Nghị quyết “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo” vừa được Hội nghị Trung ương 8 thông qua đầu tháng 11 một lần nữa khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua trong việc coi trọng việc thu hút “chất xám” trình độ cao như một giải pháp chiến lược giúp giáo dục đại học Việt Nam bắt kịp với trình độ khu vực và quốc tế.
Tuy vậy, mặc cho rất nhiều chính sách và chương trình hành động đã được ban hành, hiệu quả của chủ trương nói trên vẫn còn rất khiêm tốn mà trong đó nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta thiếu một chế độ lương bổng phù hợp đủ sức hấp dẫn các nhà khoa học trở về.
Thật vậy, qua ước tính của tôi, lương trung bình của giảng viên Việt Nam – đối chiếu với lương trung bình của giảng viên tại các trường đại học công lập tại một số nước trên thế giới theo một báo cáo mới đây các nhà khoa học Mỹ và Nga – thuộc nhóm thấp nhất thế giới.
Lương trung bình của giảng viên Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất thế giới
Nghiên cứu nói trên được 2 nhà nghiên cứu về giáo dục Philip Altbach từ (Mỹ) và Liz Reisberg (Nga) thực hiện tại 28 nước trên thế giới.
Theo đó, nhóm tác giả tổng hợp số liệu chia theo 3 nhóm. Cụ thể, “Entry” – các giảng viên trẻ có trình độ tiến sĩ mới bắt đầu sự nghiệp; “Middle” – các giảng viên chính hoặc các phó giáo sư ở giai đoạn giữa của sự nghiệp và Top – các giáo sư hàng đầu.
Mức lương trung bình theo 3 nhóm được quy đổi theo USD theo sức mua tương đương. Số liệu của Việt Nam ở Hình 1 do tác giả bài báo này ước tính là 4,3; 8,9 và 14,3 triệuđồng/tháng tương ứng với 3 nhóm Entry, Middle và Top.
Từ so sánh sơ bộ nói trên, có thể thấy, mức lương của giảng viên ở Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất thế giới, chỉ hơn được Trung Quốc, Nga và Armenia và thua xa quốc gia trong cùng khu vực là Malaysia hay Ấn Độ, một đại diện khác của Châu Á.
Riêng với Trung Quốc, số liệu trong bảng trên chỉ phản ánh số liệu trung bình trong toàn bộ khối đại học công lập ở nước này. Theo GS Philip Altbach, đồng chủ biên của báo cáo, mức lương trung bình tại các đại học hàng đầu như Bắc Kinh, Thanh Hoa hay các đại học khác thuộc Đề án 985 (đề án xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế của Chính phủ Trung Quốc) trong thực tế đã được hưởng chế độ đặc biệt ngang với nhóm các nước trả lương cao nhất như Mỹ hay Canada.
Như vậy, có thể thấy, với cơ chế lương cào bằng hiện nay theo thang bảng lương Nhà nước, rất khó để các đại học Việt Nam có thể thu hút được các nhà khoa học trình độ cao ở nước ngoài trở về làm việc.
Theo tôi, để cải thiện tình hình, Việt Nam ít nhất phải xây dựng một chương trình đặc biệt, tương tự như chương trình 985 của Trung Quốc, hay chương trình xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế WCU của Hàn Quốc cho một vài trường đại học hàng đầu với mức lương tối thiếu bằng với mức lương của giảng viên tại Malaysia.
Việt Nam ít nhất phải xây dựng một chương trình đặc biệt
Trong trường hợp đó, qua ước tính, mức lương đối với 3 nhóm Entry, Middle, Level sẽ vào khoảng 28, 45 và 77 triệu tương ứng.
Mức lương nói trên, thoạt nhìn có vẻ gây “sốc” nhưng thực tế lại là con số khá hợp lý nếu so sánh với trình độ và khả năng cống hiến mà các nhà khoa học có thể đem lại cho nền giáo dục đại học nước nhà.
Phạm Hiệp (NCS khoa Quản trị Kinh doanh tại ĐH Văn hoá Trung Hoa, Đài Loan)
Ảnh: Dân trí (minh họa)
http://motthegioi.vn/the-gioi-hoc/chuye-hoc-duong/luong-giang-vien-dh-viet-nam-thuoc-nhom-thap-nhat-the-gioi-21485.html
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét