Ngọc Ánh: Các bạn thính giả và các bạn cư dân mạng thân mến, nhiều năm qua, tin rằng, các bạn thường xuyên theo dõi chương trình văn nghệ cuối tuần của đài phát thanh quốc tế Trung Quốc, đều đã có dịp quen với các bạn lưu học sinh Việt Nam hiện nay đang học tập tại các trường đại học nổi tiếng của Trung Quốc, tin rằng các bạn đó để lại cho các bạn một số ấn tượng rất sâu sắc. Văn nghệ cuối tuần của Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc hôm nay, Ngọc Ánh lại mời một bạn nữ sinh, đang lưu học tại Học viện văn học trường Đại học Nhân Dân Trung Quốc. Sau đây xin mời bạn tự giới thiệu mình! Xin chào!
Minh Thương: Xin chào quý vị thính giả! Tôi là Nguyễn Thị Minh Thương, hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ của Viện văn học, Đại học Nhân Dân Trung Quốc, rất vui khi hôm nay được đến Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc giao lưu cùng quý vị thính giả!
Ngọc Ánh: Vậy Minh Thương có thể giới thiệu với các bạn thính giả và các bạn cư dân mạng biết rằng hiện nay Minh Thương đang học tại Viện văn học của Đại học Nhân Dân Trung Quốc thì Minh Thương học chuyên ngành gì?
Minh Thương: Hiện nay em đang học chuyên ngành văn học Trung Quốc đương đại ạ.
Ngọc Ánh: Trung Quốc là đất nước có nền văn hóa có bề dày rất sâu, tin rằng văn học hiện đại Trung Quốc có ảnh hưởng đến rất nhiều thế hệ bạn trẻ, vậy thì xin hỏi Minh Thương, Minh Thương có thể chia sẻ với các bạn thính giả, các bạn cư dân mạng Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ Việt Nam đang theo dõi chương trình là Minh Thương đang nghiên cứu về lĩnh vực văn học hiện đại, đối tượng cụ thể là ai, và những mảng Minh Thương nghiên cứu là những gì? Có thể chia sẻ với các bạn?
Minh Thương: Hiện nay chuyên ngành của em là văn học Trung Quốc đương đại, vì vậy đối tượng quan tâm là nền văn học Trung Quốc đương đại, bắt đầu từ năm 1949 đến nay, em đặc biệt quan tâm đến các tác giả văn học gần đây, đặc biệt là các tác giả có ảnh hưởng đến đời sống văn học Việt Nam như Giả Bình Ao, Dư Hoa, Vương An Ức, Diêm Liên Khoa, Mạc Ngôn, trong đó luận án tiến sĩ của em đang nghiên cứu sâu về tác giả Mạc Ngôn, đây là tác giả được độc giả ViệtNam đặc biệt quan tâm và tác phẩm của ông được nhiệt liệt chào đón ở Việt Nam.
Ngọc Ánh: Vâng, chính vì tác giả Mạc Ngôn, người đạt giải Nobel văn học năm 2012 vừa qua, những tác phẩm của ông đã có mặt rất nhiều trên các kệ sách của các nhà sách ở Việt Nam, và rất được các độc giả yêu thích, thậm chí cũng được rất nhiều các nhà văn của Việt Nam yêu thích, cho nên, nếu nghiên cứu về Mạc Ngôn và tác phẩm của ông thì có lẽ có rất nhiều các nhà văn và những người làm công tác nghiên cứu văn học đều có ưu ái và nghiên cứu đến ông. Vậy thì Minh Thương không cảm thấy đây là một áp lực hay sao?
Minh Thương: Đây quả là một thử thách đối với người nghiên cứu văn học đương đại, và đặc biệt với một lưu học sinh khi mà ở Trung Quốc và dùng tiếng Trung để viết luận án thì thử thách này lại càng nhân lên gấp bội. Hơn nữa, việc nghiên cứu Mạc Ngôn cần phải đặt trong mối tương quan với việc nghiên cứu các tác giả văn học khác. Có thể nói việc nghiên cứu văn học Trung Quốc ở Việt Nam hiện nay, nhìn chung tình hình là nghiên cứu không theo kịp dịch thuật. Ví dụ ngay với những tác giả trước đây đã được độc giả Việt Nam rất hoan nghênh như Dư Hoa, Vương An Ức, Giả Bình Ao, hay trào lưu văn học mạng ở Trung Quốc hiện nay rất được các bạn trẻ Việt Nam quan tâm và được dịch rất nhiều ra tiếng Việt, nhưng nhìn chung các bài viết nghiên cứu về họ còn chưa nhiều. So với những tác giả và trào lưu văn học này, Mạc Ngôn có một may mắn là được nghiên cứu nhiều ở Việt Nam, ông còn khác với tất cả các nhà văn đạt giải Nobel văn học khác, đối với các nhà văn đạt giải Nobel văn học khác thì Việt Nam thường phiên dịch và giới thiệu tác phẩm của họ sau khi họ đạt giải Nobel, nhưng với Mạc Ngôn thì trước khi ông đạt giải Nobel, tác phẩm của ông đã được giới thiệu và đón nhận nồng nhiệt ở Việt Nam rồi, trong đó bao gồm cả những tác phẩm tiêu biểu như "Báu vật của đời", "Đàn hương hình", "Tửu quốc", chính vì vậy mà việc nghiên cứu Mạc Ngôn ở Việt Nam càng áp lực hơn, khi đặt ông trong tương quan với các tác giả khác, đi lí giải vì sao các tác giả khác lại hiện nay chưa được giới nghiên cứu Việt Nam quan tâm, còn Mạc Ngôn thì lại được giới học giả Việt Nam quan tâm nhiều như vậy.
Ngọc Ánh: Tin rằng trong quá trình nghiên cứu Mạc Ngôn thì Minh Thương phải đọc khá nhiều tác phẩm của ông, đúng không?
Minh Thương: Vâng ạ.
Ngọc Ánh: Mạc Ngôn từng trả lời với các phóng viên, các nhà báo rằng những tác phẩm của ông đã có ảnh hưởng nhất định với làng văn học Việt Nam, và đặc biệt có sự ảnh hưởng với một số nhà văn trẻ của Việt Nam. Vậy thì từ góc độ nghiên cứu Mạc Ngôn thì Minh Thương hiểu câu nói này của nhà văn như thế nào?
Minh Thương: Ở đây, câu nói của Mạc Ngôn cho rằng tác phẩm của ông ảnh hưởng khá nhiều đến các nhà văn, làng văn của Việt Nam, làng văn ở đây theo như em hiểu, đó là giới sáng tác văn học. Em nghĩ điều này có thể bắt nguồn từ một thực tế mà Mạc Ngôn cũng cảm nhận được rất rõ, đó là tác phẩm của ông rất được hoan nghênh ở Việt Nam. Tuy nhiên, từ góc độ của em với tư cách là một người làm nghiên cứu thì đôi khi cũng cần tách bạch lí tính một chút. Em nhận thấy như thế này, khi nghiên cứu ảnh hưởng của một nhà văn với một nhà văn khác, nhìn chung cần dựa trên hai căn cứ cơ bản, hai điều kiện cơ bản, đó là, thứ nhất: nhà văn trực tiếp thừa nhận bằng văn bản rằng mình chịu ảnh hưởng từ một nhà văn khác, ví dụ như ở Việt Nam có một nhà văn cũng rất nổi tiếng, đó là nhà văn Tạ Duy Anh. Khi ông viết tác phẩm "Đi tìm nhân vật", Tạ Duy Anh đã nói rằng: tôi nhớ Nam Cao và Dostoievski, như vậy rõ ràng cho thấy rằng Tạ Duy Anh đã chịu ảnh hưởng, trong bóng dáng tác phẩm "Đi tìm nhân vật" của Tạ Duy Anh sẽ có bóng dáng của Nam Cao và Dostoievski. Điều kiện thứ hai để cho thấy một nhà văn ảnh hưởng đến một nhà văn khác, đó là chúng ta tìm thấy những tư liệu khẳng định rằng nhà văn này có đọc tác phẩm của nhà văn kia, và trong tác phẩm của họ ta tìm thấy những điểm tương đồng. Đây là căn cứ thứ hai để người nghiên cứu văn học có thể nghiên cứu ảnh hưởng giữa các nhà văn với nhau. Tuy nhiên, ở hai căn cứ này cũng đều có những khe hở nhất định, ví dụ, trong điều kiện thứ nhất, khi nhà văn thừa nhận rằng mình chịu ảnh hưởng từ một nhà văn khác, nhưng trong tác phẩm của họ chúng ta không tìm thấy dấu ấn ảnh hưởng của nhà văn kia, thì cũng rất khó có thể kết luận giữa họ có ảnh hưởng lẫn nhau, mà sự thừa nhận ảnh hưởng này mới chỉ dừng lại ở niềm yêu thích mà thôi. Còn ở trong trường hợp thứ hai, tất cả cũng chỉ dừng lại ở sự phán đoán và suy luận, đây cũng là một điều khó khăn với người nghiên cứu nói chung trong nghiên cứu ảnh hưởng. Theo như trong quan sát của em, việc nghiên cứu ảnh hưởng Mạc Ngôn với giới sáng tác của Việt Nam và đặc biệt với các nhà văn trẻ thì hiện nay vẫn chưa có một khảo sát nào. Và theo trong sự quan sát, sự hiểu biết của em thì chưa có nhà văn nào ở Việt Nam trực tiếp lên tiếng rằng họ chịu ảnh hưởng từ sáng tác của Mạc Ngôn. Nhưng thực tế cho thấy, khi tác phẩm của Mạc Ngôn đi vào Việt Nam, được dịch và được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam thì độc giả Việt Nam đã đón nhận rất nhiệt liệt và trong đó có sự đón nhận nhiệt liệt của các nhà văn, của giới sáng tác, bởi vậy có thể là cho dù họ không thừa nhận, nhưng có thể suy đoán giới sáng tác trẻ Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều từ sáng tác của ông.
Ngọc Ánh: Cảm ơn Minh Thương đã giới thiệu một cách rất phong phú về sự nhìn nhận của mình đối với nhà văn Mạc Ngôn và giới văn học Việt Nam.
Xin hỏi Minh Thương, Minh Thương có thể bật mí cho Ngọc Ánh và các bạn biết rằng, hiện nay Minh Thương là học sinh, cũng là tiến sĩ, không hiểu là hiện nay Minh Thương đã có người yêu chưa, đã lập gia đình chưa, hay là thế nào?
Minh Thương: Em hiện nay cũng đã kết hôn, chồng em trước đây cũng đã du học ở Trung Quốc, cũng học tại Đại học Nhân Dân.
Ngọc Ánh: Ôi, hai vợ chồng lại có duyên với trường Đại học Nhân Dân, thế hiện nay anh ấy đang ở đâu? Anh ấy còn học ở Trung Quốc không hay đã về nước rồi, hay như thế nào?
Minh Thương: Anh ấy hiện nay cũng đã tốt nghiệp, hiện nay đang ở Hàn Quốc giảng dạy.
Ngọc Ánh: Hai vợ chồng du học và công tác ở hai nước, tin rằng nhớ nhau lắm nhỉ!
Minh Thương: Vâng, đúng ạ.
Ngọc Ánh: Minh Thương phải chăng muốn bày tỏ niềm thương nỗi nhớ của mình bằng một bài hát gì mà Minh Thương biết, ví dụ như một bài hát Trung Quốc chẳng hạn?
Minh Thương: Nếu có thể thông qua chương trình văn nghệ cuối tuần để gửi đến anh ấy một ca khúc thì em rất muốn nhờ chương trình gửi đến cho người chồng đang công tác ở Hàn Quốc của em ca khúc "Nhớ anh thật da diết", tên tiếng Trung là 真的好想你
Ngọc Ánh: Vậy thì, Minh Thương trong quá trình đọc tác phẩm của Mạc Ngôn, ví dụ như "Báu vật của đời" chẳng hạn, Minh Thương đã đọc chưa?
Minh Thương: Vâng, em đã đọc ạ.
Ngọc Ánh: Hiện nay Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc đang giới thiệu bộ tiểu thuyết "Báu vật của đời" của nhà văn Mạc Ngôn, trong quá trình diễn đọc, cảm thấy những miêu tả trong tác phẩm, con người với tính con người, với hoàn cảnh lịch sử, đặc biệt là với điều kiện sống lúc bấy giờ, những miêu tả đó rất cụ thể, khác hẳn với những bộ tiểu thuyết khác, như trước đây chúng ta đọc những tiểu thuyết khác nói về anh hùng, nói về Cách mạng, bao giờ cũng rất rực rỡ, sáng ngời, rất vinh quang, nhưng trong tác phẩm của Mạc Ngôn, hình như làm nổi bật lên tính cách của con người, bất kể họ là anh hùng hay là phản diện, vậy thì từ góc độ của người nghiên cứu về Mạc Ngôn, em có nhìn nhận như thế nào với việc miêu tả con người trong ngòi bút của Mạc Ngôn?
Minh Thương: Vấn đề miêu tả con người trong ngòi bút của Mạc Ngôn, có thể nói phương diện miêu tả nhân vật là phương diện làm nên thành công trong tác phẩm của Mạc Ngôn, không chỉ "Báu vật của đời" mà trong các tác phẩm khác, mỗi nhân vật mà ông khắc họa đều in đậm dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc. Đúng như chị cảm nhận, việc Mạc Ngôn đã xây dựng những hình tượng nhân vật khắc sâu trong lòng người đọc, như hình tượng người mẹ, người chị, hay những nhân vật không phải nhân vật chính diện cũng để lại ấn tượng rất sâu đậm. Ông luôn đặt nhân vật của mình trong tương quan với lịch sử để miêu tả sắc nét, hiện thực mà ông miêu tả luôn là những hiện thực tàn khốc nhất, đẩy nhân vật vào bước khốn cùng nhất để từ đó nhân vật bộc lộ ra những lựa chọn và suy nghĩ của mình.
Ngọc Ánh: Có lẽ đặc điểm, phong cách sáng tác này gây nên sức hấp dẫn, thu hút với độc giả, có phải vậy không?
Minh Thương: Vâng, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc nhìn chung là đại đồng tiểu dị, điểm tương đồng rất lớn, ngay cả văn học Việt Nam và Trung Quốc cũng vậy, văn học Trung Quốc và văn học Việt Nam đều trải qua một thời kì, gọi là văn học phục vụ chính trị, khi ấy văn học dường như chỉ ngợi ca một phía, và chúng ta thấy hiện lên là những nhân vật anh hùng và hiện thực được tô hồng, điều này trong văn học Việt Nam cũng có và văn học Trung Quốc cũng đã có một khoảng thời gian như vậy. Nhưng đến Mạc Ngôn, độc giả Việt Nam được tiếp cận với một hiện thực khác, một kiểu nhân vật khác phong phú và đa chiều hơn. Chính vì Mạc Ngôn được sớm giới thiệu ở Việt Nam, tạo nên một sự khác biệt, tác phẩm của ông đã tạo nên một sự khác biệt rất lớn trong ấn tượng của độc giả Việt Nam về văn học Trung Quốc.
Ngọc Ánh: Cảm ơn Minh Thương đã có sự giới thiệu phong phú và toàn diện đối với tác giả Mạc Ngôn. Ngọc Ánh cũng xin hỏi Minh Thương, trong quá trình nghiên cứu văn học Trung Quốc, khó khăn trước mắt đặt ra với Minh Thương là vấn đề gì?
Minh Thương: Điều khó khăn, có lẽ là điều khó khăn lớn nhất với em, cũng như với lưu học sinh nói chung, đó là vấn đề ngôn ngữ, vì khi đi du học, không phải dùng tiếng mẹ đẻ của mình để đọc và viết nữa, mà phải dùng ngôn ngữ khác, cụ thể ở đây là Hán ngữ, để đọc được một khối lượng tài liệu rất đồ sộ, từ đó lại chắt lọc ra, sử dụng những phương diện nào, đặc biệt là viết lại những gì mình thu hoạch được trở thành sản phẩm của mình. Với Mạc Ngôn, rất may là tác phẩm của ông phần lớn đã được dịch ra tiếng Việt, vì vậy em có thể tìm đọc những bản dịch tiếng Việt, tuy nhiên, lượng nghiên cứu về tác phẩm của ông cũng rất nhiều, với một nhà văn có khối lượng tác phẩm đồ sộ, tư tưởng sâu sắc, bút pháp nghệ thuật đáng được nghiên cứu như Mạc Ngôn thì việc xử lí tài liệu, đọc tài liệu là một khó khăn.
Ngọc Ánh: Xin hỏi Minh Thương bắt đầu tiếp xúc với tiếng Trung Quốc, cụ thể hơn là Hán ngữ bắt đầu từ thời gian nào?
Minh Thương: Em bắt đầu học Hán ngữ từ 2009, sau khi ra trường, so với các bạn học chuyên tiếng Trung thì thời gian học Hán ngữ chưa được nhiều, nhưng càng học thì lại càng cảm thấy yêu thích Hán ngữ. Vì bắt đầu học từ một nguyên nhân rất đơn giản, đó là thích các tác phẩm văn học Trung Quốc và các bộ phim Trung Quốc được trình chiếu ở Việt Nam, đặc biệt là phim Tây Du Ký. Khi ấy em đã có một mong muốn là được đọc các tác phẩm mình yêu thích bằng tiếng Trung, và được xem những bộ phim mình yêu thích bằng chính Hán ngữ, vì vậy đã đi sâu vào học. Trong quá trình học thì lại càng cảm thấy thích thú, vì Hán ngữ là một ngôn ngữ được xây dựng trên một bề dày lịch sử với hơn 5000 năm với những tư tưởng mỹ học, triết học phong phú. Và đặc biệt, đối với người Việt Nam nói chung, với em nói riêng thì việc học Hán ngữ còn là một cơ hội giúp cho em hiểu hơn về tiếng mẹ đẻ của mình. Bởi vì giữa tiếng Việt và tiếng Trung có rất nhiều điểm tương đồng, mặc dù là đầu thế kỉ 20, Việt Nam đã không còn sử dụng Hán ngữ nữa, mà đã chọn chữ quốc ngữ làm văn tự chính thức cho mình, nhưng lịch sử nhiều thế kỉ sử dụng Hán ngữ vẫn in dấu ấn rất sâu đậm trong ngôn ngữ Việt, đặc biệt ở lượng từ vựng.
Ngọc Ánh: Cảm ơn Minh Thương, có một bài hát rất quen thuộc với đông đảo công chúng của Trung Quốc và cả ở Việt Nam nữa, do chị Đặng Lệ Quân trình bày, đó là bài hát 月亮代表我的心, tiếng Việt Nam gọi là "Ánh trăng bày tỏ lòng em", hoặc là "Ánh trăng bày tỏ lòng tôi", xin mời các bạn thưởng thức, và cũng xin tặng bài hát này cho những đôi bạn trẻ đã yêu, đang yêu, hoặc đã thành vợ nên chồng nhưng phải sống xa nhau một bài hát để bày tỏ tình cảm của mình qua vầng trăng treo trên không trung bao la. Xin mời các bạn thưởng thức!
Theo: http://vietnamese.cri.cn/581/2014/04/15/1s197741.htm
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét