Tác giả: Chu Lập Nguyên Sinh năm 1945, Giáo sư khoa Trung Văn Đại học Phúc
Đán, Trung Quốc
Tóm tắt:
Từ thời kì mới, trong quá trình dịch giới thiệu, nghiên cứu lí luận chủ nghĩa hậu
hiện đại phương Tây, giới lí luận văn nghệ Trung Quốc không tránh khỏi tiếp nhận
nhiều ảnh hưởng phức tạp đan xen nhau, về đại thể, ảnh hưởng này có thể khái
quát thành hai mặt tích cực và tiêu cực. Bài viết chủ yếu phê phán ảnh hưởng
tiêu cực của lí luận chủ nghĩa hậu hiện đại ở Trung Quốc, cụ thể là: triệt để
phủ định đại tự sự dẫn đến xóa bỏ căn bản quan điểm duy vật lịch sử của mĩ học,
văn nghệ học; tư tưởng chủ nghĩa phản bản chất của nó bị lí giải và sử dụng
thái quá dễ dẫn đến triệt để xóa bỏ bản chất; cường điệu hóa chủ nghĩa phi lí
tính, kích thích khuynh hướng tiêu cực của chủ nghĩa cảm quan trong lí luận và
văn nghệ Trung Quốc; có khuynh hướng phản nhân đạo chủ nghĩa, phản nhân bản chủ
nghĩa, không có lợi cho sự phát triển của sáng tác văn nghệ và lí luận; “phản đối
diễn giải, có nghĩa là đi từ trung lập giá trị đến hư vô giá trị.
Việc truyền bá
và tiếp nhận tư tưởng lí luận chủ nghĩa hậu hiện đại phương Tây ở Trung Quốc
không hề thuận buồn xuôi gió. Thời kì trước những năm 80 của thế kỉ 20, lí luận
chủ nghĩa hậu hiện đại bắt đầu thâm nhập vào Trung Quốc, lần lượt trải qua thời
kì dịch giới thiệu và thời kì phát triển, thời kì thúc đẩy phát triển (những
năm 90), thời kì cao trào và thời kì có những biến động mới (từ đầu thế kỉ 21),
và đã đạt được thành tựu vô cùng to lớn, những chuyên luận và sách dịch về chủ
đề này có đến hơn trăm cuốn, những bài viết liên quan có đến hàng nghìn, cho
nên ảnh hưởng của nó là không thể phủ nhận. Theo tôi, ảnh hưởng tích cực của nó
là đã tham gia vào việc đổi mới lí luận văn học Trung Quốc, gợi mở tư duy. Tuy ảnh
hưởng tích cực chiếm vị trí chủ đạo nhưng chúng ta cũng nên tỉnh táo đối với những
ảnh hưởng tiêu cực. Bài viết này chủ yếu phê phán ảnh hưởng tiêu cực của lí luận
chủ nghĩa hậu hiện đại trên một số phương diện sau:
1. Chủ nghĩa hậu hiện đại phủ nhận
triệt để đại tự sự dẫn đến hóa giải căn bản quan điểm duy vật lịch sử của mĩ học
và văn nghệ học
Đại tự sự (grand
narrative) và tiểu tự sự (little narrative) là khái niệm do Jean-Francois
Lyotard đề xuất trong cuốn “Hoàn cảnh hậu hiện đại”. Lí luận văn học đương đại
Trung Quốc chịu ảnh hưởng vô cùng sâu sắc của lí luận đại tự sự chủ nghĩa hậu
hiện đại. Khái niệm “đại tự sự” trong một thời kì khá dài xuất hiện rất nhiều
trong những trước tác, văn chương phê bình và những bài viết liên quan, tần suất
sử dụng rất cao, trở thành diễn ngôn thời thượng, tuy nhiên, sự sử dụng phần lớn
không phù hợp với nguyên nghĩa của nó, thường có sự hiểu lầm, nhầm lẫn. Hơn nữa,
chúng ta không thể phủ nhận một số gợi ý của nó đối với việc xây dựng lí luận
văn nghệ Trung Quốc.
Nhưng nhìn
chung, lí luận chủ nghĩa hậu hiện đại phủ nhận toàn bộ đại tự sự, cho nên đã bộ
lộ rất nhiều mặt tiêu cực. Lyotard rõ ràng coi chủ nghĩa Marx là một ví dụ tiêu
biểu của đại tự sự. Quan điểm duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác là vũ khí tư tưởng
lớn mạnh giải phóng toàn nhân loại, lại là một hệ thống lí luận vô cùng chặt chẽ,
hiển nhiên vừa là tự sự giải phóng, vừa là tự sự tư biện, là đại tự sự mà chủ
nghĩa hậu hiện đại ra sức phản đối và muốn hóa giải. Điểm chí mạng của việc chủ
nghĩa hậu hiện đại hóa giải đại tự sự là triệt để phủ nhận quan điểm duy vật lịch
sử, phủ nhận sự phát triển khoa học xã hội nhân văn, làm cho nó dừng lại ở việc
miêu tả biểu hiện bề mặt vụn vặt. Fredric Jameson – nhà nghiên cứu uy tín về chủ
nghĩa hậu hiện đại cũng không hề tán đồng quan điểm hóa giải đại tự sự, khi trả
lời luận điệu thời thượng “lí luận đã chết”, ông đã chỉ ra một cách trực tiếp
là có rất nhiều “kinh điển lí luận” đang tiếp tục phát huy tác dụng trong thời
đương đại, “kinh điển lí luận” không chỉ bao gồm những trước tác cơ bản, như lí
luận nhân loại học cấu trúc của Lévi-Strauss, mà còn bao gồm cả kinh điển của
quá khứ - quay ngược trở về với Mác và Freud, và những văn bản kinh điển của
các nhà lí luận khác”, ông đặc biệt nhấn mạnh, “có thể khẳng định rằng, muốn né
tránh Marx và Freud trong các trước tác lí luận là không thể được, vì hai người
đã chạm đến kinh nghiệm của toàn bộ nhân loại, hiện thực kinh tế xã hội và hiện
thực tâm lí của toàn bộ xã hội” (1), cho nên không thể né tránh đại tự sự. Nếu
như triệt để phủ nhận đại tự sự thì mọi cách tân văn nghệ học đều sẽ rơi vào hư
không, vì lí luận văn nghệ tuyệt đối không thể xa rời sự chỉ đạo của quan điểm
duy vật lịch sử với tư cách là cơ sở lí luận. Nếu như xóa bỏ tất cả mọi thứ gọi
là đại tự sự của quan điểm duy vật lịch sử, trong nghiên cứu một số vấn đề cụ
thể (tiểu tự sự), lí luận văn học có thể được thúc đẩy, nhưng khung lí luận tổng
thể, quy luật hình thành và phát triển của lịch sử văn học, tính hệ thống, tính
logic của nó bị hóa giải sẽ làm cho văn nghệ học rơi vào nguy cơ khoa học thực
sự.
Thực ra, không chỉ thuyết “hình thái ý thức thẩm mĩ” văn
học mới như vậy, từ thời kì mới đến nay, rất nhiều chuyên luận văn nghệ học và
giáo trình của Trung Quốc đều theo đuổi xây dựng hệ thống lí luận với quan niệm
tương đối nhất quán và logic chặt chẽ, mang tính chất “tự sự tư biện” trong đại
tự sự. Theo tôi, theo đuổi tính tư biện và tính hệ thống trong các trước tác lí
luận khoa học xã hội nhân văn là một bước phát triển lớn thể hiện tính tự giác
lí luận của giới học thuật Trung Quốc. Nếu như thực sự hóa giải toàn bộ đại tự
sự trong đó có tự sự tư biện, e rằng lí luận văn học Trung Quốc chỉ có thể tiến
đến cào bằng hóa, giản đơn hóa, vụn vặt hóa, từ đó đi đến suy thoái.
Cần phải chỉ ra rằng, tuyệt đại đa số học giả Trung Quốc sử
dụng một cách phủ định khái niệm “đại tự sự”, chứ không thừa nhận sự phủ định của
Lyotar đối với chủ nghĩa Marx, họ chủ yếu mượn tính chống đối của khái niệm hậu
hiện đại trong nghiên cứu lí luận chủ nghĩa giáo điều, điều này là hợp lí,
nhưng trên thực tế lại là chỉ dừng ở việc lí giải ý nghĩa mặt chữ của khái niệm
đại tự sự nên dẫn đến hiểu lầm và sử dụng sai. Có thể thấy, tư tưởng phủ nhận
triệt để, hóa giải triệt để đại tự sự của chủ nghĩa hậu hiện đại, trong lĩnh vực
văn nghệ học là có hại và trên thực tế là không hợp lí.
2. Tư tưởng phản bản chất chủ nghĩa hậu hiện đại bị hiểu và lợi dụng thái
quá dễ rơi vào cạm bẫy của việc triệt để hóa giải bản chất
Triết học không đồng
nhất hoặc triết học khác biệt của chủ nghĩa hậu hiện đại phê phán triết học đồng
nhất từ thời Hegel là chủ nghĩa bản chất. Vì triết học đồng nhất cho rằng, phía
sau hiện tượng của sự vật bất kì đều có “bản chất” quyết định sự vật đó là thế
này hay thế khác, nó là cơ sở của tính đồng nhất. Chủ nghĩa hậu hiện đại phê
bình triết học đồng nhất đã sản sinh ra quan niệm bản chất chủ nghĩa, mà chỗ dở
nhất của nó là đã coi nhẹ hoặc che đậy tính khác biệt, đặc tính và nét riêng của
sự vật. Adonor đã khẳng định tính đa nguyên, tính đa tầng và tính quá trình (4),
tính sinh thành và tính phức tạp của bản chất nghệ thuật, điều này có nghĩa là
chúng ta nên từ bỏ nỗ lực tìm kiếm bản chất duy nhất, cố định bất biến của nghệ
thuật. Nếu như chỉ lí giải như vậy, theo tôi, phản bản chất chủ nghĩa có tính hợp
lí của nó, và có giá trị gợi ý cho việc xây dựng đổi mới lí luận văn học của
chúng ta. Nhưng lí luận chủ nghĩa hậu hiện đại không dừng ở đó, nó đẩy tính
sinh thành, tính quá trình đến cực đoan, từ đó về căn bản đã hóa giải phạm trù
bản chất và tất cả tính khả năng của nhận thức đối với bản chất. Nó nhấn mạnh
tính sinh thành, tính quá trình của nghệ thuật cũng thể hiện ra là tính phiến
đoạn, tính phi logic, quan hệ giữa chúng là quan hệ sinh thành động. Vì thế, theo
họ bản chất của nghệ thuật cũng không thể xác định (5). Như vậy, ngoài quan hệ, quá trình, sinh thành
và lịch sử, bản chất của nghệ thuật chỉ còn lại là tính không xác định, không
thể nắm vững, cho nên bất kì sự cố gắng tìm hiểu bản chất nghệ thuật đều trở
nên vô nghĩa. Người viết cho rằng, chủ nghĩa phản bản chất ở đây đã hơi thái
quá. Giải cấu trúc của Derida lại đi xa hơn. Ông phát minh ra một hệ thống thuật
ngữ để hóa giải tính khả năng của bản chất và nhận thức bản chất. Ví dụ như
“phát tán” chỉ văn bản là đa nghĩa, mà đa nghĩa của nó là phiến đoạn và tản mạn,
nó “đã chứng thực sự thay đổi không có điểm dừng”(6); “phát tán” không phải là
chủ nghĩa hoàn nguyên, “một trong hàm nghĩa cơ bản của “phát tán” chính là hoàn
nguyên văn bản thành… tính không thể của hiệu quả, như ý nghĩa, nội dung, luận
điểm hoặc chủ đề…”(7), càng không thể tìm kiếm, hoàn nguyên bản chất cố hữu của
văn bản. Ở đây, chủ nghĩa giải cấu trúc hậu hiện đại giải cấu chủ nghĩa bản chất
đã vượt quá “độ” rất xa, bản thân sách lược của phản bản chất chủ nghĩa đã rơi
vào chủ nghĩa hư vô. Chủ nghĩa phản bản chất thái quá này cũng được phản ánh trong
lí luận đương đại Trung Quốc, tập trung biểu hiện trong thảo luận về vấn đề
biên giới văn học và nghệ thuật học. Có học giả máy móc áp dụng chủ nghĩa phản
bản chất, phát ngôn một cách thiếu căn cứ rằng Trung Quốc đương đại đã bước vào
“thẩm mĩ hóa đời sống thường nhật” rồi. Lí do của nó là cách mạng truyền thông đã
làm cho ranh giới giữa văn học nghệ thuật và đời sống thường nhật được thẩm mĩ
hóa dần dần biến mất, một loạt dạng thức thiếu thẩm mĩ hóa vốn thuộc về vành
đai bên ngoài ồ ạt thâm nhập vào khu vực văn nghệ. Nên thấy rằng, “biên giới”
văn học mà chúng ta gọi, trên thực tế chính là chỉ bản chất của văn học hoặc
quan niệm về bản chất của văn học. Căn cứ lí luận của họ là, biên giới và bản
chất của văn học do con người xây dựng trong quá trình lịch sử, luôn nằm trong
sự biến động không ngừng, vì thế nó không xác định. Sự biến động và không xác định
của biên giới văn học trên thực tế là sự biến động và không xác định của bản chất
của văn học và quan niệm về bản chất văn học. Nên thừa nhận, cho rằng biên giới
và bản chất của văn học không ngừng biến động là có lí, nhưng hoàn toàn phủ nhận
tính tất yếu và tính khả năng của việc nghiên cứu thì lại là thái quá, dùng “thẩm
mĩ hóa đời sống thường nhật” để giải thích sự mất hiệu quả của biên giới thẩm
mĩ của văn học đương đại chính là biểu hiện của sự thái quá này. Quả thật,
trong lịch sử phát triển văn học, biên giới của văn học và quan niệm về bản chất
văn học nhìn chung luôn không xác định, luôn nằm trong sự biến động. Quan niệm về
bản chất văn học, lí giải về hàm nghĩa bản chất “văn học” (biên giới và phạm vi của văn học), đều đã trải
qua quá trình từ rộng đến hẹp, rồi lại từ
hẹp đến rộng. Từ “văn học” (literature) của phương Tây từ lâu đều được
dùng với nghĩa rộng, chỉ các loại văn hiến và tác phẩm sử dụng ngôn ngữ văn tự,
chỉ có “thơ” về cơ bản mới tương đương với văn học theo nghĩa hiện đại. Mãi đến
thế kỉ 18, quan niệm bản chất văn học theo nghĩa hẹp với tư cách là nghệ thuật
ngôn từ (thẩm mĩ) mới được xác lập và dần dần được tiếp nhận rộng rãi. Đây là lần
biên giới của văn học thay đổi từ rộng đến hẹp. Từ thế kỉ 19, cùng với sự phát
triển của xã hội hiện đại, cách mạng khoa học kĩ thuật và cách mạng truyền
thông, loại hình, dạng thức văn học Trung Quốc và thế giới cũng không ngừng
thay đổi. Một số loại hình văn học trước đây không có đã xuất hiện, như văn học
điện ảnh, văn học truyền hình, văn học mạng..; một số loại hình văn học vốn đã
có cũng xuất hiện rất nhiều biến thể, ví dụ thể loại tiểu thuyết, không những
có trường thiên, trung thiên, đoản thiên, còn có thêm tiểu thuyết ngắn, truyện
cực ngắn, truyện trên điện thoại…, sự ra đời của tản văn văn hóa cũng là một loại
mới bổ sung thêm cho văn bản tản văn. Đây lại là lần biến động từ hẹp đến rộng
của biên giới, phạm vi văn học. Nhưng
hai lần biến động trong lịch sử quan niệm văn học tính chất không giống nhau. Lần
trước là sự thay đổi thực sự để xác định
bản chất thẩm mĩ và biên giới của văn học. Từ đó, văn học đã có bản chất đặc
thù riêng xác định, biên giới và phạm vi này tuy về lượng còn có thể mở rộng hoặc
thu nhỏ, nhưng đến nay vẫn có bản chất tương đối ổn định, nếu đột phá hoặc vượt
qua đặc tính bản chất này thì sẽ đột phá biên giới thực sự quyết định văn học
là văn học, và sẽ tiến tới phi văn học, trên thực tế cũng làm biến mất biên giới
tự thân của văn học. Theo tôi, lần biến đổi sau chỉ là sự mở rộng và biến đổi về
lượng, chỉ là sự mở rộng mang tính co giãn biên giới và phạm vi của văn học trong
tình huống bản chất thẩm mĩ của văn học chưa phát sinh thay đổi căn bản, chứ
không phải sự thay đổi tính chất căn bản của biên giới. Cho nên, sự thay đổi lần
thứ hai đã mở rộng bản đồ văn học về lượng, chứ không dẫn đến làm tiêu biến
biên giới văn học; và điều đó đã chứng minh tính hữu hiệu, tính hợp pháp của bản
chất thẩm mĩ và biên giới văn học vẫn tồn tại.
Tóm lại, chủ
nghĩa phản bản chất thái quá của lí luận chủ nghĩa hậu hiện đại, cuối cùng chỉ
có thể đi đến chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa hư vô. Quả thực nó đã tạo ra một
số ảnh hưởng tiêu cực đối với lí luận đương đại Trung Quốc. Nhưng thông qua
tranh luận học thuật, thảo luận về cơ chế học thuật của giới lí luận văn nghệ, ảnh
hưởng tiêu cực này được giảm xuống và tiêu hóa một cách có hiệu quả, thúc đẩy
nhận thức biện chứng của mọi người về chủ nghĩa phản bản chất.
3. Cường điệu hóa chủ nghĩa phi lí tính hậu hiện đại
phương Tây tạo ra khuynh hướng tiêu cực - chủ nghĩa cảm quan trong lí luận và văn nghệ Trung Quốc
Chủ nghĩa phi lí tính và lí luận chủ nghĩa hậu hiện đại bắt
nguồn từ trào lưu chủ nghĩa hiện đại, từ Schopenhauer, Nietzsche, Benedetto
Croce, Bergson, Freud đến chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa huyền ảo, chủ nghĩa hiện
sinh…. Lí luận chủ nghĩa hậu hiện đại khi phê phán tính hiện đại lại không phê
phán tư tưởng phi lí tính của nó, ngược lại, ở một mức độ nào đó lại cường điệu
hóa nó, đặc biệt trong lĩnh vực văn nghệ và thẩm mĩ. Chủ nghĩa hậu hiện đại hoài
nghi, phủ định vai trò của lí tính trong hoạt động nghệ thuật. Với chủ nghĩa hậu
hiện đại, vị trí của những nhân tố phi lí tính như tiềm ý thức, tưởng tượng, mộng,
ảo giác, bản năng, dòng ý thức, trực giác…trong sáng tác nghệ thuật nhất loạt
được cường điệu hóa. Nguyên tắc tính phi công lợi thẩm mĩ của Kant ở một mức độ
nào đó bị nguyên tắc khoái lạc cảm quan chen lấn, thay thế. Nên thấy rằng việc coi
trọng vai trò của nhân tố phi lí tính, cảm tính trong hoạt động nghệ thuật và
thẩm mĩ cũng ý nghĩa tích cực. Từ chủ nghĩa hiện đại đến chủ nghĩa hậu hiện đại,
sự phát hiện, khám phá và khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của nhân tố phi
lí tính như tiềm ý thức, tưởng tượng, giấc mơ, ảo giác, bản năng, dòng ý thức,
trực giác… trong hoạt động sáng tác nghệ thuật là có đóng góp. Nhưng nhấn mạnh
một cách phiến diện, thái quá nhân tố phi lí tính và đẩy nó lên vị trí chi phối,
hoàn toàn phủ nhận và triệt để bài trừ vai trò tham gia, thâm nhập và chi phối
tiềm tại của nhân tố lí tính trong hoạt động tâm lí bề sâu của nghệ thuật và thẩm
mĩ thì lại rơi vào một cực đoan khác, không những không phù hợp với thực tiễn
hoạt động nghệ thuật và thẩm mĩ, mà còn làm đảo lộn tiêu chí chủ yếu đánh giá
con người với tư cách là con người – con người với hoạt động lí tính có ý thức,
chứ không phải là hoạt động cảm quan, cảm tính, phi lí tính thuần túy. Cho nên,
theo tôi lí luận chủ nghĩa hậu hiện đại có một sai lầm nghiêm trọng đó là đã nhấn
mạnh một cách phiến diện chủ nghĩa phi lí tính.
Ảnh hưởng tiêu cực
của chủ nghĩa phi lí tính hậu hiện đại cũng thể hiện trong nghệ thuật và lí luận
Trung Quốc đương đại. Từ những năm 90 của thế kỉ 20, nghệ thuật và văn hóa thẩm
mĩ Trung quốc bị công kích mạnh mẽ bởi xu hướng toàn cầu hóa, thị trường hóa,
hàng hóa hóa; từ thế kỉ 21, văn hóa chủ lưu và hình thái ý thức không ngừng bị
“hóa giải”, văn hóa đại chúng với khí thế không thể ngăn cản lan rộng khắp nơi,
“văn hóa tiêu dùng, tiêu khiển, tiêu nhàn” nhanh chóng bước lên vị trí chủ lưu
trên thị trường văn hóa nghệ thuật, từ đó tiến trình thế tục hóa, dục vọng hóa,
giải trí hóa của văn hóa thẩm mĩ nghệ thuật nhanh chóng từ vị trí bên lề tiến
vào trung tâm, điều này thể hiện ở việc lan tràn của chủ nghĩa hưởng lạc và sự
khuếch trương vô độ của dục vọng cảm quan trong bộ phận sáng tác và thưởng thức
văn nghệ, một số lượng tương đối lớn tác phẩm thể hiện dục vọng thấp kém, dung
tục, thiên sang thân xác. Trong đó, quá coi trọng thân xác dung tục là không thể
tha thứ, vì điều này là sự chủ động thỏa mãn thị hiếu không lành mạnh của một bộ
phận công chúng, làm tổn hại tới linh hồn của nghệ thuật và văn hóa thẩm mĩ. Điều
khiến người ta lo lắng nhiều hơn là: trong sự công kích của trào lưu chủ nghĩa
phi lí tính hậu hiện đại, trong giới mĩ học và lí luận phê bình văn nghệ cũng tồn
tại một số cực đoan thiên lệch, xa rời, thậm chí quay lưng với tinh thần văn
hóa thẩm mĩ, thể hiện rõ nhất trong việc trỗi dậy của khuynh hướng chủ nghĩa cảm
quan, chủ nghĩa thực dụng trên phương diện mĩ học. Nó lấy lí luận “thẩm mĩ hóa
đời sống thường nhật” của học giả phương tây đã được hiểu sai làm căn cứ, cho rằng
Trung Quốc hiện nay đã bước vào xã hội tiêu dùng hậu hiện đại, tính giải trí,
tính hàng hóa, tính tiêu dùng cảm quan đã trở thành đặc trưng cơ bản của văn học
nghệ thuật rồi. Thậm chí còn có người vô tình hoặc cố ý dùng chủ nghĩa thực dụng
để xuyên tạc mĩ học thân thể phương tây, như có học giả đã chỉ ra: “Đề xuất của
chủ nghĩa thực dụng trong mĩ học muốn làm cho thân thể mĩ học hóa, mĩ học hóa
thân thể, vì thế, mọi sự thỏa mãn cảm quan, sự bộ lộ của bản năng, sự giải tỏa
của libido đều là sự thể hiện của mĩ học”. Theo tôi, tai hại của quan niệm mĩ học
này là đã đẩy khoái lạc cảm quan trong hoạt động nghệ thuật và thẩm mĩ lên địa
vị cao nhất một cách phiến diện, làm mất đi tính phê phán mặt tiêu cực của chủ
nghĩa cảm quan hậu hiện đại, làm mất đi sứ mệnh đề cao tố chất tinh thần con
người, tinh thần nhân văn, đề cao con người mà mĩ học và văn nghệ học nên có,
đã làm mất thái độ lí tính đối với ý nghĩa hoặc giá trị nhân sinh, từ bỏ theo
đuổi giá trị cao nhất của con người. Tư tưởng này, cho dù trên phương diện lí
luận hay trên thực tế đều là tiêu cực.
4. Lí luận chủ nghĩa hậu hiện đại có khuynh hướng phản
nhân đạo chủ nghĩa, phản nhân văn chủ nghĩa, không có lợi đối với sáng tác văn
nghệ và sự phát triển của lí luận
Chủ trương văn học
nên tôn trọng con người, lấy con người là trung tâm, nâng cao cảnh giới nhân
sinh, xây dựng tâm hồn, nhân tính cao đẹp đến nay vẫn có sức sống lí luận to lớn.
Nhưng một vài nhân vật tiêu biểu của lí luận chủ nghĩa hậu hiện đại lại kịch liệt
phản đối chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa nhân bản. Heidegger cho rằng, “chủ nghĩa
nhân đạo” là sự cách gọi tốt nhất về sự vùng vẫy cuối cùng của siêu hình học bế
tắc, nó coi ngôn ngữ là công cụ trong tay nhân loại và phục tùng ý chí của con
người. Sự phủ định đối với chủ nghĩa nhân đạo này là sự thể hiện quan trọng của
nhân tố hậu hiện đại trong tư tưởng Heidegger. Derrida trong bài viết Kết cấu của con người ông đã phân tích một
văn bản của Heidegger, tiến thêm một bước cho rằng, phải trên tiền đề bài trừ một
cách có hiệu quả bóng đen siêu hình của chủ nghĩa nhân đạo, mới có thể chất vấn
vấn đề chủ nghĩa nhân đạo. Focault trong Từ
và vật nói, “người” không phải là một sự thực tự nhiên, mà là một khái niệm
tri thức mang tính lịch sử, là kết cấu tri thức của khoa học nhân văn hiện đại.
Cuối cuốn sách này, Focault công nhiên tuyên cáo “Cái chết của con người”,
tuyên xưng “con người là phát minh thời kì gần đây”. Lacan cũng khẳng định bản
chất của chủ nghĩa phản nhân đạo trong phân tích tâm lí, ông cho rằng, sự phát
hiện của Freud thể hiện trung tâm thực sự của con người đã không còn là cái
trung tâm do toàn bộ truyền thống nhân đạo chủ nghĩa định vị nữa. Lyotard cũng
nhấn mạnh triết học đương đại lẽ ra nên mạo hiểm vượt qua giới hạn của nhân loại
học và chủ nghĩa nhân đạo. Họ đều tin rằng, lí tính khai sáng và ý chí tự do của
chủ thể chẳng qua chỉ là một loại ảo giác. Căn cứ vào đó, chúng ta có thể nói,
“phản nhân đạo chủ nghĩa” là khuynh hướng chung của chủ nghĩa hậu cấu trúc và
trào lưu chủ nghĩa hậu hiện đại Pháp những năm 60-70 của thế kỉ 20. Tôi cho rằng,
nguyên nhân sâu xa của sự đối lập giữa chủ nghĩa hậu hiện đại Pháp và chủ nghĩa
nhân đạo là chủ nghĩa nhân đạo hiện đại tuy bề mặt giương cao ngọn cờ lí tính
khai sáng, tự cho mình là người giải phóng và bảo hộ tôn nghiêm nhân loại,
nhưng thành công duy nhất của nó là đi ngược lại với điều đó. Cho nên, chủ
nghĩa nhân đạo hiện đại mới trở thành kẻ thù của chủ nghĩa hậu hiện đại. Nhưng,
đối với tính phức tạp này của chủ nghĩa nhân đạo hiện đại, các nhà tư tưởng hậu
hiện đại như Focault, Derrida…, lại có lúc rất mâu thuẫn. Nhưng cho dù như thế
nào, chính trào lưu hậu hiện đại làm cho con người hoài nghi chủ nghĩa nhân đạo,
và có lúc sự hoài nghi này trở thành tiêu điểm được của giới tư tưởng phương Tây.
Người viết cho rằng, lập trường phản đối chủ nghĩa nhân đạo phổ biến của chủ
nghĩa hậu hiện đại vẫn tồn tại rất nhiều thiên kiến và độ chênh đối với chủ
nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa nhân bản. Rõ ràng chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa nhân
bản có hình thái lịch sử và nội hàm khác nhau, nhưng tinh thần hạt nhân lấy con
người làm gốc của nó lại nhất quán, phổ biến trong các thời đại lịch sử. Chủ
nghĩa nhân đạo hiện đại lấy lí tính khai sáng làm cơ sở, cuối cùng phát triển đến
lí tính công cụ, trên thực tế xa rời tinh thần phổ biến của chủ nghĩa nhân đạo,
chủ nghĩa nhân bản. Nhưng chủ nghĩa hậu hiện đại lại nhất loạt muốn thủ tiêu chủ
nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa nhân bản phổ biến, chân chính lại là một sai lầm
nghiêm trọng. Khi Marx xây dựng quan niệm duy vật lịch sử, không những không phủ
định và từ bỏ chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa nhân bản, ngược lại đem chủ nghĩa
nhân đạo, chủ nghĩa nhân bản hòa vào trong quan niệm duy vật lịch sử, làm cho
nó trở thành một bộ phận cấu thành hữu cơ của quan niệm duy vật lịch sử. Cho
nên, chúng ta nên giữ thái độ phân tích phê phán cụ thể đối với khuynh hướng phản
nhân đạo chủ nghĩa trong lí luận chủ nghĩa hậu hiện đại. Sự phủ định và phê
phán của văn luận chủ nghĩa hậu hiện đại đối với chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa
nhân bản khi đến Trung Quốc đã tạo nên phản ứng mãnh liệt của giới học thuật. Trung
kì thập niên 90 của thế kỉ 20 “Đại thảo luận về tinh thần nhân văn” trong lí luận
đã tập trung thể hiện sự phản ứng này.
5. Lí luận chủ nghĩa hậu hiện đại “phản đối diễn giải”,
có nghĩa là từ trung lập giá trị đi đến hư vô giá trị
Chủ nghĩa hậu hiện đại sở dĩ “phản đối diễn giải” là do quan
niệm về văn bản của chủ nghĩa giải cấu trúc xây dựng trên cơ sở triết học khác
biệt. Kristeva trên cơ sở tiếp thu lí thuyết đối thoại của Bakhtin, phê phán
ngôn ngữ học chủ nghĩa cấu trúc, lấy nghiên cứu tiểu thuyết làm đối tượng đã đề
xuất lí luận “tính liên văn bản” trong tác phẩm văn học, bà nói: “Đối thoại
theo Bakhtin, coi sự viết là thể kết hợp giữa tính chủ thể và tính giao lưu, hoặc
nói chính xác hơn, là tính liên văn bản. Đối diện với đối thoại, khái niệm “chủ
thể viết cá nhân” ẩn đi, mà thay vào đó là khái niệm “viết mang tính song
trùng”(ambivalence of writing). Tính liên văn bản như Kristeva nói, một là chỉ
bất kì văn bản nào đều là sự khảm nạm và biến hình của văn bản khác; hai là chỉ
văn bản là nơi độc giả và tác giả đối thoại, là nơi dung nạp hàm nghĩa đối lập
lẫn nhau; ba là chỉ quá trình vận động hai chiều giữa văn bản chủ thể hóa và chủ
thể văn bản hóa. Như vậy, quan niệm tính xác định và tính có thể diễn giải về ý
nghĩa của văn bản truyền thống đã bị giải cấu. Quan niệm văn bản của Barthe
cũng có chỗ tương đồng rất thú vị. Sau khi ông tuyên bố “tác giả đã chết”, trên
thực thế đã tiến thêm một bước tuyên bố cái chết của tác phẩm. Tác phẩm chết rồi,
mới ra đời văn bản. Nhưng văn bản không phải là khách thể tồn tại ngoài sự đọc
của độc giả, nó lại chỉ được phát hiện và sinh thành trong sự đọc của độc giả. Bản
thân văn bản không có kết cấu, không có trung tâm, không có ý nghĩa xác định.
Quan niệm văn bản này của chủ nghĩa hậu hiện đại đã hoàn toàn phủ định văn bản
có khả năng biểu hiện chân lí xác định. Vì thế, cố gắng diễn giải ý nghĩa văn bản,
làm rõ tính chân lí trong đó tự nhiên bị tiêu hủy. Giống như có học giả từng
nói: “Việc xuất hiện của văn hóa hậu hiện đại, trên tầng diện tư duy luận đã
phá vỡ trung tâm luận truyền thống, khai mở một cảnh giới mới, nhưng trên tầng
diện giá trị luận lại mang đến sắc thái hư vô cho toàn bộ mĩ học văn hóa.
Tư tưởng hư vô
giá trị của lí luận chủ nghĩa hậu hiện đại không có ảnh hưởng rõ nét trong lí
luận văn nghệ và giới mĩ học Trung Quốc, trong điều kiện chi phối của hình thái
ý thức chủ lưu, căn bản không có chỗ cho chủ nghĩa hư vô giá trị. Nhưng trong
lĩnh vực sáng tác văn nghệ, để né tránh diễn giải và cố ý sử dụng một số sách
lược sáng tác của chủ nghĩa hậu hiện đại thì lại ở đâu cũng có. Nên thấy rằng loại
lập trường này chắc chắn có hại đối với tính khuynh hướng giá trị lành mạnh và
trách nhiệm xã hội đối với việc xây dựng tâm hồn cao đẹp mà sáng tác văn nghệ
nên có.
Tóm lại, ảnh hưởng
tiêu cực của lí luận chủ nghĩa hậu hiện đại đối với lí luận đương đại Trung Quốc
là sự một sự thực khách quan, chúng ta không được chủ quan lơ là, nhưng chúng
ta cũng không nên phủ nhận ảnh hưởng tích cực của nó trong việc xây dựng và
phát triển của lí luận đương đại, không nên phủ nhận toàn bộ nó một cách giản
đơn, nên tiến hành phê phán phân tích thận trọng, khách quan công bằng.
Bu San, 21-07-2014
Đỗ Văn Hiểu
Lược dịch từ tiếng Trung
Nguồn: Tạp chí Nghiên
cứu Văn nghệ, số 1 năm 2014
Chú thích:
1. Trương Húc Đông: Đọc sách phỏng vấn Jameson: “Lí luận đã
chết”? Lí luận làm thế nào?”, theo “Trung Hoa độc thư báo”, 5-12-2012
2. Trương Húc Đông: “Lí luận của Jameson và hiện thực Trung
Quốc”, theo “Văn nghệ báo” 21-11-2012
3, 4. T.W. Adordno, “Aesthetic Theory”, trans. Robert Hullot
– Kentor, London: Continuum, 1997, pp.1-6, p.2
5. Derrida: “Lập trường đa trùng”, Dư Bích Bình dịch, Tam liên thư quán xuất bản,
2004, tr95
6, 7. Christina
Howells :”Derrida”, Trương Dĩnh… dịch,
nxb Nhân dân Hắc Long Giang, 2002, tr 96, 165
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét