Những tiến sĩ “bán cháo phổi”
“Tôi dạy liên miên, sáng chiều tối, dạy cả thứ bảy. Dạy ở trường mình xong thì dạy cho trường bạn. Dạy thêm một trường không đủ sống thì dạy hai, ba trường” - anh mệt mỏi nói.
Tốt nghiệp khoa toán Trường ĐH Sư phạm Hà Nội loại giỏi năm 2001, Long được đơn vị anh đang công tác nhận vào làm giảng viên. Năm 2006, anh sang Đức làm nghiên cứu sinh bằng học bổng của chương trình 322. Long cho biết anh ra nước ngoài học tập với bao hăm hở, hồi mới sang cảm thấy sốc nhẹ vì môi trường sống lạ lẫm nhưng chỉ vài tháng là bắt nhịp được. Nhưng ba năm sau, khi trở về Việt Nam lại sốc nặng mà “mãi chẳng thấy quen”.
Phần lớn cựu du học sinh 322 đều là người trẻ (sinh những năm 1980). Điều khiến họ dằn vặt trong hoàn cảnh hiện tại của mình còn do sự đứt đoạn với một môi trường ít điều kiện tiếp xúc với thông tin khoa học mới. “Thư viện không có, hội thảo quốc tế cũng không. Trong khi đó các ý tưởng, các đề tài phải được nảy sinh từ sự tương tác” - một giảng viên Trường ĐH Xây dựng từng du học ở Hà Lan bằng học bổng 322 nói.
|
Có nhiều lý do khiến Long chán nản nhưng điều làm anh khổ sở hơn cả là việc không tài nào cưỡng lại nổi guồng quay của sự mưu sinh.
Hệ số lương của Long là 3,33. Nếu không dạy vượt tiết, tất tần tật thu nhập của anh ở trường là 3,5 triệu đồng/tháng. Nếu dạy vượt tiết, giờ hành chính anh được trả 25.000 đồng/tiết, ngoài giờ là 50.000 đồng/tiết, tổng thu nhập mỗi tháng của anh lên được khoảng 7 triệu đồng. Bạn bè của anh luyện thi đại học kiếm được hàng chục triệu đồng/tháng nhưng Long vẫn phải chấp nhận “bán cháo phổi” cho các trường ĐH chỉ vì muốn luyện thi cũng phải có “cái duyên may”.
“Nhiều khi cũng muốn bỏ ra ngoài làm nhưng lại không có tiền trả nợ phí đào tạo cho trường. Vợ chồng tôi đang ôm một cục nợ mấy trăm triệu đồng để mua một căn hộ chung cư mini 40m2. Nhà có hai con nhỏ, một cháu 5 tuổi, một cháu 1 tuổi, càng không thể thờ ơ với tiền” - anh than thở.
Câu chuyện của N.Đ. - tiến sĩ toán của một trường ĐH lớn khác ở Hà Nội - đỡ u ám hơn song cũng cùng một ngã rẽ: “dạy thêm”. Năm 2005, anh đi Pháp học thạc sĩ bằng học bổng của đề án 322. Sau đó tiếp tục được một trường ĐH ở Pháp cho học bổng làm nghiên cứu sinh. Cũng như Trần Văn Long, thoạt tiên anh Đ. dạy thuê cho một vài trường ĐH tư thục. Về sau, anh phát hiện con đường kiếm tiền khá hơn: dạy thuê cho các trường phổ thông.
“Dạy thuê cho các trường ĐH mỗi môn cả một học kỳ dạy 10-15 tuần được trả 3-3,5 triệu đồng nên chẳng ai thiết tha. Thù lao các trường phổ thông trả cao hơn các trường ĐH tuy không đáng kể nhưng quan trọng nhờ đi dạy phổ thông mà các thầy được phụ huynh thuê để dạy cho các nhóm học sinh với thù lao tối thiểu 500.000 đồng/ca (90-120 phút), mức cao có thể đến 1-1,5 triệu đồng/ca. Mỗi tuần tôi chỉ dạy vài ba buổi cho các nhóm đó thì thù lao mỗi tháng còn hơn việc đi dạy cho hai trường ĐH” - Đ. cho hay.
Lấy ngắn nuôi dài
Nếu với cựu du học sinh 322 các ngành khoa học cơ bản thì nghề làm thêm chủ đạo là “bán cháo phổi”, thì những người hoạt động trong lĩnh vực thực hành - ứng dụng có thêm nghề tư vấn, bán sản phẩm thực nghiệm cho bên ngoài hoặc nhận hợp đồng gói việc cho các doanh nghiệp... N.T.T., giảng viên Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, cũng vậy, ngoài đi dạy anh liên kết với các công ty chăn nuôi, trạm trại, cơ sở sản xuất để bán sản phẩm. Đề tài “Môi trường bảo quản tinh, pha loãng tinh để phục vụ công tác thụ tinh nhân tạo” của anh gần đây được một công ty chuyên cung cấp giống lợn mua lại.
Anh T. sang Đức học thạc sĩ ở Trường ĐH Thú y Hanover, một trường ĐH khá danh tiếng trong lĩnh vực đào tạo ngành thú y. Anh phải trở về nước tháng 10-2010 khi hoàn thành chương trình cao học do người vợ trẻ qua đời đột ngột. “Lúc đó con gái tôi mới 5 tuổi. Học bổng chỉ giúp tôi đủ sống ở Hanover, không đủ để nuôi mẹ già, con nhỏ. Giáo sư của tôi ở Đức nhiều lần gửi thư khích lệ tôi sang đó làm tiếp nghiên cứu sinh với bà nhưng tôi đành phải ở nhà cày cuốc, lấy ngắn nuôi dài” - T. tâm sự.
So với đa số cựu du học sinh 322, anh T. gặp khá nhiều thuận lợi trong lĩnh vực chuyên môn khi về nước. Ngay sau khi T. đi học, anh được nhà trường điều chuyển luôn sang một khoa mới mở phù hợp với ngành học của anh - bộ môn công nghệ sinh học động vật. Thiết bị phòng thí nghiệm của bộ môn rất xịn, nhưng theo T. là quá mức cần thiết, lại không đồng bộ. “Những thiết bị quan trọng thật sự lại không có. Vì thế, tôi có muốn đăng ký những dự án lớn cũng như nghiên cứu các công trình có thể đăng trên tạp chí quốc tế cũng đành chịu không làm được, dù có chuyên tâm” - anh nói.
Đã vậy, muốn làm những đề tài lớn thì phải có nhiều tiền, “ít tiền như tôi thì chỉ làm những đề tài khoa học nho nhỏ” và làm chủ yếu để bồi dưỡng chuyên môn chứ xét về thu nhập thì việc đi dạy, dù chỉ dăm chục nghìn đồng một tiết, vẫn hiệu quả hơn. Để có tiền làm khoa học, T. và đồng nghiệp phải dành dụm lần hồi, hễ dư ra được vài triệu đồng là vội đi mua ngay một lọ hóa chất bé xíu. “Đôi khi tôi mơ giá như mình có thể được Nhà nước giao cho một đề tài giá trị khoảng vài trăm triệu đồng, nhưng những đề tài như vậy ít lắm, xếp hàng bao giờ mới đến lượt” - T. cười buồn.
Điều kiện làm việc hiện tại đủ để những cán bộ làm khoa học như T. thực hiện các thí nghiệm lặt vặt, cho ra đời cái mà người trong ngành gọi là “sản phẩm sản xuất” bán cho các công ty. Anh coi đây vừa là cách kiếm sống bên cạnh việc đi dạy vừa là cách giúp mình góp nhặt kiến thức thực nghiệm, dù vẫn ấp ủ ước vọng một ngày nào đó sẽ chuyên tâm làm nghiên cứu.
“Hiện tại tôi muốn làm nghiên cứu sinh trong nước nhưng vẫn chưa thu xếp được. Việc đi dạy tốn rất nhiều thời gian, dù tôi dạy không nhiều (khoảng 500 tiết/năm) so với các giảng viên khác (cả nghìn tiết/năm). Nó khiến mình còn lại quá ít thời gian để hướng dẫn sinh viên thực tập hoặc nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, tôi không thể tập trung để làm thí nghiệm nên tốc độ ra sản phẩm mới rất chậm” - T. cho biết.
Nhiều cựu du học sinh 322 cho biết họ vốn không lạ lẫm với điều kiện, môi trường làm việc trong nước nhưng sau nhiều năm đi học về vẫn bất ngờ vì mọi thứ trong các trường ĐH không hề “nhúc nhích”.
“Quan niệm về đào tạo ĐH, cách điều hành quản lý vẫn vậy, cách triển khai các đề tài nghiên cứu vẫn đầy hình thức, làm cho có để nghiệm thu, để nhận tiền. Giảng viên ngày nào lên lớp cũng phải mất thời gian để điểm danh sinh viên” - TS Nguyễn Nam Hà, nguyên giảng viên Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội, nói. Đó cũng là những lý do khiến anh bỏ dạy, ra ngoài cùng bạn bè mở công ty cung cấp dịch vụ chuyển giao các công nghệ kỹ thuật sau khi trở về từ Nga năm 2007.
Nhưng chọn con đường ra đi như anh Hà cũng không dễ dàng gì. Rất nhiều cựu du học sinh 322 vẫn ở lại các trường ĐH với tinh thần “chân trong chân ngoài”, vừa đảm bảo việc kiếm sống vừa nuôi dưỡng khả năng chuyên môn theo cách của mình. Nhưng “khả năng chuyên môn” theo cách mà họ nói cũng chỉ để “không dốt” so với đồng nghiệp và đủ để giữ thể diện trước sinh viên. Còn để nghiên cứu, để phát hiện cái gì đó mới trong lĩnh vực chuyên sâu của mình là con đường hầu như rất ít người dám chọn.
“Chẳng ai cấm mình nghiên cứu cả, nhưng làm gì có thời gian mà nghĩ đến điều đó? Nếu có thời gian thì người ta nghĩ cách kiếm sống. Làm một đề tài trong suốt cả năm được mấy chục triệu đồng thì người ta nghĩ đến làm gì? Hì hụi sáu tháng trời rồi qua nghiệm thu đủ các kiểu mới ra được một cuốn sách, thù lao 3 triệu đồng, ai người ta ham viết sách?” - một giảng viên Trường ĐH Giao thông vận tải và cũng là một cựu du học sinh 322 (làm nghiên cứu sinh ở Đức) nói.
__________
Là cán bộ điều hành đầu tiên và gắn bó lâu năm nhất với đề án 322, nguyên trưởng ban điều hành đề án, ông Phạm Sỹ Tiến hiểu rõ những khó khăn của các cựu du học sinh đề án 322, song cũng phải nhìn nhận “vấn đề lương chỉ có thể được điều chỉnh bởi cấp nhà nước”.
* Cách đây 12 năm, khi nhận nhiệm vụ điều hành đề án 322, ông có kỳ vọng gì vào tác động tích cực của đề án với sự phát triển của đất nước?
- Ông Phạm Sỹ Tiến: Khi nhận nhiệm vụ trưởng ban điều hành đề án (được phê duyệt và triển khai năm 2000), tôi không khỏi lo ngại, vì đây là chương trình đầu tiên sử dụng kinh phí khá lớn của Nhà nước cử người đi đào tạo tại nước ngoài, trong khi nước ta còn nghèo. Tuy trước đó đào tạo tại nước ngoài đã được tiến hành rất nhiều cả ở miền Bắc và miền Nam, nhưng đều nhờ vào học bổng của các nước hoặc tiền của thân nhân những người đi du học.
Tuy nhiên ngay từ đầu, tôi tin tưởng là trong tương lai chúng ta sẽ có một đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ cao, học tập được kinh nghiệm tốt của các nước tiên tiến về áp dụng trong giảng dạy ĐH và nghiên cứu khoa học, có tác phong làm việc khoa học, trình độ ngoại ngữ tốt, thúc đẩy sự hội nhập quốc tế của đất nước.
* Theo quan sát của cá nhân ông, đề án 322 có mang lại hiệu quả như kỳ vọng ban đầu?
- Theo tôi, đề án đã đạt được hiệu quả tốt. Trong số những người được đào tạo ở nước ngoài, nhiều người đã trở lại giảng dạy và nghiên cứu khoa học rất tốt, dần thay thế lớp cán bộ đã có tuổi. Riêng trong lĩnh vực cơ khí - động lực, năm 2011 đã có bốn người là du học sinh của đề án được phong chức danh phó giáo sư với nhiều bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học uy tín hàng đầu thế giới - việc mà thế hệ trước hoặc những người không có điều kiện học tập ở nước ngoài không hoặc khó thực hiện được.
Tuy nhiên, ta chưa nên kỳ vọng quá cao về những người được đào tạo từ đề án 322. Tính đến hết năm 2011, đề án mới cử 4.590 người đi học, trong đó 1.074 tiến sĩ, 984 thạc sĩ, 723 cử nhân và 233 thực tập sinh đã tốt nghiệp, số còn lại còn chưa kết thúc chương trình đào tạo.
Số lượng được đào tạo ở nước ngoài theo đề án 322 về làm việc tại các bộ môn, khoa của các trường ĐH, viện nghiên cứu vẫn còn là con số rất nhỏ, những điều tốt học tập được và nhiệt tình đổi mới của họ chưa được hưởng ứng vì sự bảo thủ, ngại đổi mới, chưa tin tưởng của các đồng nghiệp và cơ quan.
* Ông nghĩ sao về những người học xong không về nước, hoặc về nhưng làm việc không hiệu quả?
- Thực tế có một số người sau khi học xong đã hoàn thành thủ tục tốt nghiệp tại Bộ GD-ĐT, sau đó bằng nhiều cách khác nhau, họ lại ra nước ngoài làm việc mà không thấy trách nhiệm phải làm việc cho nước mình để đáp lại khoản tiền của nhân dân đã đóng góp cho việc học của họ. Đó cũng là kẽ hở trong quy định, chỉ yêu cầu hoàn trả kinh phí với những người không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không trở về làm việc tại cơ quan nhà nước trước khi đi học. Nhưng rất may là số đó chiếm tỉ lệ thấp, chỉ khoảng 1-2%.
Cũng có ý kiến phê phán nhiều tiến sĩ tốt nghiệp không muốn về lại trường ĐH công tác vì lương thấp hoặc có về thì làm việc “chân trong chân ngoài”. Nhưng vấn đề lương chỉ có thể được điều chỉnh bởi cấp nhà nước. Tôi hi vọng với chủ trương giao tự chủ tài chính cho các trường ĐH thì vấn đề này sẽ có thể được giải quyết.
Công bằng mà nói, không chỉ cựu du học sinh 322 mà cán bộ được đào tạo trong nước cũng phải đi làm thêm. Vấn đề này cũng nên nhìn nhận ở góc độ tích cực hơn: làm thêm ở ngoài trường có tác dụng làm giảng viên năng động và hiểu biết thực tế hơn trong điều kiện tiền lương chưa được cải tiến một cách cơ bản.
* Việc cử người đi học nước ngoài bằng ngân sách nhà nước vẫn tiếp tục bằng chương trình khác. Là người có kinh nghiệm trong vấn đề này, theo ông, làm thế nào để các chương trình tương tự thật sự mang lại hiệu quả?
- Hiện chúng ta có đề án 911 với mục tiêu chỉ đào tạo trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH và CĐ, đó là chủ trương đúng. Muốn đạt hiệu quả cao, chương trình nối tiếp cần tập trung đào tạo thạc sĩ để tạo nguồn tốt và dồi dào cho đề án 911, đồng thời đào tạo một số lượng nhất định tiến sĩ và thạc sĩ cho các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách; tiếp tục đào tạo tài năng trẻ ở trình độ ĐH. Đào tạo cần tập trung vào những ngành quan trọng, khoa học cơ bản, kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn mà các cơ sở giáo dục của ta chưa đào tạo được tốt.
Để tránh một số nhược điểm của đề án 322 như chuyển sinh hoạt phí chậm, để du học sinh thấy trách nhiệm phải về làm việc cho Nhà nước hoặc ít nhất cũng làm việc tại nước nhà thì nên áp dụng cơ chế cho vay để đi học. Người trở lại cơ quan cũ làm việc sẽ không phải trả lại số tiền vay. Có thể cho phép họ (nếu có lời mời) chuyển sang làm việc theo chế độ chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài, có nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước.
Mặt khác, giai đoạn tới cần có chính sách cụ thể thu hút người du học tự túc trở về Việt Nam làm việc cho các trường ĐH. Cũng cần tiếp tục phát triển phương thức phối hợp với nước ngoài đào tạo trình độ cao để thu hút nhiều giảng viên Việt Nam tham gia quá trình đào tạo, phấn đấu đến năm 2020 nhiều chương trình đào tạo của Việt Nam sẽ thực hiện bằng ngoại ngữ (chủ yếu bằng tiếng Anh) với chất lượng cao do giảng viên Việt Nam thực hiện để thu hút nhiều sinh viên quốc tế đến học, Việt Nam không còn là nước cử nhiều người đi du học mà dần trở thành nước xuất khẩu giáo dục.
* Cảm ơn ông!
Trong mười năm, đề án 322 đã gửi người đi học tại 832 cơ sở đào tạo của 34 nước, trong đó có nhiều cơ sở thuộc nhóm 50 trường hàng đầu thế giới. Các ngành cử người đi học gồm những ngành khoa học công nghệ trọng điểm, những ngành nghề thuộc lĩnh vực khoa học, kinh tế - xã hội.
Đến nay đã có trên 3.000 lưu học sinh tốt nghiệp về nước, trong đó hơn 1.000 tiến sĩ. 13% trong số những lưu học sinh về nước hoàn thành khóa học xuất sắc. Hầu hết những người có trình độ tiến sĩ đều có trên hai công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín của thế giới, một số người có công trình khoa học xuất sắc được khen thưởng.
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, 95% lưu học sinh hoàn thành kế hoạch học tập đúng thời hạn, đa số về cơ quan cũ làm việc. Có khoảng 2% số lưu học sinh học chuyển tiếp lên bậc học cao hơn. Chỉ khoảng 3% (khoảng 100 lưu học sinh) về nước chậm và chưa làm báo cáo tốt nghiệp. Kết quả điều tra sơ bộ lưu học sinh tốt nghiệp về nước thì hơn 95% ý kiến phản ảnh là việc học tập, nghiên cứu ở nước ngoài giúp ích cho công tác của lưu học sinh khi về làm việc tại Việt Nam, 25% được đề bạt hoặc nhận nhiệm vụ công tác quan trọng hơn so với trước khi đi học.
|
__________
Nói về con số trên 2.500 tỉ đồng mà đề án 322 đã chi (giai đoạn 2000- 2010) cho 4.590 người (với 2.268 tiến sĩ), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho đây là con số còn “rất khiêm tốn” so với yêu cầu về nguồn nhân lực trình độ cao. Đó là lý do Bộ GD-ĐT đề xuất kéo dài đề án này (đến năm 2014). Nhưng vấn đề đặt ra với việc kéo dài đề án, ngoài chuyện tiếp tục tìm đúng người để đi học chính là việc sẽ phải đối diện và xử lý những bất cập về chất lượng và tính hiệu quả của nó.
Nhận diện khiếm khuyết
Nguyên trưởng ban điều hành đề án Phạm Sỹ Tiến cho biết: “Trong quá trình vận hành đề án, chúng tôi đã phải tham mưu để Bộ GD-ĐT đề xuất thay đổi nhiều quy định. Chẳng hạn, ban đầu quy định cán bộ được cử đi đào tạo phải thuộc diện biên chế nhà nước, gây rất nhiều khó khăn đối với cán bộ trẻ. Vì vậy về sau đề án hạ yêu cầu, chỉ cần cán bộ có hợp đồng dài hạn (từ một năm trở lên) tại cơ quan nhà nước là được dự tuyển. Quy định về tiêu chuẩn ngoại ngữ cũng phải sửa đổi nhằm mở rộng cơ hội cho ứng viên thời kỳ đầu”.
Năm 2010, đề án 322 trở nên ồn ào bởi câu chuyện 19 lưu học sinh tại ĐH Kỹ thuật tổng hợp Bauman (Liên bang Nga) gửi thư “cầu cứu” bộ trưởng Bộ GD-ĐT vì không nhận được học bổng đã 5-6 tháng khiến họ vô cùng vất vả để sống. Việc chuyển sinh hoạt phí cho du học sinh chậm cho đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Đến cuối tháng 2-2012, Bộ GD-ĐT vẫn chưa có kinh phí để chuyển cho du học sinh. “Chỉ khi nào thay đổi cách quản lý tài chính mới có thể khắc phục triệt để vấn đề này” - ông Tiến khẳng định.
Rất nhiều vấn đề của đề án vẫn đang tiếp tục đặt ra, từ bất cập trong công tác quản lý lưu học sinh đến hỗ trợ tài chính cho họ tham gia hội nghị quốc tế, giao lưu học thuật... Đến thời điểm hiện tại, lưu học sinh được gửi đi theo đề án 322 tới trên 40 nước nhưng chỉ có một phòng quản lý lưu học sinh thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga và sáu Đại sứ quán Việt Nam khác có cán bộ chuyên trách của Bộ GD-ĐT cử đi quản lý lưu học sinh.
Tuy nhiên, điều lớn nhất mà Bộ GD-ĐT cũng nhận thấy chính là sự không quan tâm đến cơ chế ưu đãi thu hút người sử dụng và tuyển dụng lưu học sinh sau khi tốt nghiệp. Khi trưng cầu ý kiến của lưu học sinh trở về nước, Bộ GD-ĐT thu nhận được những phản hồi rất cụ thể của họ về môi trường làm việc, cơ chế sử dụng, đãi ngộ của các cơ quan. “Hầu như lưu học sinh tốt nghiệp không được quan tâm trong chính sách lương, việc lên lương chủ yếu theo thời hạn quy định” - ông Nguyễn Xuân Vang, cục trưởng Cục Đào tạo nước ngoài (Bộ GD-ĐT), nói.
Có giải quyết được bất cập?
Đề án 322 sẽ kéo dài đến hết năm 2014 với chỉ tiêu đào tạo 400 người, vẫn chọn phương thức đào tạo ở nước ngoài là chính, riêng đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ sẽ dành khoảng 15% cho hình thức phối hợp. Dự kiến đợt du học sinh cuối cùng kết thúc học tập ở nước ngoài vào năm 2020. Tổng kinh phí cho phần “nối dài” này là 1.600 tỉ đồng, tương đương 79 triệu đôla.
Song song với việc triển khai đề án tiếp theo, ông Bùi Văn Ga cho biết bộ “sẽ rà soát và khắc phục những bất cập, đặc biệt là bất cập trong cơ chế đãi ngộ để tránh lãng phí tiền Nhà nước”. Nhưng những giải pháp cho vấn đề này mới dừng ở việc Bộ GD-ĐT đề xuất “Nhà nước cần tạo điều kiện cho họ làm việc theo nhóm chuyên ngành trong môi trường có thể ứng dụng kiến thức của mình và chế độ lương tốt hơn”. Hoặc lên tiếng “Các cơ quan có nhu cầu tuyển người cần thông báo cho Bộ GD-ĐT để biết giới thiệu tuyển dụng số lưu học sinh tốt nghiệp ở nước ngoài về làm việc”.
Hướng thực hiện đào tạo lưu học sinh theo cơ chế vay để đi học cũng mới chỉ là điều mà Bộ GD-ĐT “trong thời gian tới sẽ nghiên cứu và trao đổi với ngân hàng”.
Thực hiện: THƯ HIÊN - TRỊNH VĨNH HÀ
http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/482521/hau-an-322-nhung-noi-buon-co-that.html
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét