Ý niệm “doxa” được rút ra từ triết học Platon, vừa mang nghĩa là “giọng nói của tự nhiên” (the voice of natural), vừa mang nghĩa là giọng nói của sự vong thân, tha hóa (alienation). Đúng như Bourdieu đã chỉ ra, nó là biểu trưng cho một “trật tự thế giới như nó hiện hữu, với những hướng duy nhất và những hướng bị cấm, theo nghĩa đen và theo nghĩa bóng, với những nghĩa vụ và những chế tài của nó (…), hoặc, đáng kinh ngạc hơn nữa, là trật tự được thiết lập với những quan hệ thống trị của nó, những luật pháp và những điều phi pháp của nó, những đặc quyền và những sự bất công của nó, rốt cuộc cứ vĩnh tồn một cách dễ dàng đến thế, và những điều kiện sống khó chịu đựng nhất lại có thể xuất hiện như chấp nhận được, thậm chí là tự nhiên, một cách thường xuyên đến thế”[1]. Như vậy, “Doxa”, không gì khác, là biểu trưng của quyền lực văn hóa thống trị, của sức mạnh che giấu, biến mọi tồn tại lịch sử trở thành phi lịch sử, và làm cho mọi kiến tạo xã hội trở nên mang tính tự nhiên. Quy chiếu từ điểm nhìn này, bất cứ một động thái nữ quyền nào cũng phải tự đặt nó trong thế đối mặt với cái “Doxa” mặc định về một thân phận bị trị dành cho người phụ nữ, mà đi kèm với nó là những chuẩn mực, luật pháp, điều kiện,…được xã hội quy định sao cho phù hợp với địa vị nô lệ của chính họ. Có nghĩa là, vấn đề nữ quyền cần phải được đặt ra trong lòng những tra vấn về bản chất ngụy tạo của văn hóa, và “trật tự giới” cần được xem xét trong tổng thể một trật tự được gán cho là “tự nhiên” và “vĩnh viễn” của sự vật.
Mặt khác, khi nói đến “trật tự của sự vật”, như Foucault đã khẳng định, cũng là đang nói đến sự hiện diện của hệ thống diễn ngôn. Sự áp chế của nam giới trong trật tự giới bao giờ cũng kéo theo nó là loạt diễn ngôn thống trị về nam quyền, làm cho nó trở thành một quyền lực tất yếu, định hướng và ép buộc diễn ngôn về những “cái Khác” (phi-nam tính), và cuối cùng, đẩy mọi diễn ngôn của những “cái Khác” ấy ra vị trí ngoại vi. Các khuynh hướng nữ quyền, chính vì thế, bao giờ cũng xác định nhiệm vụ của nó gắn với một nỗ lực không ngừng phá dỡ hệ diễn ngôn phụ hệ hay giải hoặc những huyền thoại cố định về giới. Và cũng chính trong nhiệm vụ này mà không thể phủ nhận được sự liên hệ mật thiết của nó với văn học (trong tư cách là một bộ phận của hệ thống diễn ngôn văn hóa/huyền thoại văn hóa). Nói cách khác, văn học cần được nhìn như một bộ phận trong tổng thể của hệ thống diễn ngôn, lí thuyết – phê bình văn học, tương tự như vậy, cần được nhìn trong tổng thể lí thuyết – phê bình diễn ngôn. Mà một khi nói đến tính diễn ngôn, thực chất là đang đề cập đến tính lịch sử – xã hội của văn học. Ý nghĩa của cách tiếp cận nữ quyền, trên cơ sở ấy, đã đặt ra một cái nhìn “xét lại” và chất vấn đối với không chỉ một truyền thống văn học trong quá khứ, mà còn với những hệ thống huyền thoại văn chương đang liên tục được kiến tạo về giới/giới tính, về những đặc quyền sai khiến của người đàn ông hay những phẩm chất, đặc tính “phục tùng” của người đàn bà (đôi khi được ẩn giấu dưới những hình thức mang tính ảo tưởng và mị dân như “thiên tính nữ”, “bổn phận phụ nữ”,…). Hơn thế nữa, trên nền tảng của sự cật vấn ấy, điểm nhìn nữ quyền sẽ có thể trao quyền bình đẳng cho những diễn ngôn vốn bị “bên lề hóa”; đồng thời mở ra những khả năng mới cho sự kiến tạo lại mang tính lật đổ của người viết nữ. Nói cách khác, một nền lí thuyết và phê bình nữ quyền có thể gắn với một nền văn học nữ quyền tương ứng, nhưng cũng có thể không; có thể tìm kiếm và khẳng định những yếu tố nữ quyền nhưng lại cũng có thể chỉ phơi bày một lực áp chế quá nặng nề của truyền thống duy dương vật tiềm ẩn trong các tác phẩm văn chương. Tuy vậy, dù thế nào, lí thuyết phê bình nữ quyền bao giờ cũng có khả năng định hướng cho sự ra đời của một khuynh hướng văn học nữ quyền; bởi nó đề xuất những cách thức phản kháng về quan điểm và ý thức hệ, để rồi như một hệ quả, hướng dẫn các thực hành nghệ thuật. Xem xét chủ đề văn xuôi nữ trong bối cảnh đương đại nói riêng, chính vì thế, cũng không thể bỏ qua mối tương quan với những hệ thống lí thuyết – phê bình nữ quyền đã/đang được hình thành và tiếp nhận. Nó liên quan sâu sắc đến việc đặt ra và mở rộng những lối phê bình với những cách tiếp cận mới, và quan trọng hơn, nhu cầu về lối viết mới đối với những cây bút nữ.
Thuyết giảng của Ellen Messer-Davidow về lí thuyết và phê bình nữ quyền chính là sự chứng minh và tổng kết lại con đường chính thống hóa của hệ thống lí luận nữ quyền, làm sáng tỏ thành công của các học giả nữ trong việc nỗ lực đưa Nghiên cứu nữ quyền trở thành một chuyên ngành chuyên biệt, nghĩa là thoát khỏi vị trí của một dòng chảy phê bình nhỏ/phụ, ngoại vi để đi vào trung tâm học thuật. Đây không chỉ là biểu hiện của một nhu cầu “chính thống hóa” những tiếng nói của/về phụ nữ (những người luôn luôn bị đặt ở vị trí bên lề, phụ thuộc trong xã hội phụ quyền truyền thống: “chúng ta, những người phụ nữ (của anh ta), chúng ta bị giam cầm trong ngôi nhà gia đình chẳng được phép tham dự bất kì một hội đoàn nào của đông đảo các hội đoàn tạo thành xã hội của anh ta” – Virginia Woolf [2]); mà hơn nữa, còn cho thấy một sự chuyển dịch quan trọng về hệ thống tri thức. Nói cách khác, nó chỉ có thể có được thông qua một ý thức sâu sắc về “quyền lực của tri thức”. Từng bước chính thống hóa lí luận nữ quyền, thực chất, cũng là từng bước các nhà nữ quyền giành lấy vị trí đối trọng bình đẳng với những chân lí phổ quát về sự thống trị nam giới, phá vỡ tính độc tôn của nó, đồng thời, mở rộng dần tầm ảnh hưởng của những nhận thức mới về quyền phụ nữ, để từ đó, hướng đến những tác động chính trị.
Chiến lược chính thống hóa tri thức, một cách tất yếu, bao giờ cũng gắn với những mô hình “kinh viện hóa”, “chương trình hóa”; thể hiện rất rõ ở sự ra đời của những chuyên ngành mới trong nghiên cứu đại học hay sự thành lập của các tổ chức lí luận và thực hành lí luận. Không chỉ thế, yêu cầu truyền bá tri thức còn dẫn đến đòi hỏi một sự tham gia tích cực của hệ thống sách báo và tạp chí học thuật. Đứng trước nhiệm vụ thực tế này, trọng trách khá lớn được đặt lên vai các nhà xuất bản. Những bước đi trong nỗ lực chính thống hóa lí luận nữ quyền như thế đã được Messer-Davidow khái quát và phân tích một cách chi tiết thông qua trường hợp cụ thể là trào lưu nữ quyền Anh Mĩ.
Có thể thấy, cho đến đầu thế kỉ XXI, ở Mĩ, nền học thuật, phê bình và lí thuyết văn học nữ quyền đã làm thành một bộ phận của hệ thống tri thức được sản sinh trong lĩnh vực nghiên cứu nữ quyền. Về mặt tri thức, nghiên cứu nữ quyền tiến hành điều tra tỉ mỉ về Giới tính, Chủng tộc, Sắc tộc, Quốc tịch, Giai cấp và Tính dục; coi đó như là những loại hình tổ chức nên những hệ thống xã hội và hệ thống biểu tượng. Về mặt tổ chức, nó bao gồm khoảng chừng 630 chương trình nghiên cứu của phụ nữ và 80 trung tâm nghiên cứu thuộc khuôn viên trường học, rất nhiều hiệp hội chuyên ngành, cùng với hàng trăm nhà in cũng như các tạp chí nữ quyền. Một lĩnh vực học thuật rộng lớn đến như thế có lẽ đã vượt quá xa những gì mà lớp phụ nữ thuộc làn sóng nữ quyền thứ hai có thể trông đợi khi họ bắt đầu suy ngẫm về việc làm thế nào để các phương sách của học viện có thể được ứng dụng nhằm khích động phong trào còn quá non trẻ vào cuối thập niên 60 của thế kỉ XX. Bởi, mặc dù manh nha từ những năm đầu thế kỉ, các phong trào phụ nữ đã dần dần bị suy thoái khi các quốc gia lảo đảo đi ra từ Cuộc đại khủng hoảng và bước tiếp vào Chiến tranh thế giới thứ hai, phải thu mình lại trước cuộc đàn áp McCarthyite, và còn tiếp tục bị đè nén kéo dài trong suốt thời gian diễn ra cuộc Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, trong những thập kỉ khó khăn ấy, một Phong trào nữ quyền mới cũng vẫn ngấm ngầm tồn tại trong các tổ chức tiến bộ – những hiệp hội lao động, các tổ chức tự do dân quyền, các Hội phụ nữ, Hội đồng giáo hội, và cả những dịch vụ xã hội – nơi người phụ nữ được tiếp thu những tư tưởng và cả những kĩ năng để xây dựng phong trào nổi dậy lần thứ hai.
Năm 1963, một bộ sách đôi ra đời, châm ngòi cho cuộc thảo luận công khai về những gì từng được gọi là “câu hỏi về phụ nữ” (woman question). Bản báo cáo của Uỷ ban đặc trách về tình trạng phụ nữ: “Phụ nữ Mĩ” (American Women), do Margaret Mead và Frances Balgley Kaplan làm chủ bút, đã cung cấp tư liệu một cách tỉ mỉ minh chứng cho sự bất bình đẳng mà người phụ nữ phải chịu đựng trong giáo dục, lao động cũng như trong đời sống cộng đồng. Song song với nó, “Sự huyền bí của tính nữ” (Feminine Mystique), tác phẩm bán chạy nhất của Betty Friedan, đã vạch trần hệ tư tưởng về đời sống gia đình – cái đã làm cho những người phụ nữ ở tầng lớp trung lưu và thượng lưu bị phụ thuộc vào người đàn ông về mặt kinh tế và cả về mặt tình cảm. Nhượng bộ cho cuộc vận động hành lang dữ dội ấy, Quốc Hội đã đưa ra quyết định coi Phân biệt giới tính là một trong những kiểu phân biệt đối xử bị nghiêm cấm, thể hiện qua Đạo luật lương bổng đồng đều năm 1963 và Đạo luật về quyền công dân năm 1964 (tuy vậy, các cơ quan liên bang cố tình bỏ qua việc thực thi những Đạo luật đó).
Sau sự xung đột với các cơ quan chính quyền, những thành viên của Uỷ ban phụ nữ trung ương và các Uỷ ban ở các tiểu bang đã rút ra kết luận rằng: họ cần có một tổ chức với số lượng thành viên đông đảo hơn để có thể tạo sức ép cho sự chính thức hoá. Hệ quả đầu tiên là, Tổ chức Phụ nữ Quốc gia (NOW), được thành lập bởi 28 phụ nữ năm 1966 với Friedan làm chủ tịch, đã tăng từ 1000 thành viên năm 1967 lên tới 30000 thành viên và gần 400 hội phụ nữ vào năm 1973. Mặc dù chỉ thu hút chủ yếu những người phụ nữ da trắng thuộc tầng lớp trung lưu, NOW đã xây dựng một chương trình nghị sự có ảnh hưởng sâu rộng kêu gọi sự bình đẳng theo quy định của Pháp luật; những cơ hội giáo dục và cơ hội việc làm; việc lập điều lệ về quyền sinh sản; hình sự hoá tội hiếp dâm và bạo lực tình dục; cải cách chính sách trong các lĩnh vực: thuế, an ninh xã hội, phúc lợi xã hội và cả chính sách li dị; điều khoản về chăm sóc sức khoẻ và chăm sóc trẻ em; và sự xoá bỏ những định kiến về giới tính. Không chỉ thế, phụ nữ trong phong trào nữ quyền những năm 60 thế kỉ XX còn gia nhập tích cực và đông đảo vào những sự kiện hành động đã làm khuấy động miền Nam Mĩ thời bấy giờ.
Nguyên nhân thúc đẩy sự hình thành của làn sóng nữ quyền thứ hai chính là những hoạt động chính trị tình dục đã xảy ra ở nhiều khu vực, nơi mà đa số những người phụ nữ đã có được những kĩ năng thay đổi xã hội. Tự nhận thức mình như là nạn nhân của nạn phân biệt giới tính, những người phụ nữ đã tổ chức nhiều buổi hội thảo và Hội nghị quốc gia, thành lập các nhóm giải phóng, và tiến hành một vài Hội nghị quốc gia với quy mô tương đối nhỏ.
Đồng thời, các nhà lí thuyết nữ quyền cũng đã tạo lập được những điểm tựa trong các hiệp hội chuyên ngành và các truờng đại học. Việc bước đầu tổ chức những diễn đàn mang tính toàn quốc, cùng với những khoá học ở các trường đại học đã tạo điều kiện cho các nhà nữ quyền phát triển các công trình học thuật sẽ đóng vai trò thúc đẩy sự phân tích phê bình và hoạt động của phong trào sau này.
Từ năm 1968 cho đến 1970, phân tích nữ quyền đã bắt được bắt đầu chủ yếu trong phong trào giải phóng và trong các tổ chức đóng vai trò nâng cao nhận thức. Được tiến hành lần đầu tiên vào năm 1968 bởi một vài nhóm giải phóng, phong trào nữ quyền CR đã lan rộng rất nhanh ngay sau khi Kathie Sarachild trình bày bản phác thảo hoạt động tại Hội nghị phụ nữ tháng 11 năm 1968. Trong suốt năm 1969, các nhóm CR đã được bắt đầu ở khoảng 40 thành phố, và, chỉ tính riêng trong năm 1973, đã có khoảng 100000 phụ nữ là thành viên của các nhóm CR, tạo nên một thế chủ động về chính trị và về giáo dục lớn nhất trong lịch sử nước Mĩ (Cassel, Shreve).
Theo nhà nữ quyền người Anh Juliet Mitchell, CR là sự phỏng theo của “niềm cay đắng cất tiếng nói” (speaking bitterness), một thực tiễn cách mạng của tầng lớp nông dân nghèo Trung Quốc – những người mà, bằng cách cất lên tiếng nói về những nỗi bất công mà họ phải chịu đựng, đã mang “ra ý thức…sự đàn áp gần như vô thức” (Đẳng cấp của phụ nữ/ Woman’s Estate). Trong thực tế, suốt những năm 60 của thế kỉ XX, nhiều nhà hoạt động xã hội đã được đọc về nỗi niềm cay đắng được bày tỏ trong tác phẩm “Luận về thực tiễn” (On Practice) (1937) của Mao Trạch Đông và “Fanshen” (1966) của William Hinton; hay cũng đã biết đến những cách thức đấu tranh xã hội tương tự ở Châu Mĩ Latinh. Chiến lược này không những nhằm mục đích khiến cho những người phụ nữ có thể chia sẻ với nhau những vấn đề trong cuộc sống riêng tư, mà đồng thời còn khuyến khích họ đoàn kết lại với nhau trong cuộc chiến đấu phá bỏ hoàn cảnh bị đàn áp chung.
Nhưng, được ghi nhận một cách còn rộng rãi hơn nữa là mô hình cây nhà lá vườn (homegrown model) của CR. Như Sarachild đã nói, chúng tôi đang “ứng dụng cho những người phụ nữ, và đồng thời cho chính chúng tôi, với tư cách là những nhà tổ chức cuộc tự giải phóng của phụ nữ, một sự thực hành mà nhiều người trong số chúng ta đã từng được biết về những người tổ chức trong phong trào đòi quyền dân chủ ở miền Nam vào đầu thập niên 60” (Consciousness Raising). Bằng cách chia sẻ những vấn đề riêng tư trong cuộc sống của mình, họ đã dần dần đạt đến mối quan hệ gắn bó về mặt tình cảm; bằng cách tập hợp và phân tích những dữ liệu có tính kinh nghiệm, họ đã nhận thức được một cách sâu sắc về sự đàn áp tập thể mà họ phải chịu đựng; và bằng cách thể hiện sự tức giận, họ đã châm ngòi cho hành động. Theo cách nói của Sarachild, “những cảm xúc của chúng tôi (về những trải nghiệm của một người phụ nữ như chúng tôi), sẽ dẫn dắt chúng tôi đi đến cái lí thuyết của riêng chúng tôi, lí thuyết của chúng tôi sẽ dẫn đến hành động của chúng tôi, và những cảm giác của chúng tôi về hành động đó sẽ lại dẫn tới lí thuyết mới rồi sau đó sẽ là những hành động mới” (A Program). Các phương thức CR đã khiến cho những người phụ nữ nhận thức rõ được rằng: mọi vấn đề cá nhân thực chất đều có những nguyên nhân xã hội của nó và do đó, cần phải có những giải pháp chính trị. Như vậy, các tổ chức CR, có thể nói, đóng vai trò như là cái tử cung phôi thai ra tri thức và quyền lực.
Các nhà lí thuyết nữ quyền đã mang các tổ chức CR vào khuôn viên các trường Đại học và đưa các phương pháp CR vào trong các chuyên ngành – nơi chúng được sử dụng để sản sinh ra những tri thức mới. Suy ngẫm về nguồn gốc ra đời của Phê bình văn học nữ quyền, Ann Rosalind Jones viết: “có vẻ như giờ đây, đối với tôi, thật rõ ràng rằng, trong giai đoạn đầu tiên…của tiến trình này…Các nhà phê bình ban đầu đã nhìn các nhân vật nữ trong những cuốn sách của các tác giả nam giới cũng giống như là cách chúng ta – những kẻ thuộc các tổ chức nâng cao ý thức đang nhìn lẫn nhau, có nghĩa là nhìn họ như là những con người đang ở trong hoàn cảnh bị áp bức”. Những người khác lại có sự miêu tả các hoạt động thực tiễn theo kiểu CR một cách sống động hơn. Trong lần đầu tiên đọc “Tiếng chuông rung” (The Bell Jar)– cuốn tiểu thuyết của Sylvia Plath viết về một người phụ nữ đang dần dần bị bóp nghẹt bởi chế độ phụ hệ, Nancy Burr Evans đã xem xét “chủ yếu những tư tưởng và những sự miêu tả gần như trùng khít với chính bản thân mình”, và run lên khi “tôi đã nhìn thấy lại chính những trải nghiệm của riêng mình được phản chiếu lại trong một dạng thức hoàn toàn ăn khớp”; cuối cùng, thêm một bước tiến nữa, là sự nhận thức lại rằng: tất cả những gì được miêu tả lại một cách sinh động như thể chỉ thuộc về vấn đề bệnh lí của người phụ nữ, thực chất, đều là sự áp bức xã hội.
Một vài năm sau đó, Carolyn Heilbrun và Catharine Stimption tự miêu tả chính mình như là những “nhà khảo cổ văn bản” (textual archeologists), cố gắng đào bới để tìm lại những mảnh vỡ của những quan điểm về tình dục, về vai trò của giới tính, nguồn gốc của chúng, và cả những hệ tư tưởng biện minh cho chúng, nhằm mục đích chắp nối những kiểu hình của sự kì thị giới tính trong văn học lại với nhau. Các nhà nữ quyền thuộc làn sóng thứ hai đã tra vấn lại một tổng thể từ vựng trước đó. Họ truy nguyên lại những từ như: “tính ghét đàn bà” (misogyny) và “chế độ gia trưởng” (patriartry) trong truyền thống văn học Anh, được giải thích bằng sự tương ứng với “uy quyền tối cao của nam giới” (male supremacy) và “sự kì thị giới tính” (sexism) trong các diễn ngôn về chủng tộc, không chỉ thế, họ còn vay mượn những từ như “sự tha hoá” (alienation) và “sự áp bức” (oppression) trong học thuyết Marxist để nói về tình trạng của người phụ nữ. Không chỉ thế, còn phải kể đến những bản tuyên ngôn được phát tán bởi các nhóm giải phóng, các bản tin gửi tới những thành viên của NOW, những tạp chí định kì được các tập thể biên tập, và những cuốn hợp tuyển được Hội phụ nữ cấp tiến New York xuất bản,…Trong một thời gian ngắn, phê bình tự phát đã dần dần được công thức hoá lại một cách có hệ thống như là sự phê bình học thuật được thực hiện bởi những phương tiện tuyên truyền (như các nhà xuất bản và các trường đại học) với trọng trách là truyền bá Chủ nghĩa nữ quyền tới một số lượng công chúng ngày một đông đảo hơn nữa.
Năm 1970, các doanh nghiệp sách và báo chí thương mại Mĩ bắt đầu xuất bản những cuốn sách có tính lai ghép, đan dệt tính hoạt động phong trào với tính thuyết giảng học thuật để tạo thành một bản cáo trạng trên diện rộng về sự đàn áp đẳng cấp-giới tính (sex-class oppression). Không chỉ thế, việc xuất bản những văn bản có tính động, những bài báo có tính học thuật và nhiều tác phẩm sáng tạo còn tập trung hướng đến một sự lai ghép về phân tích, nhằm hướng tới một sự thuyết phục đủ mạnh để minh chứng rằng sự đàn áp phụ nữ là kết quả của một hệ thống thâm căn cố đế được duy trì bởi thể chế gia trưởng.
Một dạng thức lai ghép khác là thể loại chuyên khảo mà sự ra đời của nó có thể coi như được khởi nguồn từ tác phẩm“Sự bênh vực quyền phụ nữ” (Vindication of the Rights of Woman) (1792) của Mary Wollstonecraft, qua “Giới tính thứ hai” (Second Sex) (1949) của Simone De Beauvoir, cho tới luận án nổi tiếng của Kate Millett bảo vệ đầu năm 1970 tại Đại học Columbia, “Sexual Politics” (Nền chính trị giới). Nó được coi như là một tác phẩm phê bình học thuật bởi nó bao gồm những chương dành để viết về một lí thuyết, một quá trình lịch sử và cả những bình luận về các văn bản văn học được hoàn thiện thêm bằng những chú thích và phần thư mục. Tuy nhiên, nó cũng không hoàn toàn là một tác phẩm phê bình học thuật bởi nó lai ghép lí luận nữ quyền cấp tiến về sự thống trị đẳng cấp – giới tính với việc tường thuật lại cuộc phiêu lưu của Beauvoir trong việc tìm kiếm lại những trải nghiệm phụ nữ. Millet đã định nghĩa nền chính trị giới như là “những sự sắp xếp mà theo đó, một nhóm người bị điều khiển bởi một nhóm người khác”; từ đó, bà tiếp tục đi tới việc cho thấy dựa vào cơ chế nào mà một loạt những sự sắp đặt ấy – cả về thể chất, kinh tế, xã hội, tâm lí và ý thức hệ tư tưởng – có thể duy trì hệ thống đàn áp của nó.
Nhưng những đặc tính về sự lai ghép, về phạm vi, và về những khế ước xã hội đã khiến cho cuốn chuyên khảo của Millet bị chỉ trích nặng nề. Chỉ trích nghiêm khắc nữ tác giả, các nhà phê bình đã phê phán giọng điệu của bà là quá giận dữ, hiếu chiến và có tính tiền phong; không chỉ thế, tạp chí “Times” đã gọi đó là “Tư tưởng Mao Trạch Đông về sự giải phóng phụ nữ”. Thêm vào đó, cuốn sách còn bị lên án bởi đã lai ghép hoạt động có tính phong trào với các bài thuyết giảng lí luận hàn lâm, trượt dần từ sự phân tích xã hội trong những chương đầu tiên đến phê bình văn học trong những chương sau, và dần dần mở ra một trường hợp mở rộng khó có thể chấp nhận đối với phạm vi vấn đề áp bức phụ nữ. Tạp chí “Times” đã mô tả nó như là “một cuộc bút chiến vụng về trong truyền thống học thuật”. Tại sao Millet lại bị chỉ trích nhiều đến như vậy? Có lẽ là do “Nền chính trị giới” (Sexual Politics) đã đưa ra một phân tích mạnh mẽ về sự áp bức phụ nữ bằng cách vượt qua những ranh giới có thể nhìn thấy được trong truyền thống giữa Phê bình xã hội tự phát và Phê bình học thuật, giữa những chủ đề của các môn học phổ thông với các chủ điểm chuyên ngành, giữa lớp độc giả chuyên nghiệp hàn lâm và lớp độc giả thương mại. Nghĩa là, không chỉ dừng ở việc chính thống hoá lí thuyết nữ quyền, Millet đã tiến đến một bước xa hơn, xoá bỏ hẳn lằn ranh giữa ngoại vi/chính thống, phổ thông/đặc tuyển. Cuốn sách, bởi vậy, tước bỏ quyền lực của các nhà phê bình: bị thất bại bởi chính tính lai ghép và phạm vi quá mở của nó, họ tự thấy mình không có khả năng đứng ở vị trí trung lập trong các cuộc tranh luận; và do đó, đã tìm cách ngăn chặn những độc giả đang đổ xô đi mua nó. Thế nhưng, chỉ trong vòng vài tháng, cuốn “Nền chính trị giới” đã bán được 15000 bản và được tái bản đến 4 lần – một sự thâm nhập thị trường đáng kinh ngạc trong thời điểm này.
Từ những mô tả trên, có thể rút ra bốn điểm mấu chốt về các diễn ngôn của làn sóng nữ quyền thứ hai. Thứ nhất, nó gắn chặt phân tích với hành động. Thứ hai, quá trình phân tích cũng giống như một quá trình khảm nạm từ những mảnh nhỏ. Từ kinh nghiệm này đến kinh nghiệm khác, từ sự thấu hiểu này đến sự thấu hiểu khác, từ vấn đề này đến vấn đề khác, các nhà nữ quyền đã dần dần phát triển một nền phê bình về hệ thống áp bức phụ nữ. Thứ ba, “phụ nữ như là một đẳng cấp – giới tính bị áp bức trong xã hội” không chỉ đơn thuần là một kết luận có tính khái niệm, mà là một phương hướng chỉ đạo hành động. Mặc dù các nhà nữ quyền sau này phê phán nó chỉ như là một khái niệm mang tính tổng hợp và còn nhiều thiếu sót (thật không may, khái niệm ấy lại chủ yếu chỉ được đưa vào các bài thuyết giảng học thuật), lí thuyết về phong trào xã hội sau này cũng vẫn kết hợp với nó như một thực hành phối âm cần thiết bởi, nếu như không có những bài thuyết giảng phân tích chính trị, nếu như không có những người phụ nữ hoạt động chính trị, thì cũng không thể có bất cứ một phong trào nào cả. Cuối cùng, mặc dù những cuốn sách lai ghép ấy được xuất bản có tính thương mại khá cao, nó đã làm lan rộng thuyết nữ quyền với lượng độc giả lớn hơn nhiều so với những sự xuất bản chỉ để phục vụ phong trào có thể đạt tới, đồng thời, chúng cũng không có ảnh hưởng gì đến những quy chuẩn học thuật và những giáo trình học tập. Đối mặt với thách thức ấy, các nhà nữ quyền đầu tiên đã phải đặt nền tảng những bước mở đầu bằng cách có học vị tiến sĩ, nhờ đó đảm bảo vị trí giảng viên để tiến hành những nghiên cứu và công việc giảng dạy mà họ mong đợi. Có như vậy, họ mới có thể tạo lập nền phê bình nữ quyền và cho ra đời lí thuyết nữ quyền – cái lí thuyết mà cuối cùng, sẽ có được tầm ảnh hưởng rất lớn trong các lĩnh vực học thuật.
Năm 1970, Nhà xuất bản Know phát hành một ấn phẩm gây nhiều tò mò: được sao chụp trên một chồng những trang giấy có thể tháo rời là những giáo trình dạy học cho khoá 17 trong chương trình học về phụ nữ, năm học 1969-70, đi kèm với một bài giới thiệu ngắn gọn của Sheila Tobias. Với giới thuyết này, Sheila đã đặt những bài giảng ấy vào “trong một lĩnh vực mà cuối cùng cũng đã có thể đưựoc gọi là Nghiên cứu phụ nữ” (Female Studies 11). Hình thức xoàng xĩnh và lượng phát hành tương đối nhỏ các ấn bản đã gần như không mở ra được bất cứ một điều gì theo sau nó. Tuy nhiên, trong năm năm tiếp theo, 9 tập tiếp theo của Female Studies được xuất bản, trong đó có 4 ấn phẩm là của Nhà xuất bảnKnow và 5 ấn phẩm còn lại là của Nhà xuất bản Feminist (được thành lập năm 1970 bởi Florence Howe, Paul Lauter và nhiều người khác). Loạt tài liệu theo chương trình giảng dạy này được phổ biến rất rộng, đã phát ra tia lửa châm ngòi cho sự phát triển của Nghiên cứu nữ quyền.
Trong các lớp học và các thư viện, những giảng viên mới đã bắt đầu công việc khai sáng cho người học về quyền sống của người phụ nữ và phê phán những hệ tri thức đã/đang được thừa nhận rộng rãi như là chân lí. Các khoá học về nữ quyền gắn liền với việc đọc và tìm hiểu những văn bản như: “Căn phòng riêng” (A Room of One’s Own) (1929) của Virginia Woolf, “Giới tính thứ hai” (The second sex) (1949) của Beauvoir, “Thế kỉ của tranh đấu” (Century of Struggle) (1959) của Eleanor Flexner, “Sự huyền bí nữ giới” (Ferminine Mystique) (1963) của Friedan, “Bay lên từ bệ phóng” (Up from the Pedestal) (1968) của Aileen Kraditor, “Nghĩ về phụ nữ” (Thinking about Women) (1968) của Mary Ellmann, “Phụ nữ và Luật pháp” (Women and the Law) (1969) của Leo Kanowitz, “Phép biện chứng của giới tính” (Dialectic of Sex) (1970) của Shulamith Firestone, “Nền chính trị giới” (Sexual Politics) (1970) của Millett, “Tất cả mọi người đã dũng cảm” (Everyone Was Brave) (1971) của William O’Neil, cùng với những hợp tuyển như: “Tình chị em mãnh liệt” (Sisterhood is Powerful) (1970) và “Người phụ nữ trong một xã hội kì thị giới tính” (Woman in a Sexist Society) (1971). Những văn bản này đã đưa ra được một cách tiếp cận có tính khái quát với vấn đề sự áp bức phụ nữ, thông qua: những tự truyện riêng tư kết hợp với những bình luận chính trị trong tác phẩm của Woolf; một bức tranh toàn cảnh về lịch sử trong các tác phẩm của Flexner, Kraditor và O’Neil; thêm vào đó là ngòi bút phê bình sâu rộng trong những cuốn sách của Beauvoir, Ellmann, Kanowitz, Fierstone, Neill cũng như trong các hợp tuyển. Bằng cách đọc các văn bản ấy, kết hợp đồng thời với việc nghiên cứu về nữ quyền đã bắt đầu xuất hiện trên các tạp chí, những giáo viên đã dần dần tạo dựng được cốt lõi tri thức của lĩnh vực nghiên cứu này – nó vừa thuộc về các vấn đề xã hội có tính liên ngành, vừa gắn với sự phân tích riêng của mỗi chuyên ngành.
Các nhà nữ quyền trong nghiên cứu văn học, cũng giống như thế hệ đàn chị của họ ở các chuyên ngành khác, đã bắt đầu bằng những dự án khai phá trong việc phát triển lí thuyết về những phương pháp lai ghép chéo ở cả học thuật và phê bình. Bước tiến hành đầu tiên trong việc xác định lại vị trí của người phụ nữ trong văn học là phải tìm kiếm lại ở các thư viện và các kho lưu trữ những cuốn sách viết về cuộc sống của người phụ nữ, và hơn thế, ở cả trong những kho lưu trữ thư từ. Vi dụ như, trong lịch sử và văn hóa Anh, họ đã tìm thấy những tài liệu như: “Các nhà văn nữ” (Women Writers) (1892) của J. Halmiton, “Phụ nữ trong xã hội Anh từ thời trung cổ đến thời hiện đại” (Women in English Life from Medieval to Modern Times) (1896) của Georgiana Hill, “Cuộc sống lao động của người phụ nữ thế kỉ 17”(Working life of Women in the seventeenth Century) (1919) của Alice Clark, “Các nữ tiểu thuyết Anh” (English Woman Novelist) (1929-30) của Joyce M. Horner, “Tiểu thuyết bình dân Anh 1770-1800” (Popular novel in England 1770-1800) (1932) của J.M.S.Tompkin, “Sự phản đối ban đầu với tiểu thuyết Anh” (Early Oppsition to the English novel)(1943), “Cái xương sườn vẹo” (Crooked Rib) (1944) của Frances Lee Utley, “Phụ nữ như là một lực lượng trong lịch sử” (Woman as Force in History) của Mary Beard (1947), “Bút pháp phái nữ: Những nữ tiểu thuyết giai đoạn sau 1744-1818” (Female Pen: The later Women Novelists, 1744-1818) (1948) của B.G. MacCarthy, và “Giáo lí dành cho những quý bà thời Phục Hưng” (Doctrine for the Lady of Renaissance) (1956) của Ruth Kelso. Với những cuốn sách này, họ tìm lại được những định kiến đã được coi là thiêng liêng và cả sư định hướng về cuộc sống gia đình đối với người phụ nữ trung cổ; việc học tập và văn học của những nữ quý tộc thời Phục hưng; sự lan rộng của việc nâng cao trình độ học vấn cho nữ giới; những chuyên luận chính trị về phụ nữ thế kỉ 18; các nền văn hoá bình dân và tinh hoa của phụ nữ thế kỉ 19; các nhà hoạt động đã đấu tranh cho quyền bầu cử của phụ nữ, những nhóm ủng hộ cho quyền kiểm soát sinh sản, các tổ chức công đoàn, và cả các nhà giáo dục ở Anh và ở Mĩ.
Các bước tiếp theo được thực hiện đồng thời. Các nhà nữ quyền biên soạn những cuốn thư mục, in ấn và xuất bản những văn bản đã từng không được phép in và chưa từng được xuất bản của các tác giả nữ; đồng thời, viết những bài báo và những cuốn sách mà trong mỗi tác phẩm kiểu này sẽ tiến hành việc định giá lại văn bản của các nhà văn nữ trong sự phê phán thái độ kì thị giới tính trong xã hội và trong văn học. Tính trung bình, cứ mỗi năm lại có hai cuốn sách viết về phụ nữ Anh được xuất bản.
Một đề án khác được thực hiện trong nghiên cứu văn học nữ quyền là phơi bày những hình thức của sự phân biệt giới tính đã làm cơ sở cho việc xây dựng những chuẩn mực và những quy tắc lấy nam giới làm trung tâm trong nghiên cứu chuyên ngành. Đi tìm vết tích của thái độ kì thị phụ nữ trong văn học qua các thời đại, chuyên luận “Người bạn đời phiền phức: Lịch sử sự kì thị phụ nữ trong văn học” (Troublesome Helpmate: A History of Misogyny in Literature)(1966) của Katherine M.Roger đã chỉ ra rằng: “những biểu hiện của lòng thù hận, nỗi sợ hãi, hay sự khinh miệt đối với nữ giới” đã xuất hiện trong hầu như ở tất cả các thể loại từ truyền miệng cho tới văn học viết. Tập trung vào phân tích triết học và chính trị Đức, “Thái độ gia trưởng” (Patriarchal Attitudes) (1970) của Eva Figes đã thăm dò những mối dây liên hệ giữa ham muốn và sự thống trị, kì thị giới tính và kì thị chủng tộc, sự chuyên chế tuyệt đối và những giải pháp đối mặt. Khi khảo sát những kiến tạo về khuôn mẫu giới tính thông thường đã được thiết lập trong lối Phê bình văn học hiện đại, “Suy tư về phụ nữ” (Thinking about women) (1968) của Mary Ellman nhấn mạnh rằng: các nhà phê bình nam giới đã đối xử với những cuốn sách của cả các nhà văn nam và các nhà văn nữ cứ như thể chúng cũng chính là đàn ông hay phụ nữ; rằng họ đã: “lao vào vào phê bình, trong niềm hạnh phúc lớn lao nhất của nó, với một thước đo trí tuệ về ngực và hông”, hay ngược lại, đưa ra giả định rằng tâm hồn văn chương nam giới cũng “hoạt động chủ yếu như một dương vật”. Một trong số rất nhiều ví dụ tương tự như thế là lời tuyên bố của Athony Burgess, rằng, ông “không có được một chút khoái cảm nào” khi đọc những áng văn xuôi của Jane Austen, bởi theo ông, nó “thiếu một lực đẩy mạnh mẽ của nam tính, một vẻ đẹp tượng trưng gần như đã trở thành quy phạm, và một nội dung tri thức bạo liệt”.
Cách tiếp cận văn học hay được ứng dụng nhất để thấy được thái độ kì thị giới tính là tiếp cận với cái gọi là “hình tượng người phụ nữ” (images of women). Nhưng sau đó, lối phê bình này đã bị coi thường, bị xem như là phương thức của một thứ Chủ nghĩa biểu hiện ngây thơ. Tuy nhiên, hầu hết các nhà nữ quyền vẫn nhìn những hình tượng như là những biểu hiện của các quy ước về giới tính – cái mà đến lượt nó, lại quay trở lại củng cố cho quyền lợi của tầng lớp cầm quyền. Điều này có thể được làm sáng tỏ khi xem xét 3 tiểu luận trong cuốn “Hình tượng người phụ nữ trong tiểu thuyết: những quan điểm nữ quyền” (Images of Women in Fiction: Feminist Perspectives) (1972) do Susan Koppelman Cornillon chủ biên. Trong “Một nữ anh hùng có thể làm gì?” (What can a Heroine do?) cũng như trong“Tại sao phụ nữ không thể viết?” (Why woman can’t write?), Joanna Russ đã thử đảo ngược giới tính của nhân vật để chứng minh rằng thực chất, mọi cốt truyện đều mang bản chất giới tính: “Một cô gái trẻ ở Minnesota tìm thấy thiên tính nữ trong mình bằng cách giết chết một con gấu” và “Một chàng trai trẻ – kẻ đã không khôn ngoan chút nào khi đặt toàn bộ hi vọng thành công của mình vào công việc kinh doanh để rồi, trước khi đạt đến sư đầy đủ cảu cá nhân, anh ta đã đánh mất đi nam tính của chính mình, và cuối cùng, kết thúc như một kẻ bị thiến hoạn loạn thần kinh và cô đơn”. Trong “Sự hình thành nhân tính: Hình thức và nội dung tâm điểm của tiểu thuyết nữ quyền mới” (Humanbecoming: Form and Focus in the Neo-Feminist Novel), Ellen Morgan đã đặt Loại tiểu thuyết điển hình (thường kể về sự phát triển của một nhân vật nữ ban đầu như là một cô gái ngang ngược bướng bỉnh nhưng rồi cuối cùng cũng phải tuân theo những quy chuẩn về nữ tính) trong thế đối lập với một phiên bản nữ quyền mới sẽ viết về cô trong “sự nỗ lực tiến tới theo đuổi mục tiêu của một con người trọn vẹn” thông qua cuộc đấu tranh quyết liệt với sự kì thị giới đã được chính thống hoá. Đích đến của việc phê bình theo xu hướng trên, như Lillian Robinson và Lise Vogel lập luận trong “Chủ nghĩa hiện đại và Lịch sử” (Modernism and History), “không phải là để chứng minh rằng văn học không buộc phải truyền đạt các ý đồ tư tưởng, mà hơn thế, cho thấy rằng mọi tư tưởng đều có một nguồn gốc mang tính giai tầng và thực hiện chức năng phân cấp” (có thể đơn giản thấy rõ điều ấy qua một ví dụ cụ thể như chức năng của việc duy trì các thủ tục nhập quốc tịch).
Sự nỗ lực để hướng đến những mục tiêu trên không hề đơn giản. Trong tiểu luận “Phê bình nữ quyền mới” (The new Feminist Criticism), Annis Pratt đã tóm tắt bốn nhiệm vụ chính của Phê bình nữ quyền: nhận thức lại những tác phẩm của các nhà văn nữ; “đánh giá các phương diện hình thức của văn bản”; hiểu được văn học đã phát hiện và thể hiện được những gì về nam giới và nữ giới trong những bối cảnh kinh tế – xã hội mà họ đang sống; và cuối cùng, diễn tả được “sự trình bày đầy tính hoang tưởng về mỗi cá nhân phụ nữ trong văn học”. Nhưng, trong một tiểu luận khác: “Tồn tại trong khuôn khổ: Phê bình cấp tiến và Quan điểm nữ quyền” (Dwelling in Decencies: Radical Critism and the Feminist Perspective), Lillian Robinson lại bắt bẻ rằng, thực chất, Pratt mới chỉ đơn thuần nhắc lại những phương thức tư sản của lối phê bình tiểu sử, phê bình hình thức, mang đặc trưng xã hội học và hướng tới nguyên mẫu. Theo bà, sử dụng lại những tiêu chí ấy sẽ khiến các nhà phê bình nữ quyền bị sa vào chính cái cấu trúc của sự định giá mà họ muốn tháo dỡ; điều ấy buộc họ phải thừa nhận rằng: một văn bản mang tính bá quyền hiểm độc bao giờ cũng được trình bày trong một hình thức đẹp đẽ còn một văn bản nữ quyền “có tính hữu ích về phương diện lịch sử” lại thường không có được sự hoàn hảo về mặt thẩm mĩ.
Khi theo đuổi những hướng đi của sự giác ngộ phê bình, các nhà phê bình văn học nữ quyền đã bắt đầu nhìn xuyên suốt được những tri thức chuyên ngành đối với những mẫu hình kiến thức mà các học viên thường lựa chọn để giải thích và đánh giá các văn bản. Vào thời điểm đó, nghiên cứu văn học gần như đã được gắn cố định với hai mô hình cơ bản: Chủ nghĩa biểu hiện và Phê bình mới. Chủ nghĩa biểu hiện, một hướng phê bình mở nhằm mục đích dẫn tới những phương thức và những tư tưởng thuộc những thể loại diễn ngôn khác như lịch sử, xã hội học, tâm lí học và huyền thoại, đã cho phép các định kiến về giới có thể thẩm thấu và dần dần tràn ngập trong những thực hành phê bình. Carolyn Heilbrun và Catherine Stimpson tuyên bố rằng họ đã được dạy dỗ để đọc: “tất cả các tác phẩm dưới ánh sáng của những chuẩn tắc của riêng những nhà phê bình nam giới…Chúng ta đã không chỉ lờ đi sự vắng mặt (của những văn bản và những kinh nghiệm của riêng nữ giới)…, Chúng ta đã không chỉ cố bào chữa rằng sự hi sinh của người phụ nữ chỉ như là một cái gì đó có tính tự nhiên,…mà chúng ta còn đã nghiễm nhiên giả định rằng bất cứ một tác giả nam giới nào cũng đều đang phải viết theo những tín điều mà Freud đã xác định đối với các nhà phê bình nam giới cũng như đối với những người thầy đã dạy chúng ta”.
Đối lập với những đường ranh giới mập mờ và những thực hành ngập tràn về giới tính của Chủ nghĩa biểu hiện, Phê bình mới ngăn cản những diễn ngôn khác đặt chân vào phạm vi của riêng nó cũng như những phương thức khắt khe được nó ứng dụng. Các học viên được yêu cầu phải chọn một văn bản tuy ngắn nhưng phức tạp (tốt hơn cả là một bài thơ), thực hành một phương pháp đọc kĩ lưỡng, và phải đánh dấu được những điểm đặc trưng đã đưa đến tính duy nhất về cấu trúc của nó. Họ không có bổn phận phải quy văn bản ra thành bất cứ một cái gì ngoài văn bản nữa, cho dù là cuộc đời tác giả, bối cảnh xã hội, hay những đề tài được tóm lược lại từ những diễn ngôn khác; họ cũng không cần phải nêu lên những quan điểm riêng, cảm xúc riêng cũng như những cách đánh giá của riêng mình. Như Selma R. Burkorn đã giải thích, các giáo sư giảng dạy đã hướng dẫn cô “chỉ đề cập đến những yếu tố có thể xác minh được theo lối kinh nghiệm và có thể được phân tích một cách hợp lí” trong văn bản, “để không chỉ có được tính khách quan mà còn kiểm soát được văn bản; và nếu không thực hành được sự loại trừ ấy, sẽ chỉ đơn thuần thu được toàn những phản ứng chủ quan”. Đi thẳng vào vấn đề trung tâm của kiểu hình phê bình này, Fraya Katz-Stoker đã chỉ ra rằng các nhà phê bình mới đã coi “văn học như là một thế giới được tạo lập theo một cách riêng tư tuyệt đối, độc lập hoàn toàn với bối cảnh xã hội và chính trị của nó” và phân tích những văn bản như thể chúng cũng giống như là “bong bóng trôi nổi trên bầu trời Platon thanh khiết không một gợn mây”. Ngược lại, “Phê bình nữ quyền”, bà tuyên bố, phải là “một phương pháp tiếp cận văn học có tính duy vật – nó nỗ lực bằng mọi cách loại bỏ những ảo tưởng hình thức luận đã khiến cho văn học bị tách rời khỏi phần còn lại của thực tại”. Tương tự như vậy, Lillian Robinson và Lise Vogel chỉ trích Chủ nghĩa hình thức đã đặt “sự nhấn mạnh quan trọng hơn cả vào tính tự trị của mỗi tác phẩm nghệ thuật và những đặc trưng hình thức của nó, vào tính chất độc lập của con mắt phê bình”. Cương lĩnh về thẩm mĩ hoá văn học và huyền bí hoá tri thức của Chủ nghĩa hình thức bởi thế, nhìn từ khía cạnh này, lại rất ăn khớp với cái hệ thống rộng lớn hơn của sự bất công trong phân biệt đối xử.
Việc đánh giá lại vị trí của người phụ nữ trong lịch sử văn học và phơi bày sự kì thị giới tính trong văn học, phê phán những mẫu hình cứng nhắc và xây dựng những mô hình mang tính nữ quyền, đã chuẩn bị sẵn sàng cho hướng đi của các lí thuyết nữ quyền sẽ định hình cho những sự hình thành chủ đề, xã hội và tri thức trong thập niên 80 của thế kỉ XX có thể kết hợp được với nhau.
Tóm lại, kể từ năm 1972, có bốn ảnh hưởng mạnh mẽ đã thúc đẩy hơn nữa xu hướng chuyên môn hóa trong nghiên cứu nữ quyền. Thứ nhất, các trường Đại học được xây dựng với nhiều chuyên ngành khác nhau. Các nhà điều hành cấp phát cơ sở vật chất, giao thẩm quyền quyết định cho các khoa cũng như phân phát nội dung giảng dạy tới các phòng ban chủ đạo và coi Nghiên cứu nữ quyền như là chương trình học không chỉ không được ưu tiên mà còn bị phụ thuộc vào những chuyên ngành cơ sở của các khoa. Trong nhiều thập niên, các chương trình giảng dạy chỉ mang tính chắp ghép: kê cả từ đào tạo chuyên ngành được bổ sung bởi một vài khóa học cốt lõi tới cả việc đào tạo bên ngoài đại học đối với những tổ chức chính thống có quan hệ mật thiết. Dù vậy có thể thấy, là kết quả của việc xây dựng cấu trúc trường đại học, Nghiên cứu nữ quyền tuy chậm chạp, cũng đã có thể thực hiện được những mục đích liên ngành của nó.
Thứ hai, có hai xu hướng đồng quy đã thúc đẩy sự ra đời của nghiên cứu chuyên ngành những năm 70 (thế kỉ XX). Các trường đại học nâng cao yêu cầu xuất bản tài liệu đối với các khoa của trường, ví dụ như những ấn phẩm thương mại đã bị thu hồi lại bởi chính những tập đoàn truyền thông đã từng kì vọng chúng sẽ phá tan được những nguyên tắc tập thể khi tạo ra những lỗ hổng thị trường, che giấu và tiết lộ về những cuốn sách, và phát sinh lợi nhuận từ việc câu khách qua nhan đề của mỗi cuốn sách. Chịu áp lực của Đế chế truyền thông, các ấn phẩm Đại học đã cố gắng bảo toàn vốn tri thức của họ bằng cách xuất bản những công trình sánh ngang tầm với những tiêu chí học thuật chính xác nhất và đề cập đến những chủ đề chuyên ngành quan trọng nhất. Kết quả là, họ đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu nữ quyền những năm giữa 1970 và 1980, trong đó có hơn 12 cuốn thuộc lĩnh vực nghiên cứu văn học và có đến gấp hai gấp ba lần lượng sách trong các lĩnh vực khác.
Thứ ba, vì cần những nơi hội họp bàn luận hợp pháp cho những lĩnh vực mới, các nhà nữ quyền đã tạo lập những tạp chí học thuật đầu tiên vào năm 1972. Qua đó, ngay lập tức, họ đã phát triển được những chuyên ngành nghiên cứu cụ thể: Có thể thấy sự chuyên sâu về lịch sử nổi bật trong “Nghiên cứu nữ quyền” (Feminist Studies) của Ann Calderwood, sự nghiên cứu sâu về văn học trong “Nghiên cứu phụ nữ” (Women’s Studies) của Wendy Martin, nghiên cứu về thế kỉ 17 và 18 trong “Bản tin Marry Wollstonecraft” (Mary Wollstonecraft) (mà sau này được đổi tên thành“Phụ nữ và văn học” – Women and Literature) của Janet Todd Florence Rush, các dữ liệu thư mục trong “Bản tóm tắt các công trình nghiên cứu của phụ nữ” (Women’s Studies Abstracts), và những nguồn cung cấp chương trình từ “Điểm sách nghiên cứu của phụ nữ” (Women’s Studies Newsletter) của nhà xuất bản Nữ quyền. Mặc dù gần như không tham gia vào cái diễn đàn nghiên cứu sôi nổi ấy, năm 1975, Signs – một ấn phẩm có tính liên ngành – đã thể hiện cho người đọc thấy về chính nó như là một tạp chí khắt khe nhất. Những phương pháp kiểm soát chất lượng nội dung của nó, cùng với việc thông qua những định dạng hình thức của nó (một bài báo, một tiểu luận phê bình, một bộ phận trích dẫn), đã chuyển hướng những gì có thể đã được phê bình theo lối chính trị – xã hội của lớp độc giả thông thường sang lối phê bình học thuật trong nghiên cứu chuyên ngành.
Cuối cùng, mô hình hệ thống diễn ngôn kiến tạo tri thức mới trong Nghiên cứu nữ quyền là một mạng lưới những quy tắc, những bản sắc xã hội và những ý thức hệ chính trị khác nhau đan chéo lẫn nhau. Mỗi trục ấy tạo sinh ra những chuyên ngành của riêng mình và cũng đột ngột làm biến đổi những chuyên ngành mới ở bất cứ một giao điểm nào của nó với các lĩnh vực khác. Ví dụ như, xem xét việc nghiên cứu về chủ đề Chuyển đổi giới tính: nó có thể nảy sinh trong chuyên ngành lịch sử Y học hay Xã hội học (những chuyên khoa lấy nguyên tắc xã hội làm cơ sở). Không chỉ thế, nó cũng có thể làm phát sinh một hướng nghiên cứu về chuyển đổi giới tính ở các cộng đồng Mĩ gốc Phi (Những chuyên ngành dựa trên bản sắc), hoặc nghiên cứu một lễ kỉ niệm cuộc sống riêng tư hay là phê bình về chính sách công cộng (Những chuyên ngành lấy chính trị làm nền tảng),…Tất nhiên, văn học cũng không nằm ngoài trục kết hợp đó.
Tóm lại, khi đã xây dựng được một nền tảng giáo dục cao hơn để bắt đầu tổ chức những thực hành sản sinh tri thức, các nhà nữ quyền đồng thời cũng sẽ có thể giành được lợi thế trong việc cung cấp những nguồn lực cho công việc nghiên cứu và giảng dạy của họ. Khi các ngành nghiên cứu nữ quyền thu hút được lượng học giả nhiều hơn, chúng đồng thời cũng sản sinh ra được lượng tri thức lớn hơn – hệ thống dần dần trở nên chi tiết hơn bởi ý thức hệ chính trị, bản sắc xã hội và sự nghiên cứu chuyên ngành. Để có thể tổng hợp được những tri thức tách biệt và đôi khi trái ngược nhau, các nhà nữ quyền đã xây dựng hệ thống lí thuyết tương ứng với các chủ đề và với những hệ thống xã hội; nhưng những lí thuyết này, đến lượt nó, lại được phê bình bởi các nhà nữ quyền lấy nền tảng từ những lĩnh vực chuyên ngành khác và dựa trên giả định hoặc của Chủ nghĩa hiện thực, của Chủ nghĩa cấu trúc, hoặc các nhà hậu cấu trúc… Những bài phê bình ấy lại châm ngòi cho một cuộc siêu tranh luận về vấn đề làm thế nào để sản sinh được nhiều hơn nữa sự phê bình cũng như lượng lí thuyết tương ứng mà, một khi chúng được sản sinh, sẽ lại khiến cho các nhà học giả nữ quyền bị quay cuồng trong một mớ những thứ tương tự như thế. Những bước phát triển này đã dần hoàn thiện sự chuyển đổi của các diễn ngôn nữ quyền: các nhà nữ quyền của phong trào đã nhìn sự thay đổi xã hội như là một mục đích thực tiễn có thể đạt được thông qua sự phân tích và hành động chung, không chỉ thế, các học giả nữ quyền còn ghi nhận nó như là vấn đề chủ đề của nghiên cứu học thuật.
Thế nhưng, ngay từ năm 1971, Lillian Robinson đã băn khoăn về những gì mà các nhà nữ quyền sẽ phải vượt qua: “Tôi không đặc biệt quan tâm đến việc Chủ nghĩa nữ quyền đã trở thành một bộ phận đáng kể của phê bình học thuật như thế nào; tôi quan tâm nhiều hơn đến việc các nhà phê bình nữ quyền sẽ trở thành một bộ phận hữu ích của phong trào phụ nữ. Trong cuộc đấu tranh giải phóng của chúng ta, lưu ý của Marx về các triết gia cũng có thể được áp dụng khi nói về các nhà phê bình: cho tới bây giờ, họ mới chỉ dừng lại được ở việc diễn giải thế giới và đưa ra các quan điểm đúng đắn để thay đổi nó”. Đúng như Alice Echols sau này đã nhận xét trong “Dám tồi tệ” (Daring to be bad) (1989), lời cảnh báo ấy của Lillian được cất lên trong một thời khắc then chốt, khi trọng tâm của Chủ nghĩa nữ quyền đang dịch chuyển dần từ đấu tranh đối kháng sang sự giáo hoá phụ nữ, từ hoạt động chính trị sang sự tra vấn trí tuệ, từ những phân loại có tính tích hợp sang những dạng thức khác. Việc thể chế hoá/chính thống hoá không chỉ làm nền tảng cho sự phát triển nở rộ của các ngành học thuật, phê bình và lí thuyết nữ quyền từ sau năm 1973; mà đồng thời còn là sự chuẩn bị bước đầu cho một dự án chính trị có tính nổi loạn.
Bài viết này dựa trên việc chuyển ngữ bài tổng thuật về lí luận – phê bình nữ quyền Feminism Theory and Criticism 1: “From Movement Criticque to Discourse Analysis” của Ellen Messer-Davidow, rút từ cuốn John Hopkin Guide to Literary Theory and Criticism, John Hopkin University Press, ấn bản điện tử, version 2005
[1] Sự thống trị của nam giới (Pierre Bourdieu, Lê Hồng Sâm dịch, NXB. Tri thức, 2011).
http://vietvan.vn/vi/bvct/id3453/Con-duong-chinh-thong-hoa-ly-thuyet---phe-binh-nu-quyen/
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét