Trong chương trình Văn nghệ Cuối tuần trước, Ngọc Ánh có mời một vị khách mời trẻ tuổi, xinh đẹp, tên là Nguyễn Thị Minh Thương, hiện nay đang du học tại trường Đại học Nhân Dân Trung Quốc, đầu đề câu chuyện giữa Minh Thương và Ngọc Ánh vào giờ này tuần trước, chủ yếu xoay quanh nhà văn Mạc Ngôn và những tác phẩm của ông. Ngoài yêu thích và nghiên cứu về Mạc Ngôn ra, Minh Thương còn tìm đọc và nghiên cứu tác phẩm của một số nhà văn đương đại nổi tiếng hiện nay ở Trung Quốc, như Dư Hoa, Diêm Liên Khoa, v.v. Đặc biệt, Minh Thương còn dành tương đối nhiều thời gian để đọc tác phẩm của nhà văn Diêm Liên Khoa. Thậm chí còn dịch một số tác phẩm của ông nữa. Vậy thì, Diêm Liên Khoa là nhà văn có sự ảnh hưởng như thế nào ở Trung Quốc? Sau đây, Ngọc Ánh xin giới thiệu sơ qua về ông.
Ngọc Ánh và Nguyễn Thị Minh Thương
Ông Diêm Liên Khoa sinh năm 1958, là người quê ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, ông được giới văn học Trung Quốc phổ biến cho rằng, là một trong những nhà văn rất có hy vọng lại đoạt giải thưởng Nobel Văn học như là nhà văn Mạc Ngôn Trung Quốc vậy. Và ngoài ra, ông còn được mệnh danh là bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực hoang đường. Năm 1985, nhà văn Diêm Liên Khoa tốt nghiệp chuyên ngành chính trị và giáo dục trường Đại học Hà Nam. Sau đó, ông lại tốt nghiệp chuyên ngành văn học tại Học viện Nghệ thuật Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, rồi sau đó ông cũng có từng trải như nhà văn Mạc Ngôn, đó là ông nhập ngũ và làm công tác sáng tác trong quân đội. Hiện nay, ông là Giáo sư của Học viện Văn học trường Đại học Nhân Dân Trung Quốc. Diêm Liên Khoa sáng tác nhiều tác phẩm văn học, trong đó có hơn 20 tác phẩm của ông đã đoạt giải thưởng trong quân đội, kể cả 2 lần đoạt Giải thưởng Văn học Lỗ Tấn, 1 lần đoạt Giải Văn học Lão Xá. Tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng. Sau đây, xin mời các bạn nghe buổi chuyện trò giữa bạn Nguyễn Thị Minh Thương và Ngọc Ánh tại trụ sở của Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc xoay quanh chủ đề về nhà văn Diêm Liên Khoa nổi tiếng của Trung Quốc hiện nay.
Nguyễn Thị Minh Thương và nhà văn Diêm Liên Khoa
Ngọc Ánh: Xin chào, xin chào Minh Thương! Bây giờ chúng ta lại tiếp tục trò chuyện với nhau nhé! Vậy thì Minh Thương, ngoài giới thiệu về Mạc Ngôn ra, Minh Thương nói rằng còn đi sâu nghiên cứu về Dư Hoa, Giả Bình Ao, rồi Diêm Liên Khoa. Thế thì Minh Thương đã đọc qua tác phẩm nào của nhà văn nổi tiếng Diêm Liên Khoa?
Minh Thương: Về tác phẩm của nhà văn Diêm Liên Khoa, có thể nói bên cạnh Mạc Ngôn, đây là nhà văn Trung Quốc đương đại mà em yêu thích nhất hiện nay, em đã dành nhiều thời gian để đọc tác phẩm của ông cũng như những bài viết nghiên cứu về các tác phẩm của ông. Các tác phẩm của ông được dịch ra tiếng Việt đến nay chưa nhiều, mới chỉ có hai tác phẩm là "Vì nhân dân phục vụ" với tên tiếng Việt là "Người tình phu nhân sư trưởng" và tác phẩm thứ hai là "Phong nhã tụng", đều do dịch giả Vũ Công Hoan dịch. Hai tác phẩm này em đều đã đọc. Ngoài ra, còn có một tác phẩm khác của nhà văn Diêm Liên Khoa, đó là tác phẩm "Tứ thư", hiện cũng được dịch giả Vũ Công Hoan dịch nhưng chưa xuất bản. Dịch giả Vũ Công Hoan có gửi riêng bản dịch cho em và em đã đọc tác phẩm này. Em cũng có dịch một tác phẩm của ông, đó là tác phẩm "Kiên ngạnh như thủy". Hiện giờ đang đọc tiểu thuyết mới nhất của ông bằng tiếng Trung, chưa xuất bản ra tiếng Việt, đó là tiểu thuyết "Tạc liệt chí" và cuốn tản văn "Tôi và cha chú".
Ngọc Ánh: Trong quá trình nghiên cứu về hai nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc, Minh Thương cảm thấy trong phong cách sáng tác của hai nhà văn có chỗ nào tương đồng, có chỗ nào khác biệt, đặc biệt là có đặc điểm như thế nào?
Nguyễn Thị Minh Thương
Minh Thương: Về việc so sánh giữa nhà văn Mạc Ngôn và nhà văn Diêm Liên Khoa, cảm ơn chị Ngọc Ánh về một câu hỏi rất hay, nhưng cũng rất khó. Bởi vì đây đều là hai gương mặt tiêu biểu của văn đàn Trung Quốc đương đại, cho nên để có thể so sánh về họ thì cần phải có những phân tích, khảo sát, đánh giá, đối chiếu rất kĩ lưỡng. Tuy nhiên, ở đây em có thể nói một cách ngắn gọn như thế này. Trước hết là sự giống nhau giữa nhà văn Mạc Ngôn và nhà văn Diêm Liên Khoa, đây đều là hai nhà văn rất quan tâm đến hiện thực lịch sử Trung Quốc, đặc biệt là hiện thực nông thôn, và trong tác phẩm của họ ta có thể tìm thấy bóng dáng của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Nam Mỹ. Tuy nhiên giữa họ cũng có rất nhiều những điểm khác biệt, mà theo em, có một sự khác biệt rất rõ giữa nhà văn Mạc Ngôn và nhà văn Diêm Liên Khoa, đó là nhà văn Diêm Liên Khoa nhìn hiện thực một cách gần hơn, sát hơn, bức thiết hơn, đó là những hiện thực đang diễn ra xung quanh chúng ta, đang đồng hành cùng với chúng ta, ví dụ như hiện thực trong các tác phẩm "Đinh trang mộng", "Phong nhã tụng", "Thụ hoạt", và gần đây nhất, tác phẩm mới xuất bản của ông là "Tạc liệt chí". Còn nhà văn Mạc Ngôn, những tác phẩm hay nhất của ông đều là những tác phẩm viết về lịch sử, ví dụ như "Báu vật của đời", "Đàn hương hình", hay là "Cao lương đỏ". Hiện thực trong tác phẩm của nhà văn Mạc Ngôn là một hiện thực rất sôi sục, vì thế nhà phê bình văn học Trung Quốc nổi tiếng Vương Đức Uy, một Giáo sư của Đại học Havard Mỹ đã nói rằng: Hiện thực trong tác phẩm của nhà văn Mạc Ngôn là một hiện thực sục sôi, một hiện thực nhảy múa, còn hiện thực trong tác phẩm của nhà văn Diêm Liên Khoa là một phiến chết lặng, một phiến tĩnh mịch. Em nghĩ rằng nhận xét này có lý của nó. Ngoài ra, có thể nhận ra một sự khác biệt nữa giữa họ, về bút pháp nghệ thuật, đó là bút pháp của nhà văn Mạc Ngôn chủ yếu thiên về bút pháp hiện thực huyền ảo, còn nhà văn Diêm Liên Khoa, ông tự nhận mình viết theo một bút pháp mà ông tự gọi, đó là viết theo chủ nghĩa thần thực.
Ngọc Ánh: Là người nghiên cứu văn học, và đặc biệt là nghiên cứu về hai nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc hiện nay, Minh Thương cảm thấy mình có hứng thú hoặc ưu ái hơn với sáng tác của nhà văn nào?
Minh Thương: Hiện nay, đối với hai tác giả này, mỗi nhà văn đều có một phong cách sáng tác riêng, em đều yêu thích sáng tác của hai nhà văn này. Hiện nay, đang nghiên cứu, viết luận án về nhà văn Mạc Ngôn, vì thế, đối với sáng tác của nhà văn Mạc Ngôn, có thể nói giống như một người quen đã quen thuộc, còn sáng tác của nhà văn Diêm Liên Khoa thì giống như một mỏ quặng mới mà em rất muốn sau này có thể tìm hiểu, khai thác kĩ hơn, sâu hơn.
Ngọc Ánh: Trong những ngày học tập tại Bắc Kinh, Minh Thương đã có dịp gặp hai nhà văn nói trên chưa?
Minh Thương: Nhà văn Mạc Ngôn em chưa có dịp được gặp gỡ. Tuy nhiên, em rất may mắn khi được gặp gỡ và trò chuyện với nhà văn Diêm Liên Khoa.
Ngọc Ánh: Trong quá trình trò chuyện với nhà văn Diêm Liên Khoa, Minh Thương cảm thấy phong cách lời ăn tiếng nói của nhà văn và phong cách sáng tác của nhà văn có gì đan chéo với nhau, hoặc là trùng lặp không, hoặc có gì khác?
Minh Thương: Khi tiếp xúc với nhà văn Diêm Liên Khoa, ông để lại ấn tượng trong em đó là một người đàn ông rất giản dị, chân thành, khiêm tốn. Nhưng một khi đã trò chuyện với ông thì cảm thấy đây là một nhà văn rất thú vị, rất có khí chất, rất có phong cách, đó quả thực là một nhà văn có rất nhiều những phẩm chất của một nhà văn lớn. Về việc con người thật của ông và sáng tác của ông có mối quan hệ đan chéo với nhau không, em thấy một điểm rất nổi bật đó là khi gặp nhà văn Diêm Liên Khoa, cảm thấy ông là một nhà văn rất suy nghĩ, rất trăn trở, âu lo về thời cuộc, điều đó cũng thể hiện rất sâu đậm trong sáng tác của ông.
Ngọc Ánh: Sau đây, Ngọc Ánh xin mời Minh Thương chia sẻ với các bạn thính giả và các bạn cư dân mạng Việt Nam rằng sau khi làm xong luận án tiến sĩ về văn học Trung Quốc, Minh Thương sẽ làm công tác gì hoặc có lý tưởng như thế nào sau khi về nước?
Minh Thương: Trước khi đến Trung Quốc, em là giáo viên của Bộ môn văn học Việt Nam hiện đại, khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau khi về nước, nếu không có gì thay đổi, em vẫn tiếp tục giảng dạy về văn học Việt Nam. Việc học tập ở Trung Quốc giúp cho em có hiểu biết thêm, hiểu biết sâu hơn về nền văn hóa, văn học của đất nước này. Vì vậy, em rất mong muốn sau khi về nước, vẫn có thể tiếp tục nghiên cứu văn học Trung Quốc cũng như nghiên cứu so sánh giữa hai nền văn học Trung Quốc và Việt Nam.
Nhà văn Diêm Liên Khoa
Ngọc Ánh: Các bạn thính giả của chương trình thân mến, đến với chương trình Văn nghệ cuối tuần của Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc hôm nay, Minh Thương còn mang theo một bài tản văn của nhà văn Diêm Liên Khoa, có tên là "Đánh". Trong chương trình hôm nay, Ngọc Ánh sẽ giới thiệu với các bạn bài tản văn này. Trước khi giới thiệu, Ngọc Ánh xin hỏi Minh Thương rằng, tại sao Minh Thương lại chọn bài tản văn "Đánh" của nhà văn Diêm Liên Khoa để phiên dịch và đưa vào chương trình hôm nay?
Minh Thương: Sở dĩ em chọn đoạn trích này, vì đoạn trích này nằm trong tác phẩm "Tôi và cha chú" xuất bản năm 2009 của Diêm Liên Khoa, đây là một cuốn tản văn rất xúc động viết về tình cảm gia đình. Em nghĩ rằng mỗi người trong chúng ta đều có sợi dây tình cảm với gia đình, đoạn trích này sẽ đánh thức sợi dây tình cảm ấy trong mỗi chúng ta, vì vậy rất muốn giới thiệu đến độc giả, thính giả Việt Nam.
Theo: http://vietnamese.cri.cn/581/2014/04/22/1s197957.htm
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét