Ở Bắc Kinh, một đô thị sầm uất nhộn nhịp có hơn 20 triệu dân, đa số mọi người nói tiếng mẹ đẻ, tiếng phổ thông Trung Quốc, nhưng cũng có một số người là người nước ngoài, nói các thứ tiếng khác nhau. Có người nói, muốn tìm hiểu sâu sắc ngôn ngữ và văn hoá của một nước, điều tốt nhất là đi đọc tác phẩm văn học kinh điển của nước ấy. Chính vì vậy, trên cây cầu giao lưu văn hoá giữa hai nước, chúng ta đã nhìn thấy bóng dáng sôi động của các nhà phiên dịch, chính họ đã mang lại sự sống thứ hai cho tác phẩm văn học.
Ở một cộng đồng chung cư dành cho giáo viên của trường Đại học Bắc Kinh, Giáo sư Khoa tiếng Việt Nam Triệu Ngọc Lan niềm nở mở cửa đón phóng viên ban Việt Ngữ đến thăm, cô Lan nhiệt tình mời khách ngồi, còn ngâm câu thơ trong "Truyện Kiều"—kiệt tác kinh điển của văn học Việt Nam để tỏ lòng mến khách.
Cô Lan năm nay xấp xỉ 70 tuổi, nhưng trông cô vẫn rất minh mẫn, nhanh nhẹn, chẳng khác gì người ngoài 50 tuổi. Căn hộ của cô được lau chùi sạch sẽ, những chậu cây cảnh xanh mướt toát lên sức sống bừng bừng, cà phê mới pha toả mùi hương ngào ngào khắp cả căn nhà. Phòng nào cũng có tủ sách với các cuốn sách được xếp ngay ngắn. Tháng 7 năm ngoái, cuốn sách "Phiên dịch và nghiên cứu 'Truyện Kiều'" mà cô Lan phải bỏ công sức trong 4 năm mới hoàn thành đã xuất bản, cuốn sách này cũng được bày trên tủ sách.
"Tôi từng nói, suốt cuộc đời tôi đã làm hai việc lớn liên quan tới mối tình hữu nghị Trung – Việt. Việc đầu tiên là, tôi đã tham gian gián tiếp cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam. Năm 1970, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã đến một bệnh viện do Chính phủ Trung Quốc thành lập ở Quế Lâm, Quảng Tây dành riêng cho thương bệnh binh của Việt Nam làm công tác phiên dịch, và đã làm liền 6 năm cho đến khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc. Việc thứ hai là, sau nhiều năm nỗ lực, tôi đã dịch xong 'Truyện Kiều'—kiệt tác văn học cổ điển Việt Nam sang tiếng Trung".
"Truyện Kiều" là thơ tự sự thể lục bát, cả thảy có 3254 câu thơ, do đại thi hào nổi tiếng Việt Nam Nguyễn Du sáng tác dựa theo tiểu thuyết chương hồi "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân cuối đời Minh đầu đời Thanh Trung Quốc. Ở Việt Nam từng thịnh hành một câu: "Truyện Kiều còn, nước Nam còn", từ đó có thể thấy được "Truyện Kiều" có vị trí rất cao và gây ảnh hưởng rất lớn đối với nhân dân Việt Nam.
Chị Nguyễn Thị Minh Thương đang theo học chương trình đào tạo Tiến sĩ ở Học viện Văn học trường Đại học Nhân dân Trung Quốc là một cô gái Việt Nam xinh đẹp và đoan trang. Khi đề cập tới bản dịch "Truyện Kiều" của cô Triệu Ngọc Lan, chị Minh Thương giữ thái độ hết sức kính trọng.
"Những cúng hiến của giáo sư Triệu đối với văn học Việt Nam nói riêng và với đất nước Việt Nam nói chung có thể nói là vô cùng đáng quý, em rất hâm mộ và kính phục. Truyện Kiều là một tác phẩm rất khó dịch, bản dịch của giáo sư Triệu đã không chỉ giúp cho đọc giả Trung Quốc hiện nay được thưởng thức một tác phẩm văn học có thể nói là kiệt tác của văn học Việt Nam, mà còn đóng góp một tư lịêu quý báu cho việc nghiên cứu và so sánh giữa văn học Việt Nam và Trung Quốc".
Khác với cô Lan sinh ra trong thời kỳ chiến tranh dưới mưa bom bão đạn, chị Minh Thương sinh năm 1986, năm đó Việt Nam bắt đầu thực thi chính sách đổi mới, trưởng thành trong bối cảnh tận hưởng thành quả đổi mới mở cửa, được sống trong môi trường hoà bình. Sau 6 năm theo học chuyên ngành Văn học Việt Nam ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chị Minh Thương đã có tình yêu đặc biệt đối với tiếng Hán.
Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ, chị Minh Thương bắt đầu theo học chương trình Tiến sĩ chuyên ngành Văn học hiện đại và đương đại Trung Quốc ở Học viện Văn học trường Đại học Nhân dân Trung Quốc. Chỉ sau 4 năm ngắn ngủi, chị Minh Thương không những có thể nói tiếng phổ thông Trung Quốc một cách lưu loát, có thể viết những cảm nhận về cuộc sống của mình bằng tiếng Hán trên phần mềm Wechat, mà còn đã dịch xong bộ tiểu thuyết "Bền cứng như nước" của nhà văn nổi tiếng đương đại Trung Quốc Diêm Liên Khoa, nhà văn cũng chính là thầy giáo của chị Minh Thương. Tháng 10 năm nay, bản tiếng Việt bộ tiểu thuyết này đã chính thức xuất bản tại Việt Nam, được ra mắt độc giả Việt Nam.
Khác với căn hộ ngập tràn bầu không khí văn chương của cô Lan, gian phòng của chị Minh Thương là "khuê phòng" ấm cúng ngọt ngào. Gian phòng rộng 14 mét vuông ở toà lầu dành cho lưu học sinh của trường Đại học Nhân dân Trung Quốc, là "nhà" của chị Minh Thương ở Bắc Kinh trong 4 năm nay. Ở một góc giường có một chú gấu nhồi bông đáng yêu là do chồng chị tặng; dưới tấm kính đặt trên bàn, có một tác phẩm thư pháp chị Minh Thương hết sức yêu quý, đó là tác phẩm thư pháp do thầy giáo Diêm Liên Khoa viết tặng chị với 8 chữ: "Thanh như diệp thủy, thiên niên nhất tú".
Qua cửa sổ sáng sủa ở phía trước bàn, có thể nhìn thấy cây Bạch Dương cao vút đang mùa lá rụng. Một năm trước, chị Minh Thương đã ngồi ở đây bắt đầu dịch tiểu thuyết "Bền cứng như nước".
"Về cuốn tiểu thuyết Kiên Ngạnh Như Thủy, em dịch thô trong khoảng thời gian 4 tháng, sau đó thì sửa tinh lại khoảng 2,3 tháng nữa, khi dịch tiểu thuyết này thì rất đặc biệt, em bắt đầu dịch từ mùa đông, ngồi trước cửa sổ trước bàn học này này, phía bên ngoài tất cả cảnh vật đều là khô héo thê lương, em bắt đầu dịch từ khi đó, sau khi dịch đến trang cuối cùng, có thể nói là chìm đắm trong thế giới của tiểu thuyết này, bởi vì nó đối với em quá hấp dẫn. Khi em kéo cửa sổ ra, lúc đó thì lộc non của mùa xuân bắt đầu xuất hiện trước cửa sổ, em cảm thấy vô cùng thành tựu".
Phiên dịch, giới thiệu và giao lưu tác phẩm văn học, phát huy vai trò quan trọng đối với việc tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các nền văn hoá khác nhau, nhưng dịch tác phẩm văn học rất khó, cũng gây sức ép rất lớn đối với các nhà phiên dịch, đặc biệt là "Truyện Kiều", thơ tự sự dài hơn 3000 câu. Cô Lan nói:
"Phiên dịch tác phẩm văn học 'Truyện Kiều', đối với bất cứ dịch giả nào đều là một thách thức to lớn. Vì đại thi hào Nguyễn Du không những mượn một số lượng lớn thành ngữ, điển tích và câu thơ kinh điển từ văn học và lịch sử của Trung Quốc, mà còn hấp thu dinh dưỡng phong phú từ văn học dân tộc Việt Nam. Vì vậy, trong quá trình phiên dịch, tôi phải tra cứu rất nhiều tài liệu tiếng Trung và tiếng Việt, cần phải trau chuốt từng từ từng chữ, không thể sơ sài đại khái".
Giống như cô Lan, chị Minh Thương năm nay 27 tuổi cũng cảm thấy băn khoăn lo lắng khi dịch tiểu thuyết "Bền cứng như nước", một bộ tiểu thuyết miêu tả câu chuyện xảy ra trong thời kỳ Đại Cách mạng Văn hoá Trung Quốc.
"Phong cách sáng tác của nhà văn Diêm Liên Khoa rất độc đáo, đầy tính dù ngôn và tính hài hước đen, cho nên thì rất khó để nắm bắt, hơn nữa là tác phẩm Kiên Ngạnh Như Thủy là một tác phẩm viết về thời kỳ cách mạnh văn hoá, cho nên có rất nhiều từ ngữ riêng biệt của thời kỳ này mà em không quen thuộc, rất may là có nhiều bạn học và bản thân nhà văn Diêm Liên Khoa giúp đỡ, cho nên em có thể hoàn thành bản dịch này".
Có người nói, một tác phẩm văn học dù hay đến đâu, nếu không có bản dịch ngoại ngữ, thì cũng chưa thể coi như là tác phẩm văn học thế giới. Đối với điều này, cô Lan hoàn toàn tán thành. Hiện nay, cô Lan đang cùng chồng tận hưởng thời gian tự do sau khi về hưu, hai người đọc sách, trồng hoa, viết văn, hát... Khi kể đến kế hoạch cuộc sống trong tương lai, cô Lan nói:
"Nếu nói nhân tài phiên dịch là cây cầu giao lưu văn hoá giữa hai nước, thì công tác mà tôi làm trong vài chục năm qua giống như là một công nhân bắc cầu vinh quang. Sau này tôi sẽ tiếp tục góp phần nhỏ bé của mình, làm những việc bổ ích cho mối tình hữu nghị Trung – Việt".
Chị Minh Thương rất thích cách nói ví von dịch giả với "công nhân bắc cầu" mà cô Lan nói. Chị Minh Thương cho biết, văn học cổ điển Trung Quốc có ảnh hưởng sâu xa đối với Việt Nam, hiện nay, qua ngòi bút điêu luyện của dịch giả Việt Nam, những nhà văn đương đại Trung Quốc như Vương Mông, Mạc Ngôn, Giả Bình Ao, Dư Hoa, Diêm Liên Khoa, Vương An Ức, v.v. đã trở nên quen thuộc với độc giả trẻ Việt Nam.
"Em rất thích công việc dịch thuật văn học, sau này khi tốt nghiệp về nước thì em vẫn hy vọng có thể đóng góp một phần nhỏ bé của mình trong việc bắt những nhịp cầu nối giữa hai nền văn học Việt Nam và Trung Quốc, có thể đem những tác phẩm xuất sắc của Trung Quốc giới thiệu với đọc giả Việt Nam".
http://vietnamese.cri.cn/561/2014/12/26/1s206355.htm
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét