Bước vào
những năm 90, văn đàn Trung Quốc có hai điểm nóng, đó là tiểu thuyết và tản
văn. Nếu như tiểu thuyết thành công với việc phô trương vấn đề “giới” thì tản
văn trên tổng thể lại được coi là sự thắng lợi của văn học thuần túy. Mặc dù
trong điểm nóng tản văn còn tồn tại xu hướng thương phẩm hóa, nhưng trước sự tấn
công cái thông tục, của kinh tế thị trường, không ít nhà văn thuộc các thể loại
khác mất đi cảm hứng sáng tác thì sự phồn vinh của tản văn, sự xuất hiện của một
loạt người viết tản văn ưu tú lại là một
hiện tượng đáng chú ý của thập niên này.
1. Sự “nóng” lên của tản văn Trung Quốc thập
niên 90
Thế kỉ 20 ở Trung Quốc, sau
phong trào văn học mới “Ngũ tứ”, những năm 20, 30 xuất hiện cao trào sáng tác tản
văn lần thứ nhất với một loạt những nhà tản văn nổi tiếng như Lỗ Tấn, Chu Tự
Thanh, Lâm Ngữ Đường, Lương Ngộ Xuân… Đến thập niên 90, tản văn lại một lần nữa « nóng »
lên. Vào nhà sách, thấy đủ các loại tuyển tập tản văn. Rất nhiều nhà xuất bản
cho xuất bản những tuyển tập 100 năm tản văn, 50 năm tản văn, 10 năm tản văn,
Đài loan, Hong Kong, Macao tản văn… Báo chí tự giác thúc đẩy tản văn xuất hiện,
lượng tiêu thụ lớn. Theo thống kê quý 1 năm 1999, trong khi có bốn tạp chí văn
học thuần túy đình bản, các tạp chí văn học thuần túy khác số lượng phát hành
giảm sút,thì những tạp chí tản văn thuần túy lại hoạt động rất tốt, số lượng
phát hành cao : « Tạp chí tuyển chọn tản văn » (Hà Nam) hơn 1 vạn
bản, Tạp chí “Mĩ văn” (Thiểm Tây) hơn 6000 bản, “Tản văn Trung Hoa” (Bắc Kinh)
hơn 3000 bản, « Thiên địa tản văn »(Phúc Kiến) hơn 3000 bản. …
Những năm 90 đội ngũ viết tản văn lớn mạnh với thành
phần vô cùng phong phú. Các nhà tiểu thuyết, nhà thơ, nhà nghệ thuật, thậm chí
là cả các nhà khoa học cũng gia nhập hàng ngũ sáng tác tản văn, những người
chuyên viết tản văn càng ngày càng ít, những người kiêm viết tản văn ngày càng
nhiều, bao gồm những người đang học, những người về hưu, các giáo sư, học giả
cũng tình nguyện gia nhập hàng ngũ sáng tác tản văn. Trong thời kì này xuất hiện
một loạt những cây bút tản văn nổi tiếng như Dư Thu Vũ, Giả Bình Ao, Trương
Trung Hành, Trương Thừa Chí…
Cùng với không gian mở rộng, các phong cách tản văn và
các trường phái tản văn khác nhau cũng xuất hiện. Có thể khái quát thành một số
loại như sau:
- Tản văn lớn
(Tản văn hành động ). Giả Bình Ao khi sáng lập tạp chí « Mĩ văn » đã
dương cao ngọn cờ « Đại tản văn », khiến người viết và cả không viết tản
văn quan tâm. Sau đó, ông lại đề xướng Tản văn hành động, cho rằng tản văn hành
động là sự sâu sắc thêm một bước khái niệm “Đại tản văn”. Ông kêu gọi các nhà
văn ra khỏi thư phòng, tiến vào đời sống hiện thực, đặc biệt là cuộc sống bình
dân, quan tâm đến hiện thực, đến những con người khốn khổ, tìm hiểu chân lí,
thu gom những kiến thức chân thực. Như vậy, Giả Bình Ao đã đề xướng một loại tản
văn với phong cách tự nhiên mới mẻ, đi sát hiện thực cuộc sống.
- Tản văn học giả :
Đây là loại tản văn ưu tú do những nhà văn kiểu học giả sáng tác. Nhà văn Đài
loan Dư Quang Trung trong bài Hãy cắt đứt
đuôi sam của tản văn đã phân tích bốn loại hình lớn của tản văn hiện
đại Trung Quốc, trong đó có Tản văn học giả. Đặc điểm của loại tản văn này
là tác giả của nó học rộng hiểu nhiều, kiến thức sâu rộng, có sự kết hợp hoàn
mĩ giữa kiến thức và văn tài, giữa cảm tính và lí tính, có giá trị thẩm mĩ và
phẩm vị văn hóa cao. Nó đề cao cá tính, nhưng không giới hạn ở bi hoan li hợp,
nó theo đuổi sự trau chuốt ngôn từ nhưng không cố ý phô trương, có lúc cũng viết
những chuyện vụn vặt xung quanh nhưng không hoàn toàn bằng lòng với cái tầm thường,
phong cách trang nhã, ngôn ngữ sắc nhọn, bay bổng. Đặc điểm nổi bật nhất của nó
là mang hoài bão lớn lao đối với văn hóa lịch sử trung quốc, quan tâm, phản tư
về văn minh vật chất và tinh thần, tương lai xã hội loài người. Đương thời, Dư
Thu Vũ, Lí Nguyên Lạc, Lâm Phi, Trương Trung Hành và học giả Đài Loan Dư Quang
Trung, học giả Hong Kong Hoàng Duy Lương đều là những nhà văn đại diện cho tản
văn học giả.
- Tản văn nữ thành
thị. Loại tản văn này xuất hiện ở Thượng Hải, và cũng lưu hành ở Thượng Hải.
Người viết phần lớn là những nhà văn nữ trẻ, như Tố Tố, Nam Ni ở Thượng Hải, Thạch
Oa, Hoàng Ái Đông Tây, Trương Mai ở Quảng Châu… Đầu năm 1996, Nxb Nhân dân Thượng
Hải giới thiệu cuốn Tùy bút nữ
thành thị , trong đó có Tiêu
dao giang hồ của Hoàng Ái Đông Tây, Tỏ tình thời thượng của Thạch Oa, Tình này khó giải của Trương Mai, Tùy
duyên không thay lòng của Nam Ni…Đặc điểm chủ yếu của tản văn nữ
thành thị là viết về những chuyện vụn vặt xung quanh, có tính đương đại, thành
thị, giải trí, giống như nói chuyện phiếm, không văn vẻ, thẳng thắn nhưng mẫn cảm.
Trong cuộc sống thành thị gấp gáp xô bồ, những bài văn ngắn thủ thỉ tâm tình giống
như một ly cafe khi nghỉ ngơi, vì thế mọi người cũng gọi nó là « văn
chương cafe ». Nó giúp người đọc giải khát, trao nhau một chút thân thuộc,
gần gũi trong sự xa lạ, lạnh lùng, mang đến một chút ấm áp để tiếp tục lên đường.
Nó thể hiện cái đẹp phiêu diêu vụn vặt, không theo đuổi tận cùng, đến bất chợt
nhưng lại vô cùng chân thực.
Ngoài ra, còn có những cách khái quát khác về tản văn thập
niên 90 như : tản văn hương thổ, tản văn mới, tản văn văn hóa, tản văn nhà
văn…. Điều này cho thấy từ sau giải phóng, đặc biệt là từ khi bước vào thập
niên 90, tản văn Trung Quốc tiến từ truyền thống đến hiện đại. Nếu như nói thập
niên 20, 30 của thế kỉ 20, tản văn Trung Quốc hoàn thành sự thay đổi mang tính
lịch sử từ tản văn văn ngôn sang tản văn bạch thoại, thì kết thúc thập niên 90,
về cơ bản lại thực hiện được sự chuyển biến từ « tản văn truyền thống »
sang « tản văn hiện đại ».
Nội dung của
tản văn thập niên 90 gần gũi hơn với cuộc sống, quan tâm nhiều hơn đến đời sống
và chú trọng thể hiện ý thức chủ thể. Về phương diện nội dung, điểm nổi bật của tản
văn thập niên 90 là quan tâm mật thiết đến đời sống xã hội đương thời, suy ngẫm,
quan sát sự thay đổi lớn của kinh tế xã hội, sự thăng trầm của nhân tình thế
thái, sự phức tạp của đời sống thường nhật và những khó khăn mà nó mang đến… Có
thể nói, tất cả những vấn đề xã hội mà người đọc quan tâm đều được đề cập đến
trong tản văn. Đồng thời, người viết tản văn trong khi phản ánh sự biến đổi xã
hội và trạng thái nhân sinh đã mang nhiều hơn cảm giác sứ mệnh lịch sử, trách
nhiệm xã hội, nhấn mạnh hơn ý thức chủ thể, bộc lộ thế giới nội tâm, nhiệt tình
hô hào « tản văn nghệ thuật », « tản văn tinh thần hóa »…Vì
thế, tản văn thập niên 90 thể hiện một xu thế phát triển vừa ổn định vừa đa
nguyên. Trước hết, có một bộ phận tương đối lớn tiến hành quan sát phân tích
văn hóa lịch sử, hiện thực xã hội, quan tâm đến vận mệnh của nhân loại. Loại tản
văn này có cái nhìn rộng mở, trong quá trình miêu tả và chiêm nghiệm sự kiện
văn hóa lịch sử đã thể hiện hoài bão lớn lao, thể nghiệm thẩm mĩ và tinh thần
nhân văn sâu sắc của chủ thể. Ví dụ như Lục
phong thổ, Tinh thần thanh khiết
của Trương Thừa Chí…đã vẽ lên cuộc sống bi tráng, thê lương nơi ông sống, thể
hiện ý thức chống lại sự dung tục, kêu gọi tinh thần cao quý tôn nghiêm. Tiếp nữa
là loại tản văn nhấn mạnh nhân tính, nhân cách, thể hiện tình cảm chân thực. Như
Ở quê hương tìm quê hương của
Giả Ngọc Tuyền thể hiện nỗi nhiềm nhớ quê hương, nhớ người thân. Biệt li của Lâm Phi viết về cảm nhận khi
nhà văn cùng vợ đến sân bay đưa con đi Mĩ du học, thể hiện tình cảm ruột thịt
sâu sắc nồng nàn. Ngoài ra còn có loại tản văn chú trọng phá vỡ sự gò bó của quan niệm
văn hóa cũ, mở rộng tầm nhìn văn hóa, mang đến những gợi mở về tư tưởng cho độc
giả. Dư Thu Vũ có nhiều tản văn được viết dựa trên các cuộc « du lịch »
nhưng lại không giới hạn ở du kí, cũng không bó hẹp trong bộc bạch tình cảm cá
nhân, mà là dùng góc nhìn của nhân loại văn hóa học để lí giải phân tích sự biến
đổi của tự nhiên, xã hội , lịch sử, theo đuổi và tái hiện cái Chân của tự
nhiên, Thiện của tinh thần và Mĩ của nghệ thuật. Trong Tháp đạo sĩ , Mạc cao
quật ông đã dũng cảm phơi bày vết thương rớm máu của dân tộc, cho thấy
văn minh bị chà đạp, những linh hồn oan khuất chết dưới bia trinh tiết, lột tấm
khăn thần bí của vũ trụ để mọi người nhìn thấy trong đó sự tranh chấp đau khổ.
Tản văn kiểu này có thể tìm thấy trong sáng tác của những nhà văn nổi tiếng như
Lâm Phi, Lí Nguyên Lạc… Họ dựa vào tu dưỡng văn hóa và năng lực cảm thụ nghệ
thuật, lương tri của mình cũng như ý thức và sự mẫn cảm của con người hiện đại
để cảm nhận chiều sâu văn hóa trong sự vật của thế giới bên ngoài, từ đó không
chỉ có thể nhìn thấy vẻ đẹp cũng như mặt trái của văn hóa truyền thống, mà còn
nhìn thấy sự phong phú mới mẻ của văn hóa hiện đại.
Thập niên 90,
nghiên cứu, tranh luận về lí luận tản văn cũng rất sôi nổi, ví dụ như năm 1999 trên Báo văn học, Tạp chí tuyển chọn tản văn, Tản văn,
Mĩ Văn, Đông phương cuối tuần, Báo Văn luận, Văn học đặc khu… tiến hành nghiên
cứu thảo luận sôi nổi về « triển vọng tản văn thế kỉ mới », « khái
niệm đại tản văn », « ý thức hiện đại của tản văn », « hiện
tượng nóng lên của tản văn », « suy nghĩ về tản văn hành động »,
« tản văn có thể hư cấu hay không »…
Đối với sự phong phú phức tạp của tản văn thập niên 90,
giới lí luận tản văn có rất nhiều quan điểm.
Chẳng hạn Lí Vận Chuyên cho rằng đặc điểm của « tản văn văn
hóa » nằm ở tính văn hóa của việc chọn đề tài, có sức xuyên thấu trong giải
phẫu văn hóa, hành văn mang đậm ý vị văn hóa, có ý thức văn hóa mãnh liệt.
Nhưng Hà Mãn Tử lại đưa ra cách hiểu khác về « tản văn văn hóa », cho
rằng sẽ làm cho độc giả nảy sinh cảm nhận sai lầm, cảm thấy tản văn trước đó hoặc
những tản văn « không phải tản văn văn hóa » là « không có văn
hóa ». Đồng thời, giới lí luận cũng có một cuộc tranh luận về vấn đề chân
thực và hư cấu của tản văn, phần lớn cho rằng sức sống của tản văn là ở chỗ
chân thực, không cho phép bất kì một hư cấu nào, nhưng Lôi Đạt lại cho rằng,
không nên hiểu một cách chật hẹp về vấn đề chân thực, đặc biệt là không nên hiểu
chân thực là sao chép máy móc hiện thực, đối với tản văn, quan trọng là nắm được
linh hồn chân thực của tình cảm. Tản văn chú ý hơn đến cá nhân hóa, tâm linh
hóa, ý tượng hóa, nó không tuyệt đối phản đối bất kì hư cấu nào, nhưng cũng nên
phản đối những câu chuyện được biên tạo từ không thành có. Về thể loại, thời kì
này các nhà nghiên cứu chú trọng sự pha tạp giữa các thể loại, không có loại tản
văn thuần nhất.
Mặc dù gặt hái được những thành công không thể phủ nhận,
nhưng tản văn Trung Quốc thập niên 90 vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. “Điểm
nóng tiêu thụ tản văn” đã thu hút truyền thông đại chúng tích cực thâm nhập. Sự
thâm nhập này đã mở ra không gian phát triển mới cho tản văn, nhưng mặt trái của
nó là xuất hiện hiện tượng số lượng nhiều nhưng chất lượng kém. Có nhiều nhà
văn vì muốn duy trì tốc độ mỗi ngày 2000 chữ, để tên tuổi mình xuất hiện đều đặn
nên đã không ngừng lặp lại. Cũng có nhà văn cho rằng tản văn là loại dễ sáng
tác, nên đã viết một cách cẩu thả. Tản văn thời kì này còn có hiện tượng thiếu
sức mạnh tinh thần, thiếu sự tác động mạnh mẽ đến tâm hồn tình cảm của độc giả.
Nghiên cứu lí luận tản văn còn non yếu. Sau khi tiến vào thập niên 90, trong giới
bình luận tản văn tồn tại rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Sự bình luận thiếu
chân thực nơi đâu cũng có. Vì một quan hệ nào đó mà sẵn sàng quảng bá một cuốn
sách không hay trên tạp chí, điều này thực chất cũng là một hành vi tạo hàng giả.
Dẫn đến hiện tượng này có nhiều nguyên nhân, trước hết là quan hệ tình cảm
trong giới nghiên cứu và sáng tác. Tiếp nữa là do người nghiên cứu bình luận
không đứng ở một góc độ cao hơn và nắm bắt tình hình sáng tác trên tầm vĩ mô,
mà lại đứng ở dưới tác phẩm, ra sức ngẩng đầu lên. Ngoài ra còn do lí luận tản
văn có xu hướng hướng chuyển sang lĩnh vực văn hóa. Trong khung văn hóa lớn, bình
luận văn chương thường thiếu những giải phẫu, đọc hiểu tác phẩm tản văn cụ thể
mà chủ yếu hướng tới không gian văn hóa, thậm chí quan tâm đến những tiềm ý thức
văn hóa vốn không liên quan đến tản văn. Ttrong giới nghiên cứu lí luận tản văn
còn xuất hiện hiện tượng dùng ngôn ngữ có tính khuynh hướng mạnh để cật lực phê
phán tác phẩm, nhà văn, thập chí trực tiếp lăng mạ, ví dụ một số bài viết phê
phán tác phẩm “Văn hóa khổ lữ”, “Sơn cư bút kí” của nhà văn nổi tiếng Dư Thu Vũ. Kiểu phê bình lăng mạ này từng bị Lỗ Tấn cực
lực phản đối.
2. Nguyên nhân dẫn đễn hiện tượng nóng lên của tản
văn Trung Quốc thập niên 90.
Nguyên nhân bên ngoài: Sự bùng nổ của báo chí, đặc biệt là các số cuối tuần. Những số cuối tuần
và phụ san cần một lượng lớn tùy bút tản văn, cần một loạt các chuyên mục sáng
tác tản văn, cùng với những tạp chí thuần tản văn như: “Mĩ văn”, “tản văn Trung
Hoa”, “Thiên địa tản văn”, “Tản văn đương đại”…Các nhà xuất bản cũng cho ra đời
một loạt tủ sách, tuyển tập, tuyển chọn, tổng tập, bộ sách, thưởng thức, các tạp
chí văn học cũng xuất hiện các chuyên mục tản văn, rồi các cuộc thi tản văn. Những
thứ này tạo nên thanh thế và trận địa rộng lớn cho tản văn và tạo điều kiện cho
nó được sản xuất với số lượng lớn. Sự tham gia của tiểu thuyết gia, nhà thơ thậm
chí cả những nhà bình luận cũng làm cho tản văn phát triển. Những năm 80, tiểu
thuyết gia, thi nhân, bình luận gia thường đến với tản văn chỉ là điểm xuyết,
ngẫu nhiên, nhưng đến những năm 90, họ tập trung hơn vào việc viết tản văn. Một
thời kì dài Trung Quốc nằm trong không khí cuộc sống chính trị hóa cao độ, thập
niên 90 lại chịu sự xung kích mãnh liệt của kinh tế hàng hóa, nhịp độ cuộc sống
tăng lên, vấn đề sinh tồn trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Trước hiện tượng
đó, con người cảm thấy hưng phấn, hứng thú, nhưng mặt khác lại cảm thấy căng thẳng
mệt mỏi. Họ cần được yên tĩnh, cần tiêu khiển, cần học làm sang, cho nên muốn
trong thời gian ngắn nhất có thể nắm được tri thức liên quan đến văn hóa, triết
học, nhân sinh, xã hội, thậm chí muốn thông qua tản văn để có được sự hưởng thụ
thẩm mĩ ở tầm cao.
Nguyên nhân bên trong :Từ góc độ quy luật phát triển tự thân của văn học, sự phồn vinh của tản
văn thập niên 90 cũng có lí do. Vì bất kì thể loại nào đều có lúc thịnh lúc
suy. Thời kì Ngũ tứ tản văn có một thời kì nhiệt náo, nhưng lúc đó tản văn chưa
hoàn toàn thoát khỏi sự gò bó của quan niệm cũ, mặt khác còn chưa có được ý thức
thể loại một cách tự giác, cho nên rất nhanh bị tiểu thuyết, thơ ca, phóng sự
và điện ảnh thay thế. Thập niên 80 tiểu thuyết, thơ ca, phóng sự và điện ảnh đều
có những ồn ã khác nhau, riêng tản văn thì vẫn lạnh lẽo. Nhưng đến thập niên
90, các thể loại khác đã luân phiên nóng lên, do đó độc giả ít nhiều thất vọng
đối về những dạng thức văn học đó. Vì thế, tản văn với lợi thế là mở ra một
quan niệm mới, một góc nhìn khác, tự do tự tại, kết hợp hài hòa lí trí tình cảm…
tự nhiên trở thành nhân vật chính của văn đàn, được độc giả đón nhận rộng rãi.
Đỗ Văn Hiểu
Hà Đông, 5-11-2013
Tổng hợp từ tài liệu tiếng Trung
1.
Trần Tuệ, Bàn
về một số loại hình tản văn thập niên 90, Văn đàn đương đại, số 6 năm 2001
2.
Hàn Tiểu Huệ, Tám vấn đề của tản văn thập niên 90, Bàn luận tự do về văn học, số
1 năm 2000
3.
Tôn Cảnh Dương, Bàn về tản văn thập niên 90 thế kỉ 20 và xu thế phát triển của nó,
Tạp chí khoa học Học viện giáo dục Giang tô, số 3 năm 2001
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét