20 năm qua, văn học Trung Quốc đã trải
qua nhiều biến động lớn và phát triển tương đối phức tạp. Sự vận động của nó phản
ánh sâu sắc những biến động trong đời sống kinh tế, văn hoá, chính trị và tinh
thần của quốc gia rộng lớn đông dân này. Nếu trong thời cách mạng văn học có một
bệ đỡ vững chắc là chính trị, sau đổi mới (1978) lại có những ảo tưởng về tác động
của công cuộc hiện đại hoá đối với văn học thì sang những năm 90, và đầu thế kỉ
mới, văn học đã phát triển dưới một lực tác động khác, đó là cơ chế thị trường,
xã hội tiêu dùng và sự sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại
chúng. Chính trong những thay đổi gấp gáp đến chóng mặt của thời đại đã khiến
văn học văn học Trung Quốc 20 năm qua không ngừng vận động và thể hiện một diện
mạo mới, bản chất mới.
1.
Văn học Trung Quốc những năm 90
Bước
vào thập niên 90, về cơ bản, Trung Quốc đã chuyển đổi một cách toàn diện sang
cơ chế thị trường, khuynh hướng giá trị thay đổi, ý thức hàng hoá ngày một
tăng, tư duy thị trường hoàn toàn thâm nhập vào từng ngóc ngách trong xã hội,
vì thế, quan niệm giá trị mà hình thái ý thức xã hội bị giải thể, đạo đức lí tưởng
truyền thống bị mai một. Hiện thực tàn khốc của xã hội hàng hoá phá vỡ ảo tưởng
mĩ lệ về hiện đại hoá được khơi ra từ ngày đầu đổi mới của phần tử tri thức,
các nhà văn buộc phải nhìn nhận lại hiện thực. Những diễn ngôn quốc gia đại sự
dần dần bị thay thế bằng tả thực về cuộc sống sinh tồn, văn học chuyển từ theo
đuổi cao thượng chuyển sang quan tâm đến những vấn đề trần tục nhất, tiến vào
thời đại diễn ngôn trò chơi tiêu dùng của văn hhoá hàng hoá. So với những năm
80, văn học những năm 90 có những chuyển biến lớn trên cục diện văn học, quan
niệm sáng tác, quy chuẩn đạo đức, lựa chọn giá trị…
Cục
diện đơn nguyên hoá bị phân tách, xuất hiện cục diện văn học chủ lưu, văn học
tinh anh và văn học đại chúng cùng tồn tại, và có xu hướng nghiêng về văn hoá đại
chúng. Văn học chủ lưu tập trung trong những sáng tác như “Năm trước năm sau” của
Hà Thân, “Trời xanh trên cao” của Lục Thiên Minh, “Chế tạo Trung Quốc” của Chu
Mai Sâm… Họ thể hiện quyết tâm giữ gìn văn hoá chính trống và quan niệm giá trị
truyền thống, muốn giữ trận địa văn hoá chủ lưu và mang cảm giác sứ mệnh.
Nhưng, dưới sự tác động của văn hoá kinh tế thị trường, họ cũng buộc phải điều chỉnh
cách viết để hướng về văn hoá đại chúng. Sáng tác tinh anh mặc dù vẫn giữ được
vị trí chủ thể của văn học, nhưng sự đối lập giữa lập trường văn học và văn hoá
thị trường buộc họ phải chọn con đường hợp lưu với văn học thông tục, lập trường
diễn ngôn chính trị dần dần chuyển sang lập trường dân gian. Năm 1993 có thể
coi là một năm thể hiện rõ nhất việc văn học hướng đến thị trường: Vương An Ức
với “Kí thực và hư cấu”, Vương Mông với “Mùa yêu”, Trương Vĩ với “Ngụ ngôn
tháng 9”, đặc biệt là Giả Bình Ao với “Phế đô”. “Phế đô” lúc đầu được đăng dài
kì trên “Thập nguyệt”, sau đó được nxb Bắc Kinh xuất bản lần đầu 50 vạn bản, công
khai hoặc bán công khai xuất bản 100 vạn bản, in ngoài luồng 1200 vạn bản.
Trong khoảnh khắc, khắp nông thôn thành thị đường phố ngõ hẻm chỗ nào cũng thấy
“Phế đô”, đây là một hiện tượng hiếm thấy trong văn học Trung Quốc 50 năm qua. Trong
thời kì này, hàng loạt những hành vi thương mại như mua bản thảo giá cao, quảng
cáo tuyên truyền, bán bản thảo… xuất hiện, cho thấy ý đồ văn học phải nhanh
chóng hoà hợp với thị trường. Rất nhiều người công kích “Phế đô” cho rằng tác
phẩm là “vô sỉ”, “dung tục”, “thương mại rẻ tiền”. Thế nhưng, sự xuất hiện của
“Phế đô” có liên quan mật thiết với sự chuyển biến của thân phận nhà văn trong
thời đại kinh tế thị trường. Các “nhà văn chuyên nghiệp” ăn lương nhà nước cấp,
ở nhà nhà nước phân đã chuyển sang thân phận “nhà văn bán sách”, “nhà văn kí hợp
đồng”. Trước kia Tình dục bị coi là điều cấm kị thì “Phế đô” đã công khai đả
phá và biến nó thành đốI tượng mang lại lợi nhuận lớn trong thời đại chuyển đổi.
Nói trở thành khởi điểm lịch sử của “tự sự dục vọng” và tiêu dùng văn hoá. Mọi
người đều nhìn thấy chính trị lí tưởng không còn là vấn đề hạt nhân của xã hội
Trung Quốc nữa, theo đuổi lợi ích mới là lực đẩy số một của xã hội. Trong bối cảnh
lịch sử đó, văn học giáo huấn, văn học chỉ đạo không còn chỗ đứng. Các nhà văn
đã hướng vào nội bộ phần tử trí thức, chỉ ra những giới hạn của họ, chẳng hạn
Vương An Ức cho xuất bản liên tục ba tác phẩm “Câu chuyện của chú”, “Ca sĩ đến
từ Nhật Bản”, “Thơ về xã hội lí tưởng” suy nghĩ về sự chuyển đổi thân phận trí
thức những năm 90, trong đó “Câu chuyện của chú” chất vấn nghiêm túc mà thống
khổ vền những ảo tưởng tập thể của những năm 80. Lúc đó “Con người vì sự sống của
bản thân mà sống, chứ không phải bất kì cái gì khác”(Dư Hoa).
Thơ
ca được coi là phương thức diễn ngôn điển hình của tầng lớp tri thức tinh anh
trong thời đại lí tưởng. Đến cuối những năm 80 văn học bắt đầu đi vào cục diện
đa nguyên hoá, thơ ca lại dần dần yếu đi, vấp phải sự lạnh nhạt lớp nhất trong
thế kỉ 20. Đến những năm 90 số phận của thơ ca thể hiện sâu sắc nhất sự trắc trở
của văn học tinh anh. Thơ vấp phải sự thờ ơ của độc giả, nhà thơ chỉ còn biết than
thở với bản thân, đối diện với cô đơn. Văn học thập niên 90 bị tiểu thuyết chiếm
giữ phần lớn không gian và thời gian.
Thiếu
vắng lí tưởng, tinh thần trống rỗng, quan niệm mĩ học truyền thống bị phá vỡ, ý
thức tự giác của văn học mai một là những đặc điểm cấu thành đặc trưng của văn
học thời kì chuyển đổi. Văn học cứ như vậy ngày càng đi sâu vào bối cảnh dung tục
hoá. Giá trị trung tâm xã hội bị giải thể, ý thức chủ lưu mai một, phần tử tri
thức hoang mang, văn hoá tiên phong bị thu hẹp địa bàn, văn hoá đại chúng bùng
nổ chiếm giữ vị trí chủ lưu trong đời sống, chủ nghĩa công lợi, chủ nghĩa tiêu
dùng, chủ nghĩa hưởng lạc của văn hoá thị trường thao túng người dân từ vật chất đến tinh thần.Văn hoá đại chúng
đã chiếm vị trí đầu trong thị trường văn hoá. Vương Sóc là “người đầu tiên viết
kiểu thương mại đương đại của Trung Quốc”, dẫn đầu trong trào lưu sáng tác
thương mại hoá. Ông bắt đầu viết từ giữa những năm 80, đến cuối những năm 90 trở thành một trong những
“hiện tượng văn hoá” quan trọng của thập niên, sáng tác của ông chủ yếu tập
trung vào những đề tài thông tục như ngôn tình, phạm tội, trinh thám; triệt để
hoá giải lí tưởng của thời đại anh hùng, tạo ra hiệu ứng “khoảng cách bằng
không” với thị dân.
Truyền
thông đại chúng là một hình thức quan trọng của văn hoá đại chúng, sự phát triển
của nó khiến văn học từ thành đường thần thánh rơi xuống vị trí bị lợi dụng. Văn
học phải dựa vào truyền thông để sinh tồn. Kết quả tất yếu của việc văn học bị
kĩ thuật nuốt chửng là việc văn học mất đi tính quyền uy vốn có và địa vị chính
tông của văn học truyền thống, khiến cho văn học nhanh chóng bị đóng vài trò của
kẻ bên lề. Hành động thương mại và lợi ích kinh doanh đã khiến nhà văn từ bỏ
quyền lợi và trách nhiệm bảo hộ tác phẩm của mình, bảo hộ văn học, điều này cho
thấy những bàng hoàng, âu lo, thấp thỏm dầu thập niên 90 không còn nữa, chính
những lợi ích kinh tế có được khiến họ hoàn toàn thay đổi quan niệm giá trị của
tồn tại. Họ chấp nhận sự cải biên của đạo diễn, dù có phải hi sinh nguyên tác.
Ví dụ Trương Nghệ Mưu cải biến tác phẩm “Bầy vợ” của Tô Đồng thành “Đèn lồng đỏ
treo cao” đã đánh mất ý nghĩa siêu việt trong tiểu thuyết.
Văn
học thời kì này đã chuyển từ quan tâm đến hình thức sang quan tâm đến vấn đề đạo
đức. Trung hậu kì thập niên 80 các nhà văn không ngừng tìm kiếm tính độc lập của
văn học, có xu hướng đi vào thể nghiệm hình thức, thoát li chính trị mà tiêu biểu
là các nhà văn Tiên phong. Nhưng sang thập niên 90, hình thái ý thức phai nhạt,
thái độ xa rời chính trị của thuần văn học dần dần mất ý nghĩa. Sự xuất hiện rầm
rộ của “tự sự dục vọng” “văn học nữ” đã mở ra không gian mới. Một loạt những nhà văn như Giả Bình Ao, Cách Phi, Hà Đột,
Vương Sóc, Chu Văn, Vệ Tuệ, Miên Miên… qua tác phẩm của họ đều thể hiện sự biến
dổi trong quan niệm giá trị. Vương Sóc dùng bút pháp châm biếm phơi bày bản chất
giả dối, cách mạng, quyền uy, tri thức, ái tình, thanh xuân, nhân sinh, lí tưởng,
trút bỏ mặt nạ đạo đức trên những diễn ngôn quyền uy như cách mạng, hiện đại,
khai sáng. . Nếu như đầu thập niên 90, lối viết dục vọng còn ít nhiều được che
đậy, nhưng đến giữa và cuối thập niên 90, sáng tác của những người trẻ tuổi lại
không đơn giản là bộc lộ dục vọng, mà cho thấy quan niệm giá trị và quy phạm đạo
đức của họ đã khác rất nhiều so với các nhà văn thế hệ trước. Họ không hề che
giấu khao khát đối với vật chất và dục vọng. Chu Văn với “Tôi yêu đô la”, Hàn
Đông với “Tam nhân hành”, Hà Đột với “Chúng ta giống hoa hướng dương” đều thể hiện
điều đó. Cái họ nhấn mạnh là lối viết cá nhân, viết bản năng, viết dục vọng, viết
sinh tồn, cho nên, họ lấy thế tục hoá làm căn cứ, phủ định tất cả mọi thứ được
coi là cao thượng, thần thánh.
Cuối
thập niên 90, xu hướng thương mại hoá trong sáng tác nữ được một số nhà văn trẻ
đẩy lên cao. Vệ Tuệ, Miên Miên dùng chiêu bài lối viết thân thể, lấy ngôn ngữ
khác thường và quan niệm giá trị về sự hưởng lạc phóng túng thu được sự chú ý rộng
rãi của xã hội. Mặc dù Vệ Tuệ, Miên Miên đã lộ ra rát nhiều nội dung đời sống của
nữ giới nhưng họ không bảo vệ cho giới nào, mà bảo vệ đấu tranh cho một phương
thức sống mới. Mặc dù sáng tác của họ phần lớn bị văn hoá hàng hoá nuốt chửng,
nhưng giống như Vương Sóc, Trần Nhiễm, hành vi phản nghịch của họ phản ánh quá
trình đi tìm những chuẩn mực đạo đức mới của tầng lớp thanh niên trong thời đại
mà giá trị đang đổi thay.
2.
Văn học Trung Quốc đầu thế kỉ mới
Sang
thế kỉ mới, kinh tế thị trường đã đi vào ổn định, phương tiện truyền thông phát
triển mạnh, đặc biệt là sự phổ cập của internet, nhà văn tìm được sự thích ứng
với không khí của thời đại tiêu dùng…Tất cả những điều đó ảnh hưởng mạnh mẽ đến
sáng tác khiến văn học thế kỉ mới trình diện một diện mạo riêng.
Về
lĩnh vực tiểu thuyết.
Tiểu thuyết thế kỉ mới có sự kế thừa tiếp nối của tiểu thuyết những năm 80, 90
như tiểu thuyết vết thương, phản tư, tả thực mới, tiên phong, tân lịch sử…Tuy
nhiên, không thể phủ nhận những nét mới của tiểu thuyết Trung Quốc khi bước
sang thể kỉ 21. Nó không có cái hiệu quả xã hội mạnh mẽ của những năm 80, cũng không có cái cô tịch khi bị đẩy ra bên lề
văn hoá như những năm 90, mà trở về với quá trình phù hợp với quy luật phát triển
tự thân, quay trở về với địa vị xã hội thực tế của mình. Tiểu thuyết nói riêng,
văn học nói chung của thời kì này bắt đầu tìm được cách thích ứng, hoà hợp với
thị trường. Cũng trong quan hệ đó đã định vị lại quan hệ thanh-tục, ngày càng
xoá nhoà ranh giới giữa đại chúng và tinh anh. Trong các thể loại văn học của
thế kỉ mới, tiểu thuyết vẫn dựa trên ưu thế tự sự của mình trở thành thể loại
chủ đạo. Tiểu thuyết thế kỉ mới có một số
đặc điểm chủ yếu sau:
Thân phận của người sáng tác có khuynh hướng đa cực hoá, thể hiện
sự phân hoá rõ ràng trên quan niệm văn học và giá trị trị thẩm mĩ mà họ theo đuổi. Cùng với
sự thay đổi của phương thức sản xuất và
phương thức truyền bá, thân phận, tuổi tác trình độ chuyên nghiệp của người viết
đều có nội hàm rộng rãi hơn so với thế kỉ trước, tỉ trọng nhà văn nghiệp dư
tăng cao, những người viết trên mạng và tự do soạn thảo cũng trở thành đội ngũ
sáng tác quan trọng.
Đây cũng hiển nhiên dẫn đến sự phân hoá
trong quan niệm văn học và theo đuổi thẩm mĩ, rất nhiều nhà văn trong nội dung
thể nghiệm, trong phương thức nhận thức và trên khuynh hướng giá trị khác so với
đội ngũ tiểu thuyết gia của thế kỉ trước vốn được mệnh danh là tiên phong, trào
lưu mới. Vì có sự ủng hộ của phương thức vật chất truyền thông, tiểu thuyết đề
tài hiện thực có không gian sáng tác rộng hơn trước kia; tiểu thuyết nữ quyền
phổ biến chuyển từ nhấn mạnh sự khác biệt giới tính sang sự hài hoà cân bằng giới
tính; sáng tác trên mạng cũng tìm được cơ hội đi từ mạng xuống hiện thực thông
qua con đường xuất bản; tiểu thuyết tiến thêm một bước điều chỉnh đặc tính biên
duyên so với diễn ngôn quyền lực trung tâm chính trị, trở về địa vị chính đáng
phù hợp hơn với quy luật tự thân của nghệ
thuật.
So với thập niên 80, 90, đặc biệt là
trên thái độ đối với lịch sử và trên phương thức tự sự về đời sống thường nhận
có sự thay đổi từ góc độ sách lược. Thái độ của tiểu thuyết thế kỉ mới đối với
lịch sử/thời gian có sự thay đổi mang tính lật đổ. Trước hết là giải cấu quan
niệm thời gian của các nhà văn 8x, giống như sự chân thực trong trò chơi phản
khủng bố - chân thực đến cực điểm- thao
tác thành thục của rất nhiều nhà văn 8x là một “ảo thành”. Khái niệm thời gian
trên ý nghĩ hiện thực không có ý nghĩa gò bó bên trong đối với những tác phẩm
kiểu như thế, nó chỉ thuộc về thời đại internet, thời đại trò chơi điện tử, là
sự tồn tại của thời gian, không gian bất kì lúc nào, bất kì đâu cũng có thể
phát sinh. Kì thực, thay đổi thái độ đối với lịch sử còn thể hiện sâu sắc ở
trong văn bản có tính hiện thực mạnh mẽ. “Thánh nhân” của Tiền Ninh, “Kẻ hạnh
phúc” của Vương Vu… về thái độ đối với lịch sử/ thời gian rõ ràng giảm đi nhiều
sắc thái hư vô trên phương thức tự sự của chủ nghĩa tân lịch sử, chuyển sang
quan tâm đến việc xây dựng lại lịch sử.
Trên phương diện tự sự về cái hằng ngày,
tiểu thuyết thế kỉ mới đã nhập vào đời sống mà “tả thực mới ” và “tân hiện thực
chủ nghĩa” không có cơ hội biểu đạt. Làm thế nào để tự thuật lại trạng thái
bình thường, khác thường của cuộc sống là mục tiêu chung của tiểu thuyết thế kỉ
mới, các nhà văn suy nghĩ về những thứ dục niệm của con người, áp lực của cuộc sống,
nhược điểm và sự phức tạp của nhân sinh... Nó không còn là sự ghi chép nguyên
si của “tân tả thực” nữa mà đạt đến cao
độ mới trong việc thẩm mĩ hoá tự sự thường nhật. “Hai tuần rưỡi yêu em” của Từ
Khôn, “Nói với Lao La anh yêu em” của Đường Dĩnh, “Hai ba chuyện về bạn học nữ”
của Tô Đồng đều là điển hình như vậy, còn “Tần Xoang” của Giả Bình Ao đã mang
phong cách khác của sáng tác chủ nghĩa hiện thực thế kỉ mới. Ông chú trọng đưa vào trong cùng một tác phẩm tính hiện đại
hiện thực và tính hàm súc truyền thống. Ngoài ra, trong một loạt tác phẩm truyện
vừa của Tất Phi Vũ như “Ngọc Mễ”, “Ngọc Tú”, “Ngọc Ương” lại quan tâm đến lập
trường dân gian trên phương diện trần thuật.
Các nhà văn 8x, tiểu thuyết mạng đã tạo
nên thể nghiệm văn học và không gian mới. “8x” thể hiện tâm thế viết hoàn toàn
khác so với truyền thống, trở thành nét riêng biệt của thế kỉ mới. Với tư cách
là một quần thể sáng tác của những người trẻ tuổi, sự xuất hiện của 8x cho thấy
văn học sử do tạp chí, hiệp hội và các nhà phê bình chủ lưu xây dựng đã bị đột
phá. Phần lớn họ phản nghịch, loại khác (linglei), rất có năng lực biểu đạt
ngôn ngữ , có trí tưởng tượng phong phú và tư tưởng và cá tính sáng tạo độc lập.
Có thể nói, nhà văn 8x từng bị văn học sử
bỏ ra ngoài tầm ngắm, nhưng cùng với sự thành công của tác giả và tác phẩm của
họ Hàn Hàn, Quách Kính Minh, Trương Duyệt Nhiên, “ngủ hổ tướng của phái thực lực”…,
8x đã tiến vào phạm vi của văn học sử, thậm chí có kênh thông tin đã nói rằng
văn đàn năm 2004 thuộc về các nhà văn 8x. Cho dù mở ra một phương thức sáng tác
và một không gian văn học, nhưng cần phải nhìn thấy, sáng tác của 8x vẫn còn
nhiều vấn đề cần giải quyết, ví dụ không hề có được tác phẩm có trọng lượng, làm thế nào trong sáng tác vứt bỏ được những
nông cạn, ấu trĩ. Tác phẩm tiêu biểu của 8x có : “Tam trùng môn”,”Âm một độ” của
Hàn Hàn, “Ảo thành”, “Bao nhiêu hoa rơi trong mộng” của Quách Kính Minh, “Hoa
đào xa xôi”, “Hoa hướng dương tiêu biến vào năm 1890”, “Mười yêu” của Trương
Duyệt Nhiên.
Sự sống dậy của tiểu thuyết mạng là ví dụ
điển hình của việc kĩ thuật công nghệ ảnh hưởng đến văn học. Internet vào Trung
Quốc từ thập niên 90 nhưng văn học mạng thực sự xuất hiện vào năm 1999. Với tư
cách là một hình thái văn học mới, văn học mạng đã có vai trò mang tính lật đổ
với phương thức sản xuất và truyền bá văn học truyền thống. “Thảo dương niên
hoa” của Tôn Duệ, “Lí công đại phong lưu vãng sự” của Trương Thao, “Ngày tốt
nghiệp chúng ta cùng thất tình” của Hà Viên Ngoại, “Tiểu thuyết đêm hoa hồng thời
đại internet” của Thái Tri Hằng, “Thành Đô, đêm nay xin hãy quên tôi đi” của Mộ
Dung Tuyết Thôn đều có ảnh hưởng lớn trong độc giả, trở thành một bộ phận cấu
thành không thể xem nhẹ của tiểu thuyết thế kỉ mới.
Tiểu thuyết thế kỉ mới đã gặt hái được chiến
tích đáng tự hào. Tiểu thuyết “Tần Xoang” của Giả Bình Ao, “Phong nhã tụng”,
“Thụ hoạt”, “Đinh Trang Mộng”, “Tứ thư” của Diêm Liên Khoa, “Vô tự” của Trương
Khiết, “Ám thị” của Hàn Thiếu Công, “Hành trình hoang vắng” của Hà Đột, “Trái
tim chúng ta mới ngoan cố làm sao” của Hiệp Triệu Ngôn, “Nhân diện đào hoa” của
Cách Phi, “Bạch đậu” của Đổng Lập Bột, “Kiên ngạnh như thuỷ” của Diêm Liên
Khoa, “Đàn hương hình” của Mạc Ngôn, “Thời đại anh hùng” của Liễu Kiến Vĩ… Còn
một loạt tiểu thuyểt thể hiện nữ tính như “Thanh ly” của Vương Mông, “Phú
Bình”, “Đào chi yêu yêu” của Vương An Ức, “Tiếp tục sống” và “Hoả Trạch” của Thịnh
Khả Dĩ, “Người đàn bà tắm” của Thiết Ngưng… Nói chung, số lượng phong phú, đề
tài thể hiện xu thế đa dạng hoá, đây là sự tiếp nối của tiểu thuyết những năm
90; nhưng xét về hiệu hứng, tiểu thuyết thế kỉ mới thiếu những tác phẩm gây hiệu
quả lớn làm rung động xã hội, và chưa thể có được sức công kích văn hoá xã hội
như tiểu thuyết cuối thế kỉ trước tạo ra. Về tổng thể vẫn giữ được sự ổn định
đi lên.
Về
phương diện thơ ca, Thế
kỉ mới thơ ca quả thật có một màu sắc mới. Thơ ca thế kỉ mới là sự tiếp tục
phát triển của thơ ca những năm 90 của thể kỉ 20. Những năm cuối của thập niên
90, cuộc tranh luận “Bàn phong thi hội” trở thành khởi điểm lịch sử của thơ ca
thế kỉ mới, cuộc giao tranh giữa hai trận tuyến thơ ca lớn là “dân gian” và “phần tử trí thức” mang đến
thời cơ cho sự bùng lên của quần thể thơ ca mới. Sự phổ biến của internet và sự
hưng thịnh của tạp chí dân gian thơ ca là diễn đàn giao lưu tốt cho sự truyền
bá thơ ca, trong bối cảnh văn hoá mà thơ ca ngày càng bị đẩy ra bên lề, thế kỉ
mới đến làm cho thi đàn vốn trầm lắng được bùng lên sôi động trở lại. Sự phồn
vinh của thơ ca trong thế kỉ mới được biểu hiện ở một số phương diện sau:
Tạp
chí dân gian thơ ca và website trở thành nơi chuyển tải thơ ca chủ yếu. Theo
thống kê năm 2004 những cơ sở xuất bản thơ ca dân gian có tới hơn 200, năm 2005
website thơ ca có hơn 250…Tạp chí thơ ca dân gian và website thơ ca thúc đẩy
nhau phát triển. Có người cho rằng thơ ca Trung Quốc tiến vào “thời đại sáng
tác của tạp chí dân gian”, hoặc “thời đại sáng tác của truyền thông”, tạp san
thơ ca dân gian không lưu hành trên thị trường, chỉ là chỉ là sự tặng lẫn nhau
giữa những bạn thơ, tạp chí mạng, diễn đàn thơ ca về cơ bản không thể bán lấy
tiền, nhưng lại có môi trường phát biểu tự do, đăng tải không ít những thơ ca chất lượng cao. Tác phẩm
trong tạp san dân gian và “thơ ca mạng” cũng bắt đầu xuất hiện trên những ấn phẩm
thơ ca chính thức. Internet và tạp san
dân gian trở thành phương thức chủ yếu tập kết quần thể thi nhân của thế kỉ mới.
Năm 2005 dân cư mạng của Trung Quốc lên tới 1.11 tỉ, cho thấy sức lan toả khi
phát tán trên mạng là rất lớn. Sáng tác trên mạng hoàn toàn khác so với môi trường
sáng tác trên giấy, tự do hơn, tuỳ tiện hơn…thể hiện chân thực hơn cái tôi của
nhà thơ, nhưng mặt trái của nó cũng là sự thô tục, bệnh nhổ nước bọt bừa bãi.
Sự xuất hiện trở lại của thi nhân. Tinh thần thơ ca vào cuối những năm 80
bị khiêu chiến chưa từng thấy, âm thanh “nhà thơ chết đói” lúc nào cũng ám ảnh
nhà thơ. “Thi nhân mông lung” hồi đó phần lớn đều biến mất trên thi đàn, “thi
nhân của thế hệ thứ 3” sau khi giải cấu mệnh đề “cao thượng”, “lí tưởng”,
“trách nhiệm”, “trầm trọng”… của “thi nhân mông lung” phần lớn cũng không sáng
tác nữa, họ hoặc là làm kinh tế, hoặc là làm sản nghiệp văn hoá, sống cuộc sống
nhàn nhã sung túc. Nhưng sau khi cuộc sống vật chất đã được thoả mãn, họ vẫn
không hề quên thơ ca, đầu thế kỉ 20 phần lớn nhà thơ sau những thăng trầm đã lại
xuất hiện trên thi đàn như Bắc Đảo , Lý Á , Thư Đình …
Thơ về phần dưới cơ thể. Đầu thế kỉ mới, những nhà thơ 7x xuất
hiện nổi bật trong giao tranh giữa sáng tác dân gian và sáng tác của phần tử
trí thức, năm 2000, Thầm Hạo Ba, Lí Hồng Kì, Đoá Ngư, Doãn Lệ Xuyên đã lấy tạp
san dân gian “Phần dưới cơ thể” và
website “Giang hồ thơ” làm trận địa, chủ trương “lối viết phần dưới cơ thể”, trở
thành sự kiện thơ ca nổi bật nhất của đầu thế kỉ mới. Chủ trương thi học của
thơ ca “Phần dưới cơ thể là “trạng thái dán chặt lấy xác thịt của sáng tác thơ
ca”, “cái họ theo đuổi là cảm giác hiện trường nhục thể”(Thẩm Hạo Ba), thơ ca của
họ tràn đầy ý vị nhục dục, ngôn ngữ khẩu ngữ hoá một cách tuyệt đối, thiếu hàm
súc, thiếu thi ý. Thơ ca “Phần dưới cơ thể” mang đặc điểm thơ ca mạng rất điển
hình, tâm thế viết giấu mình của website mang đến ý vị “Cacnavan”, “mang mặt nạ”
của không ít bài thơ.
“Thơ ca của người làm thuê” nổi lên.Sự xuất
hiện của “thơ ca của người làm thuê”
cũng là một một nét trên thi đàn thế kỉ mới, nó là thơ ca do những người công
nhân bốc vác dưới đáy viết, mang những thể nghiệm mãnh liệt về cuộc sống dưới
đáy và lập trường của kẻ yếu. Cống hiến
của “Thơ ca của người làm thuê” ở chỗ nó là âm thanh được phát ra từ hơn 1 tỉ
người nông dân công nhân đại lục, mà trước kia quần thể này bị chi đậy hoặc bị
coi thường. Phần lớn tác giả của “thơ của những người làm thuê” đến từ đáy cùng
xã hội, đẳng cấp văn hoá tương đối thấp. Nhân vật tiêu biểu có Tạ Xương Nam, Liễu
Đông Vũ, Hứa Cường, La Viễn Đức, Trương Thủ Cương, Lưu Xuân, Trịnh Tiểu Quỳnh,
An Thạch Lựu, Hà Chân Tông…Chủ đề thường gặp của loại thơ này là: nỗi sầu quê
hương, khốn khổ, gian nan, phiêu bạt, băn khoăn, ưu tư dục vọng, đấu tranh… Thơ
của họ thường nghệ thuật không cao, phần lớn thô ráp, nhưng có thể nghiệm cuộc
sống xác thực và những trải nghiệm vất vả, nên có những chi tiết cảm động, có sự
cảm nhận sinh động mới mẻ về cuộc sống, có nỗi đau do cuộc đời dày vò, đầy day
dứt, tất nhiên cũng có những câu thơ, bài thơ tinh tế.
Nhóm
những nhà thơ được gọi là “thế hệ trung gian”. “Thế hệ trung
gian” chỉ “lớp nhà thơ sinh ra vào những năm 60 của thế kỉ, cuối thập niên 80
xuất hiện trên thi đàn và trở thành lực lượng trung kiên của giới thơ ca Trung
Quốc từ thập niên 90 trở lại đây, bao gồm: Y Sa, Tang Đệ, An Kì, Chu Chu, Từ
Giang… . Những nhà thơ của “thế hệ trung gian” trên tổng thể có nét đặc sắc, họ
vừa không giống với “thi nhân mông lung” cũng không giống với “thi nhân thế hệ
thứ3”. “Thế hệ trung gian” không phải là tên của một trường phái, đội ngũ phức
tạp, khác biệt tương đối lớn, không có chủ trương lí luận riêng.
Sự
nhiệt náo của thơ ca chủ yếu vẫn là việc trong nội bộ thi đàn, viết thơ trở
thành hoạt động tinh thần tự do hơn. Thơ ca trên mạng và tạp chí dân gian phần
lớn vẫn không thể bán lấy tiền, cái gọi là sáng tác “bên lề thể chế” phần lớn
là giao lưu giữa các nhân sĩ trong cùng lĩnh vực, giữa những người viết thơ,
tham gia luận chiến, nhiều hơn cả là những người thích thơ thực sự và nghiên cứu
nghệ thuật thơ. Trên ý nghĩa này, sáng tác thơ ca thế kỉ mới càng gần hơn với bản
chất của nghệ thuật.
Nhìn
chung, trong hai thập niên qua, văn học Trung Quốc phát triển dưới áp lực của
kinh tế thị trường, trong sự tác động nhiều chiều của phương tiện truyền thông,
và bối cảnh toàn cầu hoá. Vì thế, nó có xu hướng tìm cách thích ứng với cơ chế
thương mại hoá văn hoá, xoá nhoà ranh giới thanh - tục, tận lực khai thác thế mạnh
của truyền thông, cố gắng tìm một vị trí xứng đáng trên sân chơi văn hoá.
Đỗ Văn Hiểu
Hà Nội 7-10-2013
(Tổng
hợp từ tài liệu tiếng Trung)
1. Trình Quang
Vĩ: Tổng quan về 60 năm văn học đương đại,
Văn nghệ tranh minh, số 10 năm 2009
2. Đinh Phàm…, Đối thoại về trào lưu văn học những năm 80,
90 của thế kỉ 20. Tạp chí khoa học học viện hành chính Giang Tô, số 4 năm
2001
3. Vương Vạn
Sâm…(chủ biên), 50 năm văn học đương đại
Trung Quốc, Nxb Đại học Hải Dương Trung Quốc, 2006
4. Lưu Chiêu, Bàn về đặc trưng văn học thập niên 90, Tạp
chí khoa học học viện sư phạm Trường Xuân, số 2 năm 2004
5. Cát Hồng Binh,
Phê phán tổng thể văn học Trung Quốc thập
niên 90 của thế kỉ 20, Tạp chí Khoa học xã hội, số 5 năm 2012
6. Trình Bồi Anh,
Sơ lược về đặc trưng sáng tác của nhà văn
nữ đương đại Trung Quốc, Tạp chí khoa học trường cao đẳng sư phạm Bảo Sơn,
số 6 năm 2009
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét