Văn học là nghệ
thuật ngôn từ, ngôn từ là phương tiện vật chất cấu thành hệ thống hình tượng,
truyền đạt thông tin thẩm mĩ. Ngôn từ chi phối nhà văn trong toàn bộ quá trình
sáng tác. Ngôn từ gắn bó mật thiết với quá trình thai nghén, phát triển, trưởng
thành của hình tượng nghệ thuật, cuối cùng, đem những ý tưởng thẩm mĩ bất định,
tản mạn ngưng kết thành một thể thống nhất, làm cho nó được định hình hóa, sáng
rõ, trở thành sự tồn tại khách quan mang hình thái vật hóa – văn bản văn học.
Trong kết cấu văn bản, tầng ngôn từ có hai chức năng: một mặt, nó là phương tiện
truyền đạt ý thức thẩm mĩ của tác phẩm, cấu thành nên cái bên ngoài mà độc giả
có thể cảm nhận được, tức là hình thức bên ngoài; mặt khác, bản thân nó có giá
trị thẩm mĩ tương đối độc lập, cũng là thể thống nhất giữa nội dung và hình thức.
Ở phần này chủ yếu nói rõ về tầng ngôn từ của văn bản văn học. Tầng ngôn từ có thể phân thành tầng ngữ âm và
tầng ngữ nghĩa. Tầng ngữ âm chủ yếu được tạo thành do sự kết hợp giữa vần, nhịp,
tiết tấu; tầng ngữ nghĩa lại là tầng được tạo thành do sự phối hợp khéo léo giữa
bên ngoài ngôn ngữ và bên trong ngôn ngữ. Nếu xem tầng ngôn từ là một hệ thống
thì ngữ âm là tầng bề mặt, ngữ nghĩa là tầng bề sâu, vần, nhịp, tiết tấu của tầng
bề mặt chịu sự chi phối về nghĩa của tầng bề sâu. Đồng thời, hai tầng này có sự
khác nhau về vai trò trong tầng ngôn từ, ngữ âm có ý vị thẩm mĩ tương đối độc lập,
ngữ nghĩa lại là sự biểu hiện ý thức thẩm mĩ, tạo ra liên hệ mật thiết giữa tầng
ngôn từ và tầng hiện tượng.
2.2.1. Ngữ âm
Người ta thường
nói, ngôn ngữ yêu cầu sáng rõ về tiết tấu, hài hòa về âm vận, nhịp điệu. Sự phối
hợp âm vận, nhịp điệu và tiết tấu có thể tạo thành mĩ cảm của thính giác, gọi là
nhạc cảm.
Âm
vận trong tiếng Hán chỉ âm thanh, vần, điệu. Môn âm vận học, (còn gọi là môn
thanh vận học) trong ngôn ngữ học truyền thống Trung Quốc lấy ngữ âm của ngôn
ngữ sách vở làm đối tượng, phân tích kết cấu thanh, vần, điệu của âm tiết tiếng
Hán. Âm tiết là đơn vị ngữ âm tự nhiên nhất dễ phân biệt trên thính giác, mỗi một
chữ Hán có một âm tiết. Âm tiết thường do ba yếu tố cấu thành là thanh mẫu, vận
mẫu, thanh điệu.
Sự
hài hòa âm vận chính là sự hài hòa của thanh, vần, điệu, thông qua sự phối hợp
của thanh, vần, điệu giữa các âm tiết mà tạo ra một loại hiệu quả về thính
giác. Trong mối quan hệ giữa thanh, vần, điệu, thanh điệu có vai trò rất quan
trọng. Chữ Hán có bốn thanh, bốn thanh không những bao hàm tính tiết tấu mà còn
có thể khu biệt tính chất của nhịp điệu (tức là tính chất của âm thanh), khu biệt
ý nghĩa. Trong phương ngữ Anh, Pháp… cũng có sự phân biệt chất điệu của bốn
thanh, sự hài hòa của âm vận chủ yếu được nhận ra từ trong tính vui tai của chất
điệu. Rất xa xưa, từ thời Ngụy Tấn, sáng tác văn học đã chú ý đến vẻ đẹp của
thanh điệu, các thi nhân đã bắt đầu vận dụng một cách có ý thức hiệu quả phối hợp
thanh điệu bằng trắc để viết thơ. Thời Lục triều, những người như Thẩm Ước,
Vương Dung đã thông qua sự truyền bá kinh Phật mà phát hiện ra bốn thanh điệu của
tiếng Hán là Bình, Thượng, Khứ, Nhập (hiện nay gọi là Thanh âm bình, Thanh
dương bình, Thượng thanh, Khứ thanh), khiến mọi người nhận thấy âm đọc của Hán
ngữ có nhẹ, nặng, thanh câm, thanh kêu, rồi vận dụng vào ngôn ngữ văn học, đặc
biệt là vận dụng vào sự biểu đạt của thơ ca tạo nên vẻ đẹp của thanh luật. Đồng
thời thi học, lí luận văn học về mối tương quan này cũng liên tục nảy sinh, như
phần Thanh luật trong Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp đã nhấn mạnh
Phẫu tự toán hưởng, Âm dĩ luật văn, dựa
vào sự phối hợp bằng trắc để tạo nên sự hài hòa âm tiết. Bắt đầu từ thơ cận thể,
sự kết hợp bằng trắc trở thành quy tắc cố định, hình thành nên cách luật chặt
chẽ, không chỉ có thơ, từ luật mà khúc luật cũng chú trọng bằng trắc. Chính điều
ấy đã tạo nên vẻ đẹp ngôn từ đặc biệt của thơ từ cổ điển Trung Quốc. Thơ Đường
là đỉnh cao của thơ ca cổ điển Trung Quốc, thành tựu của nó và cách luật có
quan hệ không thể tách rời.
Sự
hài hòa của âm luật thường thấy ở nhịp điệu của ngôn từ. Nhịp điệu thể hiện rõ
nhất ở sự biến hóa mang tính quy luật cao thấp, thăng giáng của ngữ âm, tương đồng,
gần gũi với sự tái hiện, điệp lại của thành phần ngữ âm. Vì thế, sự phối hợp ngữ
điệu thăng giáng, thanh điệu bằng trắc, sự vận dụng thủ pháp tu từ ngữ âm như:
song thanh, điệp vận, điệp âm, hiệp vần…đều có thể hình thành vẻ đẹp nhịp điệu
hồi hoàn, trầm bổng. Song âm, điệp vận là biện pháp tu từ quan trọng của từ song
âm Hán ngữ thượng cổ, thường được người xưa dùng để tăng nhạc tính của thơ ca,
như bài Quan thư trong Kinh thi lấy điệp ân “quan quan” làm khởi
đầu, rồi liên tiếp, thậm chí nhắc lại song âm, điệp vận “thư cưu”, “chi châu”,
“yểu điệu”, “sâm sai”, “triển chuyển”… tạo thành nhịp điệu của ý thơ ngân mãi
trong lòng người đọc. Lại như Thu nhật
hình nam trữ hoài của Đỗ Phủ “Thương mang bộ binh khốc, triển chuyển trọng
tuyên ai”, thì “thương mang” và “triển chuyển” lấy điệp vận đối lại điệp vận. Trong
Quá Trần Lâm mộ của Lý Thương Ẩn có
câu: “Thạch Lân mai một thảo, đồng tước hoang hương đối mộ vân”, thì ở đó, “mai
một” và “hoang hương” chính là song âm đối điệp vận, chúng đều biểu hiện ra sự
hài hòa từ âm chữ và nhịp điệu. Tiếng Hán như vậy, tiếng Tây cũng thế. Thơ văn
nước Anh cổ xưa không dùng vần chân, mỗi dòng phân thành hai bộ phận sau trước,
một hai chữ tất yếu phải có ở bộ phận trước và một hai chữ ở phần sau hợp thành
song âm, khiến cho những chữ mang thanh điệu tản mạn được xâu chuỗi lại. Đây
chính là tác dụng của song âm, điệp vận, có cách gọi tương đối là “vần đầu”, “vần
sau”. Ngôn ngữ Pháp lại lấy điệp âm làm vần chân. Thơ cận đại phương Tây thường
dùng song âm tạo ra sự hài hòa, hoặc là cuối âm mẫu giống nhau đặt ở cuối dòng,
lại thêm âm chữ giống nhau mà thành vần. Trong một bài thơ, bắt vần có thể làm
cho âm tiết tản mạn được xâu chuỗi lại thành thể hữu cơ hài hòa âm điệu. Nói một
cách tương đối, chữ Trung Quốc là chữ đơn âm, hơn nữa, phần lớn đều có âm mẫu,
cho nên song âm và đồng âm rất nhiều, thuận lợi cho việc hiệp vần, điệp âm.
(Xem thêm Tuyển tập Chu Quang Tiềm, tập
2, Nxb Văn nghệ Thượng Hải, 1982, tr154-155). Tóm lại, vần đi rồi quay lại, kì
ngộ tương tác, hô ứng trước sau, xen kẽ, đối ngẫu bằng trắc của thanh điệu, tất
cả tạo thành vẻ đẹp nhịp điệu hồi hoàn, trầm bổng.
Đương
nhiên, âm vận, nhịp điệu của ngôn ngữ học không phải là thứ thuần thúy hình thức
không liên hệ gì với nội dung, nó xuất phát từ nhu cầu biểu đạt ý. Vì vậy, sự
hài hòa âm vận, ngoài sự hài hòa thanh âm còn phải chú ý đến sự hiệp điệu giữa
âm và nghĩa. Đây là yêu cầu tương đối cao. Quy định giữa thanh âm và văn tự
trong ngôn ngữ tuy có nhiệm vụ biểu hiện ý nhưng giữa âm và ý thường có quan hệ
tự nhiên. Trong ngôn ngữ Trung Quốc và phương Tây đều có những chữ đồng âm mà
có thể thấy nghĩa ở trong âm. Chữ đồng âm của tiếng Hán đặc biệt phong phú; và
chữ đồng âm nhiều sẽ dễ đạt được sự hợp điệu giữa âm và ý, điều này cực kì thuận
lợi cho việc làm thơ.
Trúc chi từ của Lưu Vũ Tích có câu:
“Dương liễu thanh thanh giang thủy bình/ Văn lang giang thượng đạp ca thanh/
Đông biên nhật xuất tây biên vũ/ Đạo thị vô tình hoàn hữu tình”.( Nước im bên rặng
liễu xanh/ Nghe chàng hát khúc ca yên lành trên sông/ Mưa bờ tây nắng bờ đông/ Trong
vô tình đã mênh mông hữu tình). Ta thấy chữ 晴
và chữ 情trong thơ cùng là âm “tình”. Một câu thơ rất hay trong Vô đề của Lý Thương Ẩn: “Xuân tàm đáo tử
ti phương tận/ Lạp cự thành khôi lệ thủy ca”(Tằm tơ đến chết còn chưa dứt
Lệ nến thành tro vẫn chửa nhòa. Xuân Như dịch). Trong đó chữ 丝 và chữ思 đồng âm. Tất nhiên sự hòa điệu giữa
âm và nghĩa không nhất thiết chỉ xuất hiện ở từ đồng âm, có một số âm và chữ
tuy không có sự liên hệ, nhưng lại có thể mượn chất liệu của âm để chỉ ý nghĩa.
Kĩ xảo âm luật nằm ở sự lựa chọn tính ám thị phong phú hoặc chất điệu mang tính
tượng trưng, từ đó tạo thành sự hòa điệu giữa âm và nghĩa. “Giống như khi ngựa
chạy, âm chữ đầy âm thanh lảnh lót, giống như khi nước chảy, âm chữ đưa đẩy nhẹ
nhàng. Khi biểu thị cảm xúc đau xót, âm chữ trầm lắng, khi biểu hiện cảm xúc
tươi vui lại dùng những âm chữ vang rền trong trẻo””(Chu Quang Tiềm, Thi luận. Xem Tuyển tập mĩ học Chu Quang Tiềm, tập
2, Nxb Văn nghệ Thượng Hải, 1982, tr156). Lão Xá cũng nói: “Chúng ta muốn truyền
đạt tình cảm đau buồn, thì chọn những chữ không mang sắc thái quá mạnh mẽ,
thanh âm không quá rộn ràng, tạo thành câu hơi dài một chút, khiến cho mọi người
đọc lên, vì sự chậm chạp của ngữ điệu, ảm đạm của câu chữ mà cảm thấy bi ai.
Ngược lại, chúng ta muốn biểu đạt tình cảm khẳng khái hùng hồn thì cần phải
dùng ngôn từ mạnh mẽ, vui vẻ”(Lão Xá: Tôi
học ngôn ngữ như thế nào. Xem Lão Xá
bàn về sáng tác. Nxb Văn nghệ Thượng Hải, 1982, tr219). Như mở đầu tiểu
thuyết Đau thương, Lỗ Tấn viết: “Nếu
có thể tôi phải viết ra niềm ân hận và bi ai của mình, vì Tử Quân, vì chính bản
thân tôi”. Đoạn văn này, độ cao của mỗi chữ đều không quá lớn, ngữ âm về cơ bản
đều ở khu âm thấp, ngữ điệu trầm lắng, chậm chạp, phù hợp với tình cảm bi ai và
sự ân hận sâu sắc. Số chữ ít ỏi lại càng tô đậm thêm không khí bi kịch, đồng thời
cũng xác định điệu trần thuật cơ bản của toàn văn bản là buồn bã, đầy ức chế. Ở
đây, không còn nghi ngờ gì nữa, sự hòa điệu giữa âm và nghĩa đã tăng cường sức
biểu hiện của ngôn từ.
Tiết
tấu ngôn từ văn học là tiết tấu, quy luật của ngôn từ được tạo thành do sự kết
hợp, liên tiếp giữa ngắn dài, cao thấp, nặng nhẹ, cách quãng và âm sắc. Câu là
đơn vị tồn tại cơ bản của tiết tấu, tiết tấu ngôn ngữ và đặc điểm của tiết tấu
chủ yếu thể hiện ở câu và hệ thống câu, được tạo thành do sự vận động mang tính
quy luật của âm tiết, nhịp phách, tập hợp tiết nhịp, tập hợp ý nghĩa và câu. Vì
vậy, tiết tấu có mối tương quan mật thiết với sự ngắn dài, nối tiếp, chuyển đổi
của câu, với nhịp điệu ngữ âm. Tiết tấu
ngôn từ tươi sáng xuất hiện trong chiều dài thời gian, dựa vào sự trầm bổng của
nhịp điệu ngôn từ hoặc sự hồi hoàn tiến về phía trước, tạo ra cái đẹp tề chỉnh
giữa ngắt và chuyển, lên và xuống. Như cách nói của Chu Quang Tiềm: “tiết tấu
được tạo ra ở sự kế tiếp, xen kẽ, hô ứng lẫn nhau”( Chu Quang Tiềm, Thi luận. Xem Tuyển tập mĩ học Chu Quang Tiềm, tập
2, Nxb Văn nghệ Thượng Hải, 1982, tr110). Đặc trưng của nó xuất hiện trong quy
luật thay nhau xuất hiện của những sự vật tương đồng hoặc khác biệt. Có thể
nói, vạn vật, vạn sự trong thế giới tự nhiên đều có tiết tấu, ví như lạnh đến ấm
qua, đêm qua ngày tới, hít và thở trên phương diện sinh lí, lên và xuống của tuần
hoàn, căng và chùng của tâm lí… Tiết tấu của ngôn từ văn học chính là sự phản
chiếu nghệ thuật tiết tấu của vạn vật trong tự nhiên, là kết quả của sự ảnh hưởng
giao thoa giữa tiết tấu khách quan của sự vật bên ngoài và tiết tấu nội tại của
tâm hồn.
Tiết
tấu sở dĩ có thể tạo nên vẻ đẹp ngôn ngữ phong phú nhạc tính, ngoài nguyên nhân
trên phương diện âm luật như bằng trắc, hiệp vần, sự cùng âm điệu của nó cũng
có tác dụng biểu cảm. Ngôn từ văn học vốn bao hàm tình cảm nên sự tổ hợp âm
thanh của tiết tấu ngôn ngữ tất yếu phải chịu ảnh hưởng của tinh thần, tình cảm,
thực chất là thể hiện sự biến đổi tình cảm của con người. Xét từ đặc điểm tâm
sinh lí, quan hệ giữa cảm xúc và hệ thống thần kinh thực vật của con người là
vô cùng mật thiết, tinh thần của con người trong hoạt động của toàn bộ các khí
quan sinh lí như hô hấp, tuần hoàn, xương cốt, da thịt đều có những thay đổi lớn,
từ đó mà hình thành nên tiết tấu tinh thần khác nhau. Như khi kinh động tâm lí,
nhịp tim nhanh hơn, hô hấp nhanh hơn, tiết tấu ngôn ngữ tất yếu cũng nhanh;
nhưng khi tinh thần đau buồn, trầm uất, hoạt động của khí quan sinh lí trở nên
chập chạp, tiết tấu ngôn ngữ cũng tương đối uể oải. Do đó, khi nhà văn dốc tâm
sức của mình vào ngòi bút, muốn miêu tả diễn biến tâm lí và biến động tình cảm
của nhân vật, thì tiết tấu tinh thần này sẽ tự nhiên ảnh hưởng đến tiết tấu
thanh âm của ngôn ngữ tác phẩm. Tình cảm có lên có xuống, thanh âm cũng có xuống
có lên, tình cảm có tới lui qua lại, thanh âm cũng có qua lại tới lui. Vì thế,
tiết tấu âm thanh trầm bổng cao thấp trở thành phương tiện tốt nhất để truyền đạt
trực tiếp tình cảm. Độc giả thường thông qua tiết tấu thanh âm của ngôn ngữ, dẫn
đến xu hướng động tác tương ứng trên phương diện tâm sinh lí, từ đó mà tiếp nhận
sự truyền cảm cảm xúc của nó. Như Lý Bạch viết trong bài: Tảo phát Bạch Đế thành: “Triêu
từ Bạch Đế thái vân gian/ Thiên lí giang lăng nhất nhật hoàn/ Lưỡng ngạn hầu
thanh đề bất trụ/ Khinh chu dĩ quá vạn trùng sơn”.( Sớm từ Bạch Đế rực ngàn
mây/ Muôn dặm Giang Lăng tới một ngày/ Vượn hót ven sông nghe rỉ rả/ Thuyền qua
muôn núi nhẹ như bay- Tương Như dịch). Bài thơ đã lấy tiết tấu nhanh, linh
hoạt để truyền đạt tâm tình vui vẻ ung dung của thi nhân khi có được tự do. Lại
như lớp từ của Lý Thanh Chiếu trong bài Thanh
thanh mạn: “Tầm tầm, mịch mịch/Linh
linh, thanh thanh/ Thê thê thích thích”(Lần lần, giở giở/ lạnh lạnh, lùng lùng/
cảm cảm, thương thương, nhớ nhớ- Nguyễn Xuân Tảo dịch). Ba câu thơ do từ điệp âm ở điệu thấp cấu thành bẩy âm bộ ngang
nhau, từ tiết tấu chậm chạp, trầm lắng này, không những có thể cảm nhận trực tiếp
được tâm cảnh vô cùng thê lương, thống
khổ, trống vắng, cô tịnh của thi nhân, mà còn phảng phất nghe thấy âm điệu trầm
lắng mà chậm chạp của việc đi lại tìm kiếm. Susanne K.Lange xem nghệ thuật là
kí hiệu tình cảm của con người, đã cho rằng: “Tổ chức cơ thể là cái khung của
toàn bộ tình cảm, vì tình cảm chỉ tồn tại trong sinh thể sống, mỗi loại đều có
thể biểu hiện logic kí hiệu của tình cảm, tất nhiên cũng là logic của quá trình
cơ thể. Nguyên tắc riêng biệt nhất của hoạt động cơ thể là tính tiết tấu, cơ thể
là cái có tiết tấu”( Susanne K.Lange: Tình
cảm và hình thức. Nxb Khoa học xã hội Trung Quốc, 1986, tr146). Từ đó có thể
thấy, tiết tấu ngôn ngữ bao hàm tình cảm thực chất là thể hiện tiết tấu cơ thể,
do đó, những điều mà nó gợi lên tất yếu là tiết tấu tình cảm tương ứng của chủ
thể tiếp nhận và tiết tấu cơ thể, đây chính là một loại khoái cảm tâm sinh lí
cơ bản, nhưng lại khác với mĩ cảm của cảm quan đơn thuần.
Tiết
tấu thanh âm của ngôn ngữ không chỉ thẩm thấu tình cảm mà còn bị chi phối bởi ý
nghĩa văn tự. Khi ý nghĩa hoàn thành thì thanh âm liền có sự ngưng trệ. Ý nghĩa
khi có nhẹ, nặng, lên, xuống thì thanh âm cũng có nhẹ, nặng, lên, xuống tương ứng.
Đồng thời ý nghĩa văn tự còn phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể, vì thế tình cảm mà
tiết tấu ngôn ngữ gợi lên quy định nội dung cụ thể, đối tượng đặc thù. Độc giả
thông qua lí giải ý nghĩa văn tự mới có thể cảm nhận sâu sắc tình cảm bao hàm
trong tiết tấu ngôn ngữ. Tiết tấu ngôn ngữ hay là sự thống nhất không thể tách
rời giữa thanh âm, tình cảm và ý nghĩa. Sự thay đổi của tiết tấu thanh âm tất
nhiên khiến cho tình cảm và ý nghĩa ẩn trong đó biến đổi. Giống như sự miêu tả
Dương Lâm Cựu trong tiểu thuyết Chúc phúc
của Lỗ Tấn: “Tha nhất thủ đề sai trúc lam, nội trung nhất cá phá uyển, không
đích”(Cô ấy một tay xách làn trúc, bên trong có một cái bát, còn lại chẳng có
thức gì…). Đặt hai chữ “không đích” ra sau, tiếp theo dùng dấu ba chấm khiến
cho tiết tấu ngôn ngữ có nhịp ngắn, “nội trung nhất cá phá uyển” (bên trong có
một cái bát) dừng lại một chút mới nói hai chữ “không đích”(trống không) là vì
tác giả không thể không nhìn, không thể không nói về nỗi cực khổ, lẻ loi của
Dương Lâm Cựu, khổ đến miếng cơm cũng không có, từ đó có thể thấy nhà văn có sự
đồng cảm sâu sắc với cảnh ngộ bi thảm và tâm tình vô cùng thống khổ của người
phụ nữ lao động.
Tiết
tấu của ngôn ngữ có thể phân thành tiết tấu cường điệu và tiết tấu tự nhiên.
Nói một cách tương đối, tiết tấu của thơ ca là tiết tấu cường điệu, tiết tấu của
văn xuôi là tiết tấu tự nhiên. Cách thức trầm bổng của thơ ca phương Tây, cách
thức bằng trắc của thơ ca Trung Quốc đều là hình thức tiết tấu cường điệu. Đặc
biệt thơ cận thể tiếng Hán có cách luật nghiêm ngặt, sự sắp xếp câu chữ đều có
quy định chặt chẽ về số chữ, hơn nữa còn coi trọng âm hơn nghĩa, tiết tấu hoàn
toàn là cái đã được cách thức hóa. Thơ tự do hiện đại tuy cũng phân dòng hiệp vần
nhưng hình thức câu thơ dài ngắn không cố định, tiết tấu cao thấp phụ thuộc vào
sự biến hóa của tình cảm, không hạn chế về số chữ, tự do, linh hoạt, dường như
nằm ở giữa hình thức cường điệu và hình thức tự nhiên. Ngôn ngữ văn xuôi như tản
văn, tiểu thuyết…. tuy đã có sự chọn lọc, tinh luyện nhưng so với thơ ca, tiết
tấu về cơ bản vẫn là dựa vào hình thức tự nhiên của lời nói hàng ngày, linh hoạt,
trong sáng mà không lộ ra dấu vết của sự gia công.
Nói
vẻ đẹp của hình thức ngôn ngữ văn học chủ yếu là nói vẻ đẹp được tạo ra do sự
hòa điệu của âm vận, nhịp điệu, tiết tấu. Âm điệu hài hòa, nhịp điệu du dương,
tiết tấu tươi sáng khiến cho ngôn ngữ văn học khi đọc lên, lắng nghe, có được vẻ
đẹp của âm nhạc. Lấy ngôn ngữ Hán mà nói, tận dụng những nhân tố có lợi như âm
nhạc phong phú, tiết tấu, thanh điệu bằng trắc tề chỉnh, nhiều biện pháp tu từ
ngữ âm, khiến thanh âm của ngôn ngữ hài hòa, vui tai, thống nhất hòa điệu với
việc biểu đạt ngữ nghĩa, có thể tạo thành vẻ đẹp hình thức của ngữ âm. Vương Lực
chỉ ra: “Hình thức ngôn ngữ sở dĩ có thể là cái đẹp là vì nó có cái đẹp của sự
tề chỉnh, cái đẹp của sự trầm bổng, cái đẹp của sự hồi hoàn. Những vẻ đẹp này đều
vốn là của âm nhạc, cho nên, vẻ đẹp hình thức của ngôn ngữ cũng có thể nói là vẻ
đẹp âm nhạc của ngôn ngữ”(Vương Lực: Lược
bàn về vẻ đẹp hình thức của ngôn ngữ. xem Long trùng bính điêu trai văn tập. Trung Hoa thư cục xuất bản, 1980, tr461).
Vẻ đẹp tề chỉnh của tiết tấu chủ yếu được tạo thành do tận dụng độ dài của âm,
độ mạnh của âm… Sự tề chỉnh của âm tiết được sắp xếp theo quy tắc nhất định, có
cảm nhận tiết tấu sáng rõ, tất yếu sẽ có vẻ đẹp tề chỉnh của ngữ âm. Vẻ đẹp của
sự trầm bổng là sự biến hóa mang tính quy luật thăng giáng của ngữ điệu, tạo
nên sự lên xuống của làn sóng âm thanh, biểu hiện vẻ đẹp nhịp điệu. Vẻ đẹp trầm
bổng chủ yếu được tạo thành do tận dụng độ cao của âm như phối hợp bằng trắc
xen kẽ hoặc đối lập, vì thế, thanh âm sẽ có được sự cao thấp, hài hòa thuận
tai. Vẻ đẹp hồi hoàn là vẻ đẹp trên phương diện âm tiết, được hình thành do việc
tái hiện trùng điệp có quy luật những đơn vị ngôn ngữ giống nhau hoặc gần giống
nhau. Nó chủ yếu tận dụng chất lượng âm thanh, như: song âm, điệp vận, điệp âm,
hiệp vần, phản phục, đỉnh châm, từ cách. Sự tề chỉnh, trầm bổng, hồi hoàn của
ngữ âm tạo thành vẻ đẹp hình thức, một mặt có tính độc lập tương đối, mặt khác
có mối liên hệ mật thiết tình cảm và ý nghĩa biểu đạt.
Bất
kì hình thức ngữ âm nào của ngôn ngữ văn học cũng đều mang lại những cảm nhận
không giống nhau. Chu Quang Tiềm từng nói về cảm thụ của bản thân trong việc
lĩnh hội tiết tấu ngữ âm: “Tôi đọc văn chương có âm điệu lảnh lót, tiết tấu lưu
loát, gân cốt toàn thân như chuyển động cùng tiết tấu; khẩn trương hay êm dịu đều
tạo ra cảm giác cực kì thích thú. Nếu như tiết tấu âm điệu có trục trặc, gân cốt
toàn thân cũng có cảm giác bất an, giống như nghe đầu bếp khua nồi báo lửa cháy
vậy”(Chu Quang Tiềm: Tiết tấu thanh âm của
tản văn. Xem Tuyển tập mĩ học Chu quang Tiềm. Nxb Văn nghệ Thượng Hải, 1982, tr
303). Có thể thấy, vẻ đẹp hình thức của ngôn ngữ văn học không dễ nhìn thấy.
Khi độc giả thưởng thức tác phẩm văn học, cái họ cảm xúc đầu tiên là âm vận, nhịp
điệu và tiết tấu, sau đó mới cảm nhận cái riêng của ngôn ngữ văn học như: hứng
thú tình cảm, dư vị của vần, cách điệu, sắc thái.Vì vậy, ngôn ngữ văn học hay
là ngôn ngữ hài hòa về âm vận, du dương về nhịp điệu, tươi mới, lưu loát về tiết
tấu.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét