Ông Đăng, người bị chuyển từ giảng viên sang "ngồi bàn giấy"
Có thể bạn quan tâm
Cả trường “xúm lại” đòi cho nghỉ việc
Trước đó, ngày 21.11, ông Doãn Minh Đăng, nhân viên Phòng Đào tạo của Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, đã đưa lên Facebook cá nhân một số bức xúc của mình trong quá trình công tác. Ông kèm theo đó là một số thông tin công khai về hoạt động của trường. Và ông đã gặp rắc rối.
Ngày 23.11, Hiệu trưởng Dương Thái Công phát biểu trong buổi chào cờ đầu tuần, yêu cầu các đơn vị và tổ chức trong trường lên tiếng về việc ông Đăng đưa thông tin lên internet.
Ngày 30.11, Hiệu phó của trường là ông Trương Minh Nhật Quang, đã làm việc với Phòng Đào tạo để họp kiểm điểm đối ông Đăng. Nhưng do chưa có văn bản chỉ đạo chính thức của Hiệu trưởng, nên Phòng Đào tạo đề nghị chờ, vì thế cuộc họp được hoãn lại.
Trước đó, ngày 27.11, Khoa Điện - Điện tử - Viễn thông, bộ phận mà ông Đăng công tác trước khi chuyển về Phòng Đào tạo từ tháng 11.2015, họp kiểm điểm để chuẩn bị kỷ luật đối với ông Đăng. Dựa trên lý do là việc ông Đăng vắng mặt ở trường lúc đi chăm vợ mới sinh con, phía khoa này đã chuẩn bị sẵn phiếu lấy ý kiến với hình thức kỷ luật “buộc thôi việc” đối với ông Đăng.
Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ
Theo ông Đăng, tất cả xuất phát từ những thông tin mà ông đưa lên Facebook vào ngày 21.11. “Tôi được biết kết quả là có 20/20 phiếu ủng hộ đề xuất buộc tôi thôi việc, vì lý do tôi đưa thông tin vấn đề này lên internet gây ảnh hưởng xấu đến trường. Sau đó các lãnh đạo phòng/khoa về họp với đơn vị của họ để lấy ý kiến của tất cả cán bộ viên chức nhằm lên án việc tôi đưa thông tin đấu tranh lên internet”, ông Đăng nói.
Ông Đăng đã viết gì trên Facebook?
Sau đây là nguyên văn những gì ông Đăng đã đưa lên Facebook cá nhân của mình:
“Tôi là Doãn Minh Đăng, một cán bộ khoa học đang công tác tại Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ. Trước việc bị lãnh đạo nhà trường đối xử bất công và bưng bít thông tin, tôi đưa những tư liệu mình có lên trang web này để phơi bày sự thật về những vấn đề đã và đang xảy ra với mình, để làm rõ việc một nhà khoa học bị chèn ép như thế nào. Tóm tắt thì có mấy điểm:
- Tôi bị gây khó dễ trong việc tham gia hoạt động khoa học.
- Tôi phản ứng và đòi hỏi một tinh thần làm việc minh bạch, công bằng đối với người làm khoa học trong trường.
- Lãnh đạo nhà trường không giải quyết trực diện những khúc mắc tôi nêu ra, mà dùng cách bưng bít thông tin để đối phó.
Cách đây 3 năm, tôi từ Hà Lan quay về công tác tại Cần Thơ với ý nghĩ quê nhà đang cần xây dựng một trường đại học mới và mình có thể đóng góp một phần vào quá trình đầy ý nghĩa đó.
Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ được thành lập từ đầu năm 2013, kể từ đó tôi dốc sức tham gia xây dựng những nền tảng ban đầu cho trường, từ những việc lớn như xây dựng tinh thần làm việc ở khoa mà mình quản lý, xây dựng khung chương trình đào tạo của khoa và các quy chế về đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường, đến những việc chi tiết như góp ý cho các đồng nghiệp về việc quản lý và làm nghiên cứu khoa học, cân nhắc lựa chọn từng thông số kỹ thuật của thiết bị thực hành.
Đó là một quá trình làm việc nỗ lực hết mình và tôi cũng học hỏi thêm nhiều qua công việc. Cá nhân tôi không hề thấy hối tiếc về khoảng thời gian đó, dù chuyện gì xảy ra thì mình cũng đã chứng tỏ được năng lực, nhiệt huyết và mang những điều tiến bộ đã tiếp thu được về đóng góp cho trường, xứng đáng với kỳ vọng của thành phố Cần Thơ khi đã gửi tôi ra nước ngoài học (tôi là người đầu tiên đi học theo chương trình học bổng Cần Thơ 150 - Mekong 1000).
Từ tháng 3.2015, lãnh đạo nhà trường đột ngột thay đổi thái độ đối với tôi. Sự cố đầu tiên là họ bắt bẻ tôi trong việc tham dự một hội nghị khoa học, khi tôi đã cố gắng sắp xếp để không ảnh hưởng đến công việc của trường và cũng không muốn làm phiền nhà trường phải hỗ trợ.
Đáp lại thì tôi nhận được một yêu cầu gần như bất khả thi là phải “báo cáo việc có mặt ở hội nghị chi tiết đến ngày nào, buổi nào”. Sau đó, lãnh đạo nhà trường đột ngột cho ngưng vai trò quản lý khoa của tôi dựa trên một số lý do mập mờ mà không cho tôi cơ hội giải thích. Đến 4 tháng sau họ khôi phục lại vai trò đó mà cũng lại không trao đổi với tôi để cho biết lý do tại sao hoặc việc tạm ngưng trước đó có kết quả gì. Khi tôi đề nghị tổ chức đối thoại để làm rõ vấn đề và chỉ ra những thiếu sót trong quy trình nhân sự của trường, thì lãnh đạo nhà trường cố ý làm lơ. Thay vì làm rõ vấn đề thì họ đáp trả bằng việc không xét thi đua cho tôi trong năm học, quy chụp tôi góp ý xúc phạm lãnh đạo và nhà trường.
Tôi đã dùng hết các cơ chế điều chỉnh trong nội bộ trường, từ việc phản ánh qua khoa, khiếu nại đến Ban giám hiệu, đề nghị Công đoàn và Thanh tra nhân dân làm rõ vấn đề, nhưng cũng không có gì thay đổi. Chuyện danh dự của tôi, quyền lợi của một giảng viên - nhà khoa học thì không có ai thực sự giải quyết.
Tôi càng gửi ý kiến yêu cầu hệ thống quản trị nhà trường minh bạch và công bằng hơn để bảo vệ danh dự của mình, thì càng nhận được những kết quả cay đắng. Sau khi lãnh đạo nhà trường cho khôi phục vai trò quản lý khoa của tôi, thì họ tiến hành kỷ luật cách chức, dựa trên một danh sách dài những điểm quy kết tôi vi phạm mà không chỉ ra được bằng chứng cụ thể là gì.
Tiếp đó, tôi bị chuyển công tác từ khoa Điện - Điện tử - Viễn thông về làm nhân viên hành chính ở Phòng đào tạo để “ngồi chơi xơi nước”. Lãnh đạo nhà trường không cho tôi giảng dạy nữa với lý do tôi “vi phạm đạo đức nhà giáo” mà không chỉ ra cụ thể là tôi vi phạm điều gì, dù tôi đã đặt câu hỏi trực tiếp cũng như gửi đề nghị chính thức bằng văn bản yêu cầu làm rõ.
Trong hoàn cảnh nhà trường hiện nay rất thiếu nhân lực ở trình độ cao, tôi là người phụ trách chuyên môn cho một chương trình đào tạo đại học chính quy, có thành tích và năng lực làm khoa học hàng đầu trong trường, thì những gì lãnh đạo nhà trường đã làm đối với tôi đặt ra nhiều vấn đề về cách sử dụng người, cách quản lý hoạt động khoa học và cách xây dựng tinh thần quản trị minh bạch trong một môi trường giáo dục và khoa học công nghệ.
Hiện nay, vấn đề ở Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ trở nên phức tạp hơn, khi bắt nguồn từ cá nhân các vị lãnh đạo cấp cao nhiều quyền lực trong trường, họ làm cho những cấp dưới phải ủng hộ mình. Có lẽ là người ta tìm cách lôi kéo cả tập thể sai phạm để che đi những khuyết điểm của cá nhân lãnh đạo. Cái tinh thần làm việc mập mờ thiếu minh bạch đã lan đến cả những giảng viên trẻ, làm cho không ai dám nói trái ý lãnh đạo, mọi người trong trường co mình lại và ngại lên tiếng theo suy nghĩ thật sự của mình, đây là điều rất đáng lo.
Tôi phải đưa vấn đề này ra công luận nhằm tìm một sự tác động để chặn đà lan tràn của tư duy tiêu cực trong ngôi trường này, vì nếu để nó tiếp diễn mà không được điều chỉnh thì không lâu nữa sẽ làm thui chột ý chí phát triển và nhiệt huyết cống hiến của các giảng viên trẻ trong trường. Khi đó cả xã hội cũng sẽ thấy đáng tiếc cho hoàn cảnh của hơn 50 giảng viên - nhà khoa học trẻ nhiều tiềm năng hiện đang công tác ở đây”.
Hồ Nguyễn (
Thêm một giáo viên lâm nạn vì Facebook)
Nguồn: http://m.baomoi.com/Them-mot-giao-vien-lam-nan-vi-Facebook/c/18119667.epi
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét