Tz. Todorrov
Trần Đình Sử dịch
Tiêu đề của báo cáo này và tên của phân ban, mà đó là lí do để viết ra nó, có thể tạo ra ấn tượng rằng hai khái niệm – “ký hiệu học” và “văn học” – đều hoàn toàn hợp pháp. Nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi sẽ là xua tan ảo tưởng về điều đó. Xin bắt đầu với thuật ngữ “ký hiệu học”. Trong từ này chứa đựng toàn bộ quan niệm dựa trên niềm tin rằng nó là thích hợp để thống nhất tất cả các loại kiến thức về các đối tượng, được gọi là “kí hiệu”. Trong khi đó, khẳng định như vậy không phải là hiển nhiên. Một trong hai lí do của vấn đề là: hoặc là, nếu quả thật bất kỳ kí hiệu nào tương tự như kí hiệu của ngôn ngữ tự nhiên, là thứ kí hiệu được nghiên cứu tốt hơn so với kí hiệu khác, và do đó – trong một ý nghĩa rộng hơn – tất cả các kí hiệu đều giống nhau. Tuy nhiên, lập luận này không thể chấp nhận được như một tiên đề, bởi vì nó cần được chứng minh. Thậm chí một sự tìm hiểu hời hợt về vấn đề cũng cho phép chúng ta rút ra nhiều phản chứng. Nhưng nếu luận đề trên là chính xác, thì lúc đó vấn đề phải chăng là không cần xây dựng một ngành khoa học mới, ký hiệu học, mà chỉ cần mở rộng phạm vi của khoa học đã có, là ngôn ngữ học? Hoặc là nếu quả thật rằng tất cả các kí hiệu khác không giống như kí hiệu của ngôn ngữ tự nhiên, và do đó – theo nghĩa rộng hơn – tuy không giống nhau, nhưng chúng vẫn có một số đặc điểm phổ biến, có thể biện minh cho sự thống nhất của chúng. Nhưng sau khi tìm thấy một đặc điểm chung của tất cả các kí hiệu có thể có chúng ta chắc chắn tìm thấy một sự nghèo nàn cùng cực của nó (đó sẽ là gần như một từ đồng nghĩa với “kết hợp ” hoặc ” tương đương ” ). Cố gắng tạo ra cả một bộ môn khoa học trên một không gian hẹp (hoặc, nếu muốn, sẽ rất rộng) như vậy – điều đó giống như tuyên bố rằng có một “khoa học về mối quan hệ” hay “khoa học về ý nghĩa.” Vẫn còn một khả năng thứ ba: các thuật ngữ giống nhau được sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau của ký hiệu học nên được – tạm thời chưa có chứng minh ngược lai – coi như là từ đồng âm (số lượng của chúng hết sức ít: cái biểu đạt, cái được biểu đạt, trục lựa chọn, trục kết hợp, hình hiệu, chỉ hiệu). Hiện tại vẫn chưa biết rõ “ký hiệu học của âm nhạc” có thể học hỏi được gì từ “ký hiệu học kiến trúc đô thị” và kí hiệu học kiến trúc chưa biết học được gì từ “ký hiệu học nghiên cứu ngôn ngữ của các khoa học”, nói đơn giản hơn, vẫn chưa rõ những lợi ích có thể thu được bắt nguồn từ một sự kết hợp của các ngành dưới tên gọi chung “ký hiệu học “. Tuy nhiên, chúng ta sẽ chưa rút ra bất cứ kết luận nào về cuộc hội thảo này từ các lập luận nêu trên.
Chúng tôi chuyển ngay sang “văn học”. Nhiệm vụ không phải là để tìm hiểu xem văn học có “tồn tại” hay không, bởi vì khái niệm đó là hiển nhiên, [ 351 ] mà vấn đề là xác định xem một khái niệm như thế có tính khoa học đến đâu, và tình trạng tính ký hiệu của nó như thế nào. Cho đến nay, chưa có ai có thể đưa ra một định nghĩa vững chắc về văn học. Xin lưu ý hai định nghĩa phổ biến nhất. Theo định nghĩa thứ nhất, tính chất nổi bật nhất của diễn ngôn văn học là các câu tạo nên nó không phải là sự thật mà cũng không phải giả dối, nhưng chúng tạo ra một hiện thực hư cấu. Tuy nhiên, một mặt, không phải tất cả văn học đều là hư cấu (fiction) – nằm ngoài định nghĩa này là thơ trữ tình, một số văn bản giáo khoa (sapientiaux), các tùy bút, và mặt khác, không phải mọi hư cấu đều là văn học, ví dụ như huyền thoại. Theo định nghĩa thứ hai, đặc điểm nổi bật nhất của diễn ngôn văn học là, nhờ tính tổ chức hệ thống của nó, mà nó tập trung chú ý vào bản thân của thông báo vì chính bản thân nó. Tuy nhiên, nếu xác định đúng ý nghĩa của các từ trong định nghĩa này, chúng ta hiểu rằng đó là một định nghĩa quá hẹp hoặc quá rộng: một mặt, tính tổ chức và tính hệ thống là đặc trưng của bất cứ diễn ngôn nào; mặt khác, – ngôn ngữ của tiểu thuyết, chẳng hạn, có thể không chỉ được cảm nhận như là ngôn ngữ “vì bản thân nó”. Bất cứ thuộc tính nào được coi là vốn có của tác phẩm văn học ta dều có thể tìm thấy trong nhiều văn bản ngoài văn học, mà đó là chỗ yếu chết người của các công trình lí luận văn học dựa trên định nghĩa “văn học”đó.
Các thuật ngữ “ký hiệu học” và “văn học” chưa có sự tồn tại về phương diện lý thuyết, là một điều nghịch lý, nhưng thực tế đó không dẫn đến sự thủ tiêu của “ký hiệu học văn học,” bởi vì trên thực tế là có sự tồn tại của các “chuyên gia về ký hiệu học văn học.” Ý nghĩa của hiện tượng này là gì? Trước hết, nó có thể được hiểu một cách tiêu cực: đó là việc nghiên cứu các hiện tượng ngôn ngữ, vì lý do bất chợt hay có tính nguyên tắc, mà chúng chưa được nghiên cứu bởi chính khoa ngôn ngữ học. Nói một cách khái lược, các hiện tượng ấy có thể được phân thành ba nhóm – nhóm chuyển nghĩa (nghĩa không trùng với nghĩa từ vựng) ; nhóm các phương thức tổ chức các đơn vị diễn ngôn lớn hơn câu, và nhóm cuối cùng, các mối quan hệ giữa các chủ thể ngôn ngữ với nhau và quan hệ với phát ngôn của chúng mà người ta có thể rút ra từ bản thân các phát ngôn. Xin lưu ý rằng tất cả ba nhóm này đều nằm trong phạm vi của tu từ học, một bộ môn đã không còn, nhưng có một truyền thống lâu đời rất phong phú. Trên thực tế môn tu từ học, ngoài những thứ khác, đã nghiên cứu các tình huống giao tiếp bằng lời nói, các phương thức tổ chức lời phát biểu và ý nghĩa hoàn chỉnh khác với ý nghĩa quy phạm của các từ ngữ riêng biệt. Vì vậy sẽ rất tiện nếu nói toàn bộ nghiên cứu về ngôn ngữ nói chung đó bằng thuật ngữ tu từ học, mà không đặt chúng vào phạm vi ngôn ngữ học (không tính đến khả năng trong tương lai tu từ học tách ra hay sáp nhập chung với ngôn ngữ học).
Phục hồi của thuật ngữ “tu từ học” không giải thoát chúng ta khỏi sự cần thiết phải nghiên cứu các vấn đề mà nó đặt ra. Vấn đề đầu tiên nằm ngay trong sự đa dạng của các vấn đề đó. Chúng ta đã phân chia chúng làm ba nhóm xuất phát từ các kiến giải kinh nghiệm thuần túy, nhưng làm thế nào để biện minh cho các kiến giải đó? Tại sao lại ba nhóm chứ không phải hai hoặc năm nhóm? Câu hỏi này chỉ có thể được giải quyết bằng một lí thuyết đồng bộ của phân tích tu rừ, mà trong bài báo này chúng tôi không cố gắng để trả lời. Tự giới hạn mình trong việc đưa ra một số gợi ý liên quan đến mối quan hệ giữa hai khu vực được lựa chọn – lĩnh vực ý nghĩa gián tiếp ( indirect ) và lĩnh vực của diễn ngôn. Hơn nữa, chúng tôi chỉ so sánh một số loại ý nghĩa đã chuyển với một số loại cấu trúc ngôn từ.
Chúng tôi xin bắt đầu với những phương thức tu từ. Mọi người đều biết định nghĩa cổ điển của ẩn dụ – một phép chuyển nghĩa dựa trên nguyên tắc tương tự, hoán dụ – phép chuyển nghĩa dựa trên nguyên tắc kế cận, ( và các tác giả của các sách hướng dẫn cổ điển hầu như chưa kịp định nghĩa hoán dụ, đã vội vàng phân biệt nó bằng cách liệt kê các biến thể khác nhau của nó : cái chứa đựng và nội dung, nguyên nhân và kết quả, kẻ hành động và bản thân hành động, hiện tượng và vị trí của nó trong thời gian hay không gian, vv), phép cải dung – phép chuyển nghia mà cơ sở của nó là mối quan hệ giữa bộ phận và toàn thể, hoặc chi và loài. Tạm thời người ta vẫn cho rằng các phép chuyển nghĩa không bị rút gọn vào nhau, và tất cả chúng hợp lại cũng không quy vào bất kỳ kiểu quan hệ nào khác được nghiên cứu nhiều hơn, người ta vẫn giữ niềm tin vào tính đặc thù của bản thân hiện tượng các phép chuyển nghĩa.
Nhưng cách đây không lâu hệ thống các quan hệ đã tạo ra các phép chuyển nghĩa kia đã được phân tích về mặt logich mà kết quả là quan điểm đối với vấn đề đã thay đổi. Cơ sở của phép cải dung (synecdoche) là quan hệ bao hàm (bao chứa), tiếp nhận các hình thức khác nhau, tùy theo cách mà cái chỉnh thể bị chia ra thành bộ phận hay thành các dấu hiệu; cơ sở của ẩn dụ là quan hệ cắt nhau (интерсекции); cơ sở của hoán dụ là quan hệ loại trừ nhau (bài trừ), nhưng trong đó, hai thuật ngữ loại trừ lẫn nhau, đồng thời lại bao hàm nhau trong một chỉnh thể rộng lớn hơn (Rhétorique générale, nhóm μ, 1970). Các phạm trù được sử dụng trong các định nghĩa về phép chuyển nghĩa trên đây mọi người đều biết: chính nhờ chúng mà người ta mô tả mối quan hệ được nghiên cứu trong khuôn khổ của phép tính cổ điển về vị ngữ trong logic học. Nhưng đến đây tính tương tự kết thúc. Mọi người đều biết, tam đoạn luận [ 353 ] của Aristotle, một phần đã được sử dụng để tính toán vị ngữ, chỉ có bốn, và chỉ có bốn phương thức ấy. Các phương thức này được hình thành bởi sự tổ hợp của hai phạm trù ( mỗi phạm trù có hai thuật ngữ ), mà chính phạm trù loại trừ ( được bao gồm hoặc bao gồm; khái quát hoặc đặc trưng hóa) và phạm trù khuynh hướng (đó là đồng nhất nhau hoặc khác biệt). Bản thân các kết hợp này cho phép ta xác định bốn phép chuyển nghĩa cơ bản, đó là: cải dung khái quát và cải dung đặc thù, ẩn dụ (một sự khái quát, sau đó đặc thù hóa) và hoán dụ (đặc thù hóa, sau đó khái quát hóa). Sự khác biệt giữa các phép chuyển nghĩa này, một mặt, cũng là các phán đoán khẳng định, và mặt khác, do đó, được thể hiện không phải trong bản chất của các quan hệ liên kết hai phạm trù (ý nghĩa được biểu hiện và ý nghĩa được đưa vào, chủ ngữ, vị ngữ), mà ở chỗ, trong một trường hợp có mặt cả hai phạm trù đó, và trong trường hợp khác – chỉ có một. Biểu đạt
Tất cả mọi người đều chết là một phán đoán khẳng định khái quát, trong khi đó việc sử dụng từ chết thay cho từ con người là một phép cải dung khái quát.
Các phép chuyển nghĩa – không phải là phương thức duy nhất để nhập gộp ý nghĩa gián tiếp (indirect). Một phương thức tương tự được thông qua thường được gọi là “hiểu ngầm”. Chúng tôi xin sử dụng một ví dụ kinh điển: chúng ta có thể nói, Người phụ nữ này có sữa, ngụ ý rằng: Người đàn bà này đã sinh con . Dạng hiểu ngầm này cũng có thể được mô tả bằng thuật ngữ logic. Tri thức mà một xã hội có được, có thể bao gồm một số lượng nhất định các định đề, bao gồm: Nếu một phụ nữ có sữa , thì có nghĩa là cô ấy đã sinh con, vì vậy định đề này có dạng của một phán đoán có điều kiện : “Nếu p thì là q.” Người nói được hạn chế trong việc chỉ ra lai lịch p. Bởi vì mỗi người chúng ta đều nắm được các quy tắc suy luận, cho nên bằng một cách nào đó đủ để định hướng cho quá trình nhận thức, mà người nghe ngay lập tức nhận ra p và kết luận đó là q (hệ quả).
Trong thực tế một câu nói thốt ra trong mức độ như nhau đều đề cập đến một sự thật và một hậu quả toát ra từ nó, nhưng chỉ có bản thân câu thốt ra được tiêu điểm hóa, điều đó cho phép nó biến thành một sự hiểu ngầm. Logich hiểu ngầm có quan hệ đến các tính toán phát ngôn; sự khác biệt giữa điều hiểu ngầm và suy luận không thể hiện trong bản chất của mối quan hệ liên kết hai câu đơn giản với nhau, mà ở trong một trường hợp, cả hai đều có mặt, và trong trường hợp khác – chỉ có một.
Cả hai so sánh nêu ra trên đây cho thấy nhiều kết luận, giả thuyết mà tính chất của chúng ít nhất vẫn không nên bỏ qua: (1) Các cơ chế tạo thành ý nghĩa gián tiếp (nói bóng gió) về cơ bản là đồng nhất với các cơ chế điều khiển việc tổ chức diễn ngôn. Khác biệt quan trọng (không có nghĩa là duy nhất) giữa chúng nằm trong [354] hoạt động ngưng kết (ý nghĩa), mà diễn ngôn phải chấp nhận để biến thành phép chuyển nghĩa hay hiểu ngầm (2) Từ đó suy ra, cái làm nên sự phù hợp diễn ngôn với phép chuyển nghĩa không phải là các từ riêng lẻ, mà là câu, còn sự hiểu ngầm không phải là câu mà là sự suy luận. (3) Các phạm trù diễn ngôn (thể loại diễn ngôn) có thể phục vụ cho sự mô tả các hình thức ý nghĩa gián tiếp (nghia bóng), đó là sự đối lập giữa vị ngữ (Syntagma) và câu hay giữa câu và suy luận; cũng giống như giữa các phương thức khác nhau của mỗi phạm trù. (4) Đặc trưng của nghĩa gián tiếp (nói bóng) không nên tìm kiếm trong mối quan hệ giữa cái có mặt và cái vắng mặt, mà cần tìm trong một mặt cắt khác.
________________________________________
Chú thích
Tz. Todorov . Kí hiệu học văn học. (T. Todorov. Sémiotique de la littérature). Bản dịch tiếng Nga của Georgia Kosikov, theo bản tiếng Pháp sách: “A semiotic landscape. Proceedings of the First Congress of the International Association for Semiotic Studies. Milan, June, 1974”. (Approaches to Semiotics. 29). Mouton Publishers. The Hague. Paris, New York, 1979, p. 721-724. Trần Đình Sử dịch theo bản của Kosikov. – Г.К. Косиков, 1983
© OCR – Г.К. Косиков, 2005
Текст воспроизводится по изданию: Семиотика. – М.: Радуга, 1983. – С. 350-354. Số trang ghi trong văn bản là trang của bản tiếng Nga.
Nguồn: http://trandinhsu.wordpress.com/2014/01/26/ki-hieu-hoc-van-hoc/
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét