ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG
ĐẠI HỌC KHOA HỌC
XÃ HỘI VÀ
NHÂN VĂN
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
THÔNG
BÁO
HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ
1. Nội dung của hội thảo
Quan sát sự phát triển của đời sống văn học ở Việt Nam đương đại, có thể
thấy văn học dịch chiếm một tỉ trọng lớn, và giữ một vị trí rất quan trọng
trong đời sống văn học. Văn học dịch là một thực thể hết sức phong phú về chủng
loại, từ văn học đại chúng đến văn học tinh hoa, từ nhiều nguồn ngôn ngữ khác
nhau. Nhờ sự nỗ lực của các dịch giả và các nhà xuất bản, có một nỗ lực lớn
trong việc giúp văn học Việt Nam bắt kịp với đời sống văn học thế giới từ những
best-seller cho đến những tác phẩm được các giải thưởng văn học có uy tín như
Nobel, Goncours, Booker, Pullizer. Song song với đó, còn có một nỗ lực không
ngừng trong việc đua những tác phẩm kinh điển của văn chương thế giới đến với
công chúng Việt Nam, từ Nabokov cho đến Proust, từ Joyce cho đến Kafka. Bên
cạnh đó, những cuộc tranh luận về văn học dịch cũng thường chiếm mặt tiền của
đời sống văn chương, thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng văn
chương và hiện diện trên nhiều diễn đàn lớn liên quan đến văn học.
Mặc dù có một sự phát triển rất mạnh mẽ như vậy nhưng dường như dịch
thuật văn học ở Việt Nam đang tồn tại trong một giai đoạn tiền lý thuyết. Việc
dẫn dắt các cuộc tranh luận được giao phó cho các nhà báo chuyên trang văn
hoá/văn học được dẫn dắt bởi kinh nghiệm cảm tín của độc giả với các tiêu chí
mơ hồ về việc tối nghĩa/sáng rõ và phần lớn phụ thuộc vào kinh nghiệm văn
hoá/văn học của họ mà thiếu vắng những tranh luận có tính học thuật với điểm
tựa là các mô hình lý thuyết về dịch thuật và dịch văn học. Việc giảng dạy về
dịch văn học chủ yếu được tiến hành trong các trường đại học chuyên ngành tiếng
nước ngoài và được coi như một phần của thực hành ngoại ngữ. Tại các cơ sở
nghiên cứu văn học, việc nghiên cứu dịch văn học mới chỉ được tiến hành những
bước sơ khởi với một phòng nghiên cứu văn học so sánh duy nhất trên toàn quốc
tại Viện nghiên cứu văn học.
Nhìn lại lịch sử Việt Nam từ thời Trung cổ [đại], có thể thấy chưa một
giai đoạn nào ở Việt Nam có tình trạng đồng hoá [nhất] về mặt ngôn ngữ mà
thường xuyên tồn tại tình trạng đa ngôn ngữ (cả ngôn ngữ nói lẫn ngôn ngữ
viết). Chính tình trạng đó dẫn đến việc dịch thuật là một bộ phận tồn tại một
cách thường xuyên trong tiến trình lịch sử văn học bao gồm cả ba bộ phận dịch
nội ngữ (intralingual translation), dịch liên ngữ (interlingual translation) và
dịch liên kí hiệu (intersemiotic translation) (theo khái niệm của R. Jakobson).
[Hơn nữa, nếu coi dịch như một hành động diễn giải lại văn bản để tái sáng tạo
(do ảnh hưởng của quan niệm thuật nhi bất tác của Nho gia) thì] Không thể phủ
nhận, dịch thuật [không chỉ] là một trong những kênh giao tiếp văn hoá/ văn học
quan trọng [nhất] của văn học Việt Nam từ giai đoạn Trung đại đến [nay] giai
đoạn Cận Hiện đại, [một trong những động lực cho sự đổi mới văn học mà còn là
một trong những chỉ dấu cho thấy sự phát triển nội tại của văn học].
Chính sự thiếu tương thích giữa thực tiễn và lí thuyết [cũng như tầm quan
trong của nó trong tiến trình văn học dân tộc] nói trên là nguyên nhân thúc đẩy
chúng tôi tổ chức hội thảo với tiêu đề Dịch văn học – các vấn đề lí thuyết và
thực tiễn. Mục tiêu của Hội thảo là nối tiếp những thảo luận từng có về dịch
thuật văn học ở Việt Nam trong thời gian gần đây nhưng có sự đi sâu vào các vấn
đề lí thuyết và tổng kết lý thuyết để góp phần thúc đẩy sự phát triển của dịch
văn học với tư cách một lĩnh vực nghiên cứu độc lập. Hội thảo sẽ tập trung vào
các nhóm chủ đề như sau:
- Bản chất của dịch thuật văn học là gì? [Những quan niệm mới và xu hướng
mới về dịch thuật văn chương trên thế giới? Những yếu tố khác biệt về thể loại,
thời đại, bối cảnh văn hóa, người đọc đã chi phối ra sao tới hành động dịch văn
học]. Thực hành dịch thuật văn học bị chi phối bởi các yếu tố nào và cần phải
tiếp nhận một văn bản dịch thuật như thế nào? Liệu có thể chỉ có thể giới hạn
việc nhận thức về bản dịch tác phẩm văn chương như một hiện tượng thuần tuý văn
chương hay cần phải có những cái nhìn mang tính liên ngành về nó, hình dung nó
như một sản phẩm văn hoá, bị chi phối bởi môi trường văn hoá và thực hiện những
chức năng văn hoá? Liệu có một chuẩn mực
cho một bản dịch?
- Một cái nhìn có tính hồi cố về dịch văn học. Trong tiến trình văn học ở
Việt Nam dịch thuật văn học đã được tiến hành ra sao và nó có tác động gì đến
tiến trình văn học dân tộc? Cái nhìn mang tính hồi cố ở đây cần có sự phân biệt
dựa trên hệ hình văn học với hai hệ hình văn học chủ yếu tương ứng với hai hệ
thống ngôn ngữ là ngôn ngữ Hán Nôm thời Trung đại và ngôn ngữ thuần Việt được
phiên âm bằng tiếng La tinh thời HIện đại (được hình dung là bắt đầu vào 1900 với
tất cả các hiện tượng phức tạp như văn học ở các đô thị bị chiếm đóng từ 1945
đến 1954 và tại miền Nam từ 1954 đến 1975).
- Những kinh nghiệm dịch thuật trên thế giới từ việc dịch và giới thiệu
văn học Việt Nam ra nước ngoài đến thực tế dịch thuật văn học tại các nền văn
học khác Việt Nam.
2.2. Địa điểm: Trường Đại học Khoa học
Xã hội và Nhân văn, số 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn !
http://khoavanhoc.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=1378:2014-04-09-07-12-29&catid=43:thong-tin-khoa-hc&Itemid=102
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét