Công trình “Trên đường biên của Lý luận văn học” của GS.TS Trần Đình Sử do NXB Văn học vừa ra mắt bạn đọc cuối năm 2014. Nhận thấy công trình này vừa có giá trị học thuật, vừa có ý nghĩa thời sự đối với đời sống văn học nói chung và khu vực nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học nói riêng (NC, LL, PB), các cán bộ giảng dạy và nghiên cứu của Khoa Viết văn-Báo chí đã tiến hành buổi tọa đàm văn học xung quanh những vấn đề đặt ra từ cuốn sách này. Buổi sinh hoạt học thuật đã thu hút sự có mặt của nhiều nhà NC, LL-PB: Lại Nguyên Ân, La Khắc Hòa, Đỗ Lai Thúy, Trương Đăng Dung, Nguyễn Hùng Vĩ, Phạm Xuân Nguyên, Lưu Khánh Thơ, Phùng Ngọc Kiếm, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Xuân Đức, Nguyễn Xuân Diện, Trần Ngọc Hiếu, Đoàn Anh Dương,Tuyết Minh, Mai Anh Tuấn, Thúy Hồng; một số nhà văn: Đoàn Tử Huyến, Phạm Duy Nghĩa, Uông Triều; cùng các học viên cao học và nghiên cứu sinh, các sinh viên trong và ngoài trường.
(Nhà văn Văn Giá tặng hoa GS Trần Đình Sử)
Mở đầu Tọa đàm, nhà NCPB Văn Giá, thay mặt cho cơ quan chủ trì Tọa đàm, đã phát biểu mục đích của buổi sinh hoạt học thuật và thay mặt Khoa VV-BC tặng bó hoa tươi thắm chúc mừng GS Trần Đình Sử.
Trong vai trò dẫn chuyện, nhà NC-PB Phạm Xuân Nguyên đã giới thiệu đôi nét về con đường học thuật và những đóng góp của GS Trần Đình Sử vào nền văn học, nhất là khu vực LLVH. Ông Phạm Xuân Nguyên khẳng định Trần Đình Sử là một nhà nghiên cứu hàn lâm, một người được đào tạo chính quy ở Việt Nam, Liên Xô và Trung Quốc trước đây, một người hoạt động chuyên nghiệp thực sự. Ông rất tâm đắc với nhan đề quyển sách, và cho rằng một người ở tuổi 75 như GS Trần Đình Sử thật đáng khâm phục khi GS hàng ngày vẫn luôn cập nhật đời sống văn học, và cũng rất hiện đại trong việc tiếp nhận, giới thiệu, ứng dụng các thành tựu LLVH thế giới.
(GS Trần Đình Sử trình bày vắn tắt những nội dung chính của cuốn sách)
Để tạo điều kiện cho việc chia sẻ và trao đổi, GS Trần Đình Sử trình bày tổng quan về kết cấu và các vấn đề đặt ra của cuốn sách. Công trình được chia làm 3 phần: 1) Mấy vấn đề lý luận Marxist và lý thuyết hiện đại; 2) Mấy vấn đề thực tiễn LL, PB, NC văn học Việt Nam; 3) Mấy vấ đề thi pháp học. Sau khi có một vài điểm nhấn ở phần 2 và 3, ông tập trung thuyết trình phần 1 với một số vấn đề cơ bản.
Thứ nhất, ông cho rằng nền LLVH ở Việt Nam trước đây về cơ bản là nền LLVH được du nhập từ Liên Xô và Trung Quốc. Điểm mấu chốt nhất của các nền LL này là có sự phân biệt rạch ròi, dứt khoát giữa lý luận Marxist và phi Marxist. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới hôm nay, không có sự đối lập này nữa, mà giữa chúng có sự thâm nhập, giao lưu, trao đổi lẫn nhau để làm giàu có cho nhau. Điều đáng lo ngại ở Việt Nam hiện nay là: tại quê hương của lý luận Marxist đã có sự thay đổi rất mạnh mẽ, trong khi ở ta vẫn chưa có thay đổi là bao. Nên công trình đã nêu lên một số vấn đề bất cập của LLVH ở VN hiên nay.
Thứ hai, trong công trình của mình, GS Trần Đình Sử đã cố gắng định vị nền LLVH Marxist đang ở đâu trên bản đồ LLVH thế giới. Ông cho rằng: nền LLVH Marxist mà ta đang theo chỉ là một bộ phận của nền LLVH Marxist trên thế giới, bởi ở phương Tây có cả một khuynh hướng nghiên cứu LL Marxist với nhiều tên tuổi và thành tựu lớn: G. Lukács, W. Benjamin, Theodor W. Adorno, A. Gramsci, L.Goldmann, T. Eagleton…Thêm nữa, cũng cần phải khẳng định rằng LLVH Marxist cũng chỉ là một bộ phận của nền LLVH thế giới.
Đi vào cụ thể hơn, nhà LL Trần Đình Sử nêu lên 4 vấn đề rất cần được suy nghĩ lại trong bối cảnh LLVH hôm nay: 1) văn học và ý thức hệ; 2) văn học và hiện thực; 3) hình tượng văn học; 4) phương pháp sáng tác.
Ở vấn đề 1, ông nhấn mạnh việc cần phải nhận diện và phân biệt một số khái niệm như: Ý thức hệ chính đảng và ý thức hệ giai cấp, ý thức hệ chỉnh thể và ý thức hệ bộ phận; theo đó, ý thức hệ chỉnh thể là điểm quan trọng nhất chi phối sáng tạo văn học.
Trong vấn đề 2, ông nêu lên một điểm rất đáng chú ý: Phản ánh luận của Lenin (trong cuốn “Chủ nghĩa kinh nghiệm và chủ nghĩa duy vật”, được viết năm 1909) chưa đặt ra vấn đề ngôn ngữ, bởi ông chưa có điều kiện được tiếp cận với công trình “Hệ tư tưởng Đức” của Marx và Engels tận năm 1932 (sau khi Lenin qua đời được 9 năm) mới xuất bản (xem trang 54 trong công trình “Trên đường biên của LLVH”- CS). Vì thế, tuy vẫn cần thừa nhận phản ánh là cội nguồn của văn học, nhưng nó phải quan tâm tới ngôn ngữ, xem ngôn ngữ là bản chất của văn học, văn học không làm nhiệm vụ sao chụp hiện thực mà là kiến tạo bức tranh về thế giới.
Với vấn đề 3, khi đề cập tới hình tượng văn học, LLVH của ta lâu nay không đề cập tới tính ký hiệu (ngôn ngữ) và tính giao tiếp nghệ thuật. Trong khi đó, với sự phát triển của LLVH hiện đại, cần phải hiểu hình tượng chỉ là một ký hiệu cần giải mã, mang tính giao tiếp, không phản ánh trực tiếp thực tại (với những sự vật này, con người nọ) mà là phản ánh ý nghĩa của thực tại.
Vấn đề cuối cùng, ông cho cho rằng trong các giáo trình LLVH ở ta hiểu phương pháp sáng tác (cổ điển, lãng mạn, hiện thực, hiện thực XHCN…) không phải như một chủ thuyết hoàn bị mà như một lý thuyết về phương pháp sáng tác đã bị ý thức hệ hóa; trong khi đó phương pháp sáng tác chỉ thuộc về mỗi cá nhân, không có phương pháp chung, cũng vì thế không ai có thể dạy ai phương pháp sáng tác được.
Tuy phần 1 của công trình còn đề cập đến một số vấn đề của LLVH hiện đại, trong đó ông nhấn mạnh đến lý thuyết diễn ngôn, lý thuyết giải cấu trúc trên thế giới và ứng dụng chúng vào nghiên cứu văn học VN, nhưng do thời lượng có hạn, diễn giả không thể trình bày được hết/kỹ. Ông chỉ xem đây là những gợi ý để chia sẻ và mong nhận được sự đối thoại từ phía đồng nghiệp và cử tọa.
Dưới đây là một số ý kiến trao đổi tiêu biểu:
(PGS.TS La Khắc Hòa cho rằng
GS Trình Đình Sử truy vấn nhiều vấn đề LLVH quan trọng)
- PGS.TS La Khắc Hòa: Tôi cho rằng chỗ hay nhất của quyển sách là tầm quan trọng của một hệ vấn đề mà GS Sử đã đặt ra, trong đó tập trung vào hai vấn đề lớn: 1) Tác giả tiến hành truy vấn lại hầu hết những tri thức LLVH mà những người làm văn học được trang bị lâu nay. Thực chất hệ thống giáo dục học đường về văn học hiện nay vẫn mang sức ì như cũ; 2) GS Sử cho rằng muốn kiến tạo một nền LLVH mới không có cách nào khác là phải đi từ ký hiệu học văn hóa.
(PGS.TS Trương Đăng Dung, người nhiều năm nghiên cứu G. Lukács)
- PGS.TS Trương Đăng Dung: Tôi đồng ý cho rằng công trình của GS Trần Đình Sử có giá trị truy vấn lại những giá trị cũ. Ông Lukacs là nhà nghiên cứu đầu tiên xây dựng mỹ học Marxist tuy rất xuất sắc, nhưng ông chỉ đề cao tính khách thể, chứ chưa đề cập đến tính chủ thể của sáng tạo nghệ thuật. Lâu nay trong sinh hoạt học thuật ở ta, người ta vẫn nhầm lẫn giữa nghi lễ học thuật với bản chất học thuật. Công trình của nhà nghiên cứu Trần Đình Sử đặc biệt có ý nghĩa gợi mở, thúc đẩy tư duy nghệ thuật ở ta hiện nay, chống lại sự mô hình hóa giản đơn về văn học - một cách làm nghèo văn học.
(PGS.TS Đỗ Lai Thúy đề cập đến hai mô hình làm mới LLVH)
-PGS.TS Đỗ Lai Thúy: Nhìn lại thời Đổi mới văn học, về cơ bản là đổi mới từ trên xuống, có tính chính sách xã hội chứ LLVH chưa đổi mới thực sự. Bây giờ là thời kỳ hội nhập (có thể gọi là Hậu đổi mới) cần phải làm mới lại LLVH. Hiện có hai mô hình để làm mới LLVH: 1) phê phán cái cũ để xây cái mới; 2) lấy cái hoàn toàn mới để làm mới. GS Trần Đình Sử đã lựa chọn mô hình thứ nhất. Cũng tất nhiên thôi với một người được đào tạo như vậy. Tuy nhiên, thế hệ những người nghiên cứu trẻ hiện nay nên lựa chọn mô hình thứ hai. Họ không ở trong cái chăn cũ thì đâu biết chăn có rận ? Nếu mà bây giờ vẫn nói khái niệm “phản ánh” chẳng hạn, thì vẫn bị vướng víu vào những định đề cũ, khi đó văn học vẫn chỉ được hiểu là công cụ.
(TS Trần Ngọc Hiếu cho rằng VN hiện nay không có cái gọi là cao trào du nhập lí thuyết)
-TS Trần Ngọc Hiếu: Thế hệ tôi được đào tạo trong một cái khung LLVH cũ. Cách đây chừng 8-9 năm, tôi đã từng có ý nghĩ phải làm khác hoàn toàn những gì của LLVH cũ. Nhưng bây giờ, khi tôi làm việc bằng tiếng Anh, đọc và dịch, tôi mới vỡ ra rằng mình vẫn vướng víu nhiều cái của LLVH trước. Rất khó. Tuy nhiên, tôi cho rằng trên thế giới hiện nay, họ làm LLVH theo cách là những chất vấn chứ không theo cách chỉ định nghĩa như truyền thống nữa. Và có lẽ LLVH mới phải hướng tới tính liên ngành, không thể chỉ khép kín trong địa hạt văn học.
(Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nói đến sự thờ ơ LLVH của giới sáng tác)
-Nhà NCPB Lại Nguyên Ân: Cảnh quan chung của lý thuyết văn học ở ta hiện nay theo tôi đang rất u ám. Nhìn vào các sinh hoạt văn học đây đó thì thấy rõ. Tôi chỉ tiếc rằng cuốn sách của anh Sử chưa đẩy được vào giới sáng tác được là bao. Hay là cánh viết báo chí về văn học cũng vậy, rất cần phải thanh toán những thứ giai thoại vớ vẩn kiểu như: Nguyễn Tuân bảo khi nào chết thì lôi mấy thằng phê bình xuống cùng để nói chuyện chơi…
-Nhà NCPB Văn Giá: Thưa anh Lại Nguyên Ân và các quý vị, trước buổi Tọa đàm này, tôi có mời một số nhà văn, trong đó có những người bạn của tôi, nhưng cũng thấy ít được hưởng ứng. Có thể, đơn giản chỉ là họ bận nên không đến được thôi. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng giới nhà văn ở ta thường là rất ngại đọc lý thuyết, kể cả các công trình trong nước và nước ngoài…Chuyện này, thế giới họ khác.
-Nhà NCPB Mai Anh Tuấn: Có lắm khi tôi rất sợ tuổi già và người già. Nhưng khi tôi đọc vào GS Trần Đình Sử và một vài người khác (không nhiều) đưa lại cho tôi một sự ấm áp và vững tin. Công trình của thầy Sử có tính phản biện cao, đặc biệt là sự hóm hỉnh thông thái. Điều này làm nên sự sâu sắc và thú vị của công trình.
(PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp khẳng định cốt cách trí thức của GS Trần Đình Sử)
-PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp: Tên của cuốn sách rất hay. Một người có trải nghiệm sâu sắc vừa phương Đông vừa phương Tây như GS Sử mới có thể đi “trên đường biên” như vậy. Quyển sách cho chúng ta cùng nghĩ về những điều mới. Cái chất giễu có được trong công trình giúp ta thoát khỏi sự giáo điều. Tôi cho rằng, đọc vào công trình này, thấy được ở tác giả một cốt cách trí thức trong một nhà khoa học.
Cuối cuộc Tọa đàm, GS Trần Đình Sử có mấy lời cảm ơn và tâm sự rằng: Là một người được đào tạo bài bản ở Trung Quốc và Liên Xô trước đây, được tiếp thu kỹ LLVH Marxist, nhiều năm giảng dạy nó trên nhà trường đại học, thực tình, tôi thấy LLVH của ta hiện đã quá cũ rồi. Nên, tôi thấy mình có trách nhiệm làm rõ những ngộ nhận trước đây mà hiện nay vẫn còn rất nặng. Thí dụ, đối với các bạn giảng dạy, khi nói về phản ánh hiện thực, thay vì nói phản ánh, các bạn cần nói “kiến tạo bức tranh hiện thực”, hay nói về hình tượng văn học, cần phải nói “hình tượng là một ký hiệu nghệ thuật”… thế là tốt lắm rồi. Đổi mới LLVH là công việc của nhiều người, nhiều thế hệ, nhất là phải trông và tin vào thế hệ trẻ. Trong một thời lượng có hạn, không thể trình bày hết/kỹ những vấn đề LLVH mà tôi đặt ra trong cuốn sách này. Tôi chỉ mong mọi người đọc sách của tôi để hiểu đúng và chia sẻ những điều mà tôi đã thể hiện trong đó.
(GS Trần Đình Sử chụp ảnh kỉ niệm cùng các nhà NCPB)
Thay mặt đơn vị tổ chức Tọa đàm, nhà NCPB Văn Giá đã nói lời cảm ơn và chúc mừng năm mới tới tất cả các vị cử tọa, đặc biệt kính chúc GS Trần Đình Sử luôn vững tay nghề, tiếp tục có những đóng góp mới vào nền văn học nước nhà.
-
C.S
nguồn: http://vietvan.vn/vi/bvct/id3773/Khung-hoang-li-luan-van-hoc-va-nhiem-vu-kien-tao-mot-nen-li-luan-moi/
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét