miêu tả Thẩm Tùng Văn từ góc độ
đời sống thường nhật, ông tài hoa, cốt cách cao ngạo nhưng cuộc sống lận đận. Bắc
Đảo - Thi nhân nhiều năm phiêu bạt ở hải ngoại mang đến cho độc giả cuốn Tản văn Bắc Đảo: sách của sự thất bại,
trong sách tràn ngập cảm giác phiêu bạt và sắc thái tang thương của những trải
nghiệm cuộc sống. Trong tản văn chúng ta không thấy hình tượng thi nhân phẫn nộ,
cái mà chúng ta đọc được là những phiến đoạn của cuộc sống mà tác giả trải qua
khi ở nước ngoài. ..
2. Trầm từ và lí tưởng. Thập niên 90 của thế
kỉ 20, dưới sự tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường, quan niệm đạo đức truyền
thống bị tấn công mãnh liệt, nhà văn dùng góc độ nhân văn để nhìn hiện thực
Trung Quốc, truy vấn lịch sử, quan tâm hoàn cảnh sinh tồn của nhân loại, tìm kiếm
giá trị và ý nghĩa sinh tồn của con người, do đó đã sáng tác ra một loạt tác phẩm
tản văn lí tính, khí thế mạnh mẽ, nội dung sâu sắc. Sang thế kỉ mới, hứng thú đọc
của độc giả phát sinh biến đổi lớn, số lượng tản văn dung lượng lớn về văn hóa
giảm đi, nhưng Trương Thừa Chí, Chu Đào, Chiêm Khắc Minh… vẫn thỉnh thoảng sáng
tác những tác phẩm sâu lắng, giàu khí khái lớn lao, ví dụ như Một vùng sơn hà của Trương Thừa Chí thể
hiện tinh thần say mê tìm kiếm tinh thần văn hóa khu vực trong những quần thể
dân tộc thiểu số, làm sáng lên ánh hào quang của tinh thần nhân văn.
3. Tình thân và cảm hoài. Tình cảm gia
đình, tình cảm bạn bè, tình yêu… luôn chiếm tỉ lệ lớn trong tản v ăn. Gần đây,
tản văn ưu tú loại này rất nhiều, như 38
bông hoa sen, Nhớ cha mẹ của Diêm Liên Khoa, Hồi ức về cha mẹ của Lý Hán Vinh, Mẹ của Tôn Tôn…Tản văn mạng là điểm sáng trong sáng tác tản văn những
năm gần đây, một số bài đã được các tạp chí in lại, như Nhớ vợ của tôi của Hồ Tử Long…
Sự phân
loại ở trên chỉ là sự khái quát trên phương diện tổng thể, ngoài ra, vẫn còn một
số đề tài khác, như những tác phẩm quan tâm đến tính khu vực của cuộc sống,
tình cảm nhân dân. Tuyển tập tản văn của Giả Bình Ao thể hiện sự quan tâm, thấu
hiểu sâu sắc của nhà văn đối với nông dân hương thôn, ở địa phương xinh đẹp và
mang đầy ý vị thần bí, cha mẹ anh em cần cù, thuần phác, dũng cảm, trọng tình
trọng nghĩa. Ngoài ra còn có tản văn thể hiện cuộc sống tình cảm của phụ nữ,
như sáng tác của tiểu thuyết gia Thiết Ngưng, Triệu Mai và những nhà văn chuyên
viết tản văn như Trương Lập Cần, Hàn Tiểu Huệ, Chu Hiểu Phong… Tác phẩm Điều kiện cần thiết của cao nhã của Chu
Bội Hồng đã xuất phát từ việc “đọc” tranh, triển hiện nhiều mặt về cơ thể cũng
như tình cảm, ái tình, cám dỗ, đau khổ… của phụ nữ.
Như trên cho thấy, tản văn thể kí mới gặt hái được thành
công lớn, khi đối diện với sự phồn vinh của tản văn, tuy nhiên vẫn có những điểm
còn hạn chế. Đội ngũ chủ lực của tản văn về cơ bản vẫn là những người đã sáng
tác từ thập niên 90. Tản văn phồn vinh,
bán chạy, được tiếp nhận rộng rãi nhưng lại không có những đột phá cách tân
trên phương diện hình thức. Dưới sự tác động của văn hóa đại chúng, trong tản
văn thành phần vui chơi giải trí chiếm vị trí quá lớn, những tác phẩm thể hiện
chiều sâu tư tưởng và sức tác động văn hóa còn ít, mất đi lập trường phê phán của
phần tử trí thức, khiến tản văn biến thành một loại ăn nhanh thiếu mĩ cảm,
thành văn bản thể hiện thứ tình cảm rẻ tiền, triết lí cơ hội, chủ nghĩa thực dụng,
thiếu tinh thần trách nhiệm với xã hội, không nhìn thấy những vấn đề sâu của xã
hội. Từ thập niên 90, nhà tiểu thuyết và nhà thơ trở thành chiến hữu trong viết
tản văn. Họ có ưu thế trong tư duy hình thượng, tài hoa trong sử dụng ngôn ngữ,
hành văn bay bổng, có tác động tích cực đến sáng tác tản văn truyền thống.
Nhưng có một số nhà văn hành văn phóng túng, tùy tiện sử dụng cách viết tiểu
thuyết để viết tản văn, do đó đã phá vỡ những chuẩn mực cơ bản của tản văn. Như
Mạc Ngôn tuy chưa đến nước Nga, nhưng ông đx dùng trí tưởng tượng của nhà tiểu
thuyết viết Nước Nga tản kí, hoàn
toàn không quan tâm đến tính chân thực của tản văn, coi tản văn cũng như tiểu
thuyết, vì thế, gặp phải sự phản đổi của rất nhiều người.
Thanh âm của cách tân tản văn thế kỉ mới vẫn không ngừng
vang vọng bên tai, ví dụ như Tủ sách hậu
tản văn của Nxb Văn nghệ bách hoa, chuyên mục Làn sóng mới, website Tản văn
mới của “Văn học nhân dân”, Tản văn mới
của “Đại gia” và các tuyển tập “tản văn mới” đã giới thiệu hàng loạt người
viết tản văn với một nhuệ khí mới, thể hiện khả năng đa dạng trong sáng tác tản
văn. Điểm nổi bật của tản văn mới thể hiện ở chỗ phản đối theo đuổi tính chân
thực tuyệt đối, nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản của việc tuân thủ chân thực nghệ
thuật của tản văn. Tản văn là nghệ thuật của “hồi ức”, là sự biểu hiện và tái
hiện đối với con người và sự việc trong quá khứ. Cái đẹp của khoảng cách giữa
“quá khứ” và “hiện tại” khiến hồi ức trở thành một kiểu nhìn giống như nhìn
trong gương, mức độ chân thực trong hồi ức bị giảm đi khá nhiều. Trong khi đó,
tản văn truyền thống vẫn yêu cầu chân thực 100%, quên mất rằng thông tin trong
hồi ức được tạo nên từ việc liên kết kí hiệu ngôn ngữ - tính tùy ý và tính hư
huyễn của kí hiệu ngôn ngữ rõ ràng không thể khiến hồi ức trở thành chân thực
tuyệt đối, những đại diện của tản văn mới cho rằng không chỉ lịch sử và kí ức
cá nhân không đáng tin, mà ngay cả cái “chân thực” trước mắt cũng cần phải hoài
nghi. Những gì chúng ta có thể nhìn thấy chỉ là những ấn tượng tản mạn…Tản văn
mới quá mức nhấn mạnh sự mới lạ về hình thức, chú trọng tìm kiếm những đột phá
về hình thức.
Những người viết mới này
phần lớn có trực giác nhạy bén, trí tưởng tượng phong phú, họ thử dùng văn bản
cá tính độc đáo của mình tấn công dạng thức tản văn truyền thống. Sự tìm tòi tản
văn của các nhà văn có nhuệ khí mới khiến cho khu vườn tản văn có thêm sinh khí
mới, bất luận ở đề tài, thủ pháp hay là ngôn ngữ đều đã thể hiện thành tựu
trong tìm tòi về tản văn. Ví dụ như Vằn
lông – bản đồ trên da động vật của Chu Hiểu Phong đã miêu tả chi tiết các động
vật trên mình có vằn lông, dùng phương thức ngụ ngôn để làm rõ mặt tương thông
giữa động vật và con người. Cùng loại với tác phẩm đó còn có Chuyển mình, Phép trừ của Cách Trí, Cửa viện trong gió của Lưu Lượng Trình…
Vai trò thúc đẩy đổi mới nghệ thuật tản văn từ những tìm
tòi nghệ thuật của “tản văn mới” vẫn cần phải đợi sự kiểm nghiệm của lịch sử. Như
tác phẩm được hoan nghênh rộng rãi của Lưu Lượng Trình rất trong sáng và giàu ý
thơ, nhưng lại thể hiện mãnh liệt tình cảm gắn kết với nông thôn, và tâm lí sợ
hãi đối với thành thị, thiếu tinh thần bao dung đối với văn minh thương nghiệp
hiện đại, thiếu tinh thần phê phán đối với văn hóa ở nông thôn. Tóm lại, “tản
văn mới” chỉ là một cách viết được đề xuất mang tính khuynh hướng, đối với những
người dồn sức sáng tác “tản văn mới”, sự tìm tòi của họ chưa hình thành được
quan niệm riêng của mình về tản văn, sự lí giải của họ về tản văn không giống
nhau, thậm chí cùng một nhà văn, cũng có lúc tự phủ nhận chính mình. So với
sự hưng thịnh của tản văn đương đại, nghiên cứu về tản văn có phần trì trệ. Những
bài viết mang tính lí luận của nghiên cứu tản văn tương đối ít, phần nhiều vẫn
là những bài có tính chất điểm bình. Mọi người vẫn thỉnh thoảng nhấn mạnh mệnh
đề cơ bản như: tản văn có “lối viết của tâm linh”, vẫn còn xoay quanh vấn đề cơ
bản như ý thức thể loại của tản văn…
Đỗ Văn Hiểu
Hà Đông, 12-11-2013
Tổng hợp
từ tư liệu tiếng Trung
Tài liệu tham khảo
1. Vương Vạn
Sâm… (chủ biên), 50 năm văn học đương đại
Trung Quốc, Nxb Đại học Hải Dương Trung Quốc, 2006
2. Trương
Quốc Long, Phê phán hiện tượng tản văn
Trung Quốc 2000-2010, Diễn đàn phương Nam, số 6 năm 2012
3. Trần Lộc,
Xây dựng phạm trù nghiên cứu tản văn thế
kỉ mới, Diễn đàn phương Nam, số 2 năm 2013
4. Lý Lâm
Vinh, Tản văn thế kỉ mới: Khó khăn và đột
phá đối của sự phát triển của tản văn thời đại truyền thông mới, Báo Văn nghệ,
24-12-2012
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét