Phê bình văn học sinh thái ra đời từ gợi ý của sinh thái học, khoa nghiên cứu mối quan hệ tương sinh, tương tác giữa các sinh thể cùng mối quan hệ của chúng với môi trường vật chất xung quanh. Song phê bình sinh thái thịnh hành ở nhiều nước phương Tây hiện nay tập trung vào vấn đề dùng tư tưởng sinh thái để đánh giá văn học trong việc biểu hiện vấn đề sinh thái, khẳng định vài trò của tự nhiên, xét lại quan điểm con người là trung tâm từ thời Khai sáng. Trong bài này chúng tôi vận dụng tư tưởng sinh thái để xem xét quan hệ giữa văn học và môi trường văn hóa, tinh thần xã hội như một vấn đề sinh thái, không tập trung vào quan hệ con người và tự nhiên, mà xem xét môi trường tinh thần xã hội như là môi trường sống của văn nghệ, sự tương tác giữa môi trường văn hóa tinh thần với sáng tạo văn nghệ. Trong các công trình nghiên cứu văn học trước đây chúng ta tập trung nghiên cứu mối quan hệ văn học với hiện thực, với các chức năng xã hội của văn học như nhận thức, giáo dục, tuyên truyền, thẩm mĩ trong ý thức văn học phục vụ chính trị chủ yếu là xét theo nguyên tắc ý chí, nhân tạo, chưa xét theo sinh thái của sản xuất tinh thần. Mối quan hệ sinh thái tự nhiên giữa văn hóa tinh thần với văn nghệ ở đây chưa được đặt ra. Vì thế còn nhiều vấn đề trong quan hệ văn học với môi trường sinh thái chưa được xem xét. Ví dụ vấn đề cân bằng sinh thái đảm bảo cho văn nghệ phát triển, động lực của sáng tạo, tự do sáng tạo, sự thiếu thốn của môi trường đối với nhu cầu sinh trưởng của văn nghệ. Quan điểm duy ý chí luận trong điều hành đời sống xã hội đã ức chế sự phát triển của kinh tế, văn hóa, và văn nghệ. Suy cho cùng, cội nguồn của mất cân bằng sinh thái là do sự phát triển phiến diện của xã hội và con người. Quan điểm con người là trung tâm đã dẫn đến hủy hoại môi trường tự nhiên; sự vận dụng lí tính công cụ dẫn đến làm lu mờ mọi hệ thống giá trị nhân văn. Ý chí trung tâm cũng tác hại như thế. Đề cao tập thể ức chế cá nhân dẫn đến tình trạng xã hội kém phát triển. Chủ nghĩa tiến bộ chỉ thấy hôm nay hơn hôm qua đã hạ thấp các giá trị văn hóa truyền thống. Nghiên cứu, phê bình văn học trong thiết chế xã hội chủ nghĩa một thời gian dài do đề cao chủ nghĩa duy vật, coi tinh thần như một sản phẩm phụ thuộc, chỉ quan tâm văn học phản ánh hiện thực, đấu tranh giai cấp hoặc sử dụng văn học như công cụ cũng dẫn đến mất cân bằng sinh thái tinh thần của con người. Là một ngành của khoa nghiên cứu nhân văn, nghiên cứu văn học hôm nay không thể chỉ đóng khung trong việc nghiên cứu các vấn đề của nội bộ văn học nghệ thuật, như hình thức, kí hiệu, biểu tượng, mẫu gốc, phân tâm…mà không quan tâm đến vấn đề văn hóa xã hội, vấn đề sinh thái tinh thần của con người. Bởi văn học là sản phẩm của môi trường văn hóa xã hội, mà trực tiếp là môi trường sinh thái tinh thần của con người. Mối quan hệ giữa văn học và môi trường sinh thái tinh thần ngày càng được quan tâm sâu sắc trên thế giới.
- Từ sinh thái học tự nhiên, xã hội sang sinh thái học văn hóa tinh thần
Sinh thái học (ecology) là khoa học nghiên cứu mối quan hệ sống còn giữa sinh thể và môi trường sống của nó được nhà khoa học Đức E. Herkel đề xuất năm 1886, nghiên cứu tất cả mọi quan hệ giữa cơ thể con người với thế giới xung quanh, bao gồm tất cả các điều kiện tồn tại với ý nghĩa rộng nhất của từ đó, cả điều kiện hữu cơ, lẫn vô cơ. Năm 1935 sinh thái học hình thành tại các nước Anh, Mĩ nằm trong khoa sinh học
[1]. Khái niệm then chốt của sinh thái học là môi trường, là hệ thống các yếu tố ảnh hưởng đến sự sống của sinh vật. Môi trường có cấu trúc, chức năng, quy luật. Trong hệ thống các yếu tố của nó tạo thành một quan hệ tương hỗ, tác động qua lại, làm điều kiện đảm bảo duy trì sự sống, tạo được sự lưu chuyển, tuần hoàn năng lượng, tạo cân bằng cho sự sống tiếp diễn. Sự thích nghi và quy luật chống chịu của sinh vật sống. Sự thiếu thốn năng lượng khiến cho một số giống cây cối, sinh vật suy tàn, nhưng các giống cây, sinh vật khác thích nghi thì lại sinh sôi. Giữa các vùng sinh thái có các vùng chuyển tiếp (ecotone). Nếu các giống nguyên sinh bị suy yếu thì giống ngoại lai xâm nhập. (Xem:
Môi trường và con người – sinh thái học nhân văn, Vũ Quang Mạnh, nxb Đại học sư phạm, Hà Nội, 2011).
Đến năm 1970 trước khủng hoảng sinh thái trái đất chủ nghĩa sinh thái (ecologism) ra đời. Từ năm 1972 khi Hội nghị môi trường Liên Hiệp Quốc thông qua Tuyên ngôn môi trường nhân loại, toàn nhân loại đang đứng trước khủng hoảng môi trường chưa từng có. Từ năm 1973 khi Arne Jonas nêu khái niệm “sinh thái học chiều sâu”, cùng với vấn đề hệ thống sinh thái, đề ra sinh thái tinh thần của con người đã có một tư tưởng sâu sắc.Từ đó trong nghiên cứu nhân văn đã có sự chuyển biến về phía sinh thái tinh thần. Triết học sinh thái, thần học sinh thái, chính trị học sinh thái, luân lí học sinh thái, tâm lí học sinh thái, mĩ học sinh thái, ngữ học sinh thái, nghệ thuật học sinh thái, nhân loại học sinh thái, sinh lí học sinh thái, kinh tế học sinh thái, nữ quyền sinh thái, chủ nghĩa nhân văn sinh thái, văn học sinh thái… đều là những nhánh nghiên cứu mới. Sinh thái trở thành một quan điểm, một thế giới quan mới, một quan niệm xuyên suốt để người ta nhin nhận tự nhiên, xã hội, , sự sống, hoàn cảnh, vật chất, văn hóa, nhìn nhận mọi vấn đề liên quan đến con người, trong đó có văn học. Theo quan điểm đó, phê bình văn học theo quan điểm sinh thái tinh thần cũng xuất hiện là phù hợp với tinh thần thời đại, tinh thần văn hóa sinh thái.
- Phê bình văn học từ sinh thái học tự nhiên sang sinh thái học tinh thần
Ở phương Tây nói phê bình văn học sinh thái trước hết là nói đến phê bình văn học sinh thái tự nhiên
[2]. Phê bình sinh thái tinh thần là một bộ phận của phê bình sinh thái nói chung, bên cạnh phê bình sinh thái tự nhiên, phê bình sinh thái xã hội. Năm 1996 nhà phê bình sinh thái Mĩ là Cheryll Glotfelty trong sách
Văn bản phê bình sinh thái do bà chủ biên nêu định nghĩa: “Phê bình sinh thai nghiên cứu mối quan hệ con người và môi trường vật chất xung quanh. Cũng giống như phê bình nữ quyền từ góc độ giới tính mà phê bình ngôn ngữ và văn học. Phê bình mác xít đem phương thức sản xuất và tự giác giai cấp làm nguyên tắc đọc hiểu văn bản, thì phê bình sinh thái lấy tư tưởng quả đất làm trung tâm để phê bình văn học.” (Dẫn theo Vương Nhạc Xuyên
[3]). Phê bình sinh thái tinh thần đặt ở một bình diện khác: nghiên cứu mối quan hệ giữa môi trường tinh thần xã hội đối với đời sống tinh thần, với sáng tác văn học, tác động của văn học đối với môi trường tinh thần của con người. Nhà triết học Pháp Pierre Teilhar de Chardin yếu cầu phải giành cho hiện tượng tinh thần một vị trí xứng đáng trong quá trình tiến hóa của nhân loại, chứ không phải chỉ môi trường tự nhiên, sự chọn lựa tự nhiên. Trong quá trình tiến hóa của con người từ vượn biến thành người yếu tố tinh thần đóng vài trò hết sức to lớn, thậm chí quyết định. Trong quan hệ sinh thái địa lí, yếu tố tinh thần cũng có địa vị không thể thiếu. Tinh thần là một hàm số (biến lượng) quan trọng trong hệ thống sinh thái địa cầu. Thông qua sự chuyển biến về ý thức tinh thần con người có thể điều tiết sinh thái tinh thần của mình, duy trì hệ thống sinh thái địa cầu cho sự sống. Năm 1995 giáo sư tiếng Anh người Mĩ Lawrence Buell, Đại học Harvard trong tác phẩm
Tưởng tượng hoàn cảnh: Sự cấu thành của Thoreau, viết tự nhiên và văn hóa Mĩ đem tinh thần sinh thái đưa vào lí luận và phê bình văn học, cuốn sách này được coi là một cột mốc của phê bình văn học sinh thái trên thế giới. Buell đã chỉ ra phê bình văn học thế kỉ XX đã đánh mất tọa độ nhìn thẳng vào thế giới thực tại. Nhà phê bình phải nhìn thấy khủng hoảng môi trường, nhất là môi trường văn hóa. Phê bình văn học sinh thái là một hoạt động liên ngành. Chỉ đi sâu vào mĩ học hình thức, văn học khép kín là không đến được với phê bình sinh thái. Phê bình sinh thái cũng không giản đơn chỉ là ngoại quan, nó kết hợp cả ngoại quan lẫn nội quan để phát hiện các vấn đề trong quan hệ văn học và mói trường tinh thần. Phê bình sinh thái đòi hỏi phải kêt hợp với triết học, địa lí học, tâm lí học, nhân học xã hội, sử học, tôn giáo, giới tính, chủng tộc, hấp thu nhiều mô hình nghiên cứu thì mới có được phương pháp luận thích hợp. Lúc đầu phê bình sinh thái tương đối giản đơn, ví dụ như yêu cầu văn học phái khiến cho người đọc trở về với tự nhiên, phê phán việc tán dương sex trong văn học, dần dần họ nhìn nhận văn học qua lăng kính sinh thái, quan hệ sinh thái tinh thần với sinh thái tự nhiện, sinh thái xã hội. (Dẫn theo bài của Vương Nhạc Xuyên)
Tóm lại phê bình sinh thái tinh thần theo cách hiểu của các nhà phê bình sinh thái Mĩ và phê bình sinh thái Trung Quốc như Lỗ Khu Nguyên, Vương Nhạc Xuyên là kiểu phê bình văn học lấy tư tưởng sinh thái làm trung tâm, qua đó giải quyết các vấn đề sinh thái xã hội, xác lập lí tưởng sống cao đẹp, khắc phục các ô nhiểm tinh thần, làm cho tinh thần trong sạch, cân bằng, góp phần làm ổn định xã hội.
Chúng tôi hiểu phê bình sinh thái tinh thần trên một bình diện khác: xem đời sống tinh thần xã hội là bối cảnh của sang tạo văn học, coi đó là mảnh đất, vườn ươm các sáng tạo nghệ thuật. Ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, không khí, nước, phân của môi trường tinh thần sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sáng tác văn nghệ. Quan điểm này đã được đề xuất trong sách của hai tác giả Mĩ P. K. Bock Văn hóa đa nguyên và tiến bộ xã hội (nxb Nhân Dân Liêu Ninh dịch in 1988, ), F. Plog và Bates Diễn tiến văn hóa và hành vi của nhân loại (nxb. Nhân dân Liêu ninh, 1988), tác giả Nhất Mai Trác Trung Phu Sinh thái sử quan về văn minh (Thượng Hải, nxb Tam Liên, 1988), Nghiên cứu sinh thái học văn học – hài kịch của sinh tồn của tác giả Joseph W. Meeker, 1972. Ở đây văn nghệ được xem như một sinh thể, các các yếu tố của môi trường văn hóa tinh thần có tác dụng nuôi dưỡng,tác động đến văn nghệ gọi là môi trường sinh thái văn nghệ. Con người là động vật văn hóa, vì có sự tương tác của ba cơ chế thích nghi sinh thái học: 1. cơ chế động lực tự duy trì sinh tồn của bản thân con người; 2. con người đòi hỏi một xã hội có giá trị sinh tốn cho nó; 3. con người thúc đẩy sự nhận thức các hiện tượng có quy luật của thế giới. Ba cơ chế này có giá trị phổ quát để giải thích sự ra đời của văn hóa, và đó cũng là mấu chốt của tính phổ biến của văn hóa và văn học nghệ thuật nói chung.
Trong cách tiếp cận này khái niệm trung tâm là sinh thái văn hóa tinh thần. Văn hóa đã có hàng trăm nghìn định nghĩa, ở đây chọn cách hiểu văn hóa là toàn bộ phương thức tồn tại người, nhân hóa của con người. Văn học nghệ thuật được coi như một hiện tượng sống của xã hội, vì nhu cầu xã hội mà nó được sinh ra và phát triển. Quan hệ giữa văn nghệ với môi trường sinh thái tinh thần là quan hệ cộng sinh, đáp ứng, thích nghi, lựa chọn, biến đổi, phát triển, biến dạng theo điều kiện môi trường. Nghiên cứu lao động nhà văn người ta nêu ra bộ mặt xã hội của nhà văn với thế giới quan, kinh nghiệm sống, nghề thứ hai, các cuộc du lịch, đặc thù của lao động nhà văn, về vốn liếng có tri thức, vốn văn học dân gian, văn học nước ngoài, văn học dân tộc, tâm lí, cá tính, sức khỏe, năng lực quan sất, trự quan sát, ý đồ, tư tưởng, sáng tác, sửa chữa…Đối với quan điểm sinh thái người ta quan tâm các điều kiện nuôi dưỡng các phẩm chất ấy. Điều kiện nào thi trí tưởng tượng được phát triển, điều kiện nào thì cá tính được phát huy. Xá hội học nghiên cứu các mối quan hệ qua lại giữa nhà văn và xã hội, chủ yếu là các cơ chế ràng buộc lẫn nhau giữa nhà văn và xa hội, xã hội được dung làm nguyên tắc lí giải văn học, là nội dung của văn học. Xã hội học Pháp thế kỉ XIX với Hippolyte Taine xem ba yếu tố dân tộc, hoàn cảnh, thời đại là ba yếu tố quyết định tính chất của văn học,nghệ thuật. Trong xã hội quân chủ cùng một điều kiện, song có nhà nho hành đạo, nhà nho ẩn dật, nhà nho tài tử, không thể giải thích bằng một quyết định luận được.
Quan điểm sinh thái không phủ nhận tác động xã hội, song nó quan tâm sự phản ứng, lựa chọn, thích nghi, quan tâm chất lượng của sáng tạo, chứ không chỉ có sự giải thich nhân quả một chiều. Như thế quan điểm sinh thái khác với xã hội hộc, tâm lí học, nghiên cứu lao động nhà văn.
Từ cổ xưa văn nghệ đã nảy sinh trong điều kiện lịch sử nhất định, đáp ứng các nhu cầu thẩm mĩ, giải trí, tôn giáo, xã hội một cách hồn nhiên. Môi trường văn hóa tinh thần chịu sự chi phối sâu sắc của các điều kiện kinh tế, xã hội, các thiết chế chính trị hành chính như chính sách, đường lối chính trị, nhà trường, pháp luật, báo chí, các tổ chức, hội đoàn, nhà xuất bản, chế độ kiểm duyệt, các tư tưởng, tôn giáo, phong tục tập quán, tâm lí tiếp nhận của người đọc, đời sống phê bình. Các yếu tố ấy là môi trường sinh thái của văn học. Các yếu tố thế giới quan, thế giới cảm, trạng thái tinh thần của cá nhân, nhóm xã hội, các ảnh hưởng văn hóa nước ngoài đều là yếu tố của sinh thái tinh thần. Điều kiện tinh thần xã hội giống như ngôi nhà, mảnh đất và khí hậu nuôi dưỡng tác phẩm. Ta có thể tính đến các yếu tố như trạng thái tinh thần xã hội, di sản văn hóa dân tộc, sự phiên dịch văn hóa, văn học nước ngoài, văn học dịch, ý thức phê bình, bầu không khí sinh hoạt chính trị, tư tưởng xã hội… Trong mối quan hệ giữa cá thể tinh thần với hệ giá trị của cái tôi, khi hệ giá trị của cái tôi bị sa sút, không còn sức quy phạm hành vi thì sự tha hóa đạo đức, lối sống, sự xuống cấp mọi chuẩn mực ứng xử, các gía trị văn hóa không thể tránh khỏi và ngày càng gia tăng.
Sinh thái tinh thần, xã hội có tính lịch sử, biến động trong thời gian. Xã họi Việt Nam sau chiến tranh với biết bao vết thương. Một xã hội tiến lên hiện đại hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, kinh tế thị trường, xã hội tiêu thụ, tốc độ đô thị hóa chóng mặt, nông thôn đổi thay, bất bình đẳng xã hội gia tăng, giàu nghèo phân cực. Nạn tham nhũng trở thành quốc họa. cùng với nó là sự xuống cấp của đạo đức, lối sống không cách gì ngăn chặn. Sự đột biến về ý thức hệ sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã, khủng hoảng về lí tưởng, niềm tin, tạo nên khoảng trống trong tâm hồn, thừa cơ các thứ mê tín dị đoạn, đồng cốt, ngoại cảm tràn lan trong đời sống. Quan niệm sống gấp, vật dục, dục vọng cá nhân lên ngôi. Trong đó có biết bao mâu thuẫn, nguy cơ, cạm bẫy. Không khí tinh thần ấy cho phép sản sinh ra những sản phẩm nghệ thuật nào, những kiểu nhà văn nào, những thể loại văn học nào, ngôn ngữ biểu đạt nào. Kinh tế thị trường với chủ nghĩa tiêu dùng tràn lan, quan niệm hạnh phúc tầm thường của lớp người trung lưu mới nổi làm cho các loại văn học giải trí rẻ tiền, các loại văn chương câu khách xuất hiện tràn lan.
Sự tồn tại của các hình thức nghệ thuật phụ thuộc vào điều kiện sinh thái văn hóa xã hội. Số phận của các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, cải lương, ca trù cho thấy sinh thái của chúng đã thay đổi mà con người phải có chính sách điều tiết để duy trì sự sống của chúng. Phê bình sinh thái tinh thần tạo ra một góc nhìn mới, mài sắc vấn đề sinh thái trong lĩnh vực hoạt động sáng tạo tinh thần của con người.
- Các phạm trù và quy luật của sinh thái tinh thần.
Ví tinh thần với sinh vật học là phương pháp của Hippolyte Taine, Brandes ở thế kỉ XIX. Plekhanov cũng coi tâm lí xã hội là nguyên nhân của các sản xuất tinh thần. Đó chỉ là ngyên tắc giải thích theo sự kiện xã hội, chưa biết đến văn hóa như hệ thống kí hiệu. Nghiên cứu văn hóa đương đại đi vào các vấn đề như hậu thực dân, nữ quyền luận, văn học thiểu số. Vậy nghiên cứu sinh thái tinh thần có gì mới và khác so với các truyền thống ấy? Sinh thái tinh thần không phủ nhận cơ sở vật chất của xã hội. Không coi đó là nguyên nhân cuối cùng của văn học nghệ thuật. Nhưng mặt khác nó xem đời sống tinh thần là một hệ thống gồm nhiều nhân tố ràng buộc, làm điều kiện cho nhau, thỏa mãn nhau cho cuộc sinh tồn tinh thần. Nó xem xét văn học trong quan hệ nội văn hóa. Trước hết cấn tìm hiểu các khái niệm tinh thần, môi trường tinh thần, sáng tạo tinh thần của con người.
Tinh thần là lĩnh vực sự sống của con người, là thuộc tính bản chất của con người. Người sở dĩ là người là do có thuộc tính tinh thần đó. Con người tuy là sản phẩm vật chất, song đời sống đích thực của nó là tinh thần. Tinh thần là tồn tại được ý thức, trước hết là ý thức về cái toàn thể mà mình thuộc vào, hai là ý thức về bản thân mình ở trong đó, ba là ý thức về mình với thế giới. Tinh thần không giản đơn chỉ là sự phản ánh, mà là một phương thức tồn tại của con người, một phương thức tồn tại siêu hình của con người. Trước hết là trong từng cá thể và cùng với nó là quần thể, cộng đồng, với ngôn ngữ cùng các hệ thống kí hiệu, với tất cả các phương tiện lưu giữ chúng như sách vở, thư viện, viện bảo tàng, chùa chiền, nhà thờ, lễ tục…Với hệ thống kí hiệu, hay đúng hơn, như Lotman nhận thức, với cái kí hiệu quyển, trí tuệ quyển do mình sang tạo ra, con người tồn tại và tác động ngoại giới qua thế giới tinh thần do mình tạo ra đó. Nhà phê bình văn học Trung Quốc đương đại Lỗ Khu Nguyên nêu khái niệm tinh thần quyển và giải thích: Trên trái đât này, bên trên đời sống kinh tế xã hội chính trị của con người còn lửng lơ một cái vòng (quyển), một cái vòng mà nội dung gồm niềm tin, tín ngưỡng, lí tưởng, tưởng tượng, phản tư, cảm ngộ, đòi hỏi, ước mơ, cái vòng lửng lơ này chính là cái vòng tinh thần của trái đất. Nó quan tâm đến tồn tại tinh thần, tồn tại tâm linh của con người. Môi trường xã hội làm đổi thay cái vòng tinh thần ấy. Con người không chỉ cần một chốn ở trong tự nhiên, mà còn cần một chốn ở yên ổn trong tâm hồn, nó dựa vào đâu, tin vào ai, lấy sức mạnh từ đâu để tồn tại, tồn tại theo nguyên tắc nào…Không ai có thể tồn tại ở ngoài kí hiệu quyển, trí tuệ quyển, hay cái vòng tinh thần này được. Con người có tính mục đích, tính ý hướng, tổ chức và hoạt động theo các tính chất đó. Tinh thần của con người, theo Teilhar de Chardin và Scheler cùng một số học giả khác có năm tính chất: 1. Tính độc lập, tự do. Nó phản xạ thực tại và sáng tạo không gian cho mình. Tinh thần độc lập với thể xác, với hoàn cảnh xung quanh; 2. Tinh thần là ý hướng tự ý thức, là sự phản tư chính mình, lấy mình làm đối tượng, tự vượt lên chính mình, tự nâng cao mình. Tinh thần coi tồn tại của bản thân con người là đối tượng, nảy sinh tư duy. 3. Tinh thần là một cấu trúc chỉ thuộc về con người, một cấu trúc hành vi tự sản sinh. 4. Là một ý hướng của tâm hồn, tinh thần là cái vạch phương hướng cho sự sống bản năng. 5. Lí tính của tinh thần nắm bắt được bản chất của thế giới và tách bạch bản chất khỏi sự tồn tại của con người[4][5].
Tinh thần là một quá trình tư duy, sản sinh ý nghĩ, tư tưởng, cảm xúc, tình cảm thể hiện dưới các hình thức như lời nói, câu ví, tục ngữ, tác phẩm các loại ca dao, truyện cười, giai thoại, thơ ca, tiểu thuyết hoặc khái niệm, phạm trù, khoa học. Tinh thần có tính sang tạo mà cũng có tính bảo thủ. Tinh thần có không gian tồn tại của nó. Có sản phẩm chỉ xuất hiện trong bóng tối, có loại chỉ xuất hiện trong môi trường quan phương như báo, tạp chí, các ấn phẩm của các cơ quan do nhà nước quản lí. Chúng không ngừng sinh sôi, phát triển, hoặc thui chột, tàn héo tùy theo môi trường sinh thái.
Môi trường sinh thái tinh thần có các không gian chính thống, phi chính thống, trung tâm, ngoại biên, trong nước, ngoài nước…Các vấn đề sinh thái của văn học nảy sinh trong các không gian và giữa các không gian. Ở mối trường sinh thái vi mô, như quần nhóm sinh tồn, như gia đình, bạn bè, nghề nghiệp; có môi trường sinh thái khu vực, mức giữa như khu vực, tỉnh thành và có môi trường sinh thái vĩ mô, bao quát toàn quốc hay quốc tế. Mỗi phạm vi có quy luật sinh thái của riếng nó.
Môi trường sinh thái bao gồm toàn bộ truyền thống tinh thần nuôi dưỡng nó, từ phong tục, tập quán, tôn giáo đến các truyền thống triết học, khoa học, lí thuyết ở địa phương, trong nước và quốc tế. Môi trường này thể hiện trong chế độ giáo dục, trong hệ thống sách vở kinh điển, hệ thống giáo trình, sách giáo khoa, trong hệ thống thư viện, các chính sách văn hóa, các chế độ xuất bản, các tạp chí, báo hàng ngày, các chương trình phát thanh truyền hình, các loại bảo tàng.Trong những năm 60 chúng ta phong tỏa các sách văn học trước 1945, các sách bị coi là lạc hậu, đồi trụy, văn hóa thực dân cũ, thực dân mới, các sách xét lại hiện đại, tư sản, phi mác xít…nhằm hướng người đọc vào văn học cách mạng có tính lạc quan và chiến đấu. Lich sử cũng được biên soạn lại theo lập trường mới. Các đường phố đều đặt lại tên mới, các thôn, xã cũng đặt tên mới như Quyết tiên, quyết thắng, hoặc đặt theo con số, thôn một thôn hai, để người dân sống trong một không gian tinh thần khác hẳn với truyền thống. Tất cả những điều này lại tạo thành hệ thống kí hiệu mới phân biệt với hệ thống kí hiệu cũ. Dần dần con người xa lạ hẳn với truyền thống văn hóa dân tộc mình và với chính mình, mà sống trong nền văn hóa xã hội chủ nghĩa mới lạ với các tiêu chí bốn tốt, năm tốt, họ đánh mất niềm tin và sự thông hiểu giá trị truyền thống. Toàn bộ các hành vi đi ngược với văn hóa truyền thống hiện nay là hệ quả của việc làm người dân xa lạ với truyền thống văn hóa của dân tộc, địa phương. Đó là điều khiến họ vô cảm với các giá trị truyền thống.
Sinh thái biến đổi kéo theo biến đổi trong sáng tác. Ví dụ, sinh thái thời chiến với nhu cầu tuyên truyền làm biến chất thể loại phóng sự điều tra, chỉ còn thể kí sự, bút kí. Nó cũng làm mất thể loại tản văn. Nhưng sang thời bình với nhu cầu đổi mới lại làm sống lại thể phóng sự và tản văn.
Tự nhiên cũng là yếu tố quan trọng của sinh thái tinh thần. Tự nhiên là cái gốc của sự sống. Thiên nhiên, là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn con người. Hoa cỏ, cây cối, bốn mùa xuân hạ thu đông, tình người tự nhiên, tình trai gái, tình gia đình máu mủ tình quê hương cũng là bộ phận tự nhiên trong sinh thái tinh thần. Những ai chỉ nhìn tự nhiên như khách thể nhận thức, mà không sống với tự nhiên sẽ không bao giờ hiểu được các bí ẩn của tự nhiên cùng những thi vị, mĩ cảm của tự nhiên. Khi đô thị hóa lấp bằng các cánh đồng lúa và cây trái, đương nhiên tinh thần con người cũng theo đó mà mờ nhạt. Xây dựng tình “đồng chí”, cắt đứt cái tình tự nhiên của con người cũng là biến dạng sinh thái tinh thần của con người. Chủ nghĩa lí tính, chủ nghĩa khoa học là tác nhân khiến cho thế giới tinh thần mất cân bằng. Người Trung Quốc nhìn thấy trong tư tưởng thiên nhân hợp nhất thời cổ đại một mô hình của sinh thái tinh thần. Người và thiên nhiên có một quan hệ cảm ứng.
Đặc điểm của sinh thái tinh thần là tính tự nhiên, giống như môi trường tự nhiên. Các phong trào phi tự nhiên thường phá vỡ sinh thái tinh thần của con người, khiến nó bị biến dạng.
Các yếu tố của sinh thái văn học gồm sáng tác, phê bình, lí thuyết văn học, truyền thống văn học, tiếp nhận văn học, văn học dân tộc và văn học thế giới dưới dạng nguyên văn hay văn học dịch. Các yếu tố của sinh thái còn gồm các thiết chế như hội đoàn văn học, các báo, xuất bản, các chủ trương chính sách, cá giải thưởng văn học và sự điều hành của chúng. Bao quát tất cả là sinh thái tinh thần thời đại. Nhân tố thời đại của sinh thái tình văn học đề cao lí thuyết nào, tư tưởng nào, tiêu chí nào của lí thuyết và phê bình văn học. Lí thuyết mới, giàu sức sống, kích thích sáng tạo, khi lí thuyết khô cằn, nhà văn quay lưng đi tìm lí thuyết khác để lí giải đời sống. Phê bình có thể tác dụng kích thích sáng tác mà cũng có thể không có tác dụng gì, hoặc bản thân nó cũng biến tướng thành quảng cáo, tiếp thị hoặc biến tướng thành công cụ đấu tranh tư tưởng thuần túy. Tất nhiên phê bình vũ khí nếu đi kèm với cấm đoán, với xử lí về hình chính hoặc hình sự sẽ gây nguy hiểm và suy ếu cho sinh mệnh nhà văn và sáng tác của họ.
Quan hệ khu vực, quốc tế trong thời đại hội nhập, toàn cầu hóa tri thức, nảy sinh mâu thuẩn, xung đột của các nền văn hóa giữa các nước có trình độ cao và các nước có trình độ thấp, xảy ra tinh trạng nước chảy chỗ trũng, các nước đi sau hướng theo các nước tiên tiến, du nhập sản phẩm văn hóa các nước ấy, lấy đó làm phương hương bắt chước hoặc định hướng sáng tạo cũng là một vấn đề của sinh thái tinh thần. Trong thời đại hội nhập con người sống trong môi trường liên văn hóa, đa nguyên văn hóa, tính dân tộc thuần túy bị biến đổi, lai tạp.
Con người cũng là yếu tố của sinh tháo tinh thần. Các giai tầng trong xã hội có sinh thái tinh thàn của nó. Giai tầng quý tộc xưa là nơi lưu giữ tinh hoa văn hóa dân tộc, còn tầng lớp bình dân lưu giữ văn hóa đại chúng. Khi tầng lớp quý tộc bị triệt tiêu, bình dân lên ngôi thì sinh thái tinh thần bị hạ thấp. Trong thị dân tầng lớp đại gia ăn chơi xa xỉ cũng là nơi sản sinh các điển mẫu tinh thần có sức kích thích sự bắt chước.
Sinh thái tinh thần cũng có cấu trúc, giống như cấu trúc sinh thái tự nhiên, gồm vật vô sinh, vật hữu sinh, hệ vi sinh vật, hệ sinh vật thực vật. Tổng hợp các yếu tố văn hóa tinh thần nói trên tạo thành cấu trúc sinh thái, gồm các yếu tố từ thô thiển, thấp kém nhất đến các yếu tố tinh vi cao cấp nhất. Tuy nhiên trong sinh thái tinh thần yếu tố chinh trị đạo đức đóng vai trò chi phối. Nếu sự chi phối hạn chế đến cả sự lựa chọn của cá nhân thì xã hội khó phát triển. Trong sinh thái tinh thần luôn luôn có mâu thuẫn giữa ý muốn chủ quan và quá trình khách quan. Ví như ý muốn bảo tồn di sản quá khứ với xu thế tiêu dùng trái chiều.
Trong sinh thái tinh thần cũng có vấn đề giữa môi trường thanh sạch, chống các ô nhiễm tinh thần, rác thải tinh thần, virus tinh thần. Nhận ra sự ô nhiễm tinh thần, là điều kiện để ngòi bút phê phán của nhà văn và nhà phê bình thêm sắc bén.
Sự biến đổi nhanh chóng môi trường sinh thái tinh thần do các đột biến về chính trị tư tưởng như sự sụp đổ của phe xã hội chủ nghĩa, nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa thế giới cũng gây biến động lớn trong sáng tác văn nghệ. Sự thay đổi môi trường chiến tranh sang môi trường hòa bình, môi trường bao cấp sang môi trường tiêu dùng của xã hội thị trường, kinh tế hàng hóa cũng làm biến động dữ dội sinh thái tinh thần xã hội.
- Nghiên cứu và phê bình văn học trong môi trường sinh thái tinh thần.
Nghiên cứu, phê bình văn học trong môi trường văn hóa sinh thái tinh thần là khám phá, phân tích mối quan hệ tương tác giữa hoạt động sáng tạo của nhà văn với môi trường văn hóa sinh thái bao quanh nó, quan hệ của hệ thống thể loại, hệ thống ngôn ngữ, hình tượng, đặc biệt tâm lí sang tác, ý hướng của nhà văn, sự lựa chọn các khả năng mà môi trường cung cấp để tự thực hiện chính mình. Quan hệ sinh thái thể hiện trong sang tác với tư cách là hoạt động diễn ngôn, đối thoại, phản ứng, đáp trả…để tạo ra một hệ thống giá trị nghệ thuật thẩm mí đặc trưng cho môi trường tinh thần, tức là đặc trung cho thời đại. Ở đây chúng tôi xin nêu mấy quan hệ sinh thái văn nghệ.
- Môi trường sinh thái tinh thần và cá tính.
Cá tính là hiện tựơng tự nhiên của con người, song cá tính chỉ được thừa nhận, được ý thức và phát triển trong điều kiện xã hội nhất định. Cá tính trong văn học trung đại khác hẳn thời hiện đại về bản chất và sự đa dạng. Cá tính được coi là “ngông”, một phẩm chất tiêu cực, cá biệt. Nó không phải là phương thức tồn tại của con người. Trong xã hội sản xuất hàng hóa cá tính là phương thức tồn tại, là khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội. Người không có cá tính được xem là người vô nghĩa (xem Tỏa nhị kiều). Trong xã hội cộng sản mà có thời chúng ta đã xây dựng cá tính là đối lập với tập thể, là cá nhân chủ nghĩa, không có lí do tồn tại. Cá tính chỉ là một số khác biệt hình thức bề ngoài. Lịch sử chứng kiến khi môi trường sinh thái biến đổi con người từ quần thể chuyển sang cá tính (như Tản Đà) và ngược lại, khi sinh thí thay đổi, lại chuyển từ con người cá tính sang con người tập thể (như Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu…) và cách thức mà các nhà văn tìm cách bảo lưu cá tính của mình. Môi trường sinh thái đổi thay đã khiến nhiều nhà văn thay đổi nghề nghiệp, từ phê bình văn học chuyển sang nghiên cứu văn học dân gian hoặc chuyển sang nghiên cứu văn học cổ.
- Môi trường sinh thái tinh thần với thể loại văn học
Môi trường sinh thái làm thay đổi hệ thống thể loại văn học. Văn học trung đại chỉ có thể là văn học từ chương, sáng tác theo câu chữ có sẵn, mỗi tác giả chỉ có thể biến đổi tí chút, khó có biến đổi lớn so với truyền thống. Văn học cận đại chyển sang tuyên truyền và trữ tình, , nhưng phải đến phong trào thơ mới mới thật sự thay đổi thi pháp cũ đề trở thành một thể thơ hiện đại, vừa có hình thức tự do vừa thể hiện cá tính. Văn học 1932 – 1945 đã thay đổi căn bản hệ thống thể loại văn học theo quỹ đạo văn học hiện đại của thế giới. Sau năm 1945 việc chuyển đổi cả nền văn học sang văn học tuyên truyền là đặc điểm nổi bật nhất của văn học cách mạng Việt Nam sau 1945. Các thể loại văn học bề ngoài vẫn là thơ ca, tiểu thuyết, nhưng tính chất đã khác. Từ trong nền văn học tuyên truyền ấy Tố Hữu nổi lên như một mẫu mực của văn học tuyên truyền, thơ trữ tình chính trị sử thi. Suốt ba mươi năm chiến tranh không có một hiện tượng đổi mới thơ. Tiểu thuyết trở thành sử thi. Phóng sự biến thành kí sự. Thể loại tản văn biến mất.Tùy bút là thể loại dễ bị phê phán. Tùy bút của Nguyễn Tuân kí sự hóa. Tập thơ Xuân Diệu phần “riêng” gây tranh cãi, phần “chung” thường sống sượng, ít thành công.
- Môi trường sinh thái tinh thần với phong cách nghệ thuật
Chúng ta thường nói đến phong cách cá nhân, song trên thực tế, phong cách thời đại là hiện tượng phổ biến. Đến lượt mình phong cách chung chi phối phong cách thể loại, phong cách cá nhân. Sáng tác văn học trong thời kì văn học trung đại tiến hành trong môi trường khoa cử, trong truyền thống văn học Trung Quốc được coi là khuôn vàng thước ngọc, trong điều kiện không có kinh tế hàng hóa phát triển, ý thức cá nhân chưa phát triển, không có báo chí, xuất bản, không có phê bình, sáng tác văn học chỉ có môi trường nhóm nhỏ, phê bình dưới hình thức phê điểm hoặc viết tựa, bạt, chép tay lưu truyền. Tác phẩm có sức lan tỏa lớn thì được chép lưu truyền rộng hơn, thậm chi được khắc ván in bán. Trong quá trình đó người ta có thể sửa chữa, thêm, bớt, tạo thành nhiều dị bản. Tính quy phạm là tiêu chí phê bình. Văn học chữ Nôm chịu ảnh hưởng văn học dân gian sâu sắc. Tác phẩm văn học trung đại đã xây dựng một thế giới tinh thần theo đạo nho, đạo phật hoặc đạo gia, một thế giới của đạo với hệ thống các giá trị của nó như sùng thượng tự nhiên, ôn nhu đôn hậu, nhàn, lập công báo quốc, trung tín…
Văn học hiện đại 30 – 45 đổi thay căn bản môi trường sinh thái tinh thần, thay đổi quy phạm, hệ thống thể loại, tiêu chuẩn sáng tác, thay đổi truyền thống văn học, thay đổi chủ thể, thiết chế sáng tác, phê bình, xuất bản, lưu truyền. Môi trường sinh thái tinh thần lúc này có thể nói bao quát toàn thế giới. Nhà văn tìm tòi sáng tác theo hầu hết các thể loại văn học hiện đại trên thế giới. Nhà văn có thể bị hạn chế về môi trường chính trị, song hoàn toàn có tự do bên trong để lựa chọn đề tài, chủ đề, phong cách, thể loại, ngôn ngữ, lựa chọn truyền thống. Văn học Nam bộ, văn học miền bắc và vùng miền khác có sự khác biệt sinh thái rõ rệt. Môi trường sinh thái ấy kích thích tìm tòi sáng tạo, đổi mới văn học so với truyền thống, làm nên một giai đoạn độc nhất vô nhị trong lịch sử văn học Việt Nam. Văn học hiện đại đã hình thành một hệ thống giá trị nhân văn mới, đề cao giá trị cá nhân, yêu nước, khát vọng tự do độc lập, lên án mọi bất công xã hội, tố cáo tội ác vùi dập con người.
Văn học cách mạng Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bước đầu đi lên chủ nghĩa xã hội có một môi trường sinh thái khác hẳn. Văn học cách mạng đề cao lí tưởng độc lập dân tộc, tư tưởng hy sinh vì Tổ quốc, vì cách mạng giải phóng dân tộc, hướng tới ngày mai xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ mọi bất công, áp bức. Tuy trong bối cảnh độc lập, nhưng cả nước ở vào hoàn cảnh chiến tranh; đảng lãnh đạo theo đương lối chuyên chính vô sản, tư tưởng xã hội ở vào thời kì chến tranh lạnh, đấu tranh ý thức hệ quyết liệt giữa hai phe tư bản và phe xã hội chủ nghĩa, học thuyết đấu tranh giai cấp chia xã hội thành hai trận tuyến địch/ta, cách mạng/phản động, tiến bộ/lạc hậu, tư sản/vô sản, nông dân/ địa chủ, cộng sản/quốc dân đảng, duy vật/duy tâm, giai cấp/nhân loại, tính giai cấp/tính người chung chung, tính giai cấp/chủ nghã nhân đạo tư sản… dẫn đến phân chia môi trường sinh thái tinh thần làm hai, vạch rõ ranh giới của chúng, thu hẹp môi trường văn hóa tinh thần vào một nửa. Chức năng văn học cũng thu hẹp vào chức năng nhận thức, giáo dục, chiến đấu theo định hướng sẵn, chức năng thẩm mĩ cũng thu hẹp vào cái đẹp khỏe khoắn, lạc quan,tin tưởng, chủ nghĩa anh hung, bi tráng, hùng hồn, các giá trị thẩm mĩ khác bị coi là không thích hợp. Lại thêm hạn chế vào chủ đề tư tưởng cách mạng, con người mới, cuộc sống mới theo chuẩn, phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa với tính đảng cộng sản, kết quả là văn học cách mạng tuy có nhiều phẩm chất đáng quý đối với văn học thời chiến, song nó đã tỏ ra công thức, sơ lược, khó giữ được sức hấp dẫn lâu bền.Văn học cách mạng thực chất là văn học tuyên truyền, thực dụng, đáp ứng yêu cầu trước mắt của đấu tranh chính trị, cho nên, nó không đòi hỏi văn học sang tạo hình thức mới. Trái lại nó yêu cầu văn học sử dụng các hình thức của văn học dân gian để sáng tạo ra tác phẩm dễ nhớ, dễ thuộc, dễ hiểu đối với đông đảo quần chúng. Tiếp thu truyền thống hay tinh hoa văn nghệ nước ngoài, chủ yếu theo nguyên tắc gạn đục khơi trong, thực chất là lựa chọn những gì nó yêu cầu để thực hiện chức năng tuyên truyền là chính. Ngay đối với truyền thống chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa lãng mạn nó cũng chỉ tiếp nhận một số yếu tố hạn chế, không tiếp nhận hết các truyền thống ưu tú của các trường phái văn học này. Ví dụ, văn học cách mạng có một thứ chủ nghĩa tâm lí khác với truyền thống tâm lí trong chủ nghĩa hiện thực. Bởi tiếp thu nhiều hơn, có nguy cơ là thay đổi tính chất của văn học cách mạng. Văn học cách mạng xây dựng mô hình thế giới giản đơn,dễ hiểu địch/ta, cách mạng/phản động, chỉ ta là người, còn địch là thú vật, dẫn đến lí tưởng hóa nhân vật anh hùng, thú vật hóa bên địch, biến chúng thành kẻ mất nhân tính, dâm đảng, đê hèn, điên khùng. Lí thuyết phản ánh, lí thuyết văn học phục vụ chính trị, tính đảng càng củng cố thêm cho định hướng sáng tác đó. Phê bình văn học đánh giá văn học theo các tiêu chí của văn học cách mạng lại càng khẳng định phương hướng sáng tác đó, đấu tranh phê phán các sáng tác được coi là lệch lạc, sai trái, khiến cho văn học tự khép kín trong bản thân nó, giảm sút năng lực tự nhận thức. Đến cuối cuộc chiến, đặc biệt sau chiến tranh kết thúc, tiếp xúc với các sáng tác văn học khác, một số nhà văn đã kịp nhận ra tình chất giả tạo, xa rời thức tế của văn học đó, đặt vấn đề về tính chân thực của văn học. Lại thêm một số cuộc đấu tranh, tranh luận nữa, nhất là khi xã hội rơi vào khủng hoảng, đòi hỏi đổi mới, nhìn thẳng vào sự thật, đổi mới tư duy, thì người ta mới bắt đầu nhận ra vấn đề của văn học.
- Phương pháp nghiên cứu văn học trong tương tác với môi trường sinh thái tinh thần xã hội
Phê bình sinh thái tinh thần đòi hỏi xem tinh thần như một yếu tố quan trọng hàng đầu trong toàn bộ hệ thống sinh thái xã hội, trong đó tinh thần vừa là môi trường nuôi dưỡng mọi sá0ng tạo vật chất và tinh thần, lại vừa là sản phẩm của chính môi trường văn hóa tinh thần do con người tạo ra. Trên cơ sở đó rà soát các hệ thống giá trị nội tại của con người, sự xung đột của các giá trị truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, các giá trị thật và giả tạo, cao cả và tầm thường, chân thực và hư ảo. Phương pháp nghiên cứu chủ yếu là phương pháp xã hội học, phương pháp ghiên cứu văn hóa, kết hợp với phương pháp nghiên cứu nội tại, bởi vì sinh thái tác động lên chỉnh thể, làm đổi thay cả chỉnh thể văn học nói chung cũng như chỉnh thể của tác phẩm, thể loại, phong cách văn học nói riêng.
Trần Đình Sử
[1] Vương Nhạc Xuyên. Tư trào sinh thái và giá trị sinh thái phương Đông. Xem Bloc Sina
[2] Hồ Chí Hồng. Nghiên cứu phê bình sinh thái phương Tây, nxb Khoa học xã hội Trung Quốc, Bắc Kinh, 2006.
[3] Vương Nhạc Xuyên. Văn học sinh thái và phê bình văn học sinh thái. Học báo Đại học Bắc Kinh, số 2, năm 2009.
[4] Lỗ Khu Nguyên. Không gian phê bình sinh thái, Đại học sư phạm Hoia Đông xuất bản, 2006.
[5] Teilhar de Chardin. Hiện tượng con người, nxb Tri thức, Hà Nội, 2014.
Nguồn: https://trandinhsu.wordpress.com/2015/02/09/phe-binh-sinh-thai-tinh-than-trong-nghien-cuu-van-hoc-hien-nay/
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét