Tầng hình tượng của tác phẩm trữ tình là
người, sự việc, cảnh, vật có khả năng cảm nhận cụ thể. Đặc trưng thẩm mĩ căn bản
nhất của văn bản trữ tình là ở Trữ tình, mà tình cảm lại không có hình thể cụ
thể. Như vậy, làm sao có thể truyền đạt tình cảm vô hình đó, làm thế nào để độc
giả có thể cảm nhận được tình cảm đó trong quá trình tiếp nhận? Điều đó buộc
tác giả phải đem những tình cảm ấy hoá thành hình trạng cảm tính hoặc lấy cảnh
nói tình, kí thác tình cảm vào trong sự vật; hoặc là “nhân tình sinh cảnh”,
“duyên tình thủ tượng”, hoặc như trường
phái ý tượng phương Tây lấy ý tượng cảm tính tổ chức thành dạng phương trình của
tinh thần nhân loại, hoặc như trường phái Tượng trưng phương Tây tìm một “vật đối
ứng khách quan”, lấy vật tượng có thanh có sắc để ám chỉ thế giới vi diệu bên
trong, đem tâm tình của mình in dấu trên những bức tranh phong cảnh. Như vậy, cụ
thể hóa, hình tượng hoá người, sự, cảnh, vật trở thành phương tiện quan trọng để
văn bản trữ tình truyền đạt tình cảm. Ví như trong câu thơ “
Kịp đi khâu nhặt mũi /Sợ về còn chậm chân/ Ai
bảo lòng tấc cỏ /Báo được ánh ba xuân”(Khương Hữu Dụng dịch) chúng ta cảm
nhận được tình mẹ thân thiết nồng nàn. Dưới ngòi bút của Chu Tự Thanh, từ cảnh
tập tễnh trèo lên nguyệt đài chúng ta cảm nhận được tình cha sâu nặng. Trong
Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng của Lí Bạch, tình bạn khó
chia lìa đã hoá thành hình ảnh dòng Tràng Giang chảy bất tận (
Cánh buồn đã khuất bầu không/ Trông xa chỉ
thấy dòng sông trên trời). Nhà thơ Đài Loan Dư Quang Trung đã mượn “một con
tem nho nhỏ”, “Một tấm vé tầu mỏng mảnh”, “Một nấm mồ thấp lè tè”, “Một eo biển
nông cạn” để truyền đạt nỗi nhớ quê vượt
lên trên tình mẫu tử, tình vợ chồng, sự sinh tử.
Marine:
của Elliott đã mượn tình cảm vui mừng khôn xiết của cha mẹ trong kịch của Shakespeare khi tìm lại được con gái để bộc lộ
tình cảm phấn khích khi tự mình tìm được tín ngưỡng tôn giáo. Nhà thơ đương đại
Trung Quốc Thư Đình đã lấy bốn cái nhìn giống như ý tượng không chút liên quan:
“một bức tranh sắc màu sặc sỡ nhưng thiếu chỗ treo”, “Một bài đại số đơn thuần về
đầu đề mà không có cách giải”, “một sợi dây đàn, thôi thúc tiếng lần tràng hạt
dưới hiên mưa”, “Một mái chèo không thể khua đôi bờ” để ám thị tình cảm riêng
tư vô cùng phức tạp, tinh tế.
Văn bản trữ tình chủ yếu dựa vào “tình”
mà thành “thể”, vì thế hình trạng biểu hiện của tầng hình tượng thường không bó
buộc trong một hình thức nào, hoặc trình hiện ra một trạng thái vô cùng gần gũi
với hiện thực như sáng tác của Đỗ Phủ “Cửa
son rượu thịt để ôi, người chết đói xương phơi đầy đường”, “Cảm thời, hoa để lệ rơi, Biệt li hoa cũng vì
người xót xa”(Khương Hữu Dụng dịch). Hoặc dùng thủ pháp khoa trương cực độ,
biến hình đạt ý như Lí Bạch “Lòng tôi như
gió bão, Hàm Dương cây phủ che”; “tóc trắng dài ba ngàn trượng, Sầu
ta cũng dài lê thê”, “Núi Yên Chi tuyết
rơi như bão”; “Ối! Chà! Gớm! Hiểm
mà cao thay, Ðuờng Thục
đi khó, khó hơn đường lên trời!”(Ngô Tất Tố dịch). Hoặc biến “tình”
thành “thể”, tạo nên những hình tượng ảo hoá vượt lên trên hiện thực như cảnh
thần tiên trong thơ Lí Bạch “Mơ đi chơi núi Thiên Mụ”; Dưới
ngòi bút của Quách Mạc Nhược, tập hương mộc tự thiêu, phượng hoàng tái sinh
trong lửa cháy rừng rực; trong thơ từ của Mao Trạch Đông linh hồn trung thành của
liệt sĩ bay về trời, Ngô Cương bưng rượu, Hằng Nga nhảy múa, Lệ Phi Đốn làm
nghiêng bồn mưa. Ngoài ra, tìm về đẹp ý cảnh trong thơ cổ Trung Quốc ta thấy tầng
hiện tượng của văn bản trữ tình có thể không nhất thiết thấy ở “tượng ngoại chi
tượng, cảnh ngoại chi cảnh” (hình tượng ở ngoài hình tượng, cảnh ở ngoài cảnh)của
câu chữ, ví dụ như câu thơ nổi tiếng của Tống Kì “Đầu cành hồng hạnh ý xuân reo”, làm thế nào để chỉ cần một chữ
“náo” mà làm cho toàn bộ cảnh xuất hiện? Chính là vì nó đã có sức thức dậy tưởng
tượng của độc giả, khiến cho đầu cành hồng hạnh có thể biểu hiện một cảnh tượng
tràn ngập ý xuân: đoá hoa, bồn hoa tranh nhau khoe sắc, ong bay bướm lượn đung
đưa trong gió… Đây là loại lấy thực để nói hư, cảnh tượng thực hư tương sinh
cũng có thể nói là một nét đặc sắc lớn của tầng hình tượng của văn bản trữ
tình.
Hình thái biểu hiện của văn bản trữ tình
còn có tính phiến đoạn, tức là bộ phận của hình tượng nổi bật mà không cầu
toàn. Tác giả thường dựa vào nhu cầu truyền đạt tình cảm, bám vào một số người,
việc, cảnh, vật có khả năng biểu hiện tình cảm nồng nàn nhất để tạo thành cảnh
tượng cuộc sống hoặc bức tranh mang tính chất phiến đoạn và thể hiện nó một
cách nổi bật. Ở đây, con người và sự việc, cảnh và vật đều là dựa vào tình mà
sinh ra, vì tình mà tồn tại, vì thế không nhất thiết phải cầu toàn. Hình tượng
nghệ thuật mang tính phiến đoạn lại có thể có ý nghĩa điển hình từ việc lấy nhỏ
mà nói lớn. Ví dụ như tác phẩm Ngõ Ô Y của Lưu Vũ Tích: “Bên cầu Chu Tước cỏ hoa, Ô Y đầu ngõ, bóng tà tịch dương. Én xưa nhà Tạ, nhà Vương, Lạc loài đến
chốn tầm thường dân gia”. Bài thơ này đi từ đông
sang xuân, trong cảnh vật bình thường có thể thấy được triết lí sâu sắc ẩn
tàng, ý thức được sự đối lập mâu thuẫn
giữa danh gia vọng tộc với nhân dân bình thường, danh gia vọng tộc chỉ là nhất
thời, chỉ có nhân dân bình thường mới là vĩnh cửu.
Trên phương diện cấu thành hình tượng
nghệ thuật, tầng hiện tượng của văn bản trữ tình thường lấy phương thức dựng cảnh,
lấy những chi tiết được chọn lọc một cách kĩ lưỡng hoặc phiến đoạn hình tượng tổ
hợp lại, tận dụng sự đối lập giữa chi tiết và chi tiết, phiến đoạn và phiến đoạn
để tạo ra ý vị trữ tình nồng nàn. Dựng cảnh chính là phương thức cơ bản cấu
thành văn bản nghệ thuật mang tính điện ảnh và chỉnh thể hình tượng, điểm hạt
nhân của nó nằm ở sự phân chia và tổ hợp của ống kính, đặc biệt là nguyên tắc dựng
cảnh đã được Sergei Eisenstein xác lập, nhấn mạnh sự đối lập thông qua tấm kính mà tạo ra hiệu quả biểu hiện “ không phải là
tổng của hai số mà là tích của hai số”, điều đó trên thực tế là có sự tương
thông văn bản trữ tình.Vì thế mà trên nghĩa rộng và nghĩa hẹp, dựng cảnh là
phương thức tư duy và thủ pháp kết cấu giữa phân chia và so sánh, lựa chọn và tổ
hợp nghệ thuật, thực tế là hiện tượng vượt lên trên phạm vi điện ảnh. Ví dụ như
Thiên tĩnh sa. Thu tứ của Mã Trí Viễn,
năm câu thơ có thể thấy năm ống kính: hai câu mở đầu : “Cây khô, cành cỗi, quạ chiều, Chiếc cầu nho nhỏ, nước reo bên nhà”
thì rõ ràng là hai ống kính lay động; tiếp đó là ống kính chậm rãi hướng ra xa
để thu về cảnh “Gió tây đường cũ ngựa già;
“Chiều buông” lại là một cái nhìn
không gian rất đẹp, sau đó đặc tả sự xuất hiện “Ruột đứt, người xa góc trời”. Sự miêu tả cảnh vật trong câu thứ
1,2,3 và người lữ khách lắc lư trên con ngựa gầy cấu thành một so sánh, khiến
người ta rất tự nhiên nghĩ đến: con chim có cây cổ thụ để trú ẩn, nhưng người lữ
khách xa nhà thi hình đơn bóng chiếc, người ngựa đều gặp khó khăn, mệt mỏi, hốc
hác tiều tuỵ, muốn gặp người thân mà không được, cảnh ấy, tình ấy, làm sao
không khiến con người cảm thấy đoạn trường tang thương! Nhà thơ tức cảnh sinh
tình, cảnh, tình nhất thể, tình thơ ý hoạ do đó mà sinh ra, ý nghĩa tình cảm ở
đây được sinh ra từ toàn bộ bài thơ, không chỉ ở từng câu thơ riêng lẻ, chủ yếu
hơn là ở sự kết hợp giữa câu và câu, (cũng là sự kết hợp liên tiếp giữa ống
kính với ống kính). Do đó có thể thấy được đặc điểm của tầng hiện tượng của văn
bản trữ tình trên phương diện cấu thành hình tượng.
3.4 Tầng ẩn ý
Tầng hiện tượng của văn bản văn học nằm trong tầng ngôn ngữ của văn
bản văn học, mà tầng ẩn ý lại nằm trong tầng hiện tượng của văn bản văn học. Vì
vậy, nói một cách tương đối từ tầng ngôn ngữ và tầng hiện tượng của văn bản văn
học, tầng hàm ý mới là nội dung, thực chất, hạt nhân, linh hồn của văn bản văn
học. Tầng hàm ý là ý thức thẩm mĩ ẩn tàng trong hệ thống hình tượng của tầng hiện
tượng.
3.4.1
Hàm ý và tầng thứ của nó
Trong tiếng Đức, ẩn ý là das
Baudeutende, “ý” là những thứ “được chỉ ra” hoặc là “ý muốn nói đến”, gần với
“vật” trong “ngôn chi hữu vật”(vật ở trong lời) trong Hán ngữ. Hegel trong Mĩ học thường gọi nó là nội dung (gehalt),
và vận dụng thuyết “đặc tính” của Hirt
và thuyết “ẩn ý” của Goethe để chứng
minh thuyết “cái đẹp là sự hiển hiện cảm tính của ý niệm tuyệt đối”, cho rằng, ẩn
ý là do một loại sinh khí, tình cảm, linh hồn, phong cách và tinh thần bên
trong được hiển hiện ra ở “trạng thái bên ngoài” của tác phẩm nghệ thuật, có
hai yếu tố của cái đẹp vừa vặn đối ứng với nhau: “một thứ là những cái bên
trong, tức là nội dung, một thứ là những cái mà nội dung mượn để làm xuất hiện ẩn
ý và đặc tính”(Hegel: Mĩ học, quyển
1, Thương vụ ấn thư quán xuất bản năm 1979, tr24- 25). Hiển nhiên ẩn ý của tác
phẩm nghệ thuật lấy cái đẹp làm nội dung hạt nhân, cũng là ý thức thẩm mĩ, có
được sự hiện hữu tự thân nhờ “rót sinh khí vào hình trạng bên ngoài”. Vì thế
chúng tôi cho rằng, tầng hàm ý của văn bản văn học là một loại nội dung thẩm
mĩ, tất nhiên nó không thể tách rời hệ thống hình tượng, có thể nói nó chính là
ý tình thẩm mĩ xuyên thấm trong hình tượng nghệ thuật.
Hàm ý của văn bản có thể phân ra các tầng
thứ khác nhau, từ thấp đến cao, gồm: tầng vi mô và tầng vĩ mô. Tầng vi mô là những
tình cảm, quan niệm cụ thể tương đối minh xác được truyền đạt thông qua nội
dung xã hội lịch sử nhất định của tầng hiện tượng. Tầng vĩ mô là những suy tư
triết học và thể nghiệm tinh thần vượt lên trên nội dung lịch sử xã hội nhất định,
mang tính toàn nhân loại, phổ biến và vĩnh cửu, là những tìm tòi truy vấn ý
nghĩa lớn lao về cuộc đời. Vì vậy tầng vĩ mô tương đối trừu tượng, mang đậm sắc
thái tư biện, nhưng nó không biểu hiện ra tư tưởng tĩnh tại, mà là sự dung hoà
cao độ giữa tình cảm mãnh liệt và triết lí sâu sắc. Ví dụ ẩn ý trong Hồng lâu mộng, từ góc độ tầng vĩ mô ta
thấy ẩn ý của nó là những cảm nhận bi kịch có được do bốn đại gia tộc trong sự
thịnh suy của xã hội hội phong kiến mạt kì và sự thể hiện của vận mệnh nhân vật
trong tác phẩm; thông qua bi kịch gia tộc, tác phẩm đã chỉ ra một xu hướng lịch
sử là xã hội phong kiến tất yếu đi đến diệt vong, cũng thể hiện ra tâm sự tiếc
hận của tác giả muốn “giúp trời” mà không thể về trời; thông qua bi kịch tình
yêu của nhân vật, “thiên hạ hữu tình” tác giả muốn khẳng định giá trị của chữ
Tình, theo đuổi lí tưởng thẩm mĩ giải phóng chữ Tình và sự thương tiếc hoài niệm
“mối hận này mãi mãi không thôi”. Tại ý nghĩa vi mô, bi kịch gia tộc và bi kịch
ái tình của nhân vật đều nằm trong giai đoạn lịch sử nhất định, bi kịch thời đại,
bi kịch xã hội nằm ở sự xung đột giữa nhu cầu tất yếu của lịch sử và cơ sở hiện
thực không cho phép thực hiện nhu cầu đó, vì vậy chúng ta có thể xem Hồng lâu mộng là hình ảnh thu nhỏ của xã
hội phong kiến. Trên tầng vĩ mô, tầng hàm nghĩa của tác phẩm có thể nói là đã
thẩm thấu trong bi kịch gia tộc và bi kịch tình yêu đã nói ở trên, nhưng lại vượt
lên trên bi kịch xã hội và thời đại, là một loại cảm nhận và cảm thán đối với
toàn bộ cuộc đời. Như tiếng nức nở “Táng hoa từ” của Đại Ngọc: “vẻ tươi thắm
lung linh chỉ có thời, nó sẽ trôi dạt khó mà tìm kiếm được”. “Trời ơi!Đâu là
nơi có gò thơm?”, “Ngày hôm nay thấy ta chôn hoa có kẻ cười ta ngu ngốc, Nhưng
năm khác cũng chôn như vậy biết là ai”, “một lần xuân đi qua làm vơi đi thời
thiếu nữ, Hoa rụng, người chết, cả hai đều không biết”. Những sự cảm thán và
truy vấn này đều vượt lên trên sinh mệnh hữu hạn của cá thể, vượt lên không
gian cụ thể, là những cảm thán và thể ngộ đối với vận mệnh con người, là sự
truy vấn ý nghĩa cuối cùng của cuộc đời con người, thể nghiệm cảm hoài mang
tính nhân loại “Ngẫm trời đất vô cùng, Một mình tuôn dòng lệ”, trong đó, cảm thức
về vận mệnh và tính bi kịch của tầng hàm nghĩa mang ý vị siêu hình.
Tầng vĩ mô có thể nói là một thứ suy tư
triết học mang tình cảm, được hình tượng hoá, là một loại cảnh giới thẩm mĩ rất
cao, không phải tất cả các tác phẩm đều có khả năng đạt được. Có tác phẩm chỉ dừng
lại ở tầng vi mô mà không thể thăng hoa thành tầng vĩ mô. Còn có tác phẩm hoàn
toàn phá vỡ diện mạo bên ngoài của cuộc sống, vượt qua logic cuộc sống khách
quan, tạo ra hình tượng huyền ảo phi lí, vượt lên trên tầng vi mô, trực tiếp biểu
hiện quan niệm thẩm mĩ siêu hình, có thể bao hàm vạn vật, có tính vĩnh cửu, phổ
biến ẩn nấp đằng sau thế giới hiện tượng, ví dụ như tác phẩm của chủ nghĩa biểu
hiện, chủ nghĩa hiện sinh, trào lưu phi lí. Trong Bảo thành
F.Kafka
nhân vật K lai lịch không rõ ràng bỗng xuất hiện trong
thôn của bảo thành, đã tốn rất nhiều tâm sức để muốn vào Bảo Thành, nhưng thông
báo anh ta nhận được trước khi chết là chỉ cho phép anh ta sống ở trong thôn
xóm, Bảo Thành lại nằm trên một quả núi bên ngoài thôn, hình dáng của nó hiện
lên rất rõ ràng, K cứ đi thẳng về phía nó đến tận đêm, nhưng mãi không thể nào
tiếp cận nó được. Bảo Thành có thể hi vọng nhưng không thể đến hiển nhiên là một
tượng trưng về nền chính trị quan liêu. Đối diện với hoàn cảnh như vậy, toàn bộ
sức lực và hi vọng của K tất nhiên đều hoá thành ảo ảnh. Tác giả thông qua cách
miêu tả phi lí chưa từng có này làm hiện lên những thể nghiệm tinh thần vô cùng
sâu sắc, đó là những cảm nhận về sự bất lực, những cảm giác hư vô về cuộc sống,
về sự phi lí của thế giới. Trong Kịch câm
của Samuel Beckett, dưới tia mắt quái đản, nhân vật cô đơn đứng giữa sa mạc, âm thanh quái đản xung quanh khiến anh
ta ta vô cùng hoảng sợ; anh ta muốn đội nhiều thứ lên đỉnh đầu nhưng không được,
anh ta muốn rời xa nhưng lại bị một lực lượng thần bí kéo lại. Cả vở kịch không
có một câu nói, nhưng lại biểu hiện ra những thể nghiệm thống khổ trong hoàn cảnh
tồn tại phi lí của bản thân. Tác phẩm Đợi
Godot của Samuel Beckett cũng lấy hình tượng phi lí để biểu hiện tinh thần rất
điển hình: sự chờ đợi vĩnh cửu đồng thời cũng là sự thất vọng vĩnh cửu, trong nỗi
tuyệt vọng lại bao hàm một tia hi vọng. Mặc dù tác giả đã đem quan niệm tinh thần
và cách viết phổ biến hoá tinh thần làm mất đi sự phiến diện, vượt qua sự tuyệt
đối, nhưng từ bối cảnh hiện thực có liên quan đến tác phẩm có thể thấy được ý
nghĩa vô cùng sâu sắc. Có thể nói, loại tác phẩm này đã lấy cái siêu hình để thấu
thị hiện thực nhân sinh trong hình tượng.
Thay đổi góc độ có thể phát hiện, trong tầng
vĩ mô và tầng vi mô đều có ẩn ý hạt nhân quy tụ nhiều ẩn ý khác, ẩn ý hạt nhân
này chính là chủ đề của văn bản. Lại lấy Hồng
lâu mộng làm ví dụ, xem xét từ tầng vi mô, ý vị nhân sinh được được lộ ra từ
nhân tình thế thái được miêu tả trong tác phẩm chính là thứ nhiều phương diện,
hạt nhân của nó lại là cảm nhận bi kịch “làm thế nào để hoa không thể rơi?”, tiến
thêm một bước, trên bề mặt tầng vĩ mô, cảm nhận bi kịch này lại là thể nghiệm
và cảm nhận về kết cục của sinh mệnh tràn ngập đau thương của toàn nhân loại,
thăng hoa vượt lên trên cá thể, xã hội và thời đại. Ở đây, tầng diện ẩn ý khác
nhau, hạt nhân của nó tất nhiên là do đối diện với vận mệnh không thể kháng cự
mà sản sinh ra những cảm xúc bi kịch. Phải thăng hoa đến ẩn ý hạt nhân của tầng
vĩ mô, tác phẩm mới có ma lực vô tận cuốn hút người đọc.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét