|
Cao Hanh Kien receiving his Nobel from his Majesty King Carl XVI of Sweden at the stockholm concert Hall 2000 |
NGUYỄN THỊ NGÀ
(
Nghiên cứu sinh Văn học so sánh, Viện Văn học Đại học Sư phạm Hoa Đông, Thượng Hải, Trung Quốc)
Văn học hiện đại được
xem là văn học của các ẩn dụ, biểu tượng, huyền thoại. Những tác giả lừng danh
của văn học thế giới thế kỉ XX đồng thời cũng là những bậc thầy về nghệ thuật ẩn
dụ và biểu tượng. Dĩ nhiên, biểu tượng không phải là đặc sản duy nhất chỉ có ở
văn học hiện đại, vì nó “
cổ xưa như ý thức
của nhân loại vậy”, và bởi vì như Guy Schoeller từng nói: “
sẽ là quá ít nếu nói rằng chúng ta sống
trong một thế giới biểu tượng, một thế giới biểu tượng sống trong chúng ta”
(1).
Mỗi dân tộc trên thế giới đều có những đặc sắc
riêng về văn hóa và yếu tố tạo nên sắc diện văn hóa chính là các biểu tượng. Mỗi
cộng đồng tùy theo điều kiện ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội mà có hệ
thống biểu tượng riêng, quy định các mô thức ứng xử và giao tiếp của cá nhân và
cộng đồng đó.
Một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng làm nên
sức hấp dẫn của tiểu thuyết Cao Hành Kiện
cũng chính là dòng chảy sâu kín trong ngôn ngữ biểu tượng. Tác phẩm của ông chứa
đầy những ẩn ngữ. Một cánh đồng lúa chín vàng, một khu rừng nguyên sinh, một
làn điệu dân ca, một Nữ Oa, một Đại Vũ… tất cả những hình ảnh đó từ ý nghĩa
hình tượng miêu tả cụ thể đã dần được nâng cấp lên thành biểu tượng. Trong bài
viết này chúng tôi chỉ tập trung khai thác biểu tượng trung tâm - “Linh Sơn”, với
mục đích giải mã những thông điệp thẩm mĩ được gửi gắm trong đó, đồng thời cho thấy
được vai trò của nhân tố chủ thể trong việc điều chỉnh, tái tạo, bổ sung những
ý nghĩa mới cho nghĩa gốc của biểu tượng quan trọng này.
1. Biểu tượng văn hóa trong Linh Sơn
Linh Sơn
xuất hiện liền trở thành “hiện tượng” trên văn đàn. Cuốn sách được đánh giá là
“tác phẩm mang tính phổ quát toàn cầu, ghi lại những đắng cay của con người trong
thế giới hiện đại”.
Sau buổi trao giải thưởng Nobel văn học, tờ báo Le Monde của nước Pháp đã giới thiệu tác
phẩm “Ngọn núi của tâm hồn” bằng đoạn
văn mô tả: “Một người, với túi xách trên
vai, đã ngược xuôi trên các cánh đồng lúa chín vàng hay những khu rừng tre xanh
biếc, khi thì đi chân đất, khi thì ngồi xe đạp, để đi tìm một ngọn núi bí mật,
một nơi lý tưởng để con người có thể rũ sạch bụi trần” (2). Và người đó là
ai? Đó là Cao Hành Kiện - con người đang hành hương về miền “Núi thiêng của Tâm
hồn”.
Cao Hành Kiện sinh ngày 4 tháng 1 năm 1940 tại huyện
Cán Châu tỉnh Giang Tây thuộc miền Đông của
nước Trung Hoa. Bố làm việc ở ngân hàng, mẹ là nghệ sĩ, ông lớn lên trong hoàn
cảnh quân Nhật chiếm Trung Hoa trong suốt tám năm trường (từ 1937 tới 1945) và trưởng
thành trong chế độ “cộng hòa nhân dân”, nơi mà xã hội và văn hóa đặt trọng tâm vào
đời sống tập thể, cá nhân không còn chỗ đứng và có khi bị tan loãng trong cơn
lũ ồ ạt của tâm lý quần chúng, tình cảm tập thể và suy tưởng một chiều. Và nhất
là trong “Cuộc cách mạng văn hóa” (1966-1976) sứ mệnh văn chương, sứ mệnh dân tộc,
sáng tạo văn nghệ là để phục vụ chính trị, nhà văn không có quyền tự do sáng
tác, không có quyền bộc lộ cái tôi của mình. Chính sách “đổi mới” do Đặng
Tiểu Bình chủ xướng đã tạo ra môi trường phì nhiêu cho sự phát triển của văn học.
Có thể nói, ông là một trong những người tiên phong của Trung Hoa thời hậu Mao
đã cổ vũ đấu tranh cho quyền sáng tác văn nghệ tự do và đích thực.
Trong thập niên 80, trong xu thế toàn cầu hóa, sự
gia tăng phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cùng với tham vọng đuổi kịp
các nước phương Tây về tiến bộ kinh tế và khoa học kĩ thuật của Trung quốc, giới
trí thức, kể cả các nhà văn đã tiếp cận nhiều lý thuyết và tư tưởng từ các nước
phương Tây như: Phân tâm học Phrớt, chủ nghĩa tân cảm giác, thủ pháp “dòng ý thức”,
chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh,... Tuy nhiên, một số nhà văn tỏ vẻ hoài
nghi về việc “nhập cảng nguyên xi” các lý thuyết phương Tây, vì họ cho rằng các
thuyết này làm giảm năng lực sáng tác của người Trung Quốc. Họ đã chủ trương
tìm ra một hướng đi mới, một cách lí giải mới trong sáng tác trên cơ sở của sự
kết hợp hai nền văn học Đông – Tây. Một trong những nhà văn nằm trong nhóm này
được chú ý đến là Cao Hành Kiện.
Sống trong thời đại và xã hội như vậy, bản thân
Cao lúc này ngoài áp lực từ phía chính quyền ông còn phải đương đầu với những vấn
đề sức khỏe cá nhân, nên ông luôn mang trong mình ý thức chạy trốn, chạy trốn tập
thể, chạy trốn cộng đồng. Đây là nguyên nhân khiến Cao làm một cuộc hành trình
trở về với cội nguồn. Đó cũng là giải pháp của ông cho cá nhân trước sự hiện hữu
cá nhân bị xã hội hóa, ngay cả trong một cộng đồng nhỏ nhất như chỉ có hai người.
Như vậy, không chỉ là nhà văn mang trong mình dòng
máu dân tộc - “Văn hóa Trung Quốc đã chan
hòa trong dòng máu của tôi…” (3), Cao còn là nhà văn chịu ảnh hưởng sâu sắc
của giáo lý Thiền tông, của thủ pháp kể chuyện “dòng ý thức”, của chủ nghĩa hiện
thực huyền ảo Mỹ Latinh,… nên người đọc dễ nhận thấy trong tác phẩm của ông
không chỉ là những ẩn dụ lớn về triết nhân sinh thông qua một hệ thống các biểu
tượng văn hóa phong phú, mà còn chất chồng những ám thị, đốn ngộ bằng lối cách
điệu, biểu trưng mạnh mẽ. Chính Cao cũng đã thừa nhận: “Tượng trưng là một cách làm khôn ngoan để đưa hòa trộn triết học và thi
ca vào tiểu thuyết… Nó là sự phát triển thêm một bước nữa của thủ pháp tượng
trưng” (4).
Linh Sơn
(1982-1988) là tác phẩm nổi tiếng nhất của Cao Hành Kiện, kể lại chuyến hành
hương của một người đàn ông, được viết dựa trên những ấn tượng từ chuyến đi thực
tế của chính tác giả kéo dài mười tháng, xuyên qua mười lăm nghìn cây số, đi
sâu vào thung lũng Tứ Xuyên, trung tâm lục địa Trung Quốc. Với ý nguyện viết một
cuốn sách cho chính bản thân mình, để bày tỏ cái tôi của bản thân một cách tự
do và đặc biệt Cao Hành Kiện cũng không nghĩ một cuốn sách như thế sẽ được xuất
bản trong buổi ông còn sống, nhưng ý nghĩa của tác phẩm đã vượt qua dự định của
nhà văn. Cuốn tiểu thuyết dài hơn năm trăm trang sách đã được dịch ra nhiều thứ
tiếng trên thế giới và đã giành được giải Nobel văn chương năm 2000, làm thay đổi
số phận và cuộc đời của tác giả lưu vong này. Cũng từ đó Linh Sơn đã thực sự tồn tại trong đời sống văn học và đã thu hút được
sự quan tâm của nhiều bạn đọc và học giả trên thế giới. Thông cáo của Viện Hàn lâm
Thụy Điển ngày 12/10/2000 đã nhận định: “Giải
văn chương Nobel năm 2000 tặng nhà văn Hoa ngữ Cao Hành Kiện cho một trước tác
có tầm cỡ thế giới, mang dấu ấn đắng cay trong nhận thức và nét tinh tế của
ngôn từ, mở ra nhiều nẻo đường mới cho nghệ thuật tiểu thuyết và sân khấu Trung
Quốc” (5).
Linh Sơn
được kiến trúc trên cảm nghĩ từ những cuộc du hành vào các miền đất sơn cùng thủy
tận phía Nam và Tây Nam Trung Quốc, nơi phong tục Saman vẫn còn tồn tại dai dẳng
cùng với chuyện sơn thủy giang hồ, lục lâm thảo khấu, được truyền tụng như sự
thật, với những đạo sĩ còn sinh hoạt theo nếp sống hiền triết của tiền nhân. Linh Sơn là xâu chuỗi nhiều chuyện kể với
nhiều nhân vật chính, phản chiếu với nhau như những tấm kính, gợi ra nhiều diện
mạo của cùng một cái tôi thống nhất. Chứa đựng trong tác phẩm là trí tưởng tượng
phong phú với tầm văn hóa lớn lao, một cái nhìn toàn cầu về con người, về văn
hóa, thông qua việc sáng tạo những biểu tượng có ý nghĩa nhân loại. Qua hệ thống
biểu tượng, bạn đọc có thể hiểu được bản chất, ý nghĩa của tự nhiên, hiện thực
và truyền thống cũng như cơ sở gắn kết của cả một cộng đồng.
Cuốn tiểu thuyết Linh Sơn ẩn chứa nhiều biểu tượng, chúng thường là sự đan cài của một
số biểu tượng như biểu tượng về thời gian (buổi chiều, đêm tối, ánh lửa, thời
gian hiện tại, thời gian quá khứ…), biểu tượng về không gian (cánh đồng, căn
phòng nhỏ, ngôi làng cũ, trị trấn nhỏ, đồi núi, khu rừng nguyên sinh,…), biểu
tượng về huyền thoại - truyền thuyết (ngôi mộ Trị Thủy, một Nữ Oa, một Phục Hy,
một căn nhà Lỗ Tấn, vì sao Bạch Hổ…), biểu tượng về sự kiện (cuộc Cách mạng văn
hóa, một vụ tự tử, một cuộc thanh trừng, một vụ cướp…), biểu tượng về giấc mơ
(hình ảnh mẹ, bà, bố, con thỏ lông trắng, con cún con), biểu tượng về nhân vật…
đến những biểu tượng liên quan đến lĩnh vực tinh thần như tôn giáo, tín ngưỡng,
những biểu tượng liên quan đến xã hội trong những giai đoạn lịch sử khác nhau,
có những biểu tượng đơn nhưng cũng có những biểu tượng kép… Chúng có thể có
quan hệ đẳng cấu, bổ sung hoặc tương phản với nhau làm nổi bật lên biểu tượng
trung tâm của tác phẩm.
“Linh Sơn” là biểu tượng tiêu biểu và độc đáo của
Cao Hành Kiện. Địa danh này xuất hiện trong tác phẩm hai mươi ba lần dọc theo
suốt chiều dài tác phẩm. Biểu tượng này có đầy đủ những đặc tính có thể thay mặt
cho số đông, mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, đã thể hiện được những chức năng
cơ bản là khám phá, thay thế, siêu nghiệm và liên kết xã hội. Vì vậy, khảo sát,
tìm hiểu, phân tích và đánh giá nó là con đường để khái quát nên giá trị toàn bộ
hệ thống biểu tượng trong tác phẩm.
Trong sách nhà Phật, Linh Sơn là tên gọi của ngọn
núi danh tiếng, gần thành Vương Xá (Rajagriha), nơi phật Thích Ca giảng bộ kinh
Đại Thừa quan trọng, bộ Diệu Pháp Tiên Hoa. Linh Sơn được ví với cõi Phật.
Trong văn chương Đông Á, Linh Sơn thường hiện lên
với vô vàn vẻ đẹp linh thiêng. Đó là chủ đề của thơ và cũng là chủ đề của Đạo:
“Linh Sơn thầm trao pháp, Thiếu Thất chỉ
truyền tâm” (Thiền Uyển Dao Lâm).
Linh Sơn cũng có thể là “Không sơn”: “Không sơn tịch lịch đạo tâm sinh”
(Trương Duyệt). Trong thơ ca Việt Nam, Nguyễn Du cũng đã dựng lên một
Linh Sơn tuyệt vời:
“Tâm sáng rồi, người tự độ,
Cũng không có đài gương sáng,
Ta đọc Kim Cương hơn nghìn lượt,
Không sao hiểu hết nghĩa huyền.
Đến đài phân kinh mới biết:
Không chữ, đấy là chân kinh.”
(Đài đá chia kinh của Thái tử Chiêu Minh nhà Lương -
Bắc hành tạp lục)
Đó là một thiền ca bay bổng của Tố Như, một lộ
trình tâm linh chói sáng. Ngoài tâm, không có Linh Sơn, không có đài gương
sáng, không có cây Bồ Đề…
Linh Sơn là một hiện tượng văn chương tiêu biểu.
Thế nhưng “Linh Sơn” của Cao chắc chắn không phải là linh sơn trong sách bói Sơn hải kinh, cũng chẳng hề có ở địa lý
chí “Thủy kinh chú”. Nhân vật trong Linh Sơn đi tìm Linh Sơn - một ngọn núi
thiêng trong huyền thoại. Đó là hành trình tìm về Tự Ngã của bản thân anh ta
hay chính là hành trình tìm về cội nguồn văn hóa, về những khoảng thời gian đã
mất, những vẻ đẹp của quá khứ, những số mệnh đau khổ của những con người bị đè
nghiến, bị vùi dập, bị lãng quên trước sự thay đổi của thời cuộc? Con người
trong Linh Sơn thật cô đơn, dù họ bấu
víu, yêu thương hay hành hạ nhau thì họ vẫn cô đơn - nhưng phải chăng chỉ khi họ
tự ý thức được sự cô đơn đó thì họ mới tìm được chính mình? Vậy thì cái gì có
thể cứu rỗi con người? Liệu đó có phải là “Linh Sơn” không?
“Linh Sơn” là biểu tượng kép có ý nghĩa làm nền
cho các biểu tượng khác trong tác phẩm. Nó như cuộc hành trình của nhân vật, là
khởi điểm hay là đích đến của những biểu tượng khác. Linh Sơn mà cuộc hành
trình hướng đến là “miền đất hứa”, là đích đến để chạy trốn cuộc sống phàm tục
và tìm lại bản ngã. Lấy “Linh Sơn” làm tiêu đề tiểu thuyết, Cao đã đánh động được
cả một miền tâm thức để gợi ra bao biểu tượng khác.
Là yếu tố nghệ thuật của tác phẩm, “Linh Sơn” hiện
lên trong tác phẩm lung linh huyền ảo, hư hư thực thực như chính tâm trạng của
tác giả hay cũng như bao số phận, bao con người, bao cuộc đời trong truyện.
“Mi bắt chuyện, hỏi hắn: Đi đâu? Hắn đáp: Đi Linh
Sơn. Lại hỏi: Là đâu? Hắn trả lời: Linh Sơn, Núi Linh ấy mà…
…Mi lại hỏi Linh sơn ở đâu?
Hắn đáp: Ở thượng nguồn sông Du
- Thì đi xe đò
đến thôn Vu Di, rồi từ Vu Di tìm ngược sông Du…” (6).
Đó là địa chỉ Linh Sơn mà người đọc có thể ghi nhận
qua vài trang đầu của tiểu thuyết.
Vậy Linh Sơn là đích của cuộc đi, hay đi đến Nát
bàn hay đi về cõi chết? Linh sơn còn là khởi điểm của tìm kiếm, tìm kiếm bản
thân hay tìm kiếm sự thật? Hay Linh Sơn cũng chỉ là một lâu đài Kafka trong một
Trung Hoa mở ra trên đống tro tàn của cuộc Cách mạng văn hóa? Linh Sơn là câu
chuyện của một người đi tìm sự yên tĩnh và tự do cho cá nhân, và cũng là một phản
ứng văn chương trước phong trào hủy hoại cá nhân trong cuộc Đại Cách mạng Văn
hóa.
Mang trong mình ý niệm chạy trốn thực tại, Cao đã
làm cuộc hành trình dọc theo bờ sông Dương Tử hướng về thiên nhiên nguyên sơ,
hướng tới nền văn hóa dân gian, với cơ man những huyền thoại, truyền thuyết,
truyện hoang đường, sinh hoạt thần bí, cạnh các con người tận cùng sơn thủy như
mới bước ra từ thời ăn lông ở lỗ, bàng bạc màu sắc dân ca, dân vũ.
Cuộc hành trình từ đây chia ba: Thứ nhất là cuộc
đi trên đường trường, “đi thực tế”, trong hiện tại do “ta” kể lại. Thứ hai là
đi trong nội tâm, đây là cuộc hành trình tư tưởng, hành trình ảo dục tình, hành
trình dĩ vãng, hành trình lịch sử, hành trình trong những kiếp người do “mi” kể
lại. Và thứ ba là hành trình của kẻ tha nhân, kẻ khác phái, do “nàng” kể lại.
Chính vì lẽ đó, đi tìm Linh Sơn vừa là một cuộc vạn lý trường chinh thật và ảo
về các nơi chốn khác nhau, trong quá khứ, trên các mảnh đất kỳ lạ đã trải qua
bao nhiêu tang thương biến đổi của phận người, vừa là một cuộc đi nội tâm tìm bản
thể, phanh phui, giải phẫu cái tôi. Chuyến đi là cuộc đối thoại nội tâm trường
thiên giữa ba nhân vật: tôi hay ta, mi hay mình, và nàng hay cô ấy,
bà ấy, mụ ấy… nhằm tìm về bản ngã của mình.
Trên hành trình của sự trải nghiệm thực tế, Cao đã
phiêu du qua khắp các vùng miền, mỗi địa danh, mỗi chốn trọ, mỗi tích tắc dừng
chân hay mỗi nấc thời gian chảy dài trên đường trường đều là một cơ duyên dẫn đến
sự thực, đến những mẩu đời, những trắc ẩn riêng tư của một thời, một đời còn đọng
lại trên mảnh đất Trung Hoa. Khách du cũng đã đưa độc giả trở về với quá khứ
vàng son, với lịch sử oanh liệt của nền văn hóa lâu đời nhất hoàn cầu: Một vì
sao Bạch Hổ, một dải Ngân Hà, một Tây Vương Mẫu, một Bạch Đế Thành, một Khổng
Minh Gia Cát, một thân phụ Vu Sơn, một địa chỉ Càn Long, một Thái Bình Thiên Quốc,
một căn nhà Lỗ Tấn, một ngôi mộ Đại Vũ Trị Thủy, một Khuất Nguyên ôm nỗi oan
khuất xuống dòng Mịch La, một ni cô mỗi tối mổ bụng rửa lòng đời Tấn, một đập
Tam Hiệp lấp lên mấy ngàn năm lịch sử… Tìm về với quá khứ lịch sử cũng chính là
trở về với cội nguồn, với văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, đối với lịch sử, Cao cho
rằng mỗi người có cách nhìn nhận lịch sử riêng của mình. Tuy nhiên, đối với
Cao, ông khẳng định: “Từ quan điểm của
tôi, tôi muốn loại trừ những dối trá ngụy tạo, đã có vô số lời dối trá được
tung truyền trong một trăm năm qua, trong đó bao gồm cả những lời dối láo về ý
thức hệ… Tôi nghĩ rằng lịch sử là cái gì đa dạng và có những quan điểm khác
nhau. Nếu mỗi quan điểm đưa ra một khía cạnh trung thực của lịch sử, chúng sẽ bổ
sung và phản ánh một bức tranh lịch sử hoàn tất hơn” (7).
Vượt lên trên cuộc hành trình trải nghiệm thực tế
đó là “cuộc hành trình trải nghiệm về tư tưởng nhận thức” của Cao. Bởi, cũng giống
như bao con người đi theo Thiền tông khác, để cuộc hành trình, hành hương trở về
“miền đất hứa” đạt được “đích” của nó thì phải thực hiện cuộc hành hương, đó là
sự trải nghiệm. Nhưng trên hết sự trải nghiệm này phải đạt đến được sự nhận thức,
không chỉ nhận thức về mặt thực tế vật chất mà còn nhận thức về mặt tinh thần.
Và nhận thức cao nhất ở đây cần đạt đến là là cái “Đạo”, là sự bừng tỉnh, giác
ngộ và cao hơn hết là sự “đốn ngộ”.
Trong Tây Du
Kí (Ngô Thừa Ân) thầy trò Đường Tăng đã thực hiện một cuộc hành hương trải
qua bao gian lao thử thách, qua chín lần chín tám mươi mốt nạn, cuối cùng đã
chinh phục được tự nhiên, tiến lên chân lí, đạt được mục đích trở thành Phật. Vậy
Cao Hành Kiện của chúng ta thì sao?
Băng qua mười lăm nghìn cây số đường trường với gần
mười tháng ròng. Khi thì đi bộ, khi thì ngồi xe khách, rồi vượt đèo lội suối,… Như
một kẻ viễn du, Cao không chỉ đã nhận thức được những gì ở thiên nhiên, ở đời sống
hàng ngày của con người, với những cái nhỏ nhặt rất đỗi đời thường, mà Cao còn
nhận thức, ý thức được những nỗi niềm tiềm ẩn trong đó. Cao như “đau với nỗi đau của nhân loại” để rồi
trên con đường trở về với cội nguồn đó ông lí giải cuộc sống hiện tại, lí giải
vấn đề xã hội, đánh giá lại những sự kiện, con người, lịch sử, số phận… Cao đã
đi qua chiêm nghiệm những cánh đồng lúa bát ngát chín vàng, những rừng phong bạt
ngàn nguyên thủy đến những cơn mưa, màn sương, bóng tối và cả rêu phong ướt át
hai bên trung lưu dòng Trường Giang hùng vĩ. Cao cũng đã gặp những thầy mo, những
bà đồng, những vấn đề bảo vệ môi trường, hay những điệu hò điệu vũ, những lễ hội
đậm đà bản sắc dân tộc Mèo, những cổ lệ của dân tộc Khương, Di… Đôi lúc Cao
cũng thấy cay đắng trước sự suy tàn của của truyền thống như: làn điệu dân ca bị
cấm đoán và lãng quên, khu rừng nguyên sinh bị phá hủy, những con vật bị bắn và
giết… Cao cũng như bày tỏ lòng mình trước số phận của những cô gái bị cán bộ
hãm hiếp, cô gái điếm bị dày xéo, một em bé bị bỏ quên bên đường, một cảnh dã
man trong Cách mạng văn hóa, một cuộc tàn sát trong cải cách ruộng đất… Tất cả
đã được Cao nhào nặn nên một thực tại sống ngày nay trong quá khứ và trong tưởng
tượng. Mỗi cuộc đi lại gắn với một cuộc đời, một câu chuyện. Cố tìm lại bản
thân mình bằng cách tìm đến với thiên nhiên hoang sơ, trở về với văn hóa cội
nguồn, với sự thực ở đời… Điều đó thật có ý nghĩa với một con người đã mất đi
niềm tin vào cuộc sống thực tại trong thời đại đã xã hội hóa con người.
Cao hơn nữa, sự trải nghiệm đã đạt đến nhận thức về
sự hài hòa giữa tự nhiên, con người và xã hội. Dường như trở về với những cái
nguyên sơ của thiên nhiên, con người, lịch sử… con người mới trở nên đẹp đẽ,
trong sáng, thanh khiết hơn, từ đó mới tìm ra được bản chất thật của cuộc sống,
của tâm linh mỗi con người.
Cuộc hành trình với sự trải nghiệm của nó cũng đã
nâng cao tình cảm thẫm mĩ trong quá trình nhận thức của con người. Cái đẹp tự
nhiên và xã hội đạt được sự thăng hoa của nó là gì? Đó chính là sự tự do tự tại
trong tâm hồn.
Hành trình của khách du về với Linh Sơn, về với cội
nguồn dân tộc không còn là chuyến đi có thực trong câu chuyện mà đã trở thành một
biểu tượng nghệ thuật hối thúc con người tìm về với cội nguồn - nơi sinh thành
và nuôi dưỡng tâm hồn họ. Bởi có lẽ chỉ có ở đó con người mới cảm thấy “yên
tĩnh và thanh bình như vang lên một bài thánh ca” vậy. Điều này cũng dễ hiểu bởi
nghệ thuật phương Đông thường thể hiện con người trong sự hòa quyện với thiên
nhiên.
Trong tác phẩm Hữu
thể và thời gian, Martin Heidegger đã xem cuộc đời con người chỉ như một
phác họa, muốn hoàn thiện mình chúng ta phải vượt qua hoàn cảnh thực tại để kiếm
tìm bản ngã của mình. Dưới ảnh hưởng của tư tuởng triết học này, văn học nghệ
thuật hay miêu tả các cuộc hành trình như là sự trải nghiệm của nhân vật. Điều
quan trọng là quá trình trải nghiệm chứ không phải là đích đến. Vì vậy khái niệm
“trên đường” luôn được nhấn mạnh.
Một trường hợp tương tự với “Linh Sơn” của Cao
Hành Kiện, “Xứ Tuyết” của nhà văn Nhật Bản Kawabata cũng đã trở thành biểu tượng
thiên nhiên tươi đẹp, miền thẳm sâu thanh sạch, nguyên sơ của tâm hồn. Chính vẻ
đẹp chất phác ấy đã cứu rỗi con người, giúp con người tìm được sự bình yên giữa
cuộc sống xô bồ, sặc mùi vụ lợi đầy cám dỗ của đời sống vật dục. Cũng như ở “Xứ
Tuyết”, cuộc hành trình về Linh Sơn cũng đã trở thành biểu tượng cho cuộc kiếm
tìm ý nghĩa cuộc đời của con người. Trên một ý nghĩa như vậy, ta cũng có thể
xem khách du là một phác họa đang trong hành trình tìm kiếm bản thân mình. Qua
hành trình trải nghiệm ấy anh ta nhận ra bản chất của cuộc sống là nằm ở tâm
linh mỗi con người. Trên hết anh ta tìm được ý nghĩa của cuộc sống. Sống là được
chia sẻ, đồng cảm với mọi người, là được hiểu biết cội nguồn dân tộc và quan trọng
hơn là “một bình yên tự tại gần như bất động trước mọi biến chuyển của cuộc đời”.
Đó là tâm hồn của tiểu thuyết Linh Sơn.
Rõ ràng, Cao đã tiếp tục con đường mà các bậc tiền nhân đã đi để viết tiếp những
trang văn giàu chất thơ, thấm đẫm triết lí nhân sinh về cuộc đời.
Cao đã kết thúc cuộc hành trình bằng một bài hát cổ
cách đây mấy nghìn năm:
Mạc tại giang biên lãnh phong xuy”
(8).
Đường đến Linh Sơn, như vậy không phải ở bên bờ
trái cũng không phải bên bờ phải, mà chính là đường “trở về”. “Hữu” cũng về mà
“Vô” cũng về. “Có” hay “Không” chẳng phải là khác biệt. Khi tâm sáng rồi thì
Linh sơn tự hiện.
Linh Sơn thầm lặng, ẩn mình trong tâm người.
2. Nghệ thuật xây dựng biểu tượng
trong Linh Sơn
Biểu tượng là một dạng kí hiệu ẩn chứa vô vàn ý
nghĩa khác nhau. Đi sâu, tìm hiểu, giải mã ý nghĩa của biểu tượng giúp ta mở rộng
tầm nhận thức và khám phá ra những giá trị đích thực của tác phẩm, đồng thời
cũng hiểu sâu thêm văn hoá dân tộc. Biểu tượng “Linh Sơn” mà Cao xây dựng trong
tiểu thuyết là bài toán ẩn chứa nhiều đáp số, chính điều này đã tạo nên nét đặc
sắc cho tác phẩm.
Trong loại hình nghệ thuật ngôn từ (văn chương),
biểu tượng bắt buộc phải xa rời đời sống nguyên khởi của nó để khoác lấy cái vỏ
âm thanh ngôn ngữ. Vì vậy, con đường giải mã biểu tượng trong tác phẩm văn học
sẽ phải đi từ chính ngôn từ, kết cấu, các thủ pháp,… để tìm ra cái ẩn chìm đằng
sau những hình tượng có nguồn gốc từ biểu tượng. Bởi biểu tượng chính là những
hình tượng mang ý nghĩa. Hình tượng mang tính đơn nghĩa, biểu tượng mang tính
tiêu biểu, khái quát và đa nghĩa.
Ảo hóa là một trong những
thủ pháp nghệ thuật có mặt trong lĩnh vực sáng tác văn học của nhân loại từ rất
lâu. Ảo hóa chính là cái bất bình thường, cái khác lạ không có thật nhằm gây sức
hút và tạo ấn tượng cho người đọc.
Chúng ta biết rằng biểu
tượng sống tiềm ẩn từ cõi vô thức mà sáng tạo ra biểu tượng lại từ thế giới hữu
thức. Do đó quá trình xây dựng biểu tượng chính là quá trình khách thể hóa những
năng lực bản chất con người kết hợp yếu tố chủ quan về tài năng nghệ thuật của
nhà văn để tạo ra một thế giới biểu tượng mang đầy sức sống văn hóa. Tiếp nối
truyền thống văn học cổ xưa, trong hầu hết các sáng tác của mình, Cao đều có sự
kết hợp hài hòa hai yếu tố thực và ảo tạo nên một thế giới biểu tượng với muôn
vàn màu sắc, thực ảo xen kẽ, biến đổi khôn lường. Mỗi bước đi của khách du, mỗi
điểm dừng, mỗi lời nói của nhân vật đều ẩn chứa không gian văn hóa quá khứ, kí ức
thực và ảo của tuổi thơ, những truyền thuyết, những sự kiện lịch sự, những truyền
thống văn hóa lâu đời đều đồng thời thể hiện thế giới đương đại. Tất cả đều nhuốm
màu huyền thoại nhưng lại rất hiện thực. Sự chuyển đổi và đan xen giữa hiện tại
và quá khứ hồi ức, với những triết lý nhân sinh đã làm cho tiểu thuyết tràn đầy
tình tiết thần kì, thấm đẫm màu sắc thần thoại nguyên thủy trong ý thức tự ngã
của con người hiện đại.
Không gian tự sự cũng mang
tính chất song trùng vừa thực tả vừa hư tả, nó cũng có những tên gọi thực về địa
lí, về lịch sử hình thành và phát triển nhưng nó cũng là hư cấu của tác giả.
Cái ảo tồn tại trên nền cái thực, trong ảo có thực làm cho người đọc lạc lối và
chính điều này tạo nên sức hấp dẫn diệu kì của tác phẩm.
Một trong những yếu tố tạo
nên sức hút của thể loại tiểu thuyết đó là những sự kiện. Sự kiện có vai trò
quan trọng ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời nhân vật cũng như quá trình vận động
của tác phẩm văn học. Linh Sơn có một hệ thống sự kiện, tình tiết đầy ảo hóa đã
tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt. Xuyên suốt tác phẩm chỉ có một người kể chuyện
nhưng điểm nhìn lại liên tục được thay đổi, có lúc tác giả để nhân vật ở ngôi
thứ nhất xưng “tôi” hay “ta”, cũng có lúc dùng ngôi thứ hai “anh”, “bạn”, cũng
có lúc ở ngôi thứ ba “cậu”, “nó”,… đan xen kết hợp làm cho câu chuyện diễn ra
nhịp nhàng uyển chuyển. Ngoài ra trong truyện còn có nhân vật “nàng” biến thiên
không ngừng: nay là một thiếu nữ, mai là một thiếu phụ, mốt là một hồn ma… tất
cả kể chuyện mình, chuyện những bất hạnh riêng tư của người phụ nữ. Đặc biệt
hơn là toàn bộ câu chuyện đều được tác giả miêu tả tỉ mỉ bằng tất cả sức mạnh
giác quan của nhân vật chính, khiến cho những sự kiện trong tác phẩm vừa hiện
lên khách quan vừa chủ quan, vừa hiện thực vừa kì ảo. Nhân vật sống trong cõi
thực mà như đang ở cõi mơ. Những câu chuyện đời thường đan xen những câu chuyện
huyền thoại, lịch sử, câu chuyện của một người, một vùng, một thời dần dần được
mở rộng thành câu chuyện mang tính phổ quát toàn thế giới hiện đại.
Những sự kiện bị ảo hóa
đã tạo ra một không gian hư ảo, huyền bí đánh thức sự hiếu kì của độc giả. Thực
hư đan cài nhau, tạo thành một thể thống nhất. Ranh giới giữa thời gian và
không gian, quá khứ và hiện tại, vật lý và tâm lý trở nên mơ hồ.
Là sản phẩm của một nhà
văn vừa hiện đại vừa truyền thống, rất nhiều biểu tượng trong Linh Sơn đã được
trí tưởng tượng của nhà văn hun đúc tạo thành những hình ảnh kì vĩ. Tiêu biểu
là biểu tượng “Linh Sơn”, đó không còn là một ngọn núi đơn thuần nữa mà đã được
phóng đại trở thành biểu tượng con người tìm lại bản ngã của mình. Chiều kích của
biểu tượng lớn dần lên tùy vào ý nghĩa và vai trò của chúng trong tác phẩm.
Nghệ thuật phóng đại một
mặt nhấn mạnh tầm quan trọng của biểu tượng mặt khác cũng chứa đựng tư tưởng của
tác phẩm, đó là khát vọng gìn giữ vẻ đẹp của biểu tượng trong đời sống con người.
Chịu ảnh hưởng nhiều từ
trường phái cảm giác mới của phương Tây hiện đại, bằng bút pháp tả thực kết hợp
với bút pháp tượng trưng, biến hình, huyền ảo, khoa trương… Cao đã khiến cho một
vật nhỏ bé, một ánh mắt, một cảm xúc… cũng trở nên có hình ảnh, hương sắc, mùi
vị. Linh Sơn luôn có sự tương giao nhiều chiều trong cảm giác. Tác giả đã cấp
cho “Linh Sơn” một linh hồn riêng, một sức sống riêng, vừa phụ thuộc vào bản thể
con người vừa tách khỏi nó. Mọi vật thể đều được soi chiếu trong sự dịch chuyển
điểm nhìn theo cảm giác của nhân vật tạo nên nét đặc sắc riêng cho tác phẩm.
Kết cấu mạch vòng mở ra một không gian vô tận cho sức sáng tạo và liên
tưởng. Nhà văn để ngỏ về số phận cuộc đời nhân vật . Những hồi ức mà nhân vật
đã trải qua càng làm tăng thêm số lần xuất hiện biểu tượng. Hồi ức làm cho các
sự kiện trong tác phẩm xuất hiện không theo trật tự tuyến tính, luôn có sự đảo
lộn trật tự. Tám mươi mốt chương như tám mươi mốt câu chuyện nhỏ tưởng chừng
như rời rạc nhưng lại dễ dàng bắt nhập với cốt chuyện, độc giả vẫn dõi theo được
mạch kể câu chuyện và như đồng hành cùng nhân vật trên đường tìm lại bản
ngã cuộc đời.
Là một nhà văn có sự kết
hợp hài hòa giữa hai nền văn hóa Đông Tây. Tác phẩm của Cao đã thể hiện một cái
tôi đặc sắc, cái tôi đã xuất hiện mang một không gian tự sự cũng mang tính chất
song trùng vừa thực tả vừa hư tả, nó cũng có những tên gọi thực về địa lí, về lịch
sử hình thành và phát triển nhưng nó cũng là hư cấu của tác giả. Cái ảo tồn tại
trên nền cái thực, trong ảo có thực làm cho người đọc lạc lối và chính điều này
tạo nên sức hấp dẫn diệu kì của tác phẩm giá trị văn hóa đậm tính nhân văn. Tiếng
nói riêng biệt đó được thể hiện qua nghệ thuật sáng tạo và xây dựng biểu tượng
văn hoá. Nó là cộng hưởng dư âm của tất cả những gì thuộc về nhân loại, thuộc về
thời đại và dân tộc. Bản sắc văn hóa Trung Hoa được khơi dậy thông qua những biểu
tượng đậm chất văn hóa nhưng chúng không bao giờ là sự quay về tuyệt đối với những
nguyên mẫu cổ xưa. “Linh Sơn” như là một biểu tượng của sự tích hợp văn hóa vừa
thể hiện một phong cách hiện đại lại vừa đậm chất truyền thống, đã chứng minh một
chân lí bất di bất dịch là truyền thống văn hóa, cội nguồn dân tộc không ở
ngoài chúng ta mà luôn phảng phất trong trí óc của chúng ta, trở về với cội nguồn
là tìm về với bản ngã tâm linh của mình. Có lẽ chính vì lẽ đó mà tác phẩm của
Cao Hành Kiện sống mãi trong lòng bạn đọc.
-----------------------------------
Nguồn: Tác giả gửi đăng (bài đã được đăng trên Tạp chí văn học nước ngoài)
1. Guy
Schoeller- Jean Cherailier & Alain gheerbrant, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng và trường viết văn
Nguyễn Du, 1997.
3. “Không
có chủ nghĩa” (Bài phát biểu của Cao Hành Kiện tại hội nghị 40 năm văn học
Trung Quốc do Hệ thống Liên hiệp báo tổ chức tại Đài Loan), Paris, ngày
15-11-1993), Nguyễn Tiến Văn dịch.
4. Cao
Hành Kiện, “Sơ khảo kĩ thuật tiểu thuyết”, mục 7: trừu tượng, Lê Thời Tân –
Nguyễn Thị Ngà dịch từ nguyên tác tiếng Hán.
5. “Thông
cáo của viện Hàn Lâm Thụy Điển ngày 12-10-2000” (Hàn Lâm Viện Thụy Điển, Ban
thư ký thường trực), Đặng Tiến dịch từ bản tiếng Pháp.
6. Linh Sơn
(người dịch: Trần Đĩnh), Nxb phụ nữ, Hà Nội, 2002, tr.11, 12, 680.
7. “Cao
Hành Kiện - hành trình một ngày dài”, Leslie Triệu, Thường Quán dịch, nguồn: The Australian Review of Books, số tháng
12 năm 2000.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét