Thưa các quý ông, quý bà, các vị khách và hội đồng giám khảo;
Ở một góc độ nào đó, nhà văn sống vì những kí ức và cảm nhận của con người và nhân loại. Cho nên, kí ức và cảm nhận, làm cho chúng tôi trở thành người yêu thích sáng tác.
Cho nên, khi tôi đứng ở đây, tôi nghĩ đến thời gian từ năm 1960 đến 1962 hơn 50 năm về trước, Trung Quốc vì thực hiện chủ nghĩa Cộng sản, mà xuất hiện cái gọi là “ba năm tai họa tự nhiên”, số người chết ước chừng có đến hơn 30 triệu người. Chính trong một buổi hoàng hôn sau cái “nhân họa” kinh hoàng đó, tịch dương, thu phong và cái thôn trang ở miền trung Trung Quốc xa xôi và nghèo đói của nhà tôi đó, và còn có cả những bức tường rào vì chiến tranh mà được đầm đắp như bức tường thành bao bọc lấy thôn xóm, lúc đó, tôi mới chỉ có mấy tuổi, theo mẹ đi nhặt rác ở chân tường, mẹ kéo tay tôi, chỉ vào đất quan âm thổ có hình cánh hoa ở trên tường và từng hạt hoàng thổ lẻ tẻ nói: “Con trai, con phải nhớ rõ, loại quan âm thổ và vỏ cây này, khi con người bị cái đói giày vò đến sắp chết, thì có thể ăn được, mà loại hoàng thổ này và những vỏ cây khác, người ăn vào là sẽ chết nhanh hơn.”
Nói xong, mẹ về nhà nấu cơm. Bóng dáng quay đi của bà giống như một chiếc lá khô bay theo gió. Mà tôi, đứng trước miếng đất dẻo có thể ăn được đó, nhìn mặt trời lặn, nhà gianh, đồng ruộng và hoàng hôn, trước mắt một bức màn đen tối cực lớn như bức màn sân khấu đang dần dần tiến đến.
Từ đó, tôi trở thành người có khả năng cảm nhận rõ nhất về bóng tối.
Từ đó, tôi đã nhớ rõ một từ vựng từ quá sớm: gắng chịu[1] – ý nghĩa của nó là, sự dằn vặt, giày vò, hành hạ bởi phải chịu đựng khổ nạn âm thầm trong bóng tối.
Lúc đó, mỗi khi bị đói, khi tôi kéo tay mẹ đòi ăn, chỉ cần mẹ nói ra hai chữ: gắng chịu. Tôi sẽ nhìn thấy trước mắt một màn đêm mơ hồ.
Lúc đó, ngày tết của Trung Quốc, là ngày no đủ của tất cả trẻ con, nhưng cha tôi cũng như rất nhiều người cha khác, mỗi khi nhìn thấy anh chị em chúng tôi vẻ mặt hoan hỉ bởi ngày tết sắp đến, sẽ đều hạ giọng nói ra hai chữ: gắng đợi[2]. Mà lúc này, tôi sẽ lặng lẽ rời xa cha tôi, trốn đi trong sự hoang lạnh không người và trong bóng tối mơ hồ của nội tâm, không còn vui mừng vì ngày tết sắp đến nữa.
Lúc đó, sinh tồn và sống, không phải là việc quan trọng nhất với người Trung Quốc; mà Cách mạng, mới là đại sự duy nhất của quốc gia. Nhưng trong Cách mạng, khi Cách mạng cần cha tôi, mẹ tôi đều nhấc cờ hồng, đến trên phố hô to: “Mao Chủ tịch muôn năm”! cha tôi và người trong thôn, đa phần sẽ từ trong Cách mạng quay đầu lại, bất đắc dĩ tự nói ra hai từ: gắng chịu. Nhưng tôi, khi nghe thấy hai chữ đó, trước mắt tất sẽ có một màn đen buông xuống, giống như là đêm đến giữa ban ngày.
Thế là, tôi đã quá sớm để hiểu rằng, “đen tối” không chỉ là màu sắc, hơn nữa là chính bản thân cuộc sống. Là vận mệnh mà người TQ không thể thoát bỏ và là phương pháp chấp nhận số vận. Sau đó, tôi nhập ngũ, rời xa thôn xóm xa xôi nghèo đói đó, rời mảnh đất đã sinh ra và nuôi dưỡng tôi, cho dù cuộc sống xảy ra điều gì, trước mắt tôi sẽ luôn có sự xuất hiện của bóng tối. Nhưng tôi, ở phía sau bức màn đó, dùng cách chịu đựng sự đen tối để chống lại đen tối, cũng như dùng sức mạnh chịu đựng khổ nạn để chống lại sự khổ nạn của con người.
Đương nhiên, Trung Quốc hôm nay, không phải là Trung Quốc của hôm qua, đã trở nên giàu có và quái gở, bởi vì giải quyết việc ăn no mặc ấm và sinh hoạt của 1.3 tỉ người, cho nên giống như một tia sáng mạnh, một phương Đông đột nhiên lóe sáng trên thế giới. Nhưng dưới ánh sáng mạnh này, cũng giống như ánh sáng càng mạnh, thì bóng tối càng đậm; bóng tối càng đậm, thì sự đen tối cũng theo đó mà trở nên dày đặc hơn, có người ở trong ánh hào quang này cảm nhận được sự ấm áp, tươi sáng và những điều tốt đẹp, nhưng có người lại vì nỗi trầm uất, lo âu và bất an thiên bẩm, mà cảm nhận thấy bóng tối, sự lạnh lẽo phía sau ánh sáng và sự đen tối như màn sương mù bủa vây.
Nhưng tôi, giống như là người mang số phận phải cảm nhận bóng tối. Thế là, tôi nhìn Trung Quốc hôm nay, nó phồn thịnh mà méo mó, nó phát triển mà biến dị, hủ bại, hoang đường, hỗn loạn, những việc phát sinh mỗi ngày, mỗi ngày, đều vượt qua thường lý và thường tình của nhân loại. Những thước đo trật tự tình cảm, trật tự đạo đức và sự tôn nghiêm của con người mà nhân loại dùng cả ngàn năm để dựng xây nên đã giải thể, sụp đổ và biến mất ở chính mảnh đất rộng lớn và lâu đời này, giống như là sợi dây chuẩn pháp luật đã trở thành sợi dây chạc, dây chun trong trò chơi của trẻ con.
Hôm nay, lấy ánh mắt của một nhà văn đi thảo luận các vấn đề chế độ, quyền lực, dân chủ, tự do, thành tín và hiện thực của một quốc gia,… thì đều hiện rõ vẻ lực bất tòng tâm; nhưng đối với nhà văn đó, bởi vì những thứ này vốn không hề chuyển biến tốt, mà lại không ngừng ác hóa, gia tăng vô hạn vô tận – những sự khó khăn sinh tồn mới cụ thể nhất như ăn, uống, cư trú, đi lại, y tế, giáo dục, sinh, lão của con người, làm cho nhân tâm, tình cảm, linh hồn của chúng sinh trong con mắt của nhà văn ấy, từ trước đến nay chưa bao giờ lo âu và bất an, sợ hãi và hưng phấn như vậy. Họ chờ đợi những gì, và sợ hãi những gì, giống như là một người bệnh sắp quỵ ngã, chờ đợi một liều thuốc lành huyễn tưởng, vừa khát vọng thuốc lành sẽ nhanh nhanh tới, nhưng lại sợ sau khi nó tới, sự huyễn tưởng cuối cùng sẽ sụp đổ, và sau đó sẽ là sự ập đến của cái chết. Trong nhà văn đó, trái tim ưu tư của dân tộc đã trở thành bóngtốicủa nơi sáng láng nhất; đã trở thành một mặt khác của bức màn to lớn dưới ánh mặt trời.
Không có ai nói với nhà văn đó, chuyến tàu cao tốc phát triển kinh tế của đất nước, sẽ đưa con người đi tới đâu.
Và cũng không ai nói với nhà văn đó, cho đến hôm nay, trăm năm trở lại đây những phong trào và các cuộc Cách mạng các loại chưa bao giờ ngừng, ở trên đầu mỗi người, đã ủ thành mây đen, sấm chớp, và những tia chớp có thể rạch xé mây đen.
Càng không có ai có thể cho nhà văn đó biết, sau khi kim tiền và quyền lực thay thế lí tưởng của Chủ nghĩa cộng sản, Chủ nghĩa tư bản, dân chủ, tự do, pháp luật và đạo đức, thì nên dùng những giá trị nào để đổi lại nhân tâm, nhân tính, và sự tôn nghiêm của con người.
Tôi còn nhớ hơn 10 năm trước, tôi nhiều lần đến một thôn bệnh AIDS[3]. Thôn trang đó có tất cả hơn 800 người, nhưng lại có hơn 200 người mắc AIDS; hơn nữa năm đó họ lại đều ở trong độ tuổi lao động từ 30 đến 40, 50 tuổi. Bọn họ sở dĩ bị nhiễm AIDS nhiều như vậy, là bởi vì muốn trở nên giàu có trong cải cách, được sống cuộc sống tốt đẹp mà đi bán máu tập thể một cách có tổ chức. Trong thôn trang đó, cái chết giống như mặt trời lặn, tất nhiên và tất nhiên, bóng tối cũng giống như mặt trời vĩnh viễn biến mất từ thiên không, dài lâu và vĩnh hằng. Mà trải nghiệm của tôi ở đó, mỗi khi nghĩ lại, mỗi khi tôi nhìn thấy ánh sáng và ánh trăng chói mắt trong hiện thực, thì đều sẽ trở thành bóng đêm và sự đen tối cực lớn mà tôi không thể nào trốn thoát, chụp lấy tôi, không thể thoát ra.
Tôi biết, ở trên mảnh đất rộng lớn mà đầy hỗn loạn và sức sống này, tôi là một người thừa.
Tôi biết, trên mảnh đất rộng lớn mà đầy hỗn loạn và sức sống này, tôi là một nhà văn thừa.
Nhưng tôi cũng tin chắc rằng, trên mảnh đất rộng lớn mà đầy hỗn loạn và sức sống này, tôi và sáng tác của tôi, hoặc nhiều hoặc ít, sẽ có ý nghĩa không thể thay thế được. Bởi vì, ở đó – cuộc sống, vận mệnh và thượng đế, đã lựa chọn tôi là người sinh ra chỉ có thể cảm nhận về sự đen tối của cuộc sống – tôi giống như đứa trẻ nhìn thấy vị hoàng đế không mặc áo quần, trong ánh sáng, tôi luôn luôn phát hiện ra bóng của cái cây to; trong vở kịch hoan lạc và ca tụng, tôi luôn luôn đứng phía sau bức màn sân khấu. Khi mọi người đều nói ấm áp, tôi cảm thấy lạnh lẽo; khi mọi người đều nói ánh sáng, tôi cảm thấy bóng tối; khi mọi người đều nhảy múa vì hạnh phúc, tôi phát hiện ra có người thít dây thừng dưới chân họ, sắp đem mọi người lật đổ và trói lại. Tôi nhìn thấy trong linh hồn con người có những cái ác không thể tưởng tượng nổi; nhìn thấy trong suy nghĩ của rất nhiều trí thức Trung Quốc và cuộc sống tinh thần của người Trung Quốc, đang bị quyền lực khống chế và hóa giải khi đang ở trong kim tiền và tiếng hát.
Tôi nghĩ đến một người mù 70 tuổi trong xóm nhà tôi, mỗi khi mặt trời lên, ông ta sẽ đối diện với núi đông, nhìn về phía mặt trời, tự mình lẩm nhẩm rằng: “Mặt trời hóa ra có màu đen – như thế cũng tốt!”
Nhưng đến mùa đông, khi mặt trời sưởi ấm, ông ta lại luôn luôn tươi cười tự nói: “Càng đen tối, càng ấm áp!”
Một việc càng kì dị là, người mù cùng thôn với tôi này, từ khi anh ta còn trẻ, đã có vài chiếc đèn pin khác nhau, mỗi khi đi lại vào ban đêm, anh ta đều cầm trên tay chiếc đèn pin đã bật, sắc trời càng tối, chiếc đèn trong tay anh ta càng dài, ánh sáng cũng càng sáng. Thế là, anh ta bước đi trên con đường thôn bị đêm tối nhuộm đen, mọi người nhìn thấy anh ta từ rất xa, nhưng sẽ không đâm vào người anh ta. Hơn nữa, khi chúng tôi lướt qua anh ta, anh ta còn dùng đèn pin soi cho con đường phía trước của bạn, để bạn thuận tiện bước thật xa, thật xa. Để cảm ơn người mù này và ánh sáng trong tay người mù đó, sau khi anh ta chết đi, người nhà anh ta và người trong thôn chúng tôi, khi đi viếng anh ta, đều tặng cho anh ta các loại đèn pin còn đầy pin. Trong quan tài mà anh ta nhập liệm, dường như toàn bộ đều là những chiếc đèn pin có thể phát sáng mà người ta tặng.
Chính từ người mù này, tôi cảm ngộ được một loại sáng tác – nó càng đen tối, thì càng rực sáng; càng lạnh lẽo thì lại càng ấm áp. Toàn bộ ý nghĩa tồn tại của loại sáng tác đó, là để mọi người tránh được sự tồn tại của nó. Mà tôi và sáng tác của tôi, chính là người mù bật đèn pin đi trong bóng tối, đi trong bóng tối, dùng ánh sáng có hạn, chiếu rọi bóng đêm, cố gắng để mọi người nhìn thấy bóng tối để biết tránh đi.
Hôm nay, trong văn học thế giới, văn học Trung Quốc với tư cách là một phần sinh thái chủ yếu của văn học châu Á, chưa bao giờ gặp phải những hiện thực và thế giới tràn đầy hi vọng và cũng tràn đầy tuyệt vọng như bây giờ; chưa bao giờ gặp phải nhiều truyền kì và câu chuyện đầy phong phú, hoang đường và quái dị trong hiện thực như vậy – cái đời thường nhất lại là cái siêu hiện thực; cái đen tối nhất mang tính chân thực nhất. Không có một giai đoạn lịch sử nào, Trung Quốc phương đông lại có thể giống như hiện nay, trong ánh sáng vô hạn, đồng thời lại có những góc khuất, bóng tối và sự mơ hồ ở khắp mọi nơi. Trung Quốc hôm nay, dường như là mặt trời và ánh sáng của cả thế giới này, nhưng cũng có những lo âu và sự đen tối cực lớn cho thế giới.
Mà con người sống trong đó, mỗi ngày, mỗi giờ, đều bị những kích động không tên, những sợ sệt không biết từ đâu và những liều lĩnh không duyên cớ. Nỗi sợ hãi và lãng quên nhìn lại lịch sử, sự khao khát và lo âu trước tương lai, còn đối với hiện thực – mỗi ngày đều kinh động lòng người, đi ngược lại lẽ thường, không có lô gic mà lại tồn tại những sự thực ngầm, logic ngầm, những sự thực và những điều hoang đường, phức tạp, vô trật tự của chủ nghĩa thần thực mà người thường không nhìn thấy, đã cấu thành vùng tối nhất phía dưới ánh sáng, sự đen tối nhất ở nơi sáng láng nhất của Trung Quốc hôm nay. Mà nhà văn, văn học, trong hiện thực và lịch sử của Trung Quốc hôm nay, nhìn thấy ánh sáng vĩ đại nhất, đó là một loại chân thực; nghe thấy bài ca du dương, cũng là một lại chân thực; hư vô, duy mỹ, cũng đều là một loại tồn tại của chân thực. Sự chân thực của Trung Quốc, là một khu rừng sâu cực lớn với ánh sáng, sự xanh tốt, hoa cỏ, chim chóc, nước suối, tất cả tất cả, đều là sự tồn tại của chân thực, mấy chục, trên trăm nhà văn ưu tú, đều ở trong khu rừng sâu đó cảm nhận một Trung Quốc phong phú mà méo mó, mâu thuẫn mà phức tạp, phồn thịnh mà đứt gãy, thể hiện ra sự viết chân thực của mình.
Mà tôi, bởi vì là người được thượng đế và cuộc sống lựa chọn để cảm nhận về bóng tối, số mệnh cũng đã định hiện thực mà tôi nhìn thấy không giống với mọi người. Tôi nhìn thấy sương mù trong rừng sâu, nhìn thấy những hỗn loạn, độc tố và kinh sợ trong màn sương mù đó. Hoặc là nói, rất nhiều người nhìn thấy vẻ đẹp của rừng sâu lúc ban ngày, còn tôi, lại nhìn thấy bóng tối và nỗi sợ hãi của rừng sâu trong đêm tối.
Tôi biết, sự đen tối không chỉ là thời gian, địa điểm và sự kiện, mà còn là nước, không khí, người, lòng người, những tồn tại và hơi thở thường nhật nhất. Nếu như chỉ coi sự đen tối là cái trước, vậy thì cực kì hạn hẹp, sự đen tối thâm u nhất, vô bờ nhất, chính là tất cả mọi người, đều nhìn thấy đen tối, nhưng lại đều nói là tươi sáng và ấm áp. Sự đen tối lớn nhất, chính là sự thích ứng của con người đối với bóng tối; sự đen tối đáng sợ nhất, chính là sự lạnh nhạt và lãng quên của con người với ánh sáng. Vì vậy, chính ở đây, văn học có sự vĩ đại của nó. Bởi vì chỉ có văn học, mới có thể phát hiện ra ánh sáng, vẻ đẹp, sự ấm áp yếu ớt nhất và tình yêu thành thực từ trong bóng tối. Cho nên, mọi cố gắng của tôi, đều là cố gắng từ trong bóng tối cảm nhận sinh mệnh và hơi thở của con người, cảm nhận ánh sáng, vẻ đẹp, sự ấm áp và thương xót vĩ đại ấy. Cảm nhận sự ấm lạnh, no đủ của những linh hồn đói khát.
Bởi vì như vậy, xuyên qua “thời gian, địa điểm và sự kiện”, tôi nhìn thấy trong hiện thực hôm nay bóng tối thường nhật nhất - ở đất nước Trung Quốc có văn minh mấy nghìn năm, điều mà mọi người hôm nay đa phần có thể làm được là khi từng người từng người già ngã xuống trên đường phố, mọi người đều không đến đỡ dậy vì sợ bị lừa gạt, nhưng máu chảy ra từ người già đó, hóa ra cũng lại là màu đỏvà nóng bỏng.
Bởi vì như vậy, một sản phụ chết trên bàn phẫu thuật ở bệnh viện, nhưng tất cả những nhân viên y tế sợ phải chịu trách nhiệm, sau khi tất cả đều trốn tránh, thứ còn lưu lại chỉ có nhân tính và linh hồn hổn hển la hét yếu ớt trong sự lạnh lẽo và bóng tối.
Bởi vì như vậy, sau khi nhà tôi bị ép phải dỡ bỏ đi, tôi cảm thấy sự đen tối thường nhật, phổ biến và cũng kịch liệt hơn là - ở đất nước giàu có mở cửa đó, những người dân vì sự phát triển mà bị ép phải dỡ nhà, bởi vì không có chỗ nào cầu cứu mà không thể không đến đầu phố Bắc Kinh, sau khi uống thuốc tự sát tập thể nhưng được cứu sống, lại có thể có thể bị luận tội “gây rối” mà bị công an bắt đi. Nhưng khi có người báo sự tự sát của họ là “kế hoạch tinh vi”, mọi người lại đều xa lánh, lạnh nhạt, quên đi rất nhanh những khốn cảnh tồn tại mới và những khổ nạn mới của người dân bình thường trong hiện thực, cũng như sự bất an âm thầm khi họ đi trong ánh sáng.
Tôi hiểu được người già Trung Quốc, vì một sự kiện nào đó, không hẹn mà cùng tự sát tập thể - họ không chết vì nghèo đói, bệnh tật, mệt mỏi và đạo đức, mà chết vì nỗi lo lắng nhân sinh, sự bất an vì số phận và sự tuyệt vọng cuối cùng đối với hiện thực và sự đen tối của thế giới. Nhưng tôi, khi đối diện với những điều đó, những bóng tối không thể xua đuổi liên quan đến con người, cuộc sống, hiện thực và thế giới – tôi vẫn chỉ có thể dùng phương thức cá nhân nhất của tôi để cảm tri và viết về thế giới đó. Tôi không có năng lực đẩy cánh cửa sổ nhìn ra ánh sáng của thế giới, không có năng lực từ trong hiện thực và lịch sử hỗn loạn, hoang đường cảm nhận được trật tự và sức mạnh của sự tồn tại của con người. Tôi luôn bị bủa vây bởi bóng tối hỗn loạn, cho nên cũng chỉ có thể từ trong bóng tối cảm nhận ánh sáng của thế giới và cảm nhận tồn tại cũng như tương lai mong manh của con người
Thậm chí có thể nói tôi là một con người của bóng tối. Một người sáng tác độc lập của bóng tối, một linh hồn đam mê sáng tác bị ánh mặt trời ghét bỏ và truy đuổi khắp nơi.
Đến đây, tôi nghĩ đến Job trong “Cựu ước”, sau khi ông ta trải qua vô số những khổ nạn, đã nói với người vợ nguyền rủa ông ta rằng: “Lẽ nào chúng ta được phúc từ bàn tay của Chúa, không phải cũng là chịu họa sao?” Câu trả lời đơn giản nhất này, cho thấy Job ý thức sâu sắc khổ nạn mà ông ta phải chịu, Chúa đã lựa chọn ông ta để mà tôi luyện; cho thấy bóng tối và ánh sáng cùng tồn tại là một loại tất nhiên. Nhưng tôi, không giống như Job là người chịu khổ nạn duy nhất được chúa trời lựa chọn. Nhưng tôi biết, tôi chính là người cảm nhận bóng tối đặc biệt được thượng đế và cuộc sống chọn lựa. Tôi trốn trong sự u tối bên rìa ánh sáng. Tôi ở trong sự u tối và đen tối, cảm nhận thế giới, cầm bút viết, đồng thời từ trong sự u tối, đen tối này kiếm tìm ánh sáng, ánh trăng và sự dịu dàng, kiếm tìm tình yêu, cái thiện và những linh hồn sống vĩnh cửu.
Tôi – nhà văn mang tín ngưỡng văn học đó, cho dù là sống với tư cách cá nhân, hay là với tư cách một người sáng tác, đều vì sự an bài của số phận mà cảm thấy bất an khi cảm nhận bóng tối trong ánh sáng. Nhưng cũng vì vậy, tôi cảm tạ tổ quốc máu thịt thân yêu của tôi, cảm tạ việc ngày một khai minh và bao dung của nó, cho phép sự tồn tại và sáng tác của người mang định mệnh chỉ có thể cảm nhận bóng tối; cho phép một người, luôn luôn đứng phía sau bức màn sân khấu để cảm nhận hiện tại, lịch sử và sự tồn tại của con người và linh hồn con người. Cũng vì vậy, cảm ơn hội đồng bình xét giải thưởng văn học Kafka, hôm nay đã đem giải thưởng văn học trong sạch, thuần khiết này trao cho tôi. Giải thưởng mà các ngài trao tặng cho tôi, không phải là Job sau khi đã trải qua rất nhiều đen tối và khổ nạn đạt được ánh sáng và giàu có, mà là trao cho một người nô bộc cảm nhận khổ nạn nhưng là kẻ duy nhất trốn ra báo tin[4] – người mù đi trong đêm tối đó một chùm ánh sáng. Bởi sự tồn tại của chùm ánh sáng này, người sinh ra để cảm nhận bóng tối đó tin rằng, trước mắt anh ta là ánh sáng; bởi vì vùng ánh sáng này, mọi người có thể nhìn thấy sự tồn tại của bóng tối, thì có thể tránh được sự đen tối và khổ nạn một cách hiệu quả hơn.
Mà kẻ nô bộc hoặc người mù ấy, cũng có thể trên con đường đêm tối mà anh ta báo ra tín hiệu, khi mọi người và anh ta vội vã bước qua nhau, đi chiếu sáng một đoạn đường cho người phía trước – cho dù chỉ là một đoạn đường ngắn ngủi.
Tháng 10 năm 2014
Minh Thương dịch
[1]Nguyên tác, tác giả dùng từ 熬煎, nghĩa là sự dày vò, chịu hành hạ, chịu đau đớn, vò xé. Ở đây chúng tôi dịch thoát nghĩa.
[2]Nguyên tác vẫn dùng từ 熬煎(N.d)
[3]Khi dịch AIDS bùng nổ ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, Diêm Liên Khoa đã đóng vai phụ tá cho một bác sĩ đi đến những thôn làng bị bệnh AIDS của tỉnh Hà Nam, từ những thu thập khảo sát của mình, ông đã đưa những hủ bại về nguyên nhân, thực trạng bùng nổ căn bệnh ra ánh sáng thông qua hình thức hư cấu được thể hiện trong tiểu thuyết Đinh trang mộng. Cuốn tiểu thuyết này sau khi xuất bản đã bị chính quyền cấm, nhưng nó đã gây tiếng vang lớn ở Trung Quốc và được đánh giá cao trên thế giới, lọt vào vòng xét giải sau cùng của giải thưởng văn học quốc tế Man Booker 2003. (N.d)
[4]Chỉ người mù cầm đèn pin báo tín hiệu cho người đi đường không đâm phải anh ta (N.d)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét