Văn
bản văn học là hình thái hiện thực của tồn tại văn học, văn bản văn học lấy
ngôn ngữ sách vở hoặc khẩu ngữ để khách quan hóa ý thức thẩm mĩ của nhà văn
thành thực thể ngôn ngữ làm cho nó trở thành đối tượng để người khác có thể cảm
nhận. Nhưng do tính chất đặc thù của hoạt động văn học, văn bản văn học lại
không phải là một sự thực ngôn ngữ giản đơn mà là đối tượng phức tạp yêu cầu cần
phân tích từ nhiều góc độ khác nhau. Từ góc độ sáng tạo văn học, văn bản văn học
là sản phẩm sáng tạo của nhà văn, là sự khách quan hóa tri thức thẩm mĩ của chủ
thể; từ góc độ tiếp nhận văn học, văn bản văn học lại là đối tượng tái sáng tạo
của độc giả, ở ý nghĩa này, văn bản văn học có tính khai mở, cảm nhận, giải
thích về ý nghĩa văn bản của người đọc có thể là vô cùng, thậm chí ngược lại với
chủ ý của nhà văn. Là khâu giữa sáng tác và tiếp nhận, là sản phẩm của hoạt động
ngôn ngữ văn học, văn bản văn học lại có tính độc lập tương đối thoát li khỏi
chủ thể, là đối tượng cho phép cắt nghĩa và cần cắt nghĩa. Là thế giới nghệ thuật
độc lập, văn bản văn học là thể hữu cơ giàu sức sống. Các bộ phận của nó, các yếu
tố cấu thành dựa vào nhau để tồn tại, hòa hợp, chế ước lẫn nhau, tác động nhau
tạo thành một hệ thống nghệ thuật có hạt nhân, đa tầng mà đầy tính khai mở,
giàu sinh khí. Vì thế, chương này sẽ tiến hành phân tầng văn bản văn học, bàn
luận về các tầng thứ trong hệ thống nghệ thuật này và quan hệ nội tại giữa
chúng.
2.1.
Văn bản và hàm nghĩa của văn bản.
Chỉ cần lưu ý
một chút chúng ta sẽ phát hiện ra trong hoạt động nghiên cứu văn học đương đại,
“văn bản”(text) đã trở thành thuật ngữ xuất hiện với tần suất cao, có xu hướng
lớn thay thế cho khái niệm “tác phẩm”(corpus) mặc dù trên thực tế, đối tượng mà
“văn bản” và “tác phẩm” nói đến là không khác nhau. Không thể hiểu một cách giản
đơn hiện tượng này là do xu hướng thích sự dụng thuật ngữ mới, cơ hồ giữa “văn
bản” và “tác phẩm” không có sự khác nhau về bản chất. Kì thực, sở dĩ lí luận
văn học và phê bình văn học dùng khái niệm “văn bản” làm mới đối tượng từng được
gọi là “tác phẩm” là vì chúng ta có những lí giải và nhận thức mới về đối tượng
này: “văn bản” bao hàm một ý nghĩa nào đó mà khái niệm “tác phẩm” không có,
trên một ý nghĩa nhất định, sự phân biệt giữa “văn bản” và “tác phẩm” xuất phát
từ sự thay đổi của quan niệm văn học.
2.1.1.
Hàm nghĩa của văn bản
Nguyên ý của
“văn bản”(text) là chỉ hình thức viết hoặc in ấn của tác phẩm văn học, tức là sản
phẩm in ấn, chế bản vật lí của tác phẩm văn học. Nhưng khái niệm văn bản được
giới phê bình hiện đại sử dụng lại không giới hạn ở văn bản văn học hoặc văn bản
viết, mà có nghĩa rộng chỉ tất cả hệ thống kí hiệu có khả năng giải thích, kể cả
nó không phải do ngôn ngữ tạo thành. Vì thế, một đoạn vũ đạo, một đoạn thể hiện
tình cảm, một công trình kiến trúc, một mẩu quảng cáo, một bài thơ, một cuốn tiểu
thuyết, đều được coi là văn bản. Loại văn bản theo nghĩa rộng này cơ hồ bao gồm
tất cả các đối tượng kí hiệu ẩn chứa những yếu nghĩa được chủ thể phát hiện ra
trong quá trình tiếp nhận. Như vậy, văn bản với tư cách là thuật ngữ lí luận
văn học lại được sử dụng theo nghĩa hẹp. Nhưng, văn bản theo nghĩa rộng cũng tốt,
theo nghĩa hẹp cũng tốt, đều có những điểm chung, cũng là nguyên nhân căn bản
khiến chúng được gọi là “văn bản” chứ không phải là “tác phẩm”, nó đều có hàm
nghĩa tự thân, độc lập tương đối, tức là không hạn chế ở những ý nghĩa mà chủ
thể gửi gắm.
Nghiên
cứu lí luận về văn bản văn học, trong lí luận hiện đại phương Tây từ thế kỉ 20
trở lại đây có nhiều điểm mới mẻ. Từ sự thay đổi về quan niệm văn học trong nước
và ngoài nước, chúng ta thấy, điều mà lí thuyết “tái hiện”, như thuyết mô phỏng,
thuyết tấm gương, thuyết phản ánh chú trọng là tái hiện thế giới bên ngoài; lí
thuyết biểu hiện như thuyết tái hiện tâm linh của chủ nghĩa lãng mạn, thuyết biểu
hiện- trực giác của Keluoji – Kelinwude, thuyết kí hiệu biểu hiện tình cảm của Susanne
K.Langer, và “thuyết ngôn chí” , “thuyết duyên tình” trong lí luận Trung Quốc cổ
đại lại chú trọng biểu hiện thế giới nội tâm của chủ thể. Bất luận “tái hiện”
hay “biểu hiện”, chữ “hiện” mà cả hai quan tâm đều đặt trọng điểm ở nhân tố bên
ngoài sản phẩm nghệ thuật, vì thế mà thành học thuyết “tha trị” của của
Buluoke”(Buleke: Triết học nghệ thuật hiện
đại. Nxb Nhân dân Tứ Xuyên, 1998, tr17). Hai loại lí luật này tất nhiên đều
từ hai phương diện khác nhau bám vào bản thể của hoạt động nghệ thuật nhưng lại
đánh mất bản thể tác phẩm nghệ thuật. Vì thế, cái mà nghiên cứu văn học xuất
phát từ quan niệm văn học trên chú trọng là nghiên cứu quan hệ bên ngoài của
văn học, như văn học và cá tính, cuộc đời, năng khiếu, và tâm lí của nhà văn,
văn học và bối cảnh xã hội, hoàn cảnh địa lí, tư tưởng triết học, bỏ qua nghiên
cứu bản thân tác phẩm văn học. Từ thế kỉ 20, do ảnh hưởng lí luận ngôn ngữ học
của F.Sausur và khoa học nhân văn, các nhà nghiên cứu đã tập trung chuyển hướng
chú ý từ tác giả sang bản thể tác phẩm văn học, tức là văn bản văn học, đề xuất
ra các chủ trương văn học gọi là lí luận “tự trị”, thâm nhập vào nghiên cứu bên
trong hệ thống văn học như phương thức tồn tại của bản thân tác phẩm, kết cấu
hình thức nội tại, nghiên cứu quy luật cấu thành văn học và nguyên tắc sắp xếp,
xem xét cái được gọi là quy luật bên trong của văn học, hình thành hướng đi
khách quan hóa như J.J. Abrams từng nói, tức là “trên
nguyên tắc xem xét sản phẩm nghệ thuật độc lập với những vật tham chiếu bên
ngoài, coi nó như là một thể khép kín được tạo nên từ những mối liên hệ nội tại
rồi phân tích, khi bình giá nó chỉ căn cứ vào phương thức tồn tại bên trong của
tác phẩm”( J.J. Abrams: Kính và đèn.Nxb Đại học Bắc Kinh, 1989,
tr31).
Ở phương Tây, các trào lưu lí luận văn học như chủ nghĩa hình
thức Nga, phê bình mới Anh Mĩ, chủ nghĩa cấu trúc…đã có 2 cách lí giải rất khác
nhau về bản thể tác phẩm văn học: hoặc là xem tác phẩm văn học như một cơ thể độc
lập, khép kín như chủ nghĩa hình thức Nga, Phê bình mới Anh Mĩ, chủ nghĩa cấu
trúc; hoặc là xem văn bản là một kết cấu mở vô hạn, không hoàn kết, không khép
kín, không trung tâm như chủ nghĩa giải cấu trúc. Quan niệm đầu đã cung cấp cho
việc phân tích tác phẩm văn học phương pháp và cách thức mang tính thao tác,
nhưng cái giá mà nó phải trả là làm tổn hại đến sự phong phú của nội dung tác phẩm.
Quan niệm sau khẳng định sự tự do của chủ thể tiếp nhận trong việc giải thích
văn bản, nhưng đồng thời lại làm mất một phương diện khách quan của văn bản.
Nói tóm lại, trong lí luận văn học, các ý kiến chú trọng bản thể tác phẩm văn học
kể trên, trọng điểm nghiên cứu tác phẩm văn học của từng trường phái là không
giống nhau, sự lí giải, giải thích hàm nghĩa của khái niệm văn bản cũng không
hoàn toàn tương đồng. Nói theo cách thông thường, lấy tác giả làm đối tượng
nghiên cứu trung tâm là xem “tác phẩm” như là một sản phẩm được sáng tạo, nhấn
mạnh nó là sản phẩm sáng tạo của nhà văn và phó thác sinh mệnh nó cho nhà văn,
từ đó ý nguyện của tác giả được coi là quyền lực tối cao. Nghiên cứu văn học của
chủ nghĩa hình thức Nga, phê bình mới Anh Mĩ và chủ nghĩa cấu trúc thì bỏ qua
toàn bộ quan hệ bên ngoài của tác phẩm, cô lập bản thể tác phẩm, chỉ nhấn mạnh
ý nghĩa tự thân của văn bản và giá trị riêng biệt của nó, gạt sang một bên ý
nghĩa của tác phẩm do tác giả gửi gắm và sự lí giải của độc giả. Chủ nghĩa hậu
cấu trúc đã phá vỡ tính khép kín của nghiên cứu văn học trước đó, giải phóng ý
nghĩa trung tâm của văn bản, nhấn mạnh tính mở của văn bản, nhưng cũng hết sức
đáng tiếc khi coi văn bản và phê bình đều là trò chơi của kí hiệu văn tự, vì vậy
mà chạy theo chủ nghĩa hình thức cực đoan. Nhưng Mĩ học tiếp nhận lại từ quan hệ
kết cấu văn bản và sự tiếp nhận của độc giả để nghiên cứu đặc điểm của tác phẩm
văn học, liên tục làm mới quan hệ văn học và lịch sử xã hội. Cho nên, dưới sự
so sánh, lí luận văn bản càng thêm biện chứng, và tính xây dựng của lí luận văn
học cũng phong phú thêm.
Cuốn sách này sử dụng khái niệm “văn bản” với ý nhấn mạnh tính
độc lập tương đối và tính bản nguyên, tính được tái sáng tạo của bản thân tác
phẩm văn học, của đối tượng thẩm mĩ. Tác phẩm văn học khi vừa ra đời đã có kết
cấu văn bản đặc thù và có tính độc lập riêng, có số phận và sức sống độc lập
tương đối với chủ thể sáng tác, từ đó những điều mà bản thân tác phẩm mang đến
cho người đọc nhiều khi không nhất định là những điều mà tác giả hi vọng gửi gắm,
độc giả khác nhau hoàn toàn có thể có những cảm nhận khác nhau về cùng một tác
phẩm, chỉ ra những ý nghĩa khác nhau. Là một chỉnh thể nghệ thuật hữu cơ, kết cấu
của văn bản tương đối ổn định, cấu thành một thế giới tự thân hoàn mĩ. Từ đặc
điểm hình tượng hóa của việc truyền đạt thông tin thẩm mĩ có thể thấy, trong kết
cấu của văn bản có khá nhiều không gian nghệ thuật, trong cơ chế của bản thân
nó lại bao hàm nhiều khả năng lí giải, giải thích, vì thế, nó không phải là một
thể khép kín, mà có tính mở, là hệ thống kí hiệu tạo điều kiện cho sự tái sáng
tạo của độc giả, là ngọn nguồn của sinh mệnh nghệ thuật độc lập tự thân. Chính
sự cảm nhận lí giải mang tính sáng tạo của những thời đại khác nhau, xã hội và
giai tầng, giai cấp khác nhau đã khiến văn bản văn học có được sức sống, sinh mệnh,
không ngừng đổi mới.
2.1.2. Kết cấu của văn bản văn học
Điều
cần chú ý khi phân tích kết cấu của văn bản văn học là tầng bậc cấu thành hệ thống
văn bản và phân biệt nó như thế nào? Thâm nhập vào vấn đề này cũng chính là
thâm nhập vào mối quan hệ giữa nội dung và hình thức. Nội dung và hình thức vốn
là một phạm trù triết học, trước hết chỉ tổng hòa các yếu tố nội tại của sự vật,
sau đó là chỉ phương thức tồn tại của nội dung, kết cấu và tổ chức của nội dung.
Triết học duy vật biện chứng cho rằng: nội dung quyết định hình thức, hình thức
phản ánh nội dung. Tài liệu nghiên cứu văn học trước kia thường dùng nguyên lí
này để xếp đề tài, chủ đề, nhân vật, hoàn cảnh, tình tiết vào nội dung của tác
phẩm văn học, và cho rằng thể loại, kết cấu, ngôn ngữ cho đến các thủ pháp miêu
tả là hình thức của tác phẩm văn học. Cách phân chia sắp xếp này không tránh khỏi
giản đơn, thậm chí một số nội hàm còn không rõ ràng. Vì sự phân biệt giữa nội
dung và hình thức chỉ là sự phân biệt cực kì tương đối. Trong những điều kiện
nhất định, từ một vài góc độ nào đó thì một số thứ được coi là hình thức, nhưng
trong một điều kiện khác, từ một góc độ khác thì hình thức đó lại có thể được
coi là nội dung. Cũng có thể nói hình thức là hình thức của một nội dung nhất định,
lại có thể nói nội dung là nội dung của một hình thức nhất định.Ví dụ như: hình
tượng nhân vật trong tác phẩm văn học, trong tương quan với phương tiện ngôn ngữ
thì nó là nội dung, nhưng trong tương quan với nội hàm thẩm mĩ của những điều
mà nó chuyển tải, chủ đề mà nó biểu hiện thì chỉ có thể nói nó là hình thức. Đồng
thời, chúng ta thấy, nội dung và hình thức là một thể thống nhất không thể phân
chia, nội dung tất nhiên là nội dung của một hình thức nhất định, hình thức cũng
tất nhiên là hình thức của một nội dung nhất định. Như Hegel nói: “Nội dung
không phải là cái gì khác mà chính là sự chuyển hóa của hình thức thành nội
dung; hình thức không phải là cái gì khác mà chính là sự chuyển hóa của nội
dung thành hình thức”, do đó, “không có nội dung không có hình thức cũng như
không có chất liệu của hình thức mà không có nội dung… Nội dung sở dĩ có thể
thành nội dung là vì nó bao hàm bên trong hình thức điêu luyện”(Hegel Logic nhỏ. Thương vụ ấn thư quán xuất bản,
1980, tr278, 279). Cho nên, chúng ta không thể tách rời hình thức để bàn về nội
dung, cũng không thể bàn về hình thức mà thoát li nội dung. Từ góc độ tác phẩm
nghệ thuật có thể thấy, các nhà nghệ thuật khi cảm nhận đời sống, nảy sinh mong
muốn biểu hiện thì liền xúc động, tìm kiếm hình thức mới tương ứng, cuối cùng
là quy phạm hình thức và xác định nội dung, khiến cho nó chính thức trở thành nội
dung tác phẩm nghệ thuật, hình thức và nội dung hòa chung làm một trong tác phẩm,
trở thành máu thịt của hình tượng nghệ thuật.
Trong tác phẩm nghệ thuật cụ thể, nội dung và hình thức là một hệ thống
có mối liên hệ máu thịt, mật thiết không thể tách rời. Từ sự lí giải trên,
chúng tôi cho rằng, phân tầng bậc kết cấu văn bản văn học nên là sự phân chia tầng
bậc logic trên ý nghĩa thống nhất của nội dung và hình thức, không nên phân
chia tách rời nội dung và hình thức.
Văn
bản văn học của tác phẩm nghệ thuật ngôn từ là một hệ thống kết cấu ngôn ngữ đa
tầng, sự phân chia tầng bậc kết cấu của các nhà lí luận khác nhau cũng khác
nhau. Hegel xuất phát từ quan niệm “cái đẹp là sự biểu hiện cảm tính của ý niệm
tuyệt đối” đã từng phân chia tác phẩm nghệ thuật thành hai tầng: một là “những
gì trực tiếp biểu hiện ra cho chúng ta thấy, được gọi là “hình trạng bên
ngoài”, hai là “những ẩn ý ẩn trong hình trạng bên ngoài”, được gọi là “tình cảm,
linh hồn, xương cốt, tinh thần bên trong”. Hai tầng diện này thể hiện sự đối ứng
ăn khớp giữa hai yếu tố bên ngoài và bên trong của cái đẹp, quan hệ giữa chúng
là “sự hiển hiện của cái bên trong ở cái bên ngoài; nhờ cái bên ngoài này người
ta mới có thể nhận biết được cái bên trong, vì cái bên ngoài, từ bản thân nó chỉ
dẫn đến cái bên trong”(Hegel: Mĩ học.Tập
1, Thương vụ ấn thư quán xuất bản, 1979, tr 24-25). Roman
Ingarden lại đem chia kết cấu của tác phẩm văn học
thành bốn tầng: 1. Cấu tạo ngữ âm do âm chữ và sự kiến tạo trên cơ sở âm chữ.
2. Đơn nguyên ý nghĩa của những tầng khác nhau. 3. Tầng được tạo thành do rất
nhiều đường đồ thị thể hiện sự tương ứng giữa tinh thần và thế giới bên ngoài,
sự liên kết và hệ thống giữa chúng. 4. Tầng cấu thành do khách thể được tái hiện
và những biến hóa của nó.( Roman Ingarden: Tác phẩm văn học, xem
Tuyển tập trước tác mĩ học phương Tây thế
kỉ 20. Nxb Đại học Phúc Đán, 1988, tr258). Trong tác phẩm nghệ thuật có giá
trị, mỗi tầng bậc kết cấu đều có giá trị thẩm mĩ đặc thù, đồng thời, mỗi tầng bậc
lại lấy quan hệ bản chất bên trong tạo thành một loại hòa thanh phức điệu, tạo
ra tính thống nhất hình thức của chỉnh thể mỗi tác phẩm. Có một số tầng biểu hiện
khách thể của tác phẩm còn thể hiện tính chất “Vĩ mô” tức là tính cao cả, bi kịch,
ánh sáng không thể nói bằng lời lóe lên trong sự khủng khiếp làm người ta sợ
hãi, không thể giải thích, ma quỷ, thần thánh, tội lỗi, bi ai, hạnh phúc, và
tính chất quái đản, đáng yêu, nhanh nhẹn, bình đẳng…, nó hiển thị là một bầu
“khí quyển” “dùng sự thấu thị ánh sáng của nó để chiếu sáng tất cả” khiến cho tầng
sâu, bản nguyên của sự sống biểu hiện ra trước mắt chúng ta, làm cho tác phẩm
văn học “đạt đến đỉnh cao”(Roman Ingarden: Tác
phẩm văn học, xem Tuyển tập trước tác
mĩ học phương Tây thế kỉ 20. Nxb Đại học Phúc Đán, 1988, tr260-263). Sau đó
trong sách Tìm hiểu về tác phẩm văn học Roman
Ingarden cho rằng cái mà tác phẩm văn học biểu hiện là “là tập hợp những tố chất
thể hiện giá trị thẩm mĩ bản chất, vừa được biểu hiện cụ thể trong tác phẩm văn
học, vừa thông qua tác phẩm mà biểu hiện, tác động lẫn nhau, “có thể chứng thực
được”, tổng hợp được, trong nghĩa hẹp có thể hiểu là hạt nhân giá trị thẩm mĩ
có tính xác định cụ thể trong chỉnh thể tác phẩm”( Roman Ingarden: Tìm hiểu
về tác phẩm văn học. Tìm hiểu về tác phẩm văn học. Công ty xuất bản Văn
liên Trung quốc, 1988, tr 87-89). “Quan niệm” và “tính chất vĩ mô” có quan hệ
nhưng cũng không thực sự tương đồng. Hai thứ đó đều là chức năng của một loại tầng
tái hiện khách thể, là sự thể hiện giá trị thẩm mĩ nhưng không thuộc về kết cấu
tác phẩm. Hiển nhiên, Ingarden coi giá trị là cái có thể tách rời kết cấu,
không phải là thứ bám vào kết cấu hoặc tồn tại cố hữu trong kết cấu. Vì thế, Warren, Wellek cho rằng:
sai lầm trong hiện tượng học của Ingarden là đã hạ thấp giá trị của rất nhiều
kiến giải trong công trình đó của ông. Trên cơ sở phê bình, rút ra nhiều bài học
từ Ingarden, người ta đã chia tác phẩm văn học thành bốn tầng: 1. Tầng âm thanh,
giai điệu, tiết tấu và cách luật. 2. Đơn nguyên ý nghĩa, nó quyết định kết cấu
ngôn ngữ trên hình thức tác phẩm văn học, quy định phong cách và thể loại. 3. ý
tượng và ẩn dụ, tức là bộ phận hạt nhân nhất biểu hiện trong phong cách thể loại.
4. “thế giới” đặc thù thể hiện trong tượng trưng và hệ thống tượng trưng. (xem
thêm Warren, Wellek: Lí luận văn họcj.
Tam liên thư điếm xuất bản, 1984, tr.158-165). Ở đây, tầng 1, 2 có sự tương ứng
với sự phân chia của Ingarden, nhưng tầng 3, 4 lại có sự bổ sung cho những
thiên lệch của Ingarden trong việc tách rời giá trị và kết cấu, đồng thời cố gắng
liên kết một cách chính xác giữa hình thức và nội dung vốn bị chia tách trong
quá khứ. Như đối với vấn đề ý tượng, ẩn dụ, tượng trưng, thần thoại, họ đã
không chỉ coi chúng là thủ pháp tu từ của miêu tả văn học, mà còn coi là phương
thức tư duy, ý nghĩa văn học và sự biểu hiện của chức năng. (Warren, Wellek: Lí luận văn hocj. Tam liên thư điếm xuất
bản, 1984, tr209).
Ở
Trung Quốc, trong Trên hệ từ Chu dịch
đã nói một cách rõ ràng quan hệ giữa ba yếu tố “ngôn”, “tượng”, “ý”. Những bàn luận này đã gợi ý cho
chúng tôi trong việc phân tích tầng bậc kết cấu của văn bản tác phẩm văn học.
Nói một cách tương đối, nghiên cứu văn học phương Tây, do đặc điểm biểu âm của
nó nên sự phân tích kết cấu văn bản đều có ý phân âm thanh và ý nghĩa của ngôn
ngữ thành hai tầng diện để nhấn mạnh, nhưng nghiên cứu văn học Trung Quốc do đặc
điểm biểu ý của chữ Hán nên cái đầu tiên được chú ý xem xét không phải là thanh
âm mà là quan hệ giữa ý và lời của tác phẩm. Sự phân chia của phương Đông và
phương Tây, tuy mỗi nơi có một đặc điểm khác nhau, nhưng trên tổng thể, nghiên
cứu văn học phương Đông và phương Tây có nhiều điểm giống nhau trong việc lí giải
kết cấu cơ bản của tác phẩm văn học. Trên cơ sở lựa chọn, kế thừa, nghiên cứu
văn học Trung Quốc, phương Tây, chúng tôi đã phân chia kết cấu văn bản văn học
thành ba tầng: tầng ngôn từ, tầng hiện tượng, tầng hàm nghĩa.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét