Cuộc sống đời thường đã gõ mạnh lên cánh cửa của khoa học nhân văn. Học
sinh đăng ký học ngành văn ngày một ít đi, những người đang theo học thì lo
ngay ngáy không biết sẽ xin việc như thế nào bằng những thứ mình đang học. Ở
Pháp, sinh viên khoa văn luôn phải học văn song song với một ngành khác gần với
thực tế hơn, dễ xin việc hơn. Sách học thuật viết thì vật vã, nhưng bao
giờ cũng chỉ được xuất bản với một lượng rất nhỏ. Có phải học thuật mà những
nhà nghiên cứu văn học đang theo đuổi ngày càng xa thực tế, nó và cả người theo
đuổi nó dường như cần phải được bảo lãnh bởi một lực lượng khác?
Thực tế có thể nói là tàn khốc đó đặt người nghiên cứu văn học trước tình
thế buộc phải nhìn nhận lại công việc của mình.. Không thể phủ nhận hướng
nghiên cứu bản thể luận, tìm kiếm chiều sâu văn bản, chỉ ra những quy luật vận
hành, kết cấu nội tại trong văn bản, đề cao tính thẩm mỹ, đặc trưng riêng của văn
học… đã có những cống hiến quan trọng trong sự phát triển của lý luận văn học
thế giới, đặc biệt là với nghiên cứu văn học Việt Nam và Trung Quốc, bởi nó
giúp cho nghiên cứu văn học thoát khỏi tình trạng xã hội học dung tục. Thế
nhưng ở Trung Quốc, thời kỳ này bị vượt qua rất nhanh, ngay từ những năm 90 của
thế kỷ trước đã chuyển sang giải cấu trúc, và hiện nay chuyển rất mạnh mẽ sang
hướng nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu liên ngành. Điều này cũng là một xu hướng
quan trọng ở các nước Âu Mỹ.
Trong bài viết này, tôi chọn giới thiệu công trình Phương tiện truyền
thông đại chúng và sự biến đổi văn hóa của Triệu Dũng, giáo sư trường Đại
học Sư phạm Bắc Kinh (1), chủ yếu ứng dụng lý thuyết của trường phái Frankfurt
để nghiên cứu sự biến động trong đời sống văn hóa thẩm mỹ Trung Quốc hiện đại.
Tôi nghĩ cuốn sách này sẽ gợi mở cho việc nhìn nhận sự biến đổi văn hóa ở Việt
Nam hôm nay, ở một bối cảnh có nhiều nét tương đồng. Đồng thời có lẽ đây cũng
là một hướng đi giúp cho hoạt động nghiên cứu khoa học nhân văn, đặc biệt là
nghiên cứu văn học, tiếp cận gần hơn với thực tế cuộc sống hằng ngày.
Phương tiện truyền thông đại chúng và sự biến đổi văn hóa xuất bản vào tháng
1-2010, dày 384 trang, tiếng Trung, gồm 5 chương: Khái
quát về văn hóa truyền
thông; Việc đọc, viết và thời đại số hóa; Điện thoại trở thành phương tiện truyền thông thứ 6; Nhìn
lại
tác phẩm
cách mạng
kinh điển; Suy
nghĩ về chương trình Diễn đàn cho mọi người.
Trong chương 1, tác giả đã tiến hành giới định hai khái niệm truyền
thông đại chúng và văn hóa đại chúng. Ngày nay, nhắc đến phương tiện
truyền thông đại chúng tất yếu phải nhắc đến internet, điện thoại di động, máy ảnh,
máy quay kỹ thuật số… Văn hóa truyền thông là hình thức văn hóa xuất hiện sau
khi văn hóa đại chúng phát triển đến một giai đoạn mới, đặc trưng của nó chịu sự
quy định bởi đặc trưng của bản thân phương tiện truyền thông. Có thể nói, nếu
không có phương tiện truyền thông mới thì cũng không thể có văn hóa truyền
thông. Chỉ có điều, phải đợi đến thời đại truyền thông kỹ thuật số chúng ta mới
có lý do để bàn về văn hóa truyền thông mà thôi. Trong thời đại văn hóa truyền
thông, về mặt lý thuyết, văn hóa tao nhã và văn hóa đời thường, văn hóa tinh
anh và văn hóa đại chúng, tri thức phân tử (có tư tưởng riêng) và tri đạo phân
tử (chỉ quan tâm thu thập tài liệu)… đều có cơ hội thể hiện bản thân mình trên
vũ đài phương tiện truyền thông đại chúng. Ngoài ra, chúng ta còn có thể xem
văn hóa truyền thông là một loại văn hóa hỗn tạp, không ngừng sinh thành, phát
triển.
Dưới ảnh hưởng của phương tiện truyền thông, biến đổi mạnh mẽ nhất của văn
hóa là chuyển từ văn hóa thẩm mỹ sang văn hóa tiêu dùng, từ tri thức phân tử
sang tri đạo phân tử. Tác giả đã khái quát đặc trưng của văn hóa tiêu dùng: là
sản phẩm của xã hội tiêu dùng, biến văn hóa thành hàng hóa, vận hành theo quy
luật của thị trường, xóa bỏ ranh giới giữa hàng hóa và nghệ thuật, hàng hóa nghệ
thuật hóa, nghệ thuật hàng hóa hóa trở thành xu hướng chủ yếu.
Sự kết hợp giữa tri thức phân tử và phương tiện truyền thông đã làm xuất hiện
loại tri thức gắn với truyền hình, làm đơn giản hóa những tư tưởng sâu sắc, làm
giản đơn hóa những vấn đề phức tạp. Ý niệm, tư duy, phương án chế tác đều bị hạn
chế. Những tri thức gắn với truyền hình bị truyền thông hóa, thậm chí bị truyền
thông vui chơi giải trí hóa. Bên cạnh truyền thông, tinh thần thời đại, trào
lưu xã hội, quan niệm lợi ích… cũng góp phần tạo ra sự chuyển đổi này.
Chương 2 bàn đến văn hóa đọc viết. Cùng với sự phổ biến của sách điện tử,
internet, phương thức và hành vi viết biến đổi mạnh mẽ. Trung Quốc từng trải
qua thời kỳ chuyển từ viết bằng bút lông sang viết bằng bút sắt, và hiện nay là
dùng máy tính. Viết sách điện tử làm thay đổi trạng thái cơ bản của sự viết, biến
lao động nhọc nhằn của sự viết trước kia thành sự thoải mái, nhẹ nhàng, kéo
theo sự biến đổi kỳ diệu trong tâm lý sáng tác. Tuy nhiên, dùng máy tính để viết
đã làm mất dấu tích bản thảo, đồng nghĩa với việc chúng ta mất đi một con đường
tiếp cận văn bản. Viết bằng máy tính thực sự đã cải biến phương thức tư duy của
nhà văn: trong thời đại viết bằng máy tính, sự không ổn định, không có thứ tự,
đứt đoạn, chắp vá… dường như đã chiếm ưu thế lớn trong thế giới tinh thần của
nhà văn. Internet xuất hiện khiến việc thu thập tài liệu, đọc sách, phương thức
sao chép cũng biến đổi rất lớn. Chúng ta không cần thiết phải đích thân chạy đến
thư viện tra tư liệu, chỉ cần ngồi ở nhà, thông qua internet, là có thể tìm được.
Nhưng lại cũng vì thế mà tư liệu bị biến đổi, đơn độc và thiếu sức sống. Sự thuận
tiện trong sao chép cũng là một trong những nguyên nhân của việc xuất hiện nhiều
hàng hóa học thuật giả mạo. Trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, con người
sống trong đại dương tri thức, và để có thể thu được càng nhanh, càng nhiều những
tri thức, con người không thể không thay đổi phương thức đọc, vì thế năng lực
trầm tư mặc tưởng, năng lực dung nạp, nhào nặn thông tin, nghiền ngẫm ý nghĩa bị
suy giảm, kết quả là vô tình chúng ta trở thành nô lệ của thông tin.
Trong thời thông tin, cách viết thận trọng trước kia trở thành cách viết
nhanh, thoải mái, thậm chí tùy tiện. Blog đã làm biến động sự viết. Trước kia,
viết văn, dường như chỉ dành cho một số ít người, nhưng hiện nay, với sự xuất
hiện của blog, ai cũng có thể tham gia viết, và chủ yếu là viết về đời tư, viết
rất nhanh, muốn viết gì thì viết. Blog ngay khi bắt đầu đã trở nên không thuần
nhất, blog chú trọng giá trị bề mặt, website chú trọng giá trị kinh doanh. Mạng
sina của Trung Quốc đã mời những người nổi tiếng mở blog để thu hút lượng khách
ghé thăm.
Đồng thời, phương tiện truyền thông hiện đại còn phá vỡ trạng thái đọc
trong cô đơn, làm mất đi lối đọc có chiều sâu. Đọc trên mạng có thể tạo ra hiện
tượng đọc giả, đọc chỉ để thu thập một thông tin, bỏ qua sự trầm tư mặc tưởng vốn
không thể thiếu của sự đọc. Tài nguyên truyền thông điện tử ngày một phong phú
khiến độc giả dần dần biến thành khán giả. Không còn nghi ngờ gì nữa, trong văn
hóa đương đại, văn hóa lấy hình ảnh và âm thanh làm cơ sở đã chiếm lĩnh địa vị
trung tâm. Tỉ lệ người đọc sách ngày một giảm. Người ta thích xem tác phẩm điện
ảnh được chuyển thể hơn là đọc trực tiếp tác phẩm văn học. Vì thông qua điện ảnh,
người ta dễ dàng tiếp cận với hình tượng nghệ thuật. Tuy nhiên, cũng chính vì
thế mà năng lực nắm bắt hình tượng trong tác phẩm văn học cũng dần dần mất đi.
Phương tiện truyền thông thực ra đã bồi dưỡng thái độ ghét câu chữ, bồi dưỡng
năng lực đọc mà không hiểu tác phẩm văn học.
Chương 3 tập trung nói về điện thoại di động, cho thấy tin nhắn, điện thoại,
email đã làm biến đổi kết cấu tình cảm của con người như thế nào. Khi xuất hiện
những phương tiện truyền thông này, khoảng cách không gian và thời gian dường
như không tồn tại, năng lực viết thư tay, khả năng dùng thư tay thể hiện tình cảm
cũng dần dần mai một. Kiểu tin nhắn vui đùa gắn bó chặt chẽ với ca dao đương đại,
phía sau nó là chủ nghĩa vui chơi giải trí của truyền thông hiện đại. Có thể
xem tin nhắn là hình thức mỹ học đặc trưng của thời đại mà tính ngắn ngủi trở
thành đặc điểm nổi bật. Ở Trung Quốc đã từng tổ chức một cuộc thi viết truyện
ngắn bằng tin nhắn điện thoại. Cuộc thi này đã làm bùng nổ một cuộc tranh luận
khá sôi nổi về hình thức văn học trong thời đại truyền thông.
Chương 4 nhìn lại vấn đề tác phẩm cách mạng kinh điển. Ở Trung Quốc rất nhiều
tác phẩm điện ảnh kinh điển về thời kỳ cách mạng được quay lại trên tinh thần
kéo thần tượng về gần hơn với cuộc sống hàng ngày. Hiện tượng này chứng tỏ một
thực tế: công chúng ngày nay đã thay đổi. Tác phẩm cách mạng trước kia là thứ
văn hóa của đại chúng chính trị, còn tác phẩm bị cải biên lại là sản phẩm của
văn hóa đại chúng thương nghiệp.
Chương 5 đặt ra nhiều nghi vấn đối với chương trình Diễn đàn cho mọi người:
vì sao Diễn đàn cho mọi người trước kia là truyền hình học thuật, ngày
nay lại biến thành truyền hình vui chơi giải trí; vì sao tri thức phân tử lại vắng
bóng trên diễn đàn truyền hình...
Truyền hình học thuật ngày nay biến thành truyền hình vui chơi giải trí. Để
thu hút người xem, tính học thuật phải giảm đi, nhân cách kẻ sĩ theo quan niệm
một thời bị mài mòn, học thuật và nguyên tắc trò chơi trong môi trường vui chơi
giải trí bị trộn lẫn. Trong thời đại này xuất hiện kiểu minh tinh học thuật và
những chuyên gia đào tạo minh tinh tinh học thuật. Học giả một khi đã trở thành
minh tinh tức là đã từ bỏ sự ràng buộc của nguyên tắc học thuật, trở thành nghệ
sĩ biểu diễn. Hệ quả tiếp theo là học thuật được biên tập thành câu chuyện,
thành hàng hóa, khiến cho người xem coi nhẹ và dường như quên đi tinh thần học
thuật chân chính, quên đi sự tôn nghiêm của học thuật. Học giả lên truyền hình
phần lớn là loại học giả tổng hợp tư liệu, không có tư tưởng Đây cũng chính là
một trong những lý do khiến những học giả chân chính không muốn xuất hiện trên
truyền hình nữa.
Tóm lại, hiện nay, sự biến đổi của văn hóa là vô cùng rõ nét, có thể hệ thống
thành một số sự biến động như sau: từ văn hóa thẩm mỹ đến văn hóa tiêu dùng, từ
tri thức phân tử đến tri đạo phân tử, từ văn hóa bút mực sang văn hóa máy tính
rồi đến văn hóa mạng, từ văn hóa thư tay đến văn hóa tin nhắn, từ văn hóa quần
chúng cách mạng đến văn hóa đại chúng thương nghiệp rồi đến văn hóa hỗn tạp của
thanh niên, từ văn hóa truyền hình học thuật đến văn hóa truyền hình vui chơi giả
trí.
Không thể phủ nhận sự biến đổi văn hóa chịu ảnh hưởng lớn từ phương tiện
truyền thông hiện đại, trong đó nguyên nhân sâu xa nhất là sự phát triển của
khoa học kỹ thuật. Văn hóa biển đổi do ảnh hưởng của phương tiện truyền thông đại
chúng không phải là hiện tượng cá biệt của riêng quốc gia nào, mà là hiện tượng
có tính chất toàn cầu. Đối diện với sự biến đổi của văn hóa, việc bàn đến chuyện
được mất là hoàn toàn bình thường. Tôi cho rằng, văn hóa là một quá trình không
ngừng biến đổi, cho nên, trong quá trình đó, có thứ sẽ mất đi, có thứ sẽ xuất
hiện, đâu phải chuyện lạ, không có những thể nghiệm mà ngày xưa đã có, thì
chúng ta lại có những thể nghiệm mới, đó chẳng phải là một điều tốt hay sao.
Công trình Phương tiện thông tin đại chúng và sự biến đổi văn hóa
giúp chúng ta nhìn thấy và lý giải các hiện tượng trong đời sống văn hóa đương
đại ở Việt Nam. Trong bối cảnh văn học nước nhà, sự xuất hiện và tồn tại của
văn học mạng là một thực tế mà chúng ta không thể không nghiên cứu. Số phận của
văn học dưới tác động của văn hóa nghe nhìn, sự chuyển đổi trong văn hóa thẩm mỹ,
sự biến động của sự đọc và sự viết dưới ảnh hưởng của phương tiện truyền thông
đại chúng cũng không thể không bàn đến. Việc liên kết giữa học thuật với truyền
thông và mức độ hợp tác như thế nào cũng nên chú trọng (tránh trường hợp lĩnh vực
nào cũng nhảy lên truyền hình phát biểu với tư cách chuyên gia, nhưng cũng
tránh trường hợp khép kín, làm hạn chế khả năng quảng bá, chia sẻ tri thức).
Không những thế, công trình này còn gợi mở thêm một hướng đi trong nghiên cứu
văn học. Trong ảnh hưởng của đời sống đương đại, nghiên cứu văn học có lẽ nên
bước song song, vừa tiếp cận theo hướng bản thể luận, tìm kiếm vẻ đẹp thẩm mỹ
tiềm tàng, vừa tiếp cận theo hướng văn hóa xã hội.
_______________
1. Triệu Dũng, người Sơn Đông, GS, TS Viện Văn học, ĐHSP Bắc Kinh, chuyên viên
nghiên cứu viên của trung tâm nghiên cứu Văn nghệ học ĐHSP Bắc Kinh, trưởng
phòng nghiên cứu văn nghệ học, hướng dẫn nghiên cứu sinh, hiện nay chủ yếu giảng
dạy và nghiên cứu lý luận văn học, phê bình văn học, lý luận và phê bình văn
hóa đại chúng. Công trình chính: Thấu thị văn hóa đại chúng
(2004), Đọc và phê bình thẩm mỹ (2005), Lý luận văn học tân
biên (2005), Văn nghệ học phản tư (2009), Phương tiện
thông tin đại chúng và sự biến đổi văn hóa (2010).
Nguồn: Tạp chí VHNT số 323, tháng 5-2011
Tác giả: Đỗ Văn Hiểu
http://vhnt.org.vn/NewsDetails.aspx?NewID=646&cate=97
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét